Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra?

Phan Thanh Nhàn / Ảnh: Quý Nguyễn,
Chia sẻ

Đàn ông vào bếp là chuyện chẳng lạ cũng chẳng quen. Nhưng 14 người đàn ông cùng vào bếp thì chắc chắn là chuyện li kì hiếm thấy, tha hồ cho chị em mở mang tầm mắt, thỏa trí tò mò.

"Có đôi mắt ai bỗng nhiên xoe tròn vì ai đảm đang

Có bầu trời bỗng nhiên ngát xanh và ngày bỗng nhiên tươi sáng

Có cuộc đời bỗng nhiên căng tràn, cho dù xe đang hết xăng

Có một cô bỗng nhiên ngồi cười cả ngày, vì một bữa ăn

Vì anh xắn tay vào bếp…"

Những ca từ đáng yêu trong bài hát "Xắn tay vào bếp" (Phạm Nhật Minh) đã kể hộ phần nào câu chuyện của ngày 16/09, khi 14 người đàn ông – 14 ông chồng có cơ hội cùng trổ tài nấu ăn trong Cả nhà vui bếp của Hafele Việt Nam. Bỏ qua một bên những hợp đồng tiền tỉ, những cuộc tranh quyền đoạt vị trên bàn nhậu, những áp lực cơm áo gạo tiền,… đấng mày râu được dịp thử sức mình ở một căn bếp nhỏ, với tạp dề, mắm, muối, trong sự cổ vũ nhiệt tình từ chính người bạn đời của các anh. 

Diễn viên Phạm Bảo Anh (Bảo Ngậu - Người phán xử) cùng 14 ông chồng vào bếp so tài cực cam go

Từ sáng, 14 ông chồng đã có mặt sẵn sàng với thử thách học nấu ăn và thi tài nấu ăn giữa các đội. Có anh đã biết nấu ăn từ trước. Có anh thì biết nấu ăn từ trước nhưng lâu lắm chưa vào bếp. Có anh thì lại hoàn toàn mù tịt chuyện bếp núc, vợ bảo đi thì đi thử xem thế nào. Có anh cũng chẳng biết gì về bếp, cơ mà lại tò mò muốn học thử để sau này phục vụ vợ yêu. Mỗi ông chồng có một lí do để có mặt ở sự kiện này, chẳng ai giống ai, nhưng đều vào bếp với tinh thần cầu thị và vô cùng hào hứng.

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 2.

Các ông chồng mang tạp dề vào cũng ra dáng đầu bếp thực thụ ra phết!

Các anh nói gì về chuyện vào bếp?

Hôm nay, 14 ông chồng sẽ thử sức làm món mỳ Ý tươi cùng bếp trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Các anh được hướng dẫn để tự tay làm từng sợi mì tươi từ khâu nhào bột, làm mịn, cắt sợi,… đến quá trình làm món ăn kèm như salad, bít tết.

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 3.

Các anh ơi mình cùng vào bếp nào

Anh Gia (Long Biên, Hà Nội) một ông chồng 27 tuổi, theo lời giới thiệu của bạn đến tham gia Cả nhà vui bếp chia sẻ: "Mình mới biết nấu ăn được một thời gian thôi. Ở nhà, mình cũng chỉ thỉnh thoảng tự nấu, chủ yếu là khi nào vợ không có nhà thì vào bếp thử đủ trò xem nó ra món gì."

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 4.

Anh Gia (Long Biên) chỉ vào bếp khi vợ vắng nhà để tranh thủ "vọc" món mới

Trong khi đó, anh Tuấn (Bà Triệu, Hà Nội) thì đã có kinh nghiệm bếp núc trong thời gian sinh sống, tự lập ở nước ngoài nhưng đã lâu không vào bếp, quyết định tham gia Cả nhà vui bếp vì "cứ tưởng hôm nay được các chị vợ nấu cho ăn nhưng đến mới biết hóa ra mình phải nấu (cười). Ở nhà thì mình cũng ít nấu ăn lắm vì vợ mình rất biết chăm chồng."

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 5.

Anh Tuấn (Bà Triệu) tự hào khoe vợ chiều chồng nên chẳng mấy khi vào bếp

Đặc biệt, sự xuất hiện của diễn viên Phạm Bảo Anh (thủ vai "Bảo Ngậu" trong Người phán xử) với vẻ điển trai đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Phạm Bảo Anh vừa nấu bếp, vừa mách nước các anh: "Cách tốt nhất để yêu thương vợ con là nấu ăn!"

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 6.

"Bảo Ngậu" thì chuẩn soái ca bật mí bí kíp đốn tim vợ bằng bếp núc

Khi được hỏi quan điểm của các anh về chuyện đàn ông vào bếp, hầu hết các anh đều đồng tình rằng đàn ông nên san sẻ chuyện bếp núc với vợ và cho chuyện nấu nướng là hoàn toàn bình đẳng.  

Các chị nói gì về chuyện các anh vào bếp?

Trong lúc các anh đang loay hoay với các nguyên liệu, công thức nấu ăn, các chị tập trung theo dõi và cổ vũ rất nhiệt tình. Có vẻ với phụ nữ, được chứng kiến các đấng lang quân của mình mang tạp dề, chăm chú, tỉ mỉ nấu ăn là một việc vô cùng thu hút.

Chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Nhìn chồng nấu ăn chị cực kì hồi hộp, nhưng khi thưởng thức món ăn chồng nấu thì chị yên tâm cực kỳ."

Chị Nga (Trương Định, Hà Nội) thì chia sẻ món mà chồng chị nấu ngon nhất là món… nước mắm. Chị phân trần rằng nước mắm rất khó để pha ngon, chồng chị pha được nước mắm ngon là quá giỏi rồi!

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 7.

"Chồng chị giỏi nhất là...pha nước mắm!" - chị Nga (Trương Định)

Cũng đến cổ vũ chồng vào bếp, chị Trang (Hoàng Cầu, Hà Nội) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi kể về những lần vợ - chồng cùng nhau vào bếp. Trên tay còn bế con nhỏ, chị kể "món gì anh nấu chị cũng thích hết", thế nên hai vợ chồng thường xuyên để ông bà trông cháu và nấu ăn cùng nhau. Quả là một cách hâm nóng tình cảm vô cùng "ẩm thực" – đậm vị, thơm hương.

Khi “14 ông chồng” cùng vào bếp, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 8.

Mẹ con mình cùng cổ vũ cho bố vào bếp nào!

Mỗi chị lại có một câu chuyện khác nhau chia sẻ về việc chồng vào bếp, nhưng chị nào cũng hạnh phúc mỗi khi chồng đeo tạp dề. Vui nhất với các chị là có một người đồng hành, cùng san sẻ những nỗi lo và những áp lực trong bếp. Có khi niềm vui được thấy chồng vào bếp với các chị chỉ thua mỗi niềm vui khi chồng nhận lương ấy chứ.

Thay lời kết

Sau một buổi sáng lăn lộn trong bếp, cuối cùng cũng tìm ra được đội những ông chồng nấu ăn xuất sắc nhất. Thành quả của một ngày vào bếp với các anh, không chỉ là một trải nghiệm mới mẻ mà còn là một kỷ niệm khó quên, một câu chuyện nhỏ vui cả vợ cả chồng. Thiết nghĩ, các anh cứ chịu khó vào bếp hơn, chị em phụ nữ chúng mình cứ chịu khó cổ vũ chồng hơn, thì chuyện vợ chồng cả năm cả tháng cam đoan sẽ là một món ăn hoài không biết chán!

Chia sẻ