Khó dạy con vì chồng hay "chen ngang"

,
Chia sẻ

Thấy con trai khóc, không chịu uống sữa, anh Minh vừa càu nhàu với vợ, vừa bế con ra ngoài. Vợ anh đặt mạnh cốc sữa xuống bàn, hét lên: "Anh chỉ nuông chiều con sinh hư".

Bé Zin (con trai anh Minh) hơn 2 tuổi nhưng được bố rất chiều chuộng. Anh dạy con theo kiểu: “thích ăn gì thì cho ăn nấy, không cần ép” trong khi vợ anh muốn rèn con vào khuôn khổ, không thể để con thích gì là có.

Có bố làm “đồng minh”, bé Zin mỗi lần muốn uống nước ngọt hay ăn bánh chocolate là tìm cách nũng nịu với bố. Ở nhà thường không có sẵn nước ngọt, anh Minh lại dẫn con ra quán. Mỗi lần vợ anh phân tích nước có gas không tốt cho con, chứa nhiều đường hóa học là mỗi lần vợ chồng cãi cọ. Quan niệm của anh Minh là thứ gì còn hạn sử dụng, có gốc gác rõ ràng thì bé Zin đều được phép ăn, uống.
 
Đến cái cốc nhựa bé Zin làm rơi ở cầu thang, nếu thấy vợ yêu cầu con phải nhặt lên thì anh Minh thương con, quay sang trách vợ: “Con còn bé, biết gì mà cứ bắt làm việc này, việc khác”. Sau đó, anh nhanh tay nhặt cái cốc rơi cho con. Thế nên, hôm nào không có bố ở nhà, bé Zin rất nghe lời mẹ. Nếu thấy bóng bố về, dù mẹ có quát nạt thế nào, bé cũng nhất định không thực hiện, còn khóc thật to và chạy ra chỗ bố.
 
Diệp Anh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang stress do khó dạy bảo con vì chồng hay “chen ngang”. Bé Hin (con gái Diệp Anh, 4 tuổi) nhưng rất bướng bỉnh. Có lần, cô yêu cầu con cất điện thoại di động của mẹ, ngồi vào bàn ăn cơm nhưng bé Hin không nghe. Mẹ quát thì bé xị mặt xuống rồi ném “vèo” điện thoại ra ngoài cửa. Giận sôi người, Diệp Anh “tét” cho con vài cái vào mông thì chồng cô chạy đến can. Anh cho rằng, con chưa hiểu biết nên ứng xử kém là chuyện bình thường.

Lúc cô bắt con gái phải “xin lỗi mẹ” thì chồng lớn tiếng bào chữa: “Điện thoại của em đã hỏng đâu mà bắt con xin lỗi”. Sau đó, anh dắt con vào phòng tắm, lau nước mắt cho con, miệng không ngớt rối rít: “Mẹ hư quá nhỉ. Con ngoan thế này cơ mà”.

Vì thế, mỗi lần muốn dạy con điều gì, Diệp Anh phải canh chồng chẳng khác gì canh “kẻ trộm”. Nếu chồng ở đó, chắc chắn, anh sẽ không để cho vợ được chỉ bảo, dạy dỗ con điều gì. Cẩn thận là thế nhưng cũng có khi, Diệp Anh bị chồng bắt “quả tang” khi đang quát con. Những lúc ấy, vợ chồng lại giận dỗi nhau.

Thuyết phục chồng thay đổi cách "bảo vệ" con

Mâu thuẫn trong cách dạy con có thể là nguyên nhân gây xung đột cho vợ chồng. Khi đó, người chồng (vợ) thường cho là, cách dạy dỗ con của mình là đúng, là khoa học và phê phán phương pháp giáo dục của người bạn đời. Nhiều anh chồng thương yêu và chiều chuộng con thái quá khiến vợ rất khó khăn khi muốn bảo ban con. Nhắc nhở, thuyết phục thì chồng lại giận dỗi hoặc cáu gắt.

Khác biệt trong cách dạy con chỉ là một trong số những điểm xung khắc giữa hai vợ chồng. Nguyên nhân là vì vợ (chồng) được sinh ra và trưởng thành trong môi trường khác nhau nên quan niệm sống cũng khác nhau. Điều này tương tự, người vợ thích ăn cơm với cá vì cho rằng, cá là thức ăn bổ dưỡng, còn người chồng thích ăn cơm với thịt vì cho là, thịt mới ngon. Nếu người vợ quyết tranh phần hơn thua với chồng thì chuyện dạy con sẽ rơi vào cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Những lúc bị chồng “chen ngang” vào việc dạy con, người vợ nên thật bình tĩnh. Chờ cơn nóng giận qua đi, người vợ cần tâm sự với chồng về việc thống nhất trong cách giáo dục con. Suy cho cùng, người chồng cũng vì yêu thương, lo lắng cho con nhưng cách ứng xử lại nóng vội, không được mềm dẻo và kiên trì như phụ nữ. Khi đã phân tích cái nào là đúng, cái nào là sai, vợ chồng cần rút kinh nghiệm để lần dạy con sau đó được tốt hơn.

Vợ chồng cần thỏa thuận trước là không được để con phải chứng kiến những bất đồng trong cách giáo dục của cha mẹ. Có điều gì cần tranh luận, vợ chồng nên tìm không gian riêng, tránh xa con cái. Nếu vợ (hoặc chồng) đang dạy con thì người còn lại không được bênh vực con (trừ những trường hợp cần thiết).

Nếu người vợ hay quát mắng và có hành vi không đúng mực như đánh đòn con thường xuyên thì cũng nên thẳng thắn thừa nhận với chồng. Chuyện dạy con cần được xem xét nghiêm túc và dẹp bỏ cái tôi cá nhân của cả hai bên. Khi người chồng tin tưởng vào cách dạy con của vợ (an toàn cho con cả về thể chất và tinh thần) thì việc dạy dỗ con sẽ thuận lợi hơn.
 
Theo Mẹ&bé
Chia sẻ