Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung

Đinh Hương,
Chia sẻ

Điều đáng tiếc nhất của một người sắp chết có lẽ là phải ra đi quá sớm, khi mà chưa kịp thực hiện được những điều muốn làm, những lời hứa hẹn, những dự định, không thể nhìn được con mình khôn lớn hàng ngày, không được kề cận bên để chăm sóc người mình yêu thương…

Cái chết luôn là một sự bất ngờ. Không ai muốn. Không ai mong. Ngay cả những người bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng không thể biết được mình sẽ ra đi vào lúc nào. Một ngày, hai ngày, hay một tháng sau? Điều đáng tiếc nhất của họ, những người không biết ngày nào mình sẽ lìa xa cõi đời có lẽ là phải ra đi quá sớm, khi mà chưa kịp thực hiện được những điều muốn làm, những lời hứa hẹn, những dự định, không thể nhìn được con mình khôn lớn hàng ngày, không được kề cận bên để chăm sóc người mình yêu thương…

Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Cái chết của bố tôi cũng như vậy. Bố mất khi chỉ mới 27 tuổi, một sự ra đi quá sớm. Lúc ấy tôi 8 tuổi rưỡi, lần đầu tiên tôi biết đám tang là gì. Tôi cũng đủ nhận thức để hiểu được cái chết là sự chia lìa vĩnh viễn. Thế nhưng có một điều sẽ tồn tại mãi mãi, đó chính là tình cảm và sự kính trọng của tôi dành cho bố cũng như những bài học bố để lại đã theo tôi cho tới khi tôi sắp từ giã cõi đời này…

Tôi vẫn còn nhớ về bố, một người rất yêu thương vợ con. Tôi thích nhất là mỗi chiều được bố cõng trên vai từ trường về nhà, bố hay kể tôi nghe đủ thứ chuyện thú vị trên đời. Mỗi khi tôi làm sai điều gì, bố luôn nhẫn nại chỉ bảo và giải thích cho tôi từng chút một. Mỗi tối bố đều ngồi cạnh giường và hôn lên trán chúc tôi ngủ ngon, sau này tôi cũng giữ thói quen này với bọn trẻ của mình.

Bố rất buồn cười, lần nào cũng vậy, trước khi ra lệnh cấm túc tôi, bố đều kể một câu chuyện hài hước. Chắc vì vậy mà tôi luôn cảm thấy thoải mái dù bị phạt. Bố cũng là một người kỳ cục đến mức nhất định bắt tôi phải ủng hộ đội bóng mà ông ấy thích… Bạn biết đó, một người bố như vậy mãi mãi không thể nào tôi quên.

Bố chưa bao giờ nói với tôi là ông ấy sắp chết cả. Ngay cả khi bố phải nằm liệt trong bệnh viện nhiều ngày trời với rất nhiều loại ống cắm khắp người, bố vẫn không hề nói nửa lời về chuyện đó. Bố còn lên kế hoạch chúng tôi đi chơi vào năm sau, dù ông ấy biết chẳng thể trụ lại được bao lâu nữa. Bố nói chúng tôi sẽ đi câu cá, đi du lịch, đi tất cả những nơi chưa bao giờ đến. Năm sau chắc chắn sẽ là một năm tuyệt vời nhất của cả hai chúng tôi. Thế nhưng cái năm sau đó chưa kịp đến thì bố tôi đã ra đi mãi mãi.

Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Tôi vẫn tin rằng, bố nghĩ cứ lạc quan lên sẽ mang đến may mắn. Bố cũng là một người khá mê tín đấy. Nghĩ về tương lai sẽ giúp cho ông ấy có thêm niềm tin, sức mạnh và sự hy vọng vào những điều tốt đẹp. Ông bố này đã khiến tôi cười vui vẻ đến phút chót.

Mẹ đến trường đón tôi vào một ngày nọ và chúng tôi cùng đi thẳng đến bệnh viện. Các bác sĩ với bộ mặt thểu não u ám nói rằng họ đã cố gắng hết sức. Mẹ tôi bật khóc ngã quỵ xuống. Tôi nghĩ bà luôn giữ hi vọng trong lòng, dù rất mong manh. Đầu óc tôi choáng váng, giống như một tiếng nổ vỡ ra trong đầu. Tôi cứ tưởng đó chỉ là một căn bệnh vặt vãnh, chỉ cần tiêm vài mũi thì bố sẽ khỏe lại? Con ghét bố, bố ạ!

Tôi cảm thấy như bị phản bội. Tôi gào thét với sự giận dữ tột độ, cho đến khi tôi nhận ra rằng thật sự bố không còn ở bên cạnh mình nữa. Tôi đã khóc.

