Học theo Marie Kondo trong triết lý tình yêu: Cái gì không còn "ánh lên sự vui thích" nữa hãy bỏ ngay, kể cả đó là người yêu

BÁNH XE MICHELIN; THIẾT KẾ: HOÀNG ANH,
Chia sẻ

Có những người cứ mãi vin vào cái cớ nào đó để cứ mãi bám lấy nhau, và nếu bám nhau như thế, liệu có phải tình yêu?

Đã đến ngày Valentines, cái ngày mà món đồ ngọt suốt năm nằm trên giá chỏng chơ vì gây béo bỗng trở thành món hàng được tiêu thụ nhiều nhất. Nam thanh nữ tú chờ nhất dịp lễ này trong năm, bởi họ được tha hồ thể hiện tình yêu mà không gặp phải cái cảnh đối phương chưng hửng chỉ vì chả hiểu sao tự nhiên người yêu mình bỗng sến một cách rợn người; hoặc trở nên thật ngại ngùng vì sự khó xử.

Đôi lứa sẽ đưa nhau đi mua đồ này kẹo kia, lân la hỏi bạn bè nơi hàng quán lãng mạn, và khủng bố đường dây đặt bàn bằng cả trăm cuộc gọi cùng một lúc. Nếu như trẻ con nhộn nhịp trước Tết thì đôi lứa lại nhộn nhịp trước thềm Valentines, bây giờ mới thật sự là Tết của họ.

Nhưng không phải là tôi.

Không giống như một tôi của năm trước, tôi năm nay độc thân. Mối tình cũng khá dài vừa mới kết thúc chưa lâu.

Bạn bè tôi cũng bất ngờ về quyết định này. Chỉ còn vài ngày nữa là dịp lễ Tình nhân mà chúng tôi lại chia tay, thật đáng tiếc; song song thầm trách rằng người nào nói câu chia tay trước quả đúng là đồ chẳng có lương tâm. “Mới Tết nhất xong, chưa kịp vui đã kịp giông", họ bảo vậy.

Chà, thế tức là, vì lý do lễ Tết tình nhân, chúng tôi (nên phải) chịu đựng nhau thêm một thời gian à? Chia tay trước thềm các dịp đặc biệt cho nhau phải chăng là một điều đáng để tiếc nuối?

Tôi thấy thật là lạ với cái tư tưởng này.

Học theo Marie Kondo trong triết lý tình yêu: Cái gì không còn ánh lên sự vui thích nữa hãy bỏ ngay, kể cả đó là người yêu - Ảnh 1.

Tình yêu, hay bất cứ mối quan hệ nào trên cuộc đời này, đều phải được xây dựng dựa trên các giá trị gắn bó làm cho đôi bên cùng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Khi chúng ta bắt đầu cảm thấy có quá nhiều sự mất tự nhiên, cản trở giữa hai cá thể, nói chung là hết thấy vui, thì đó là dấu hiệu kết thúc của mối quan hệ. Việc rời đi giành lại năng lượng tích cực cho bản thân là điều vô cùng cần thiết.

Yêu thì nên vui vẻ, chứ yêu mà lườm nguýt nhau thì quá bằng hành nhau, làm khổ nhau, là giết nhau mỗi ngày. Chưa kể còn là làm mất giá trị của thứ tình cảm được tôn thờ là thiêng liêng nhất. Rõ ràng, yêu mà không thấy vui, thấy sướng, thì yêu làm gì. Đánh nhau ở ngoài chưa đủ hay sao, mượn danh tình yêu tự làm nhau đau đớn nữa, chúng ta có thừa năng lượng quá không.

Có nhiều người hay nhầm lẫn các khái niệm tình yêu lệch lạc này.

Ví dụ, có rất người nhầm việc bản thân sợ sự cô đơn với việc cần một người chia sẻ tâm sự. Đơn thuần là chúng ta cần có người để cùng đi xem phim, xem kịch, cùng đi xem triển lãm, cùng đợi nhau khi đang làm đầu, đi mua quần áo, xong việc thì mỗi người về một nhà, chán thì vớ điện thoại nhắn tin cho nhau mấy câu nhảm nhí, lễ Tết thì kéo nhau đi chơi. Ấy chết, nếu bạn có những dấu hiệu trên thì xin chia buồn, cái bạn đang cần, và đang có, không phải là tình yêu. Đó là sự đồng hành. Mà để đồng hành thì bạn bè, người thân cũng có thể làm được, không phải mất công đi làm khổ con nhà người ta chỉ vì bạn cần có người chăm sóc hoặc ở bên cạnh làm một món trang sức cho bản thân bạn. Trường hợp này cần gỉai tán sớm ngày nào hay ngày đấy, đừng để chất chồng nghiệp lên đầu mới chịu buông tha nhau.

Trường hợp thứ 2, các những bạn từng yêu nhau đậm sâu, ở bên nhau đủ lâu để hình thành thói quen phải có nhau bên cạnh. Ở tình huống này, rõ ràng tình cảm đã phai đủ để bạn tự cảm thấy cô đơn trong chính mối quan hệ của mình, nhưng bằng sự cố chấp cứng đầu của bản thân, bạn quá lười để phá vỡ một thói quen vốn đã hình thành khá lâu. Bạn quá quen với việc đi làm xong là tót tót chạy về với người yêu để đi ăn đi chơi, giờ tự nhiên bỏ cái khung giờ ấy, bạn chẳng biết làm cái gì cho hết mấy tiếng rảnh hơi. Các dịp nghỉ ngơi, bạn cũng đã quen có khoảng thời gian đi với nhau, giờ mà không có người ta, bạn chẳng biết làm gì cho hết buổi.

