"Kẻ sát nhân núp bóng tuổi thơ" và hàng loạt thử thách kinh dị, bệnh hoạn từ Youtube Kids có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con bạn

Nhi Trần,
Chia sẻ

Cha mẹ chủ quan cho con xem những chương trình thiếu nhi trên mạng, thế nhưng lại không để ý rằng nhiều video tưởng vô hại trên đó lại chính là "sát nhân núp bóng tuổi thơ" đe dọa đến chính tính mạng của con mình.

Mạng xã hội gần đây liên tiếp rúng động bởi thông tin Youtube Kids chứa hàng loạt video độc hại như dạy trẻ em cách tự sát, bạo lực... những nhân vật hoạt hình quen thuộc như lợn Peppa cũng bị biến tướng kinh dị, đầy máu me, phản cảm...

Mới đây một cô bé ở Anh đã tự tay cắt trụi mái tóc dài của mình sau khi bị cuốn vào một thử thách bệnh hoạn của nhân vật hư cấu kinh dị Momo (theo The Sun), điều đáng nói là nhân vật này xuất hiện trong một video youtube mà bé đang xem. Cô bé cho biết nhân vật này muốn mọi người bị hói và cười nhạo bé vì có mái tóc dài và đe dọa sẽ làm tổn thương bé nếu không cắt tóc đi.

Thử thách bệnh hoạn này được cho là trào lưu đến từ Anh, bắt đầu bằng hình ảnh ám ảnh của một người phụ nữ với đôi mắt lồi và mái tóc dài. Nhân vật này gửi hình ảnh bạo lực cho nạn nhân và sau đó đe dọa người chơi nếu họ từ chối tuân theo mệnh lệnh của trò chơi.

Kẻ sát nhân núp bóng tuổi thơ và hàng loạt thử thách kinh dị, bệnh hoạn từ Youtube Kids có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con bạn - Ảnh 1.

Thử thách bệnh hoạn Momo khiến nhiều cha mẹ phải lo lắng. Đây vốn dĩ là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ người Nhật Bản Keisuke Aisawa

Thật đáng sợ là bé gái này không phải nạn nhận đầu tiên của thử thách này, trước đó trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em đã tự tử sau khi tiếp xúc với nhân vật kinh dị Momo.

Cụ thể là vào ngày 29/7, một cô bé 12 tuổi, ở Ingeniero Maschwitz, Argentina, bị nghi tìm đến cái chết sau khi nhắn tin trên ứng dụng Whatsapp với tài khoản có tên Momo. Theo Buenos Aires Times, cô bé được tìm thấy đã qua đời ở tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà. Khi đó, điện thoại đang quay một đoạn video, cảnh sát cho rằng cô bé đang ghi lại hình ảnh để đăng lên mạng xã hội, xác nhận thực hiện thử thách của trò chơi. Sau khi kiểm tra điện thoại, người ta phát hiện điện thoại di động của cô bé đã bị hack để thu thập hình ảnh, nội dung những tin nhắn tại Whatsapp.

Thử thách Momo khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới thử thách Cá voi xanh kinh dị không kém bắt nguồn từ Nga khiến hàng chục đứa trẻ tự tử. Tất cả những thử thách bệnh hoạn này đều hướng đến những nạn nhân là trẻ em.

Kẻ sát nhân núp bóng tuổi thơ và hàng loạt thử thách kinh dị, bệnh hoạn từ Youtube Kids có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con bạn - Ảnh 2.

Nhân vật Momo khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến một thử thách khác cũng kinh dị, bệnh hoạn không kém mang tên Cá voi xanh

Không chỉ riêng Momo khiến các cha mẹ lo lắng mà gần đây nhiều cha mẹ phát hiện ra những video thiếu nhi trên Youtube Kids có lồng ghép hướng dẫn dạy trẻ tự tử, bạo lực gia đình, bạo lực bằng súng đạn, tình dục... Cô Free Hess, một bà mẹ người Mỹ, chia sẻ với trang CNN rằng đã tìm thấy các clip trên YouTube và YouTube Kids hướng dẫn trẻ cách tự tử. Theo Free Hess, cô xem được video từ tháng 7/2018 sau khi được một bà mẹ khác cảnh báo. Nằm ở đoạn giữa video là cảnh một người đàn ông đeo kính bày cho trẻ làm thế nào để cắt cổ tay và mất một tuần sau đó Youtube mới gỡ bỏ đoạn video đó đi khi được báo cáo.

Kẻ sát nhân núp bóng tuổi thơ và hàng loạt thử thách kinh dị, bệnh hoạn từ Youtube Kids có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con bạn - Ảnh 3.

Một nhân vật hoạt hình khác cũng bị biến tướng theo chiều hướng kinh dị đó là lợn Peppa

Ngay cả bộ phim hoạt hình rất được trẻ em yêu thích về chú lợn Peppa Pig cũng bị kẻ xấu giả mạo, biến tấu thành những hình ảnh đầy bạo lực như Peppa bị cưa vào mặt đầy máu me hay cả đoạn phim chỉ là tiếng la hét, khóc lóc của Peppa khi đi nhổ răng...

Tựu trung lại để tránh những trường hợp con mình bị lệch lạc tâm lý hoặc nghiêm trọng hơn là tự làm thương mình hay tự tử, cha mẹ rất nên quan tâm đến những gì con cái trên xem mạng internet và hãy kiểm soát những video, những kênh mà trẻ thường xuyên xem. Bởi ngày càng xuất hiện nhiều những video biến tướng, những thử thách kinh dị bệnh hoạn "núp bóng" kênh dành cho trẻ em.

Chia sẻ