Khàn tiếng 3 tuần không hết, coi chừng ung thư thanh quản

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Nhiều người khàn tiếng lâu ngày nhưng chủ quan không chữa trị vì cho rằng chỉ bị viêm họng thông thường mà không biết rằng tính mạng mình có thể đang bị đe dọa.

Ung thư thanh quản là một bệnh lý đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống. Dù chỉ chiếm khoảng 5% tỉ lệ ung thư toàn cơ thể nhưng nếu xét riêng các loại ung thư liên quan đến tai mũi họng, ung thư thanh quản đứng vị trí thứ hai, chỉ sau ung thư vòm họng. Triệu chứng của bệnh ung thư thanh quản khá giống với những loại bệnh thông thường khác khiến căn bệnh này trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt là nếu người bệnh dễ chủ quan, không đi điều trị kịp thời.

Khàn tiếng 3 tuần không hết, coi chừng ung thư thanh quản - Ảnh 1.

Ung thư thanh quản đứng thứ 2 trong các loại ung thư vùng Tai Mũi Họng.

Khàn tiếng lâu ngày – triệu chứng cơ bản của ung thư thanh quản

TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, ung thư thanh quản thường gặp ở nam giới từ 40-70 tuổi. Cụ thể, tỉ lệ mắc ung thư thanh quản giữa nam so với nữ là 4/1. Nguyên nhân chính gây nên ung thư thanh quản là việc hút thuốc lá và uống rượu. Ngoài ra, các yếu tố về khí hậu hay ảnh hưởng của nghề nghiệp phải nói liên tục với cường độ cao, tiếp xúc, hít thở khói bụi, hóa chất lâu ngày cũng có thể gây nên bệnh ung thư thanh quản.

Khàn tiếng 3 tuần không hết, coi chừng ung thư thanh quản - Ảnh 2.

Các BS ở BV Tai Mũi Họng TP.HCM chia sẻ về vấn đề điều trị ung thư thanh quản tại BV.

Triệu chứng cơ bản của loại bệnh này sẽ khiến nhiều người bất ngờ, đó là việc tiếng bị khàn, nói chuyện khó khăn. Bệnh cảnh này dễ bị nhầm lẫn với viêm họng thông thường hay bệnh hạt xơ dây thanh – chứng bệnh rất thường gặp ở những người làm công việc phải thường xuyên nói liên tục, nói nhiều (như giáo viên, ca sĩ…).

Chỉ đến khi việc khàn tiếng kéo dài, khối u trong thanh quản to lên gây khó thở, người bệnh mới đi khám và điều trị thì ung thư đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Bệnh nhân từ khàn nhẹ có thể chuyển sang mất tiếng hoàn toàn. Ngoài ra, khối u nếu phát triển quá lớn có thể xâm lấn đến các dây thần kinh, gây viêm loét vùng họng, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn.

Khàn tiếng 3 tuần không hết, coi chừng ung thư thanh quản - Ảnh 3.

BS CKII Thái Hữu Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi - Tổng hợp BV Tai Mũi Họng chi sẻ về hạn chế của phương pháp mổ hở trong điều trị ung thư thanh quản.

Một số bệnh cảnh khác như ho kéo dài, khạc đờm ra máu, có hạch ở cổ, nuốt nước bọt khó khăn… cũng có thể là triệu chứng của bệnh ung thư thanh quản.

Phẫu thuật nội soi bằng laser – bước tiến mới trong việc điều trị ung thư thanh quản tại Việt Nam

BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM chia sẻ, trước đây để điều trị ung thư thanh quản, người ta thường sử dụng biện pháp mổ hở khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

"Với phương pháp mổ hở, cổ bệnh nhân sẽ bị tàn phá để nạo vét hết các hạch, cắt bỏ toàn bộ thanh quản khiến bệnh nhân không còn nói được và phải đặt ống thở. Vì bị chọc một lỗ dưới cổ nên không khí không được lọc khiến bệnh nhân sẽ liên tục bị các bệnh lý viêm phổi về sau" – BS Phúc nói.