Trường hợp ngớ ngẩn nhất, bạn chỉ cần một cạ để đi chơi các dịp đặc biệt để người ta không bảo bạn là cái đồ ế mốc cả thúng cả mẹt.

Và cả 3 trường hợp đều không tốt, dù ở bất cứ trường hợp nào vin vào sự ích kỷ của bản thân mà ngộ nhận thành tình yêu để rồi cố chấp thì đều chẳng dẫn đến cái tương lai như ý mà chúng ta đang cố ép mình vào. Không những là ngược đãi người, mà chủ yếu là ngược đãi chính mình.

Học theo Marie Kondo trong triết lý tình yêu: Cái gì không còn ánh lên sự vui thích nữa hãy bỏ ngay, kể cả đó là người yêu - Ảnh 2.

Yêu đương không giống như chữa bệnh, không phải cứ ra tiệm thuốc mua một vỉ rồi về nhà đợi dăm ba hôm là tai qua nạn khỏi. Cách chữa lành tình yêu chỉ có thể đến từ đôi bên một cách tình nguyện, và chắc chắn là không bao giờ có chuyện cứ lẽo đẽo cố chấp theo đuổi một tình yêu dang dở, không toàn tâm có thể khiến tình yêu được vá một miếng lành lặn. Ngược lại, bạn chỉ biến mình thành một đứa ngớ ngẩn đang cố gắng vớ lấy một cái cọc đang mục rữa, có thể đứt đoạn bất cứ lúc nào.

Tôi có thể mạnh mồm nói vậy, vì bản thân tôi cũng từng trải qua khoảng thời gian ăn mày tình cảm như thế.

Mối quan hệ của tôi có dấu hiệu đổ vỡ từ cách đây khá lâu, khi mọi câu chuyện trôi vào ngõ cụt và những vấn đề phát sinh ngày càng nhiều hơn. Người tôi yêu cũng không còn muốn tìm cách giải quyết với tôi nữa. “Khác nhau lắm, chẳng thể hiểu nổi đâu" là cách mà người ta vỗ vào mặt tôi mỗi khi xảy ra xung đột, cũng là dấu hiệu tát vào cái sự cố chấp của tôi rằng mối quan hệ này đã đến lúc phải chấm dứt. Đã từng có những động thái cứu vãn đến từ tôi, nhưng chỉ mình tôi là không đủ. Như đã nói, muốn chữa lành tình yêu, động thái nên đến từ đôi bên. Sợi dây cứ kéo mải miết nhưng ở đầu bên kia, chẳng ai thèm động đậy một chút nào.

Cuối cùng tôi quyết định chấm dứt, thả tự do cho người yêu và cũng thả tự do cho chính mình.

Học theo Marie Kondo trong triết lý tình yêu: Cái gì không còn ánh lên sự vui thích nữa hãy bỏ ngay, kể cả đó là người yêu - Ảnh 3.

Illustration by Brian Rea

Và đoán xem. Không có người yêu bạn không thể chết. Hơn nữa, tránh xa một mối quan hệ khiến bản thân phải suy nghĩ quá nhiều càng khiến cuộc sống của tôi trở nên trong lành, tốt đẹp hơn. Thời điểm tôi chia tay gần kề với rất nhiều sự kiện vui chơi, lễ Tết của năm. Tức là tôi trở lại độc thân từ Noel cho đến tận Valentines, và rất có thể cũng sẽ là cả Tết năm sau nữa, ai mà biết quãng độc thân này sẽ kéo dài đến bao giờ.

Nhiều đứa bạn tiếc cho tôi, bao nhiêu dịp vui sắp tới mà lại chia tay. Tuy nhiên, một khi mối quan hệ đã rơi vào bế tắc thì bất cứ thời điểm nào cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa.

Tôi sợ cái cảm giác gần tại trước mắt nhưng xa tận chân trời, cái cảm giác cô đơn và lạc lõng trong mối quan hệ, cũng như sự cố gắng mù quáng mà không có kết quả chỉ để níu giữ những thứ rất vô minh.

Cuộc sống tái độc thân dạy cho bản thân tôi nhiều thứ. Tôi thấy yêu bản thân hơn, thay vì cứ rũ rượi đuổi theo con bướm đang rập rờn trong vô định. Tôi thấy sự phản chiếu của chính mình, sự ngốc nghếch của bản thân, thương hại kẻ ngớ ngẩn đó và dặn dò chính mình lần sau không phí tổn bản ngã nữa. Cũng thật biết ơn người cũ, vì đã cho tôi một khoá huấn luyện trưởng thành thật hiệu quả.

Học theo Marie Kondo trong triết lý tình yêu: Cái gì không còn ánh lên sự vui thích nữa hãy bỏ ngay, kể cả đó là người yêu - Ảnh 4.

Valentines là cái lễ dành cho những cảm xúc tích cực nhất dành cho đôi lứa. Và nếu bạn không hạnh phúc trong chính mối quan hệ bạn đang có, rõ ràng có giữ để đi Valentines cũng chẳng để làm gì. Chúng ta đang ăn mừng Lễ Tình nhân, chứ không phải Lễ Tù nhân - những kẻ giam nhau trong ngục tù tình cảm.

Mạnh dạn lên, học theo cách mà Marie Kondo điều hành cuộc sống của mình. Cái gì không còn ánh lên sự vui thích nữa thì nên vứt bỏ. Tất cả những gì không còn “spark joy" - kể cả người yêu.

Valentines chúng ta thà hẹn hò với chính mình trong sự tích cực vui vẻ nhất còn hơn.

Chia sẻ