Khen con - lợi bất cập hại

,
Chia sẻ

Với tâm lý “ở nhà nhất mẹ nhì con”, không ít ông bố bà mẹ đã đưa con mình vào những tình huống khó khi “đưa con lên chín tầng mây” bằng những lời khen quá mức.

Gia đình chị Hà Minh (Biên Hòa, Đồng Nai) bày tỏ một liệu pháp dạy con mà chị cho là hiệu quả: Khi có dịp là vợ chồng chị thay nhau kể về những thành tích mà con gái của chị đạt được cho mọi người cùng nghe. Nhờ thế, bé Mi Mi (tám tuổi) của chị ngày càng tiến bộ. Cháu học toán cũng bình thường, nhưng đi đâu chị cũng bảo con gái có năng khiếu toán học, nhờ đó, cháu rất thích giải bài tập. Mi Mi tâm sự: “Cháu rất vui vì ba mẹ quan tâm và luôn động viên, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi”.
 

Khoe con có thể là nguồn động viên đối với con, nhưng khoe quá đà lại tạo áp lực cho con. Đừng để rơi vào tình cảnh “há miệng mắc quai” như trường hợp gia đình anh Gia Huy (Q. Bình Thạnh, TPHCM). Gia Hân - con gái anh đang học lớp 11, gặp ai anh cũng khoe cháu học rất giỏi toán, vật lý và hóa học. Anh thường nói: “Các đề thi đại học khối A cháu đều giải được hết, nhất là môn hóa học… Không những thế, cháu còn giỏi cả nhạc và họa nữa chứ”. Tưởng con anh Huy giỏi thật, một đồng nghiệp nhờ giải hộ mấy đề hóa học lớp 11 cho con trai. Gia Hân loay hoay mãi nhưng vẫn không giải được. Khi biết được ở cơ quan bố hay tâng bốc mình với mọi người, Gia Hân rất ngượng ngùng và trở nên rụt rè khi có dịp tiếp xúc với họ. Cháu cũng cảm thấy căng thẳng khi biết mình không giỏi như bố thường nói.

Hệ lụy

Một đứa trẻ khi được cha mẹ thường xuyên đưa mình ra làm gương cho mọi người sẽ nẩy sinh hai chiều hướng tâm lý không tốt khi trưởng thành. Có thể trẻ sẽ rất tự kiêu, tự mãn. Trẻ quen được nghe những lời khen ngợi hay tâng bốc nên sẽ sốc hoặc không làm chủ được hành vi của mình nếu có ai đó chỉ ra nhược điểm, hạn chế của mình. Trẻ không biết tự đánh giá đúng bản thân, hoặc là trẻ nhận biết được những lời khoe khoang của cha mẹ không đúng sự thật. Điều này làm cho chúng mất tự tin trong cuộc sống, lo lắng tìm mọi cách để đạt được những điều cha mẹ mong muốn. Và, khi đã cố gắng quá sức, các em sẽ không tự chủ được hành vi của mình.

Tóm lại, cha mẹ cần thận trọng khi đem con cái ra làm chủ đề cho những cuộc nói chuyện. Những lời khoe con quá mức đều làm lệch hướng phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ cũng có lòng tự trọng, nếu nghe nhiều lời phóng đại về mình, chúng sẽ không còn tôn trọng người lớn và thiếu hụt những kỹ năng cơ bản để bước vào cuộc sống.

Nhiều bậc phụ huynh nhầm tưởng khoe khoang về những tài năng của con là cách biểu hiện lòng quan tâm và tự hào về chúng. Tuy nhiên, niềm tự hào này sẽ phản tác dụng khi cha mẹ vượt quá giới hạn, thổi phồng hình ảnh con cái họ lên để thỏa mãn cái tôi của chính mình. Dù vô tình hay hữu ý thì những lần khoe con một cách thái quá cũng tạo nên áp lực và gây phiền phức cho chính con cái của họ.

PNO

Chia sẻ