Khi sách thiếu nhi không chỉ là truyện kể

A.D,
Chia sẻ

Có một đặc điểm chung rằng, đa phần sách thiếu nhi Việt Nam chú trọng nhiều về nội dung, chỉn chu về ngôn ngữ truyền đạt nhưng lại chưa đầu tư nhiều vào hình thức và kết cấu của sách. Tương tác của trẻ với sách đang dừng lại ở các hoạt động đã quá quen thuộc: đọc - kể - nghe.

Sách thiếu nhi Việt Nam: Câu chuyện nhìn ra thế giới

Nhắc đến sách thiếu nhi ở Việt Nam, người đọc thường hình dung đến những cuốn truyện kể, cổ tích, những cuốn truyện văn học như Dế mèn phiêu lưu ký, Kính vạn hoa, hay những cuốn sách kiến thức, kỹ năng,... được minh họa bằng tranh vẽ cầu kỳ. Từ xưa đến nay, đó luôn là những thức quà tinh thần mang đầy giá trị tốt đẹp cho lứa tuổi thiếu nhi. Những câu chuyện đã đi vào tiềm thức, những nhân vật đã trở thành hình mẫu, giúp giũa rèn nhân cách, là các giá trị văn hóa truyền thống cần được gìn giữ, trân trọng.

Tuy nhiên có một đặc điểm chung rằng, đa phần sách thiếu nhi Việt Nam chú trọng nhiều về nội dung, chỉn chu về ngôn ngữ truyền đạt nhưng lại chưa đầu tư vào hình thức và kết cấu của sách. Tương tác của trẻ với sách đang dừng lại ở các hoạt động đã quá quen thuộc: đọc - kể - nghe. Trong khi sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng công nghệ thông tin mang tới những sản phẩm công nghệ thông minh, thu hút như điện thoại, máy tính bảng, laptop,... thì những cuốn sách tương tác một chiều như thế này sẽ dễ dàng bị bỏ qua. Điều kiện sống phát triển, trẻ em ngày càng trở nên thông minh, sáng tạo hơn, sách thiếu nhi cũng cần cải tiến không chỉ ở nội dung, mà còn phải hấp dẫn hơn ở cả về hình thức.

Khi sách thiếu nhi không chỉ là truyện kể - Ảnh 1.

Đại diện một NXB khi nhắc đến vấn đề này đã cho rằng, nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi nhưng là thiếu nhi thời của tác giả chứ không phải thiếu nhi hiện nay.

Tại các quốc gia phát triển, các nhà xuất bản sách thiếu nhi đã làm rất tốt điều này. Tương tác với sách từ lâu đã vượt ra khỏi giới hạn một chiều đọc - kể - nghe, một quyển sách giờ đây đã có thể đa chiều chơi, lật, mở, chạm, động, nắm,... Những cuốn sách tương tác biến thành rạp chiếu phim thu nhỏ khi đèn tắt (Bedtime Shadow Books - Peter Pauter Press), những miếng “lật - mở” kích thích trẻ tự đặt câu hỏi, tự khám phá câu trả lời (Lift-the-flap - Usborne) hay các trang sách có thể “chuyển động” qua thao tác kéo đẩy của đôi bàn tay (Kididoc - Nathan),... đã khiến trẻ em trên toàn thế giới mê mẩn. Sách nước ngoài thu hút trẻ bởi thỏa mãn sự tò mò, khả năng tưởng tượng và thực sự “chơi” cùng trẻ.

Sự sáng tạo về kết cấu sách không chỉ là một điểm mới hấp dẫn trẻ em, mà còn đem lại các giá trị khoa học cho sự phát triển của trẻ. Nếu như với những cuốn truyện kể trước đây, trẻ được luyện tập về thị giác, phát triển óc tưởng tượng,... thì với những cuốn sách tương tác, trẻ còn được rèn luyện vận động tinh, phát triển sự khéo léo của đôi bàn tay đồng thời với sự phát triển của tư duy ngôn ngữ.

Sự thay đổi và những điểm sáng cho ngành xuất bản sách thiếu nhi tại Việt Nam

Hiện nay, trong lĩnh vực xuất bản sách thiếu nhi, các đơn vị xuất bản truyền thống đều ưu ái các bản thảo trong nước bởi với sự tương đồng, hiểu biết về văn hóa và chọn lọc bản quyền từ sách ngoại thay vì biên dịch tràn lan mà thiếu chất lượng như trước đây.

Lift - the - flap - Lật mở khám phá (Đinh Tị Books) gần như là bộ sách tương tác đầu tiên được sáng tạo 100% bởi Việt Nam đi tiên phong trong việc “thay đổi” và bắt nhịp với thế giới. Đây là bộ sách tương tác dành riêng cho trẻ dưới 6 tuổi với hình thức hoàn toàn mới: “lật - mở” và nội dung được biên soạn trên phông nền văn hóa của Việt Nam. Sự xuất hiện của bộ sách “100% made in Việt Nam” như thế rất có ý nghĩa khi tình trạng sách nội đang “thất thế”, khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xuất bản nên những cuốn sách chất lượng, không thua kém sách nước ngoài.

Khi sách thiếu nhi không chỉ là truyện kể - Ảnh 2.
Khi sách thiếu nhi không chỉ là truyện kể - Ảnh 3.

Sách Lift-the-flap - Lật mở khám phá

Có thể nói, “dấn thân” vào cuộc chơi sách tương tác là một hướng đi táo bạo nhưng đúng đắn của công ty sách Đinh Tị - đơn vị sản xuất và phát hành bộ sách Lật mở khám phá. Bởi dám thay đổi thói quen xuất bản, thay đổi tư duy làm sách đã là một sự can đảm. Để làm được những tương tác phức tạp, việc hiện đại hóa công nghệ in ấn còn là điều bắt buộc phải làm. Bên cạnh đó, thị trường sách Việt Nam chưa làm quen với dòng sách có kết cấu đặc biệt này - việc không tiêu thụ được vì sự xa lạ của sản phẩm đối với thị trường là một rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, được biết, bộ sách Lật mở khám phá đã phát hành đến tập thứ 9 và đơn vị này vẫn đang triển khai phát triển không chỉ dòng Lift - the - flap mà còn rất nhiều dòng sách tương tác khác, có thể thấy rằng bộ sách đã đạt được hiệu ứng kinh doanh khả quan.

Bên cạnh bộ sách “Lật mở khám phá”, dòng sách tương tác thông minh trên thị trường sách thiếu nhi Việt Nam hiện nay cũng có thêm những đầu sách nổi bật khác như Chuyển động thông minh đa ngữ Anh - Việt - Pháp (bản quyền sách Kididoc - NXB Nathan, Pháp), , Ú Òa (NXB Phụ nữ),... Hình thức tương tác mới mẻ trong các cuốn sách đã đem tới những trải nghiệm đọc sách tuyệt vời cho trẻ.

Khi sách thiếu nhi không chỉ là truyện kể - Ảnh 4.

Sách Chuyển động thông minh đa ngữ Anh - Việt - Pháp

Theo xu hướng thay đổi kể trên, độc giả Việt Nam hoàn toàn có thể kì vọng vào tương lai của ngành sách trong nước nói chung và ngành sách thiếu nhi nói riêng. Trẻ em vẫn luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những người làm sách. Sách thiếu nhi sẽ không chỉ là truyện kể mà còn có thể chuyển động, biến hình, trốn tìm, “chơi” cùng trẻ hoặc thậm chí là… ru trẻ ngủ. Ở lứa tuổi thiếu nhi, tìm đến sách cũng chính là một cách để trẻ khám phá thế giới.

Chia sẻ