Khi con hay gọi sai tên đồ vật, màu sắc

,
Chia sẻ

Khi mẹ bé Mít (hơn 2 tuổi) giơ ra một quả bóng màu đỏ và nhắc: "Quả này mới màu đỏ" thì bé lắc đầu, bảo: "Không, màu vàng".

Ngọc (mẹ bé Mít) nói thế nào, con cũng khăng khăng quả bóng màu đỏ là màu vàng và ngược lại. Từ hồi bé Mít 22 tháng tuổi, Ngọc đã mua sách dạy phân biệt đồ vật, màu sắc và cùng luyện tập với con.

Giỏ đồ chơi của bé Mít cũng luôn có đồ vật cùng loại nhưng đa dạng về màu sắc, như chiếc gậy bóng chày màu đỏ, xanh, vàng; quả bóng tennis nhựa màu vàng, màu tím… Kiên trì dạy con phân biệt màu sắc vài tháng, bé Mít đã thuộc và nhận diện được các màu cơ bản là trắng, đen, xanh, đỏ, vàng; thậm chí, màu vàng và màu cam, màu tím và màu ghi, bé cũng phân biệt được rất tốt. 
 
“Thế nhưng, có lúc con cố tranh cãi cái áo này màu xanh trong khi nó màu đỏ khiến tôi băn khoăn. Không biết con cố bảo vệ ý kiến của mình hay kém tiếp thu về màu sắc?” – Ngọc chia sẻ.

Cùng tâm trạng lo lắng như Ngọc, con trai nhà Thắm (hơn hai tuổi) cũng thích gọi tên đồ vật lung tung, dù mẹ dạy thế nào cũng không được.

Thắm cho biết: “Chỉ quả cam, con nói quả bưởi. Chỉ quả chuối, con nói quả nho. Chỉ màu xanh thì con bảo màu đỏ. Thậm chí, hỏi ông nội ở đâu thì chỉ vào bố”. Những lúc như thế, Thắm sửa sai giúp con và hướng dẫn con cách gọi tên đồ vật, màu sắc nhưng lúc bé nói được, lúc thì không.


Giúp con học tên đồ vật và màu sắc

Có hai nguyên nhân cơ bản khiến bé khó khăn khi nhận diện màu và đồ vật:

- Thứ nhất, do bé chưa đủ nhận thức. Cha mẹ tránh lo lắng quá vì thời gian đầu học nhớ tên và nhận diện màu sắc - đồ vật, các bé thường nhầm lẫn lung tung. Ngoài ra, việc gọi tên đúng đồ vật sớm hay muộn còn tùy thuộc vào mỗi bé. Điều này cũng giống như có bé biết đi sớm, nói sớm trong khi những bé khác biết đi và biết nói muộn hơn. Tất nhiên, cha mẹ luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình học nói và nhận diện đồ vật, màu sắc cho con.

Khoảng 2 tuổi, bé có thể nói được những câu ngắn như: “Bế con” hoặc “Gì thế? Ai đấy?”… Bé cũng có khả năng gọi tên đồ vật và màu sắc như “quả bóng”, “xe đạp” hay “màu vàng”, “màu xanh”… Do nhận thức còn hạn chế nên khi được cha mẹ dạy, bé gọi tên đồ vật rất chính xác nhưng chỉ ngay sau đó, bé đã nhận diện sai: Có bé chỉ nhớ được màu đỏ nên gọi tất cả các màu là màu đỏ; có bé chỉ nhớ được tên quả bưởi nên nhìn thấy quả nào cũng gọi là quả bưởi…

Tuy bé gọi sai tên đồ nhưng thực tế, bé đã nhận ra được sự giống nhau giữa những nhóm đồ vật ấy; chẳng hạn, nếu cha mẹ chỉ cho bé thấy, một con đang bơi trong chậu nước là “cá” thì lần sau, dù thấy con tôm hay con cua chuyển động trong chậu, bé cũng gọi “cá, cá”. Nhiều bé nhìn thấy hình con cá in trên áo phông hay bát, đĩa cũng biết chỉ tay gọi con cá. Tương tự, bé có thể gọi cả chó và mèo là “con mèo”, gọi quả quýt hay quả lê là quả táo vì chúng gần có hình dạng giống nhau…

Nếu cha mẹ dành thời gian ôn luyện tên màu và đồ vật thường xuyên thì bé dễ nhớ hơn. Khi đưa cho bé một quả cà chua, phụ huynh vừa gọi tên quả vừa nhắc bé nhớ đến màu đỏ; nếu đưa con ra ngoài, có thể giúp con phân biệt bông hoa màu đỏ và bông hoa màu vàng, lá cây màu xanh…. Nếu hỏi vài lần con chưa trả lời được, cha mẹ cũng không nên nản chí. Nguyên tắc là càng lặp đi lặp lại nhiều lần, bé càng nhanh thuộc vì giai đoạn này, bé học thông qua bắt chước.
 
- Thứ hai, bé biết thứ nào là đúng nhưng cố tình nói sai. Nếu bé biết đó là chiếc giày màu đỏ nhưng cố tình nói là màu xanh thì đó là khi bé đang muốn bảo vệ ý kiến của bản thân. Đây là giai đoạn bé phát triển độc lập và muốn làm theo ý mình. Trường hợp này, cha mẹ có thể dạy con theo kiểu “phủ định của phủ định”, nghĩa là, nếu chỉ vào màu vàng, bé bảo màu đỏ thì có thể giả vờ: “Không phải, đây là màu xanh chứ. À không, đây là màu tím…” rồi nhìn con băn khoăn. Bé thấy hứng thú và vội vàng sửa: “Màu vàng chứ”. Khi bé nói đúng, phụ huynh cần khích lệ bé và tiếp tục dạy con nhận diện những màu khác.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tổ chức trò chơi nhận diện màu sắc cho con. Có thể chuẩn bị cho hai mẹ con, mỗi người một rổ nhựa đồ chơi và yêu cầu: “Nếu mẹ hô màu gì thì mẹ và con cùng giơ màu đó nhé. Ai thắng sẽ được tặng thưởng”. Sau đó, hô lên: “Màu đỏ nào” và kiểm tra kết quả xem bé có đúng không. Cha mẹ có thể đổi vai, cho bé làm người điều khiển trò chơi và thỉnh thoảng, giả vờ như chọn màu sai để bé sửa cho mẹ.

Cuối cùng, nếu cha mẹ thấy bé vẫn khó khăn khi phân biệt tên đồ vật và màu sắc thì có thể đưa bé đi khám.

Theo Mẹ và bé

Chia sẻ