"Khám trong" - 10 mẹ đi đẻ thì cả 10 đều ám ảnh không quên khi trải qua thủ tục này

Thu Phương,
Chia sẻ

Mẹ bầu cần biết và hiểu rõ hơn về việc thăm khám cổ tử cung hay còn gọi là khám trong để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chuyển dạ sinh con.

Khám cổ tử cung hay khám trong bằng cách nào?

Rất nhiều mẹ bầu truyền tai nhau và trở nên ám ảnh bởi động tác khám cổ tử cung (hay còn gọi là khám trong) của các bác sĩ trước khi chuyển dạ sinh em bé. Tuy nhiên, mẹ không nên quá hoang mang hay lo lắng, bởi đây là động tác thăm khám cần thiết, được thực hiện dựa trên các yếu tố về tình hình chuyển dạ thực tế của người mẹ.

Những điều cơ bản mẹ bầu cần biết về khám cổ tử cung khi chuyển dạ - Ảnh 1.

Các giai đoạn cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ.

Trong thời kỳ mang thai cổ tử cung người mẹ đóng kín, bên trong có chứa dịch nhầy ngăn cản sự nhiễm khuẩn vào tử cung. Ở giai đoạn cuối thai kỳ hầu hết các mẹ bầu đều biết được vai trò của cổ tử cung và biết rằng em bé muốn ra đời theo cách sinh thường thì cổ tử cung cần giãn mở ở mức nhiều nhất có thể. 

Cổ tử cung nằm ở phần thấp nhất của tử cung, là nơi thai nhi sẽ đi ra khỏi tử cung mẹ và đi ra ngoài. Khi mẹ bầu cảm nhận được những dấu hiệu chuyển dạ sớm cần phải được đến ngay địa chỉ y tế gần nhất. Các bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ kiểm tra độ mở của tử cung để xác định mẹ bầu đang ở giai đoạn nào của quá trình chuyển dạ.

Cách kiểm tra như sau: Đặt hai ngón tay (ngón giữa và ngón trỏ) vào trong âm đạo của người mẹ, có sử dụng găng tay y tế hoặc thuốc khử trùng. Bằng cách đẩy ngón tay đi sâu bên trong, các bác sĩ sẽ biết được tình trạng của cổ tử cung, cũng như biết được kiểu ngôi thai như thế nào. Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành khám cổ tử cung khi bắt đầu mang thai để thực hiện xét nghiệm Pap smear (tầm soát tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung) và các xét nghiệm cần thiết khác. Sau đó, người mẹ sẽ không cần khám cổ tử cung cho đến khi thai đạt 35-37 tuần, trừ khi phát sinh các biến chứng cần phải xét nghiệm thêm hoặc để đánh giá tình trạng cổ tử cung.

Những điều cơ bản mẹ bầu cần biết về khám cổ tử cung khi chuyển dạ - Ảnh 2.

Trong thời kỳ mang thai cổ tử cung người mẹ đóng kín, đến khi chuyển dạ cổ tử cung sẽ xóa và mở tối đa để em bé chui lọt qua (Ảnh minh họa)

Khám cổ tử cung giúp nhận biết điều gì?

Cụ thể, bằng cách khám cổ tử cung, các bác sĩ sẽ đánh giá các mức độ như sau:

- Độ giãn mở: Các bác sĩ sẽ xem xét độ mở của cổ tử cung, dấu hiệu cổ tử cung mở ban đầu chỉ khoảng 1cm, và tăng dần độ rộng thêm 1cm sau mỗi tiếng. Độ giãn mở rộng nhất đạt 10cm khi đến giai đoạn chuyển dạ cuối cùng, giúp cho em bé có thể được đẩy ra ngoài.

- Độ mềm: Ban đầu cổ tử cung sẽ cứng, rồi mềm dần cảm giác như thùy tai, sau đó mềm hẳn và giãn mở toàn bộ.

- Độ xóa: Xóa cổ tử cung hay còn gọi là giai đoạn chín hoặc mỏng của cổ tử cung. Cổ tử cung bình thường sẽ dài khoảng từ 3-5cm. Tuy nhiên, khi có thai và gần cuối thai kỳ, cổ tử cung sẽ bắt đầu mỏng dần và trở nên ngắn hơn. Cổ tử cung bắt đầu thu ngắn một cách tự nhiên cho đến khi nó có vẻ như biến mất và trở thành một bộ phận bên dưới của tử cung.

- Độ lọt ngôi thai: Đây là vị trí của em bé liên quan đến khung chậu, được đo bằng điểm cộng và điểm trừ. Khi phần thấp nhất của ngôi thai ngang với hai gai chậu: ngôi thai ở vị trí 0. Ngôi thai ở vị trí 0 hay thấp hơn hai gai hông là thai đã lọt.

- Vị trí của thai nhi: Bằng cách cảm nhận đường liên đỉnh trên hộp sọ của thai nhi, bác sĩ sẽ biết được vị trí em bé đang nằm và hướng như thế nào.

- Vị trí cổ tử cung: Bác sĩ sẽ xác định cổ tử cung nằm ở vị trí trước hay sau, ngang phải hay ngang trái.

Những điều cơ bản mẹ bầu cần biết về khám cổ tử cung khi chuyển dạ - Ảnh 3.

Khám trong sẽ gúp bác sĩ xác định các mức độ trong khi chuyển dạ sinh em bé (Ảnh minh họa)

Những rủi ro khi khám cổ tử cung

Mẹ bầu cần biết rằng khám cổ tử cung không hề an toàn tuyệt đối, bởi động tác khám này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo ngay cả khi được thực hiện cẩn thận và sử dụng găng tay vô trùng. Khám cổ tử cung còn có thể dẫn đến tình trạng vỡ ối sớm do cổ tử cung phải chịu áp lực trong quá trình thực hiện thăm khám.

Chính vì thế trong suốt quá trình chuyển dạ, việc hạn chế thăm khám cổ tử cung và giữ ở mức tối thiểu luôn được khuyến khích, đặc biệt nếu màng ối đã bị vỡ, nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi cũng như quá trình chuyển dạ. Mẹ bầu nên tìm hiểu và làm rõ trước khi đề nghị hoặc được đề nghị thăm khám cổ tử cung sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe từng người.

Những điều cơ bản mẹ bầu cần biết về khám cổ tử cung khi chuyển dạ - Ảnh 4.

Dù đeo găng tay vô trùng để tiến hành khám trong nhưng thao tác này cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, gây ra vỡ ối. Nếu không thực sự cần thiết thì không nên thăm khám trong (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, nhiều mẹ bầu lầm tưởng và cho rằng việc thực hiện khám cổ tử cung vào cuối thai kỳ sẽ giúp dự đoán trước ngày sinh hoặc khả năng sinh thường được hay không. Tuy nhiên, thăm khám cổ tử cung giúp bác sĩ xác định sự giãn mở và có thể là vị trí của em bé, từ đó phán đoán hoặc xác định khi nào chuyển dạ thực sự, hoặc chuyển dạ thực sự đã bắt đầu hay chưa. Ngay cả khi tử cung đã mở thì bác sĩ khi khám trong cũng khó dự đoán được chính xác thời gian em bé sẽ chào đời.

Chia sẻ