Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM

Trương Tuấn,
Chia sẻ

Từ một người sáng mắt, cuộc đời bất ngờ bỗng chìm vào bóng tối do căn bệnh lạ. Sau một thời gian để thích nghi, cậu bé Nguyễn Quyết Thắng trở lại với trường lớp và giờ là một giáo viên mù dạy toán rất giỏi tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Đang học lớp 7, hai mắt cậu bé Nguyễn Quyết Thắng (13 tuổi, quê ở Lâm Đồng) tự dưng cứ mờ dần. Bác sĩ chỉ có thể khẳng định nguyên nhân: Dây thần kinh thị giác đang yếu, mà không thể cứu vãn được gì. Dù ba mẹ khuyên nên sớm nghỉ học ở nhà, tránh những cơn đau mắt và khó chịu vì cố nhìn chữ nhưng Thắng vẫn cương quyết đến trường.

Rồi bóng tối kéo đến thật nhanh, cuộc đời của Thắng sang trang vội vàng. Hai năm tiếp theo, Thắng khổ sở chịu cảnh “nằm nhà”, quanh quẩn ra vào trong không gian hẹp và… ngủ li bì.

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 1
Chân dung thầy Nguyễn Quyết Thắng trong hiện tại. Thầy đang kiểm tra giáo án viết bằng chữ nổi của một thực tập sinh và nghe chàng sinh viên ấy giảng bài bên trên.

Được Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh giới thiệu về Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, Thắng khăn gói xuống Sài Gòn, viết tiếp những trang sách đời mình. Các Sơ trong mái ấm vừa dạy chữ nổi vừa giúp Thắng ôn lại kiến thức lớp 6. Vài tháng sau, Thắng vào học lớp 7 tại trường Phổ thông cơ sở Bình Hưng Hòa theo hình thức hội nhập - chung với các bạn sáng mắt. Không có sách giáo khoa, dụng cụ riêng, Thắng vẫn kiên trì chăm chú lắng nghe bài giảng và ghi lại dưới dạng chữ nổi.

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 2
Thầy Thắng ân cần chia sẻ kinh nghiệm với một sinh viên thực tập.

Xong cấp 2, Thắng học tiếp chương trình THPT tại trường Nguyễn An Ninh và luôn giành học bổng xuất sắc toàn trường dù bấy giờ sách giáo khoa riêng cho những người như Thắng cũng vẫn còn là giấc mơ xa vời.  “Nhưng lúc ấy tôi rất tự tin, có nhiều ước mơ và hoài bão lắm, không e dè lo lắng gì trong cuộc sống hết”, Thầy Thắng nhớ lại tuổi 18 của mình.

Thắng yêu toán và muốn học Đại học ngành toán. “Mọi người hết lời can ngăn vì nghĩ hoàn cảnh tôi thế này làm sao mà học toán được nhưng tôi vẫn kiên quyết theo ước mơ của mình. Càng nhiều người bảo không thể, tôi càng quyết tâm chứng minh mình có thể” -  thầy Thắng kể. 

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 3
Thầy Thắng với vai trò là giáo viên tại trường Nguyễn Đình Chiểu, thầy đang có tiết dạy toán cho học sinh lớp 11. 

Tháng 7 năm 2006, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Sư Phạm TPHCM dành riêng một phòng cho thí sinh đặc biệt và thi theo hình thức đặc biệt: Giám thị đọc đề, Thắng ghi chép và giải đề dạng chữ nổi, sau đó trình bày đáp án bằng lời. Ba tháng sau, thí sinh đặc biệt trở thành tân sinh viên của trường.

Một lần nữa, việc không giáo trình đặc biệt, không thiết bị ưu tiên, không thể “cản ngăn” việc Thắng học giỏi và tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Toán, trở thành giáo viên mù dạy toán cấp ba duy nhất tại TPHCM. “Tôi may mắn có những người bạn tốt, họ luôn kề bên để giúp đỡ”  - Thầy Thắng rất xúc động khi nhớ về 4 năm đại học của mình. 

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 4
Trong một giờ học toán, bên trên thầy lần tay vào  giáo án viết bằng chữ nổi để đọc đề, bên dưới học trò cũng dùng "bút", khuôn chữ nổi để khắc đề bài lên giấy.

Từng qua những ngày khó khăn, tự ti, chấp nhận, thích nghi và vươn lên, thầy Thắng giờ không chỉ là giáo viên dạy toán của trường Nguyễn Đình Chiểu, mà còn là người anh, người bạn giúp các bạn khuyết tật tự tin và vươn lên sống tốt.

Trước đây thầy Thắng chỉ học Toán trong tưởng tượng, có rất nhiều hình ảnh, khái niệm, miêu tả được thầy hình dung theo cách của người mù. “Người mù, không thấy đường mà học toán, nhất là toán không gian thì rất khó. May mắn là hiện nay đã có những dụng cụ hỗ trợ, để người dạy và người học đỡ vất vả hơn” . - Thầy Thắng chia sẻ.

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 5
Khuôn khắc chữ, bàn tính, tập/sách bằng chữ nổi là dụng cụ học tập của học sinh. Thầy Thắng cho biết, bàn tính (giữa) trước đây được dùng cho người sáng mắt tính toán. Giờ họ đã có máy tính điện tử. Bàn tính này được dùng cho người khiếm thị này được thiết kế và sử dựng theo quy cách của Ấn Độ, dễ dùng hơn so với của Trung Quốc trước đây.

Thầy Thắng đã gắn bó với trường Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2009 đến nay. Hiện ngoài vai trò là giáo viên đứng lớp, thầy Thắng còn hướng dẫn thực tập cho một sinh viên khác - cũng là người mù - đang học tại ĐH Sư phạm TP.HCM. Đồng thời thầy Thắng còn liên kết hướng dẫn cho một nhóm sinh viên nghiên cứu thuộc trường ĐH KHTN (TP.HCM).

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 6
Người sáng mắt học toán đã khó, người mù học toán còn khó hơn. Trước đây khi học ĐH, nhiều lần thầy không theo kịp vì thiếu thiết bị dụng cụ. Trong ảnh chính là Đường tròn lượng giác, do các sinh viên tặng lại, rất hữu ích cho việc dạy của thầy.

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 7
Những dụng cụ khác thầy dùng để dạy môn hình học. Với người sáng mắt có lẽ nó quá bình thường, nhưng với người mù, nó là cả một chân trời kiến thức, một rừng hình ảnh kì thú mà lần đầu họ được "nhìn" bằng tay.

Không chỉ dạy và hài lòng với công việc hiện tại. Thầy Thắng còn đăng kí học văn bằng 2 môn tiếng Anh vào các tối, với nội dung và chương trình học như người sáng mắt. Tháng vừa rồi, thầy Thắng đã có bằng Cử nhân Anh Văn sau hơn hai năm miệt mài.

Hiện thầy đang sống một mình ở quận Bình Tân. Mỗi ngày thầy đến trường dạy học bằng 2 lượt xe buýt và tương tự như thế khi về.

Khâm phục tài năng, nghị lực của thầy giáo khiếm thị dạy toán hiếm hoi ở TP.HCM 8
Thầy Thắng lặng lẽ nơi góc lớp. Thầy là tấm gương, là động lực cho nhiều bạn trẻ vươn lên, tiến về trước dù thân thể có khiếm khuyết.
Chia sẻ