Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả

L.T,
Chia sẻ

Người ta thường nhắc tới phong tục đàn ông năm thê bảy thiếp mà ít ai biết rằng, ở cộng đồng dân cư trên dãy Himalaya, tồn tại chế độ đa phu mà các anh em trai ruột lấy chung một vợ và chung sống dưới một mái nhà.

Các anh em trai ruột lấy chung một vợ

Buddhi Devi hứa hôn khi mới là cô bé 14 tuổi. Ở Ấn Độ, đó chẳng phải điều gì bất thường bởi nhiều người kết hôn ở độ tuổi rất trẻ. Chồng tương lai của Devi khi đó là một cậu bé cùng làng ít hơn bà 2 tuổi - điều đó cũng không lạ. Nhưng Devi cũng được nhắm để kết hôn với em trai chồng tương lai của mình khi người em đó đủ tuổi.

Giờ đây, Devi 70 tuổi, vừa là góa phụ vừa là một phụ nữ đang có chồng bởi một trong hai người chồng của bà đã qua đời. Devi là một trong số ít người vẫn sống trong các gia đình ở đây theo tập tục đa phu cổ xưa. Ở những ngôi làng hẻo lánh của thung lũng Himalaya này, suốt hàng trăm năm qua, chế độ đa phu – nhiều người đàn ông cùng chung một vợ, là giải pháp thiết thực cho hàng loạt vấn đề địa lý, kinh tế và khí tượng.

Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả - Ảnh 1.

Bà Buddhi Devi kết hôn với 2 anh em ruột trong một cuộc hôn nhân đa phu ở Malang, Ấn Độ.

Người dân nơi đây sống nương vào những trang trại nhỏ nằm chênh vênh trên sườn núi ở độ cao 3.350 mét. Việc phân chia đất canh tác cho những người con trai khiến mỗi người chỉ có một khoảnh đất nhỏ, không đủ nuôi sống gia đình. Mùa đông khắc nghiệt ở vùng núi có thể lập tức giết chết mùa màng. Ranh giới giữa chết đói và sống sót là cực kỳ mong manh.

Theo khảo sát của nhà nhân chủng học người Mỹ Melvyn C. Goldstein, tỷ lệ trung bình giữa phụ nữ và nam giới trong các cuộc hôn nhân ở đây là 1/2,35.

Trong khi diện tích đất canh tác vô cùng khan hiếm, nếu chia đất cho các anh em trai thì mỗi người chỉ được một khoảnh rất nhỏ. Ngoài ra, mùa đông khắc nghiệt khiến cho công việc đồng áng trở nên rất khó khăn, cần sự hợp sức của nhiều người. Đó là lý do ra đời chế độ đa phu, tức một người phụ nữ lấy nhiều chồng, và những người này thường là các anh em ruột của nhau.

Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả - Ảnh 2.

Theo người dân địa phương, chế độ này còn có mục đích như một biện pháp tránh thai, kiểm soát số con sinh ra, để phù hợp với điều kiện hạn chế của các các tài nguyên thiên nhiên ở đây. Vì nếu một người đàn ông có nhiều vợ, số con cái của anh ta chắc chắn sẽ nhiều hơn so với việc một người phụ nữ có nhiều chồng. Bên cạnh đó, việc nhiều anh em ruột lấy một người phụ nữ còn có mục đích bảo vệ tài sản gia đình gồm đất đai và gia súc không rơi vào tay người ngoài.

"Chúng tôi cùng làm việc và ăn uống. Chẳng có thời gian làm bất cứ điều gì khác. Khi ba anh em trai lấy chung một vợ, tất cả cùng trở về một ngôi nhà và chia sẻ mọi thứ", bà Devi nói, khuôn mặt hằn in những nếp nhăn khắc khổ của mùa đông, những ngón tay chai sần dày cộp vì làm đất vào mùa hè.

Chế độ đa phu đã tồn tại ở nơi đây suốt nhiều thế kỷ nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Đó là điều đáng kinh ngạc bởi Ấn Độ là đất nước mà mọi sự thay đổi xã hội thường diễn ra chậm chạp, đối lập với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa nhanh chóng.

