Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận

Hoàng Hồng - Design: Nhật Ánh & Tom,
Chia sẻ

Làm thế nào để một đứa trẻ bị đánh đập, bạo hành và xâm hại tình dục khi chỉ mới 10 tuổi lại có thể vượt qua được nỗi đau trong quá khứ để sống an yên và hạnh phúc? Đó là câu chuyện đáng suy ngẫm sau những tiết lộ "gây sốc" của nữ ca sĩ Thủy Tiên mới đây.

Công chúng vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước những chia sẻ của nữ ca sĩ Thủy Tiên về quá khứ kinh hoàng. Người tin, kẻ hồ nghi. Ngay chính trong showbiz, người cảm thông xa xót, người thận trọng đặt câu hỏi thực hư. Với một làng giải trí mà chuyện gì cũng có thể mang ra làm chiêu trò PR, dĩ nhiên người ta luôn có lý do chính đáng để không vội mủi lòng. Nhưng đó không phải điều đáng lưu tâm.

Quá khứ của Thủy Tiên có thực khủng khiếp như những gì cô mô tả hay không thực ra không quan trọng. Xét cho cùng câu hỏi ấy chỉ là sự truy vấn nhằm thỏa mãn tính tò mò vị kỉ thuần túy của tâm lý đám đông. Cái quan trọng là Thủy Tiên đã đặt ra một vấn đề bức bối của con người: Làm thế nào để có thể vượt qua nỗi đau và sống hạnh phúc?

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 1.

Chuyện kể rằng, có hai người anh em mồ côi từ nhỏ, phải sống với gia đình một người họ hàng. Hai anh em bị hắt hủi, bị ghét bỏ, bị đánh đập, bị bắt lao động nặng nhọc. Lớn lên, người anh làm thầy giáo, người em làm doanh nhân. Người anh nổi tiếng trong vùng vì tấm lòng nhân hậu, bao dung với học trò. Người em nổi tiếng là kẻ máu lạnh, sẵn sàng triệt hạ đối thủ kinh doanh không tiếc tay để đạt lợi ích kinh tế. Người ta hỏi người anh: "Tại sao anh lại tốt đến thế?", người anh trả lời: "Từ khi còn nhỏ tôi đã thấm thía nỗi đau khổ nên không muốn có thêm bất kì đứa trẻ nào cũng phải chịu đựng nỗi đau khổ giống mình." Người ta cũng đến hỏi người em: "Tại sao anh lại tàn nhẫn đến thế?", người em trả lời: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã trải qua biết bao đau khổ cùng cực nên tôi hiểu thế giới này vốn không có chỗ cho lòng tốt. Kẻ nào mạnh kẻ ấy là người chiến thắng".

Đó là câu chuyện về hai con người có cùng hoàn cảnh, cùng quá khứ, cùng số phận nhưng cách họ nhìn nhận và ứng xử với cuộc đời hoàn toàn khác biệt.

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 2.

Trở lại với câu chuyện của Thủy Tiên. Nữ ca sĩ trong quá khứ từng là một cô bé mồ côi cha, mang nỗi ám ảnh và nỗi "hận" đời vì bị họ hàng xa lánh, kì thị, bị người trông trẻ đánh đập, bạo hành, lại bị con trai của người đó xâm hại tình dục nhiều lần. 10 tuổi, cái tuổi không còn quá nhỏ để ngây thơ trước mọi sự việc, nhưng chưa đủ lớn để có thể giải quyết được vấn đề. Đó là lứa tuổi dễ bị tổn thương vô cùng, và nếu tổn thương xảy ra sẽ rất khó mà chữa lành.

Điều kì diệu là Thủy Tiên đã vượt qua những sang chấn tâm lý khủng khiếp ấy. Cô bé 10 tuổi từng thấy mình như một con thú sống vật vờ, không tình thương và chỉ mong được chết đi cuối cùng lại trở thành một người phụ nữ thành đạt, hạnh phúc. Cô bé 10 tuổi đã từng nung nấu lòng căm thù khủng khiếp, khắc cả chữ "hận" lên bàn học giờ đây lại có thể an nhiên, tự tại, buông bỏ mọi hận thù: "Tôi phải cảm ơn những người từng khiến tôi khổ sở, bởi nhờ họ mà tôi có sự mạnh mẽ vươn lên, biết cảm thông, chia sẻ, và trân trọng những gì mình có".