Một cô y tá bước đến bên cạnh dỗ dành và đưa cho tôi một chiếc hộp chứa đầy những phong thư đã được dán kín. Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau đó cô ấy đưa cho tôi một bức thư khác và nói:

“Bố con nhờ cô giao số thư này cho con. Ông ấy đã dành cả tuần để viết chúng. Ông ấy muốn con đọc. Mạnh mẽ lên con nhé!”, cô y tá nói khi ôm tôi vào lòng.

Trên bao thư là dòng chữ “Khi bố ra đi”. Tôi mở thư ra đọc.

“Con trai à,

Nếu con đọc những dòng này, bố đã chết rồi. Bố xin lỗi, bố biết mình sắp chết. Bố không muốn nói với con vì không muốn nhìn thấy con khóc. Nhưng giờ chắc bố đã làm con khóc rồi phải không. Nhưng thôi, một người sắp chết như bố thì cũng có quyền ích kỷ một chút chứ nhỉ…

Con thấy đó, bố còn rất nhiều thứ muốn dạy con. Con còn quá nhỏ nên chẳng biết cái quái gì cả, vì vậy bố mới phải viết những lá thư này. Nhưng con phải hứa không được mở chúng ra khi chưa đến đúng thời điểm nghe chưa! Đây là lời hứa của chúng ta đấy nhé!

Bố yêu con. Hãy chăm sóc cho mẹ. Bây giờ con là người đàn ông trụ cột của cả nhà rồi đấy.

Yêu con, bố.

Tái bút: Bố không viết thư cho mẹ con đâu. Mẹ đã có cái xe ô tô rồi.”

Nhìn nét chữ nguệch ngoạc của bố, tôi dừng khóc từ khi nào không hay. Những dòng chữ mà lúc đấy tôi không thể hiểu hết được nhưng vẫn cảm thấy sự bình yên lạ thường. Những dòng chữ khiến tôi mỉm cười. Bố lúc nào cũng như thế, luôn biết cách khiến cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, giống những câu chuyện cười trước lúc phạt tôi vậy.

Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Và từ đó, chiếc hộp thư của bố trở thành vật vô giá đối với tôi. Không ai được phép mở ra hay đọc những bức thư, kể cả mẹ tôi.

Bảy năm sau đó, nhà tôi chuyển sang một nơi ở mới. Mẹ tôi cũng vài lần có bạn trai khác nhưng bà chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện tái hôn cả. Tôi tin rằng đó là vì mẹ quá yêu bố, một tình yêu duy nhất và vĩnh cửu trong đời bà.

Một ngày nọ tôi với mẹ cãi nhau rất to. Tôi ghét người bạn trai mới của mẹ, một gã không ra gì cả. Mẹ xứng đáng với một người đàng hoàng hơn, tốt với mẹ hơn là một gã đàn ông tồi tàn mẹ gặp ở quán rượu.

Tôi vừa dứt lời thì mẹ cho tôi một cái tát trời giáng đỏ hết cả mặt. Tôi bỏ về phòng trong một tâm trạng thật tệ hại. Bỗng nhớ tới một bức thư bố để lại “Khi con cãi nhau to với mẹ”, tôi lục tung chiếc hộp và lấy bức thư ra đọc.

“Hãy xin lỗi mẹ ngay lập tức.

Bố không cần biết ai đúng ai sai hoặc hai mẹ con cãi nhau vì vấn đề gì. Bố hiểu mẹ của con hơn ai hết, cho nên bây giờ điều con cần làm là hãy xin lỗi mẹ. Ý bố là một lời xin lỗi thật tâm và thành khẩn nhất của con đấy!

Người đó là mẹ con, con trai ạ. Mẹ luôn yêu thương và lo lắng cho con hơn bất cứ điều gì trên đời này. Con có biết bà ấy đã trải qua khó khăn thế nào để sinh con ra, vì mọi người nói sinh thường mới tốt nhất cho con. Con có biết mẹ con đã đau đớn thế nào khi sinh nở hay không? Không có bằng chứng nào về tình yêu mạnh mẽ hơn thế cả.

Giờ thì xin lỗi mẹ đi con. Mẹ sẽ tha lỗi cho con ngay.

Yêu con, bố.”

Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung - Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Những dòng chữ của bố, dù là một nhân viên ngân hàng rất bình thường, nhưng lại có tác động rất lớn đến toàn bộ suy nghĩ trong đời tôi. Những dòng chữ ngắn gọn nhưng chứa đựng rất nhiều sự thông thái giản đơn, nhiều hơn cả những gì tôi học được trong 15 năm cuộc đời mình.

Tôi gấp thư lại và chạy ra ngoài xin lỗi mẹ. Hai mẹ con ôm chặt nhau cùng khóc và rồi cùng cười khi nghĩ về ông bố quái đản này. Mẹ kể ông ấy còn có rất nhiều sở thích kỳ cục, chẳng hạn như ăn dâu tây với xúc xích. Và rồi trong giây phút ấy, chúng tôi như cảm nhận được bố đang ngồi ngay bên cạnh với một nụ cười ấm áp.

