Công nữ Ngọc Vạn: Từ nữ nhi Hoàng tộc Việt trở thành Vương hậu quyền lực nước láng giềng, mở mang bờ cõi miền Nam

Lou,
Chia sẻ

Vốn là con gái của chúa Nguyễn và góp công rất lớn trong việc giúp Đại Việt mở mang bờ cõi xuống phía Nam trong giai đoạn giữa thế kỷ XVII nhưng tên tuổi và cuộc đời của Công nữ Ngọc Vạn không được nhiều trang sử ghi chép lại.

Vốn là con gái của Chúa Nguyễn và góp công rất lớn trong việc giúp Đại Việt mở mang bờ cõi xuống phía Nam trong giai đoạn giữa thế kỷ XVII. Nhưng đáng tiếc, tên tuổi và cuộc đời của Công nữ Ngọc Vạn không được nhiều trang sử ghi chép lại. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các sử gia triều Nguyễn tránh nêu rõ những công trạng của Ngọc Vạn là vì quá trọng quan niệm chính nhân quân tử, sẵn sàng chôn vùi và bỏ qua công lao to lớn của một người mang về cho đất nước, chỉ vì người ấy mang giới tính nữ. 

Liên hôn cầu thân – số phận đã định cho nữ nhi Hoàng tộc

Công nữ Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn hoặc Nguyễn Phúc Thị Ngọc Vạn, gọi tắt là Ngọc Vạn, sinh ra vào khoảng năm 1605, mất sau năm 1658, là con gái thứ hai của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Nhiều tài liệu trước đây thường ghi tước vị của Ngọc Vạn là Công chúa, nhưng thực sự là Công nữ, vì bà chỉ là con của Chúa Nguyễn. Ngọc Vạn có nhiều anh trai và chị em gái ruột, trong đó có Nguyễn Phúc Lan (sau là Chúa Thượng), Ngọc Liên, Ngọc Khoa.

Huyền sử về Công nữ Ngọc Vạn: Từ nữ nhi Hoàng tộc trở thành Vương hậu quyền lực nước Chân Lạp 400 năm trước - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Là con gái của một gia đình Hoàng tộc, gánh trên vai sức nặng của cả quốc gia xã tắc, Công nữ Ngọc Vạn không tránh khỏi việc hy sinh hạnh phúc cá nhân để có thể phò trợ đất nước. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên có 5 Công nữ thì trưởng nữ Ngọc Liên được gả cho Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, Công nữ Ngọc Khoa gả cho người Nhật còn công nữ Ngọc Vạn lại được gả cho Chân Lạp. Và mối liên hôn của bà với vua Chey Chetta II cũng nhằm mục đích tạo tiền đề cho sự mở rộng lãnh thổ của quốc gia sau này.

Chuyện công nữ Ngọc Vạn được gã cho Chân Lạp cũng như vai trò quan trọng của bà trong việc giúp giang sơn rộng mở không được các sử gia triều Nguyễn ghi chép nhiều. Tuy các sử gia trong nước không nhắc đến nhưng các sách sử Cao Miên do các học giả Pháp lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn, thì quả thật Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn tên là Ngọc Vạn. Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này.

Huyền sử về Công nữ Ngọc Vạn: Từ nữ nhi Hoàng tộc trở thành Vương hậu quyền lực nước Chân Lạp 400 năm trước - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Theo đó, thời điểm ấy, nước Chân Lạp đang rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" do liên tục bị Xiêm tấn công, đánh chiếm. Trong khoảng thời gian từ 1352 đến 1357, có những thời điểm Xiêm chiếm được toàn bộ Chân Lạp. Năm 1434, triều đình Chân Lạp phải dời đô từ Angkor. Tiếp theo những năm sau đó, cuộc chiến tranh này vẫn kéo dài và Chân Lạp nhiều lần rơi vào tình trạng bị áp bức. 

Mãi đến năm 1619, khi Chey Chetta II lên ngôi, cục diện mới có sự thay đổi. Vốn tính thông minh, quyết đoán, Chey Chetta II đã tìm một chỗ dựa chính trị - quân sự cho sự tồn tại của vương triều bằng cách xin cưới công nữ Ngọc Vạn, con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1620. Đây là cuộc hôn nhân đánh dấu một bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước Việt – Chân Lạp.

Vương hậu quyền lực của Chân Lạp, giúp mẫu quốc mở rộng giang sơn bờ cõi

Sau khi trở thành Vương hậu của Chân Lạp, công nữ Ngọc Vạn đã dùng rất nhiều biện pháp để hỗ trợ mẫu quốc trong việc mở rộng biên giới, bờ cõi. Trong Việt sử xứ Đàng Trong, sử gia Phan Khoang có kể rõ: 

"Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh Chân Lạp sau này. Bà Hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và mở nhiều nhà buôn bán gần kinh đô. Năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong, yêu cầu được lập sở thuế ở Prey No-kor, tức Sài Gòn ngày nay và đặt ở đây một sở thu thuế hàng hóa. 

Vua Chey Chetta II chấp thuận, và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đây làm ăn, rồi lấy cớ giúp chánh quyền Chân Lạp giữ gìn trật tự, còn phái một tướng lãnh đến đóng ở Prey Nokor nữa. Khi Chey Chetta mất, vùng đất từ Prey Nokor trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành, tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay đã có nhiều người Việt đến ở, và khai thác đất đai".

Huyền sử về Công nữ Ngọc Vạn: Từ nữ nhi Hoàng tộc trở thành Vương hậu quyền lực nước Chân Lạp 400 năm trước - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Kể từ năm 1628, sau khi Vua Chey Chetta II mất, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi giữa những Hoàng thân. Nhiều nhà vua bị anh em họ, rể, cháu... giết chết một cách thê thảm. Lúc đó, Công nữ Ngọc Vạn với vai trò là Thái hậu của Chân Lạp vẫn đứng sau giải quyết các biến sự, mang lại lợi ích cho cả hai phía: Hoàng gia Chân Lạp và Đại Việt – Đàng Trong. 

Sau hơn 50 năm luôn phải tìm cách tồn tại trong chốn vàng son nhưng đẫm máu ấy, theo lời kể, thì Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến hết đời.

(Nguồn: Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, 2001, trang 309 - 310)

Chia sẻ