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 3.

Người ta nghi ngờ Thủy Tiên cũng vì chi tiết này. Họ không tin một con người từng bị đối xử tàn tệ, từng chịu tổn thương quá lớn lại có thể nhìn đời bằng con mắt bao dung. Người ta không tin ai đó có thể tha thứ cho những kẻ thù của mình - những người mà Tiên từng vô cùng HẬN. Nhưng sự thực là, không ít người đã làm được.

Thủy Tiên có một may mắn, mà có lẽ do phước báo tốt đẹp của đời trước, là cô được biết đến Phật pháp từ khi còn rất nhỏ. 10 tuổi, cô bé Thủy Tiên đã biết nhân quả, đã biết đến nghiệp báo nặng nề của việc tự tước bỏ cuộc sống chính mình. Sống trong chùa với mẹ, Thủy Tiên hẳn là đã được nghe giảng pháp rất nhiều. Đủ để lúc lớn lên, cô nhận ra rằng: "Mình không thể cứ sống mãi thế này được, một người muốn đi đường dài mà mang vác quá nặng sẽ chẳng thể đi xa. Tôi quyết tâm sửa đổi cách nhìn, cách nghĩ tiêu cực" và "Muốn nhận được điều gì tốt đẹp thì trước hết phải học cách cho đi đã".

Dĩ nhiên, cái lý thuyết "đường dài đừng mang vác nặng" và "muốn nhận thì phải cho đi" rất nhiều người thuộc nằm lòng, nhưng không phải ai cũng hiểu. Trong số những người hiểu, không phải ai cũng làm được.

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 4.

Đức Phật dạy, ngọn lửa hận thù có thể không thiêu đốt được kẻ thù nhưng sẽ thiêu rụi chính ta. Thủy Tiên có thể đã thấu ngộ được chân lý ấy nên cô buông bỏ được. Cô buông bỏ được nên cuộc sống của cô tự nhiên trở nên tốt đẹp, bình an, mà bằng chứng là cô ngủ ngon, không gặp ác mộng. Người ta cho rằng Thủy Tiên may mắn vì có người đàn ông yêu mình, hiểu mình, cảm thông cho mình là Công Vinh. Do đó mà cuộc sống của cô được bù đắp, được hạnh phúc. Thực ra, Thủy Tiên ngủ ngon và hạnh phúc không phải nhờ Công Vinh. Mà nhờ chính bản thân cô ấy. Bởi cho dù Công Vinh có tốt đến bao nhiêu, nếu Thủy Tiên không tự mình cởi bỏ, tự mình đặt xuống những gánh nặng của quá khứ tối tăm, cô cũng không thể nào có được một giấc ngủ ngon.

Làm được như Thủy Tiên có khó không? Khó lắm, khó vô cùng. Khó là bởi vì không phải cứ nghĩ thế là làm được thế. Mình phải kiên nhẫn thực hành cái suy nghĩ ấy, kiên nhẫn tưới tắm, chăm chút cho những hạt giống suy nghĩ tốt đẹp trong tâm trí mình được nảy mầm, đâm chồi, nảy lộc thành cái cây vững chãi, vươn tán, tỏa rợp. Cho đến khi bóng mát của cái cây đó che phủ đi những cái cây cong queo thấp bé nảy lên từ những hạt giống suy nghĩ sân hận. Sự kiên nhẫn không thối chuyển đó chỉ có được khi mình thực sự khao khát đến cháy bỏng được thay đổi, được tốt đẹp, được hạnh phúc, được yêu thương. Và tin rằng, chỉ có duy nhất một con đường đi đến sự tốt đẹp và được yêu thương là cho đi sự tốt đẹp và yêu thương.

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 5.

