Khi con đi không vững, các mẹ đừng chủ quan vì có thể bé đang mắc dị tật này

Linh Linh,
Chia sẻ

Hầu hết các bậc phụ huynh đều chủ quan cho rằng con đi không vững chỉ vì con còn đang ở tuổi tập đi. Thực tế là không ít bé đã mắc phải một dị tật nguy hiểm từ dấu hiệu đi không vững.

Bàn chân bẹt, gan chân phẳng lì là một dạng dị tật phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thần kinh cột sống và sự phát triển sau này của trẻ. Nhưng nhiều mẹ lại không để ý và thường bỏ qua những dấu hiệu nhận biết cần thiết, nên không phát hiện kịp thời để điều chỉnh cho con.

Mới đây, chị Bùi Thùy Linh, mẹ của bé Tuva đã chia sẻ về quá trình phát hiện và điều trị chứng bàn chân bẹt cho con gái. Những kinh nghiệm cá nhân trong việc theo dõi con, dấu hiệu phát hiện và cách điều trị của mẹ Tuva đã giúp các mẹ khác có thêm một góc nhìn rõ ràng hơn về chứng bàn chân bẹt ở trẻ. 

Giai đoạn 1: Quan sát và dấu hiệu

Khi có con nhỏ tầm tuổi tập đi thì các bố mẹ thường rất để ý đến con, chị Linh cũng không là ngoại lệ. Bé Tuva nhà chị biết đi rất muộn (15 tháng), khi biết đi thì rất ít ngã vì tính con cực kỳ cẩn thận. Những lúc để ý thấy con đi có chút xiêu vẹo, chị lại nghĩ do con gầy, do con mới biết đi… Nhiều người ngoài cũng góp ý: "Chân Tuva bé thế thì chắc đi không vững bằng những bạn chân to đâu!". Trong lòng tuy có chút băn khoăn, nhưng chị Linh rồi cũng không biết hỏi ai, chỉ biết theo dõi ngầm chân con gái của mình xem có cải thiện dần lên không.

Tuva1
Hình ảnh chân của bé Tuva, hai má bàn chân đổ vào trong.

Tuva hay ngồi chân xếp hình chữ M. Khi bé tầm 2 tuổi, chị Linh đã trao đổi với chồng mình về việc thấy bàn chân con bị “vẹo vẹo”, đổ vào trong. Nhưng rồi hai bố mẹ lại không biết tìm hiểu ở đâu, tự trấn an rằng chắc con mình cũng bình thường thôi và có khi do con mới biết đi mấy tháng nên chân chưa vững, chắc được.

Đến lúc Tuva 2 tuổi rưỡi, nhìn bé đi chân đất với đi giày búp bê, chân con đổ vào trong càng ngày càng rõ ràng hơn. Chị Linh cực kỳ hoang mang và không thể yên tâm được nữa. Đúng thời điểm ấy, ông ngoại Tuva xem tivi có phát chương trình về bàn chân bẹt. Ông liền gọi điện ra, bảo chị Linh hãy đưa cháu đi khám ở một trung tâm nước ngoài được giới thiệu luôn trong chương trình mà ông xem. Chị Linh vốn đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, nên khi có địa chỉ cụ thể thì quyết định đi luôn vào ngay ngày hôm sau.

Giai đoạn 2: Kết luận và điều trị

Sau khi khám với các việc như: scan bàn chân, nhìn con đi, hỏi con có hay ngã không…, các bác sỹ đưa ra chẩn đoán rất nhanh: Tuva bị bàn chân bẹt rõ nét. Đồng thời, bác sĩ cũng đưa ra phác đồ điều trị là con sẽ đi giày chỉnh hình từ lúc ấy (2,5 tuổi) đến hết tuổi dậy thì.

Tuva2
Hình ảnh scan bàn chân của bố Tuva bình thường,

Tuva3
So với bàn chân Tuva bị bàn chân bẹt rõ ràng.

Theo lời của bác sỹ, bàn chân của Tuva có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất. Điều này khiến bàn chân của bé bị biến dạng và ảnh hưởng đến việc đi lại hay chạy nhảy, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối. 

Rất may là mẹ Tuva đã đưa con đi khám và có biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi vì thông thường trẻ dưới 2 tuổi đều có bàn chân bẹt. Từ 2 tuổi trở lên, các vòm bàn chân bắt đầu được hình thành. Và việc áp dụng phương pháp chỉnh hình phải càng sớm càng tốt.

Giày chỉnh hình thực ra là một đôi lót giày được đo ni đóng giày cho bé, giúp hỗ trợ con đỡ phần má trong bàn chân, nâng lên theo thời gian. Việc của bố mẹ là mua cho con một đôi giày tốt, dạng giày thể thao sẽ tốt hơn vì nó ôm chân, rồi mang đến trung tâm, lắp đế giày, thử giày để các chuyên gia xem đã tối ưu chưa. Giày không cần quá rộng, quá chật, tiện dụng để nâng thời gian bé đi bộ mỗi ngày.

Đến nay Tuva đã đi giày được hơn nửa năm, vẫn đến trung tâm kiểm tra lại giày định kỳ (1 tuần, 1 tháng, 3 tháng theo hẹn trước từ bác sỹ). Bé rất chịu khó đi bộ hàng ngày. Khi đi giày, dáng của Tuva khá hơn rất nhiều, nhưng bỏ giày ra vẫn chưa cải thiện được nhiều do việc chỉnh hình đòi hỏi cần có thời gian lâu dài mới mang lại hiệu quả.
Chia sẻ