Sau nhiều thế kỷ tồn tại cô lập, cuộc sống ở Thung lũng Lahaul đã hoàn toàn lột xác trong nửa thế kỷ qua. Người dân nơi đây chứng kiến những con đường và những chiếc ô tô đầu tiên, sau đó là điện thoại và các chương trình truyền hình vệ tinh, hiện giờ là điện thoại di động và kết nối Internet băng thông rộng.

Quyền lực của người phụ nữ trong chế độ đa phu

Chế độ đa phu chưa bao giờ phổ biến ở Ấn Độ, nhưng nó vẫn tồn tại, đặc biệt là trong cộng đồng đạo Hindu và Phật giáo ở dãy Himalaya, nơi Ấn Độ tiếp giáp Tây Tạng.

Malang nằm trong Thung lũng Lahaul, một trong những góc xa xôi và hẻo lánh nhất Ấn Độ. Sáu tháng trong năm, tuyết rơi dày chia cắt con đường núi duy nhất nối liền Malang với những khu lân cận. Mùa hè, những sườn núi dốc đứng lung linh với những bông hoa dại, các con sông băng cung cấp nước tưới tiêu cho những cánh đồng và vườn cây nhỏ ở thung lũng - nơi trồng đậu Hà Lan, khoai tây, táo và mận.

Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả - Ảnh 3.

Đất đai khan hiếm, thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân chính dẫn tới chế độ đa phu ở dãy Himalaya.

Sukh Dayal Bhagsen, 60 tuổi, đến từ làng Tholang lân cận. Khi còn trẻ, ông và anh trai cùng kết hôn với một phụ nữ tên Prem Dasi.

"Nếu bạn cưới một phụ nữ khác thì sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp trong gia đình", Bhagsen nói. "Tài sản gia đình bị chia nhỏ, từ đó phát sinh nhiều vấn đề".

Thế là 3 anh em trai nhà Bhagsen cùng cưới Dasi và sinh tất cả 5 đứa con.

Cách xưng hô không phụ thuộc vào việc cha ruột của những đứa trẻ là ai. Chúng phải gọi người chồng lớn tuổi nhất của mẹ là pitaji, hoặc cha, trong khi những người chồng ít tuổi hơn đều được gọi là chacha, hoặc chú.

"Mỗi đứa trẻ đều biết cha đẻ mình là ai, nhưng vẫn phải gọi người lớn tuổi nhất là cha", Neelchand Bhagsen (40 tuổi, con trai của ông Dayal Bhagsen) nói.

Người vợ sẽ quyết định ai là cha của một đứa trẻ và lời nói của người vợ trong vấn đề này được coi là luật. Tuy nhiên, những người phụ nữ thường không muốn bị hỏi về vấn đề tế nhị và nhạy cảm này. Vậy nên, khi bạn đến chơi một người dân ở dãy Himalaya, tốt nhất đừng nên hỏi người phụ nữ chủ nhà rằng đâu là bố từng đứa con của họ. 

Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả - Ảnh 4.

Cô gái lấy 5 anh em trai trong một gia đình ở Ấn Độ.

Chế độ đa phu cũng được coi như một hình thức kế hoạch hóa gia đình. 5 anh em trai cưới vợ khác nhau có thể sinh tới hàng chục đứa con. Nhưng các gia đình đa phu hiếm khi có hơn 6 hoặc 7 đứa.

Điều đặc biệt vẫn chưa dừng lại, đó là việc phụ nữ phải xếp lịch chuyện ân ái với nhiều người chồng sao cho công bằng nhất để không ai cảm thấy mình là người "bị bỏ rơi".

Vì có nhiều chồng nên những người phụ nữ sống trên dãy Himalaya thường phải chia số quan hệ với các ông chồng sao cho công bằng nhất có thể. Cũng có những người chọn cách ngủ lần lượt với nhiều người chồng trong một đêm.

Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả - Ảnh 5.

Những gia đình một vợ, nhiều chồng như thế này đang dần biến mất ở Himalaya - Ảnh minh họa.

