Hội chứng “công chúa tóc mây” - căn bệnh kỳ lạ khiến trẻ nghiện ăn tóc

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Cha mẹ hãy cẩn trọng khi con ăn tóc hay các dị vật khác bởi rất có thể đó là biểu hiện của căn bệnh kỳ lạ mang tên Rapunzel – “công chúa tóc mây”.

Mới đây, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng, BV đã tiếp nhận đến 4 trường hợp bệnh nhi nghiện ăn dị vật không phải chất dinh dưỡng. Trong đó, có trẻ tự bứt tóc của chính mình để ăn.

Hội chứng kỳ lạ

Bé P.P.T (6 tuổi, ngụ Đồng Nai) được đưa đến BV trong tình trạng đau bụng, nôn ói dữ dội. Trước đó nhiều ngày, cha mẹ liên tục phát hiện bé gái có biểu hiện rất lạ, thường xuyên ăn những dị vật như tóc hay cạy vôi trên tường nhà cho vào miệng. Cá biệt có lần họ còn phát hiện đứa bé tự bứt tóc mình cho vào miệng nhai ngấu nghiến.

Sau khi thăm khám, bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra một búi tóc rất lớn nằm trong dạ dày và kéo dài xuống ruột già của em bé. Cộng với lời kể từ người nhà, ekip điều trị xác định bé gái mang căn bệnh Rapunzel (còn được gọi là hội chứng nghiện ăn tóc "công chúa tóc mây").

Hội chứng “công chúa tóc mây” - căn bệnh kỳ lạ khiến trẻ nghiện ăn tóc - Ảnh 1.

Búi tóc được lấy ra từ bụng em bé.

Điều đáng chú ý là dù được phẫu thuật lấy búi tóc ra khỏi cơ thể thành công, các BS cho biết đứa trẻ cần phải được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý để dứt điểm căn bệnh, bởi đây không phải là bệnh lý thực thể.

Để giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh, khi nhiều người vẫn còn mù mờ về căn bệnh, BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 cho biết, hội chứng "công chúa tóc mây" có liên quan đến góc độ tâm lý, tâm thần với hai biểu hiện bệnh cụ thể: Nhổ tóc và ăn tạp. Hai hội chứng này có khi tách biệt có khi song song.

Về hội chứng nhổ tóc, có khi chỉ là hoạt động bình thường, có khi liên quan đến vấn đề tâm thần. Khi bé ít được mọi người quan tâm sẽ tìm cách tự nhổ tóc mình để được chú ý trong vô thức. Hoặc bé thường xuyên được ba mẹ để ở nhà, không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí nên nảy sinh những hành động lạ như tự bứt tóc, lâu dần tạo thành thói quen.

"Về mặt bệnh lý, việc bứt tóc của bé cũng có thể liên quan đến vấn đề về tóc và da (như bị nấm ở da đầu). Tình trạng này phải được phía da liễu kiểm tra trước để xác định bệnh cụ thể. Một khi đã xác định bé trong tình trạng tâm lý, tâm thần, thì việc nhổ tóc sẽ được trẻ tiến hành khi rối loạn, lo âu" – BS Triết nói.

Hội chứng “công chúa tóc mây” - căn bệnh kỳ lạ khiến trẻ nghiện ăn tóc - Ảnh 2.

Nhiều cha mẹ bận rộn, không có thời gian nhiều ở bên con, lâu dần khiến trẻ có những hành động lạ.

Hội chứng thứ hai là ăn tạp. Ngoài một số dân tộc do văn hoá có tục lệ ăn nhiều thứ hoặc những đứa trẻ dưới 1 tuổi chưa nhận thức được nên ăn tạp, thì nhiều bé do không được hoạt động nhiều, không được quan tâm nên nảy sinh việc ăn tạp để giải tỏa, tạo sự chú ý.

"Chứng này có hai loại thường gặp nhất là chậm phát triển tâm thần và tự kỷ. Mới sáng nay, chúng tôi có tiếp nhận 1 ca ở Lâm Đồng (gần 6 tuổi) được chẩn đoán là tự kỷ, hay bốc đất ăn. Qua quá trình điều trị tình trạng hiện thời đã giảm xuống" – BS Triết nói tiếp.

Hoàn cảnh gia đình có thể khiến trẻ mắc hội chứng "công chúa tóc mây"

Cũng theo BS Triết, trước đây BV đã từng tiếp nhận trường hợp bé nhổ sạch vùng tóc ở da đầu bên trái. Khai thác bệnh sử, các BS phát hiện trước khi xảy ra hành động lạ, người cha bắt đứa trẻ theo học những khóa học ngoại khóa mà cô bé không muốn, dẫn đến đứa trẻ bị bức xúc, lo âu.

"Hay như trường hợp đứa trẻ ăn tóc mới đây, qua thăm hỏi, chúng tôi phát hiện mẹ ruột đứa bé vừa mất cách đây hai năm, bé hiện đang ở với mẹ kế. Dù vẫn được chăm sóc rất tốt nhưng không loại trừ trường hợp vì mất mẹ mà bé có thể nảy sinh bệnh" – BS Triết kể.

Hội chứng “công chúa tóc mây” - căn bệnh kỳ lạ khiến trẻ nghiện ăn tóc - Ảnh 3.

BS Phạm Minh Triết cho biết hoàn cảnh gia đình có thể là một trong những yếu tố gây nên hội chứng "Công chúa tóc mây".

Nặng hơn, trẻ có thể mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cụ thể, bé sẽ thích làm một chuyện nào đó trong ám ảnh, mà bứt tóc là một trong số này.

Qua đó, các BS kết luận, với những trường hợp trẻ ăn vật không phải là chất dinh dưỡng (như tóc, đất, mũ cao su, vải…), phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra xem đây là hiệu ứng tâm lý hay bệnh lý.

"Quá trình điều trị sẽ tùy vào mức độ nặng nhẹ của bé. Cha mẹ có thể thay đổi cách chăm sóc, quan tâm bé nhiều hơn, bày cho bé nhiều thú vui. Với một số bé quá chậm, không thể phân biệt đâu là thức ăn được, cha mẹ cũng phải thông qua những trò chơi thưởng phạt để in sâu trong tâm thức đứa trẻ. Nặng hơn như chứng rối loạn ám ảnh cuỡng chế phải điều trị tâm lý lâu dài lẫn dùng thuốc, phối hợp với BS tâm lý. Phải thay đổi nhận thức trẻ bằng kỹ thuật đánh lạc hướng. Nhiệm vụ của người chuyên viên tâm lý phải tìm ra căn nguyên và mức độ bệnh đúng nhất nhằm có cách điều trị phù hợp" – BS Triết chia sẻ.

Các BS cũng lưu ý, những triệu chứng bệnh liên quan đến lo lắng, trầm cảm thì nữ sẽ mắc nhiều hơn nam. Ngược lại, tăng động, tự kỷ thì nam nhiều hơn nữ. Ngoài ra, người lớn cũng có thể mắc những bệnh cảnh dẫn đến hội chứng ăn tóc dù không cao.

"Gia đình cần hiểu đây là 1 bệnh lý, em bé cần được giúp đỡ, động viên để bé dần hồi phục, thay đổi thói quen chứ không nên chê trách" BS Triết nhận định.

Chia sẻ