Kể từ khi bố mẹ ly hôn, hạnh phúc giản dị của cháu là được bà gọi điện chờ cơm

Bảo Yến,
Chia sẻ

Dù không có được hạnh phúc gia đình trọn vẹn vì bố mẹ ly dị nhưng bên cạnh Huyền Phương luôn có vòng tay che chở, chăm sóc của bà. Cô không mong gì hơn ngoài việc ông bà luôn khỏe mạnh để mỗi ngày đều được bà ngoại chờ cơm.

Được ấp ủ và thực hiện bởi We Are Family và Humans Of Hanoi, "Tôi muốn được lắng nghe..." là nơi để mọi người gửi gắm tâm sự và bày tỏ tình cảm với người thân của mình. Mỗi câu chuyện mà ekip "Tôi muốn được lắng nghe..." ghi lại được đều có chung đặc điểm là vô cùng giản dị, gần gũi nhưng chạm đến trái tim mỗi người. Hôm nay, chúng tôi sẽ lại kể cho các bạn nghe về một câu chuyện như vậy. Huyền Phương - nhân vật xuất hiện trong đoạn clip "tự thú" lần này là một cô gái vô cùng xinh xắn, dễ thương. Phương muốn bày tỏ tình yêu của mình với bà ngoại - người đã bao dung ôm lấy cô suốt những năm qua, người đã dùng hết khả năng để bù đắp thiệt thòi tình cảm cho cô cháu gái kém may mắn khi cô bé không có được một gia đình đủ đầy, sum họp. 


"Từ lúc bố mẹ tớ ly dị, thì một ngày tớ nhận được 6 đến 7 cuộc gọi: từ bà, từ ông, từ bố, từ mẹ. Thường cứ đúng giờ bữa cơm trưa hoặc bữa cơm tối thì tớ sẽ nhận được các cuộc gọi, nhiều nhất vẫn là của bà. Bà rất là yêu thương tớ, làm tất cả mọi món ngon cho tớ ăn, mặc dù bà tớ nấu ăn không ngon lắm..." 

Câu chuyện vừa bắt đầu, đôi mắt Phương đã nhòe đi. Dù vậy, trên môi cô vẫn nở nụ cười dí dỏm, tinh nghịch khi nhắc đến bà. 

"...Có những hôm ăn ở ngoài rồi, bà gọi điện, 10 giờ kém, bà bảo là: "Chưa về à? Bà đang ngồi niệm Phật chờ”. Tớ bảo là tớ ăn muộn nên vẫn no. Bà bảo là: "Không, bà vẫn ngồi niệm Phật chờ đấy". Nhiều hôm về thì thấy ông đang nằm xem phim, ngủ gật, còn bà thì ngồi niệm Phật chờ, thế là lại phải giả vờ ăn cơm. Giả vờ xới xới nồi cơm lên, để bà nghĩ rằng mình ăn rồi, xong rồi đi về. Tớ thấy nếu một ngày mà tớ không có các cuộc điện thoại thì gần như là bị bỏ rơi, nên rất là hạnh phúc khi mà mọi người vẫn quan tâm đến tớ"

waf2

Trải lòng của Huyền Phương về cuộc sống khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Thật may mắn khi bên cạnh một cô gái nhạy cảm như vậy luôn có sự quan tâm lo lắng của bà ngoại. Có lẽ từ lâu bà ngoại đã trở thành người quan trọng nhất với cô. Không chỉ riêng với Phương mà bất kỳ ai trong chúng ta đều cảm thấy ấm lòng khi biết rằng dù cuộc sống ngoài kia có vô tình, xô bồ thế nào thì mình luôn có một nơi để trở về. Và quan trọng nhất là ở đó có người vẫn đang đợi mình quay về để cùng thưởng thức bữa cơm ngon ngọt. 

"- Bà à, hôm nay bà nấu món gì cho con đấy?
- Hôm nay á?
- Vâng
- Có bát bún có về ăn thì về.
- Con về muộn bà chờ cơm con nhé.
- Bà chờ nhé, bà đợi nhé.
- Vâng ạ
- Bà…
- Sao đấy, sao lại khóc? 
- Không không!"
*Phương chưa kịp nói hết, bà cúp máy*

waf3

Trong đoạn clip, có thể thấy được những thay đổi trên khuôn mặt và tâm trạng của Huyền Phương kể từ khi gọi điện cho bà. Trước đó Phương rất xúc động và "mít ướt" khi kể lại câu chuyện của mình. Nhưng khi nói chuyện với bà, Huyền Phương biến thành cô cháu gái nhõng nhẽo, dễ thương và lúc nào cũng nở nụ cười vui vẻ. 

" - Alo
- Con đã nói xong đâu! 
- À thế à, thế sao nữa, con nói gì nữa đi.
- Bảo là yêu bà, yêu bà.
- Ui trời ơi, hôm nay lại nói thế.  Có tiền 180 bạn nào đến trả tiền mua áo đây này. 
- Vâng ạ, bà cầm cho con nhé.
- Thế đang ở chỗ nào?
- Con đang đi với bạn ạ.
- Đang đi về chứ gì? 
- Vâng ạ. 
- Ừ, thế thôi nhé, nói hết chưa?
- Hết rồi
- Cái con này!"

waf4

Phản ứng của bà ngoại khi nghe cháu gái nói "yêu bà" là cực kỳ hạnh phúc và ngạc nhiên. Khi chúng tôi bày tỏ sự "tò mò" về tình cảm giữa hai bà cháu, Huyền Phương vui vẻ kể về những kỷ niệm ngày bé bên bà. Khi nói về bà ngoại, mắt cô lấp lánh những cảm xúc yêu thương, sự biết ơn và tự hào. 