Tuy nhiên có một điều mà tất cả đều ngầm hiểu với nhau, đó là sự khoan dung, nhường nhịn và thấu hiểu giữa những người chồng với nhau và cả với người vợ. Đây cũng chính là bí quyết để họ có một cuộc hôn nhân êm đẹp.

Dù xã hội ở thung lũng Lahaul là xã hội phụ hệ, nhưng chế độ đa phu vẫn mang lại cho phụ nữ nhiều ảnh hưởng đáng kể. "Tiếng nói của người vợ là tiếng nói chủ đạo trong gia đình", Neelchand Bhagsen nói. 

Năm 1979, khi gia đình ngày càng đón thêm nhiều thành viên mới, mẹ của Neelchand Bhagsen muốn xây một ngôi nhà mới và hiển nhiên là ngôi nhà mới sẽ được xây. "Những gì mẹ tôi nói đều là quyết định cuối cùng", anh nói.

Cuộc sống mới sau sự lụi tàn của chế độ đa phu

Cuộc sống ở Thung lũng Lahaul đã thay đổi chóng mặt. Những con đường tạc trên sườn núi đưa thế giới bên ngoài đến gần hơn. Trẻ em bắt đầu đi học. Đàn ông đi xa hơn để làm việc, lần đầu kiếm được tiền lương. Các anh em trai trong một gia đình chẳng cần phải chung một vợ nữa.

Hôn nhân ở vùng đất lạ kỳ nhất thế giới: Một chị vợ 5-7 anh chồng, chuyện ái ân phải xếp lịch chia ca để công bằng cho tất cả - Ảnh 6.

Một gia đình đa phu ở Nepal - Ảnh minh họa.

Bhimi Ram - một trong các anh em trai nhà Bhagsen - là một trong những người tiên phong thay đổi. Bhimi Ram làm thợ xây ở Kulu, một thị trấn phía bên kia thung lũng. Ông mua một mảnh đất ở đó và cuối cùng quyết định rời khỏi cuộc hôn nhân chung với các anh em trai của mình.

Bhimi Ram ra đi để bắt đầu một cuộc sống mới, trong khi một cô con gái sinh ra trong cuộc hôn nhân đa phu vẫn ở lại làng. Nhiều năm sau, ông tới dự lễ cưới của con gái mình như một vị khách bình thường, không phải với tư cách cha của cô dâu.

Những thay đổi diễn ra tăng tốc trong hai thập kỷ qua khi những thung lũng xa xôi này bị cuốn vào làn sóng đổi mới công nghệ và cải cách kinh tế. Xe khách giá rẻ giúp giao thông thuận tiện, việc kết nối với thế giới bên ngoài trở nên dễ dàng hơn. Điện thoại di động và Internet băng thông rộng tạo ra các kết nối ảo. Một nền kinh tế tự do hóa mang lại thêm nhiều việc làm. Mọi người giàu có hơn và có nhiều lựa chọn hơn.

Tất cả mọi người thuộc thế hệ của Neelchand Bhagsen đều có hôn nhân và cuộc sống riêng. Khác với thế hệ cha mình – những người chưa bao giờ được tới trường, Bhagsen không chỉ hoàn thành bậc trung học mà còn có bằng cử nhân và trở thành giáo viên.

Anh tiết kiệm đủ tiền để mua một mảnh đất trên sông Beas ở Thung lũng Kulu, gần thành phố Manali. Ở đó, anh xây một ngôi nhà gạch vững chãi để sống cùng vợ và con trai. Gia đình nhỏ của anh trồng một vườn rau với củ cải, đậu nành và đậu bắp. Anh dự định xây thêm một tầng nhà để có thể đón thêm người thân đến sống cùng trong mùa đông khắc nghiệt.

Dường như không ai còn luyến tiếc chế độ đa phu nữa. "Chế độ đó từng mang lại nhiều lợi ích trong một thời gian dài", Bhagsen nói. "Tuy nhiên, hiện tại sự hữu ích đó không còn nữa. Thế giới đã thay đổi rồi".

(Nguồn: NYtimes)

Chia sẻ