Tư vấn sức khỏe sinh sản:

Hoang mang vì nghi chửa ngoài tử cung

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Chửa ngoài tử cung không phụ thuộc vào việc xuất tinh bên ngoài hay bên trong, bởi nếu tinh trùng bằng cách nào đó gặp được trứng, thụ thai, vẫn phải di chuyển xuống tử cung.

Kính gửi bác sĩ, vợ chồng em đang rất lo lắng về một chuyện như sau, mong được bác sĩ tư vấn. Chúng em mới kết hôn được hơn 6 tháng và chưa có ý định có em bé ngay (vì cả hai mới 23 tuổi). Chúng em chọn tránh thai bằng cách tính ngày và xuất tinh ngoài, nhưng có những lúc không kịp thì anh ấy xuất tinh nông ở gần bên ngoài.

Cách tránh thai này cũng khá hiệu quả trong 6 tháng kể từ ngày chúng em kết hôn. Nhưng tháng này em chậm kinh 3 ngày, kiểm tra bằng que thử thì thấy 2 vạch. Thế nhưng khi đi siêu âm thì bác sĩ bảo không thấy thai trong tử cung và hẹn 1 tuần sau khám lại. Có khi nào em bị chửa ngoài tử cung không ạ? Em không cảm thấy đau nhức hay mệt mỏi gì. Em đang hoang mang quá. Mong bác sĩ tư vấn giúp em và cho em hỏi những dấu hiệu để sớm nhận biết mang thai ngoài tử cung. Em xin cám ơn! (Thu Lan)


BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Thu Lan thân mến,

Chửa ngoài tử cung (chửa ngoài dạ con), là hiện tượng thai không làm tổ và phát triển ở tử cung, khi kiểm tra bằng nước tiểu, dùng que thử thai, vẫn báo có thai.

Vị trí thai làm tổ ngoài tử cung có thể là ở vòi trứng, bám trên buồng trứng, hoặc nằm trong ổ bụng, vị trí thai nằm giữa buồng trứng và tử cung là khó phát hiện nhất.

Hoang mang vì nghi chửa ngoài tử cung 1
Ảnh minh họa thai làm tổ ở ống dẫn trứng.

Thông thường, khi có thai ngoài tử cung, nếu không đi xét nghiệm, siêu âm, sẽ khó biết được. Khi thai to, gây vỡ những mạch máu nơi thai cư trú, làm tổ, sẽ gây xuất huyết, gây đau đớn mới phát hiện ra thì có thể nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Một số nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung là do người mẹ có một quá trình viêm nhiễm lâu dài, viêm nhiễm lan lên vòi trứng, gây tắc nghẽn vòi trứng, khiến trứng sau khi được thụ tinh, không di chuyển xuống được tử cung, có thể nằm lại ở vòi trứng, hoặc rơi ra ngoài, ở những vị trí ngoài tử cung như đã kể trên.

Chửa ngoài tử cung không phụ thuộc vào việc xuất tinh bên ngoài hay bên trong, bởi nếu tinh trùng bằng cách nào đó gặp được trứng, thụ thai, vẫn phải di chuyển xuống tử cung như lẽ thường, những trường hợp chửa ngoài tử cung được coi là bất thường.

Lời khuyên cho tất cả các thai phụ, khi có dấu hiệu chậm kinh, cần có biện pháp thử, hoặc xét nghiệm nước tiểu, để chắc chắn mình đã có thai. Trong 3 tháng đầu tiên của thai kì, cần đi siêu âm mỗi tháng một lần, ghi lại tất cả cách triệu chứng được coi là bất thường, để phối hợp cùng với bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán sự phát triển của thai nhi, cũng như độ an toàn, sức khỏe của cả mẹ và con.

Trường hợp của bạn, có thể nghi là chửa ngoài tử cung, cũng có thể que thử thai báo sai kết quả hoặc là thai chưa kịp di chuyển vào trong tử cung nên không thấy được hình ảnh khi siêu âm. Để chắc chắn, bạn cần đến bệnh viện để xét nghiệm nước tiểu, cũng như siêu âm lại theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm với bạn rằng, tính ngày và xuất tinh ngoài không phải là những cách tránh thai có hiệu quả cao. Hai biện pháp này chỉ nên áp dụng với những người có chu kì kinh nguyệt cực kì đều đặn, ngày rụng trứng không thay đổi trong các chu kì, khi đó, khả năng tránh thai mới có thể chính xác ngày và hiệu quả.

Chúc vợ chồng bạn vui, khỏe!

 

Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn




Nếu bị cản trở khiến trứng sau khi thụ tinh không thể di chuyển được thì sẽ làm tổ ở ngoài tử cung gọi là chửa ngoài dạ con.
Hoang mang vì nghi chửa ngoài tử cung 2
Chia sẻ