Bà của bạn năm nay bao nhiêu tuổi? Ngoại hình hay tính cách của bạn có được “thừa hưởng” nét nào từ bà không? 

Bà năm nay khoảng 67 - 68 tuổi. Ngoại hình của mình không giống bà vì mình giống mẹ như đúc, mà mẹ lại giống hệt ông. À, mình giống bà ở đôi mắt sâu và có đuôi. Tính cách mình cũng giống bà đôi chút: hay càu nhàu và hay dỗi. Bà nấu cơm mà lỡ chê nặng quá là bà dỗi. Bà vẫn tự nhận là nấu không ngon nhưng không ai dám chê vì sợ bà không nấu cho ăn nữa. Mình cũng vậy, nấu cơm mà ai chê (nhất là người yêu) là mình ghét lắm (cười). Sau này mình mới hiểu đó là những món bà nấu bằng tất cả yêu thương, tâm huyết cho người thân nên dù thế nào cũng phải trân trọng. 

we - are- family
Huyền Phương và bà ngoại. 

Những chuyện vui buồn bạn có thường kể với bà? Cả ngày bé và hiện tại khi đã lớn? 

Từ nhỏ đến năm lớp 3 mình thường xuyên ở với bà. Bà là giáo viên trường cấp 2 ngay cạnh trường cấp 1 mình học nên cứ tan học mình lại qua trường, chờ bà dạy học xong. Sau đó bà sẽ cho mình đi ăn quà vặt rồi lại đạp xe chở mình về. Nhờ bà, ba tuổi mình đã biết đọc, biết làm toán. Bà còn hay cắt bìa, viết chữ cho mình ghép. Đến tận bây giờ bà vẫn bảo Phương học nhanh nhất so với đám trẻ con trong nhà. Hồi bé mình có hay kể cho bà chuyện trên lớp. Bây giờ mình chỉ kể một số chuyện với bà thôi vì nhiều chuyện bà cũng không hiểu hết được do nó phức tạp quá. Còn những chuyện bực bội về khách hàng khi đi làm thêm, hay về chuyện học hành thì thỉnh thoảng mình vẫn kể. 

Hai bà cháu từng có kỷ niệm đặc biệt nào khiến bạn nhớ mãi? 

Kỉ niệm mình nhớ mãi về bà đó là món cơm trộn đường và cú ngã trên ghế nhựa (cười). Hồi mình còn bé, bà đã nghĩ ra một món cho đứa cháu hảo ngọt là cơm trộn đường. Ngày nào sang nhà bà cũng được ăn món đó. Hôm đó qua nhà bà vì không có gì chơi nên bà lại nghĩ ra một trò: cho mình ngồi trên cái ghế nhựa con con và dùng dây kéo đi. Bà kéo mình từ trong bếp ra phòng khách, mình vui lắm nhưng ngã lộn mấy vòng. Giờ mình không nhớ được là lúc đó khóc hay ăn vạ thế nào nhưng trò chơi ấy và món cơm trộn đường thì không bao giờ quên được.

Trước khi đoạn clip được thực hiện, bạn có thường xuyên nói với bà rằng “cháu yêu bà”? 

Trước đó mình chưa bao giờ nói yêu bà, thậm chí chưa từng nói yêu ai dù là bố, mẹ hay ông. Nên hôm đó mình đã rất ngượng. Mình không biết thể hiện tình cảm qua lời nói, chỉ thỉnh thoảng mua cho bố đôi găng tay, cho ông cái áo thôi.

Bà có từng nói với bạn câu gì đặc biệt khiến bạn nhớ đến tận bây giờ?

Câu nói của bà mà mình nhớ nhất là "Hôm nay con có về ăn cơm không?". Đó là câu bà nói với mình nhiều nhất. Còn những lời khuyên răn hay trêu đùa của bà mình... không đọng lại nhiều lắm vì vô tư quá (gãi đầu). Nhiều khi mình còn hay cáu vì bà nói nhiều quá. Sau đó thấy có lỗi với bà, định sang làm hòa nhưng bà lại nói tiếp nên mình quyết định đi về cho... yên ổn (cười). 

Chuyện yêu đương của bạn bà có biết không? Bà có phản ứng thế nào hay từng căn dặn gì bạn trong chuyện tình cảm?

Bà không phản đối thậm chí còn rất quan tâm đến bạn bè và người yêu mình. Bà còn dặn anh ấy hôm nào không ăn cơm thì báo bà nhé dù bình thường như "nhà người ta" thì ăn cơm mới báo, nên nghiễm nhiên là ngày nào người yêu mình cũng ăn (cười). Có đợt người yêu mình kể với bà là đi khám bệnh. Sau đó lần nào anh ấy sang bà cũng hỏi thế uống thuốc đã đỡ chưa, dù phải khám hơn hơn một năm rồi. 

Sau lần nói "yêu bà" đó, bạn có suy nghĩ gì?

Mình nghĩ sau này sẽ tiếp tục bày tỏ tình cảm với người nhà... qua hành động. Còn nói lời ngon ngọt thì mình vẫn chưa quen lắm.

Cám ơn Huyền Phương về chia sẻ cực dễ thương của bạn!

Huyền Phương thật may mắn khi quá khứ, hiện tại và tương lai của cô luôn có bóng dáng và bàn tay chăm sóc của người bà hiền hậu và tâm lý như vậy. Dù không hay thể hiện tình cảm qua lời nói nhưng cô ấy đã dám thổ lộ tình cảm của mình. Còn bạn thì sao? Đừng quên rằng We Are Family luôn sẵn sàng trở thành cầu nối yêu thương giúp bạn và người thân xích lại gần nhau hơn nữa nhé!
Chia sẻ