Khàn tiếng 3 tuần không hết, coi chừng ung thư thanh quản - Ảnh 4.

Nam giới trên 40 tuổi là đối tượng chủ yếu mắc ung thư thanh quản.

Chứng kiến bệnh nhân chịu đau đớn, các BS đã liên tục tìm tòi phương pháp mới trong điều trị ung thư thanh quản. Hiện nay với sự phát triển của y học cùng sự ra đời của kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị, việc chữa trị ung thư thanh quản đã đạt được những bước tiến mới. Đặc biệt, tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật ung thư thanh quản qua đường họng bằng laser.

"Cách đây khoảng 10 năm, BV Tai Mũi Họng đã có máy cắt laser. Khi các bệnh viện ở Mỹ đã áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi thanh quản bằng laser, chúng tôi cũng mạnh dạn cử đoàn BS qua nước bạn học tập. Đến nay, đã có khoảng 30 ca được mổ nội soi bằng laser khối u trong thanh quản tại BV" – BS Thủycho biết.

Điển hình là trường hợp của ông Bệnh nhân Nguyễn Văn B. (57 tuổi), đến BV điều trị khi đã ung thư thanh quản giai đoạn 3, có khối u to không di căn, chảy máu ở thanh quản. Khai thác bệnh sữ, bệnh nhân cho biết đã bị khàn tiếng từ 3 tháng trước nhưng không điều trị ngay. Với trường hợp của ông B., nếu tiến hành mổ hở, khả năng bệnh nhân sẽ chảy máu rất nhiều, đồng thời sau mổ, các ống dẫn lưu sẽ được đặt nhiều ở cổ nhằm hỗ trợ việc thở cho bệnh nhân.

Tiến hành phẫu thuật nội soi, khối u của ông B. được các BS dùng tia laser phá tan chỉ trong chưa đầy 1 tiếng đồng hồ (thay vì 3-4 tiếng như mổ hở), vết thương không chảy máu, thanh quản cũng không bị tàn phá. Sau 6 tháng, sức khoẻ bệnh nhân đã dần hồi phục.

Khàn tiếng 3 tuần không hết, coi chừng ung thư thanh quản - Ảnh 5.

Một người phụ nữ đang được nọi soi thanh quản bằng máy laser.

Các BS chia sẻ, phương pháp phẫu thuật nội soi thanh quản có ưu điểm là an toàn hơn, nhanh hơn, giảm đau đớn và tiết kiệm chi phí hơn một nửa so với phẫu thuật hở. Ngoài ra, mổ hở sử dụng bằng mắt thường nên khả năng lấy hết khối u không cao bằng mổ nội soi.

Điểm mấu chốt của phương pháp mổ nội soi là phải kiểm tra các tế bào ung thư đã lấy hết chưa. Để làm được điều này, sau khi bắn laser khối u xong, các BS sẽ đánh dấu vùng bờ viền xung quanh khối u để gửi đi kiểm tra. Khi xác nhận đã cắt hết tế bào ung thư thì kết luận đã thành công và kết thúc cuộc mổ.

Trong 30 ca đã điều trị ở BV Tai Mũi Họng TP.HCM, chỉ có khoảng 5-6% trường hợp bị biến chứng vì lý do tái phát sớm hoặc tái khám trễ. Con số này ở phương pháp cũ là trên 10%. Tất cả lý do này chứng tỏ phẫu thuật nội soi đang là phương pháp tối ưu trong điều trị ung thư thanh quản. Khi có những triệu chứng bất thường ở thanh quản, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn, chất lượng, cụ thể ở phía Nam là BV Tai Mũi Họng TP.HCM và phía Bắc là BV Tai Mũi Họng Trung Ương để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để ngăn ngừa ung thư thanh quản, cách tốt nhất là không uống rượu bia và thuốc lá, hai tác nhân gây bệnh hàng đầu.

Chia sẻ