Hỏi khó: "Sao con uống nước lọc lại tè ra... nước chè"

Mẹ Bun Beo,
Chia sẻ

Cứ nghe câu "Sao lại thế này" là mẹ lại giật mình vì biết rằng sau đó là một lô một lốc câu hỏi. Ngày nào mẹ cũng chết khiếp với khả năng đặt câu hỏi bất tận của các chàng.

Hai chàng đang "tưới cây" cho ông ngoài vườn thì hét thất thanh: "Sao lại thế này?". Mẹ ở trong nhà nghe mà giật mình thon thót. Cứ nghe câu "Sao lại thế này" hay câu quê đặc sệt "Răng lại rứa" là mẹ lại giật mình vì biết rằng sau đó là một lô một lốc câu hỏi.  Ngày nào mẹ cũng chết khiếp với khả năng đặt câu hỏi bất tận của các chàng.

Như lần này, Bun beo hỏi: "Sao con uống nước sôi (nước lọc) lại tè ra nước chè?". Chả là ngày nào Bun Beo cũng thấy ông ngoại uống nước chè xanh. Hôm nay đi tè, các chàng phát hiện ra nước tiểu màu vàng giống như màu nước chè của ông ngoại nên hỏi ngay mẹ. Mẹ định trả lời đơn giản: "Con chịu khó uống nhiều nước chè thì sẽ tè ra nước lọc thôi", nhưng nghĩ lại sợ bọn ấy bắt chước chỉ uống mỗi nước chè của ông ngoại tối về mắt chong chong như đèn pha lại làm tội mẹ. Mẹ trả lời qua loa: "Con uống nhiều nước để nước tiểu trong như nước lọc nhé!"...

Hỏi khó:
"Mẹ ơi tại sao lá cỏ lại dài thế?".

Đúng thật là trẻ con luôn miệng hỏi và nhiều khi người lớn bị đẩy vào vài tình huống "như gà mắc tóc". Mặc dù chúng ta đã được trang bị rất nhiều kiến thức từ sách vở và cuộc đời, cộng với trong thời đại của Internet, với vài cú nhấp chuột mọi đáp án đều có thể tìm ra. Nhưng quan trọng là không biết cách diễn đạt câu trả lời ấy cho vừa đôi tai của bọn trẻ con. Làm cha mẹ thật khó!

Đi làm về, vừa phải trông thăng bé mới được 9 tháng, vừa phải làm việc nhà, mà hai thằng anh sinh đôi năm nay hơn ba tuổi cứ lải nhải bên tai hàng loạt câu hỏi, lại có vẻ chúng rất hào hứng với những câu hỏi vớ vẩn của mình. Đôi lúc nghe những câu hỏi của bọn ấy cứ ngỡ là chúng đang "chọc giận" mẹ, ví kiểu như:

- Mẹ ơi sao em Boeing lại khóc?

- Em đang đòi mẹ bế!

- Sao em lại đòi mẹ bế?

- Vì em thích mẹ bế?

- Sao em lại thích mẹ bế?


Kiểu hỏi như "nã đạn" này, chưa dứt lời giải thích cho câu hỏi trước thì nó đã có sẵn câu hỏi sau rồi, nếu bạn không đủ kiên nhẫn thì sẽ gào lên với chúng: "Hai đứa tránh ra không được làm phiền mẹ!", và thế là màn ăn vạ quen thuộc sẽ diễn ra. Lúc ấy, tôi phải dùng chiêu đánh lạc hướng: "Bun Beo chơi với em chút để mẹ nấu ăn nhé".

Ngay từ khi trẻ bắt đầu biết nói những câu dài là lúc người lớn bắt đầu bị khủng bố bởi các câu hỏi "tại sao". Hai tuổi bọn chúng đã tò mò về giới tính rồi. Bà ngoại ở nhà một mình trông hai cháu, sợ cháu đánh nhau nên khi đi vệ sinh cá nhân mang cả hai chàng vào toa lét. Cặp mắt nai tơ của bọn ấy ngay lập tức quan sát và tò mò: "Bà ơi, của bà có giống của ông không?". Bà ngoại xấu hổ, cố tình lờ sang chuyện khác. Tưởng bọn chúng quên rồi, thế mà tối đến khi có mấy bác hàng xóm sang chơi, hai chàng hồn nhiên hỏi ông: "Cháu nhìn thấy của bà đi tè rồi, của ông có giống của bà không?".

Hỏi khó:
Trong giấc ngủ bình yên như thế này thỉnh thoảng Bun Beo lại nói mơ: "Tại sao lại thế" làm mẹ cũng giật mình thon thót.

Bất cứ ai làm bố làm mẹ hoặc những người hàng ngày trực tiếp chăm sóc bọn trẻ phải chuẩn bị trước tinh thần trở thành chuyên gia biết tuốt, chuyên gia gỡ rối tơ vò để trả lời đủ loại câu hỏi của con.

Bé tò mò tìm hiểu những gì đang diễn ra xung quanh là một điều hết sức tự nhiên. Chính sự tò mò đã thúc đẩy bọn trẻ nhìn, lắng nghe, khám phá và học hỏi.

Một ngày bạn sẽ bị giật mình thon thót hàng trăm lần khi nghe tiếng thánh thót của chúng: "Mẹ ơi sao lại thế?". Nhưng thiếu "tại sao" cuộc sống của bạn sẽ buồn biết mấy.
Chia sẻ