Bố tiếp tục theo dõi tôi qua từng bước đi trong đời: “Khi con hôn lần đầu”, “Khi con tạm biệt đời trai tân”, “Khi con kết hôn”, và bức thư khiến tôi vô cùng xúc động đó là “Khi con lên chức bố”.

“Giờ con đã hiểu yêu thương thật sự là thế nào rồi phải không con trai. Con sẽ nhận ra mình yêu vợ mình rất nhiều và luôn muốn mang lại những thứ tốt nhất cho cô ấy. Nhưng chỉ khi con làm bố rồi, con mới cảm nhận được đầy đủ nhất ý nghĩa của tình yêu. Con sinh con trai hay con gái, bố không biết được vì giờ bố chỉ là bộ xương khô chứ không phải nhà tiên tri.

Nhưng con hãy nhớ phải nắm bắt từng giây phút. Thời gian trôi qua rất nhanh và bố không muốn con bỏ lỡ một khoảnh khắc quý giá nào cả. Hãy luôn bên cạnh con mình, thay tã cho nó, tắm gội cho nó, trở thành tấm gương để con cái noi theo.

Bố tin con cũng sẽ trở thành một người bố tốt, y hệt bố vậy.”

Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung - Ảnh 5.

Ảnh: Internet

Bức thư kế tiếp bố gửi cho tôi là bức ngắn nhất và đau lòng nhất “Khi mẹ con qua đời”. Trong thư chỉ vỏn vẹn mấy chữ.

“Giờ thì mẹ lại là của bố rồi nhé!”

Đúng là ông bố kinh điển của tôi rồi. Ông luôn tìm được cách khiến tôi cười khi tôi sợ hãi và xóa bỏ đi những cơn giận giữ trong tâm trí tôi. Nhưng đây là bức thư duy nhất không thể làm tôi cười.

Tôi luôn giữ giao kèo mở thư vào đúng thời điểm. Thế nhưng có một bức chắc chắn tôi sẽ không có cơ hội mở ra, nên thôi tôi quyết định sẽ xem luôn. Đó là bức “Khi con biết mình là người đồng tính”.

“Bố phải nói gì bây giờ nhỉ… Thật mừng vì bố chết mất rồi!

Nói đùa thôi. Khi chỉ còn một nửa mạng sống trên giường bệnh, bố nhận ra là chúng ta quan tâm quá nhiều tới những điều thật vớ vẩn. Là người đồng tính thì sao, có thay đổi điều gì ở con người con hay không?

Đừng ngốc như vậy. Hãy vui vẻ lên con trai ạ!”

Thời gian thấm thoát trôi đi. Tôi vẫn luôn háo hức được mở từng bức thư của bố trong mỗi dịp quan trọng trong đời mình. Từng bức, từng bức một được mở ra với bao nhiêu cảm xúc. 

Và hôm nay, tôi chính là người nằm trên giường bệnh với các loại ống cắm trên người. Tôi biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Trong hộp cũng còn duy nhất một lá thư cuối cùng. Thật ngạc nhiên vì một gã 27 tuổi vẫn thông thái hơn một ông lão 85 tuổi là tôi đây.

Bức thư cuối cùng của bố, bức thư khiến tôi cảm thấy sợ hãi không dám mở ra “Khi con chuẩn bị lìa xa cõi đời”. Hít thở một hơi sâu, tôi quyết định đọc lá thư đó.

Khi bố qua đời: Lời trăn trối dài hơn 7 thập kỷ của người cha dành cho con trai trước lúc lâm chung - Ảnh 6.

Ảnh: Internet

“Chào con trai, chắc bây giờ con đã trở thành một ông cụ rồi nhỉ.

Con biết không, đây là bức thư dễ nhất và cũng là bức thư đầu tiên mà bố viết. Bức thư này cũng là sự giải thoát cho bố khỏi nỗi đau vì mất con. Đến thời điểm này, chắc tâm trí con sẽ thanh thản và sáng suốt hơn rất nhiều, vậy nên nói chuyện về cái chết cũng dễ dàng hơn.

Vào những ngày cuối cùng, bố đã nghĩ về toàn bộ cuộc đời mình. Bố đã có một cuộc sống khá ngắn ngủi nhưng lại vô cùng hạnh phúc. Bố được trở thành chồng của mẹ con, và được làm bố của con. Bố còn cầu mong gì hơn? Điều này khiến tâm trí của bố trở nên dễ chịu và thanh thản vô cùng. Con cũng phải như thế nhé.

Lời khuyên của bố dành cho con là: Đừng nên sợ hãi bất cứ điều gì cả!

Tái bút: Bố nhớ con nhiều.”

(Nguồn: Rafael Zoehler)

Chia sẻ