Thật tình cờ, trong những ngày cư dân mạng đang sôi sục vì bài báo của Thủy Tiên, câu chuyện về cô bé 6 tuổi là "sát nhân máu lạnh" trong bộ phim tài liệu "Child of rage" (tạm dịch: Đứa trẻ cuồng nộ) được kể lại. Beth, cô bé 6 tuổi mồ côi được một gia đình tốt bụng nhận nuôi. Một ngày kia, họ phát hiện ra cô bé mang gương mặt thiên thần có sở thích hành hạ và giết chết những con thú cưng trong nhà. Thậm chí, cô bé còn có ý định muốn giết chết cậu em trai nuôi của mình. Rất may mắn, cô bé đã không bị hắt hủi và tống về trại trẻ mồ côi. Beth được bố mẹ nuôi đưa đi điều trị tâm lý. Ở đây, người ta phát hiện ra cô bé từng bị đánh đập, bạo hành nghiêm trọng và xâm hại tình dục từ năm 2 tuổi, dẫn đến sự phát triển những suy nghĩ và hành vi lệch lạc. Beth đã được điều trị đúng hướng trong sự yêu thương vô bờ của cha mẹ nuôi và sự mạnh mẽ phi thường từ chính cô. Kết quả, cô bé đã thoát khỏi những ám ảnh tăm tối trong quá khứ, hòa nhập được với cuộc sống, trở thành một nữ y tá dành cả cuộc đời mình để chăm sóc và điều trị cho những đứa trẻ cùng hoàn cảnh. Một đứa trẻ như Beth có thể mang nỗi hận thù đến hết đời, hoặc cũng có thể hạnh phúc đến hết đời, quan trọng là đứa trẻ ấy có được trao cho và tiếp nhận những bài học về yêu thương và tha thứ hay không.

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 6.

Một câu chuyện khác cũng rất đáng được nhắc lại. Đó là câu chuyện về phiên tòa xử Gary Leon Ridgway, một kẻ giết người hàng loạt, vào năm 2003. Gary đã thừa nhận giết chết 48 người, trong đó đa số là những cô gái trẻ chưa đến tuổi 20, sau khi đã bắt cóc và hãm hiệp họ. Tuy nhiên, do đạt được một thỏa thuận với cảnh sát về việc thành khẩn khai nhận và chỉ vị trí tìm xác nạn nhân, Gary chỉ bị kết án tù chung thân thay cho tử hình. Tại phiên tòa, thân nhân của những bị hại được tòa cho 15 phút để nói lên suy nghĩ của họ. Trong những giọt nước mắt đau đớn, họ nguyền rủa Gary Leon Ridgway. Người nói: "Tôi mong hắn sẽ phải chịu cái chết thảm khốc". Người nói: "Mày hãy cút ngay xuống địa ngục". Mặt của Gary vẫn trơ lì và vô cảm trước nỗi đau đớn và phẫn nộ trút về mình. Cho tới khi, cha của một nạn nhân bước lên bục phát biểu và nói: "Gary, mọi người căm thù anh. Tôi cũng không cố tình làm khác bất cứ ai. Nhưng tôi tin rằng và chắc chắn là như thế, Chúa đã nói nên tha thứ cho tất cả. Vì thế, tôi tha thứ cho anh." Gary Leon Ridgway đã bất ngờ bật khóc. Hóa ra, bản án của tòa lẫn sự nguyền rủa căm hận của dư luận không làm cho kẻ sát nhân hàng loạt khởi một chút ăn năn. Chỉ có sự tha thứ của người đàn ông nhân hậu mới cảm hóa được hắn ta, trong chỉ một câu nói. Sự tha thứ cuối cùng đã cứu rỗi tất cả. Trên hết, đó là liều thuốc thần tiên cho những nạn nhân của kẻ thủ ác, giúp họ có thể bước qua nỗi đau để sống thật tốt đẹp với chính mình.

"Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau", Trịnh Công Sơn viết. Tha thứ chính là sự an ủi và xoa dịu lớn nhất để cứu rỗi chính mình. Nếu có thể, sao chúng ta không thực hành tha thứ cùng nhau?

Học từ cách Thủy Tiên vượt qua tuổi thơ đen tối: Đường dài vác nặng thì chẳng thể đi xa, nên hãy cởi bỏ hận - Ảnh 7.

Chia sẻ