Hoàng đế chung tình nhất lịch sử Trung Hoa: Cả đời chỉ có một người vợ, cưng chiều như trứng mỏng, chưa một lời to tiếng, quát mắng

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Cả cuộc đời mình, Minh Hiếu Tông chỉ có một người vợ duy nhất là Hiếu Thành Kính hoàng hậu Trương thị và không hề thu nạp thêm bất cứ cô gái nào vào hậu cung của mình bất chấp bị bá quan văn võ thúc ép.

Khi nhắc đến các hoàng đế của Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự đào hoa, lăng nhăng của họ khi sở hữu hậu cung có đến hàng chục, hàng trăm phi tần, giai nhân xinh đẹp. Thậm chí có không ít hoàng đế còn nổi danh trong lịch sử thu nạp đến hàng nghìn cô gái trẻ khác nhau. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc vẫn có một vị hoàng đế được người đời ca tụng vì sự thủy chung của mình. Ông chính là Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường của triều đại nhà Minh. Cả cuộc đời mình, Minh Hiếu Tông chỉ có một người vợ duy nhất là Hiếu Thành Kính hoàng hậu Trương thị và không hề thu nạp thêm bất cứ cô gái nào vào hậu cung của mình bất chấp bị bá quan văn võ thúc ép.

Hoàng đế chung tình nhất lịch sử Trung Hoa: Cả đời chỉ có một người vợ, cưng chiều như trứng mỏng, chưa một lời to tiếng, quát mắng - Ảnh 1.

Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường (Ảnh: Internet)

Chu Hựu Đường là con trai thứ 3 của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm. Dù xuất thân trong hoàng gia nhưng thời thơ ấu ông phải trải qua rất nhiều bất hạnh và gian truân. Mẹ đẻ ông Kỷ thị vốn là một tù binh bị bắt trong cuộc chinh phạt các dân tộc thiểu số ở Quảng Tây. Sau khi được đưa vào cung làm công việc quản lý nội khố. Một lần tình cờ, Kỷ thị được Minh Hiến Tông sủng hạnh. Khi đó người được sủng ái và nhiều quyền lực nhất chốn hậu cung là Vạn quý phi. Ghen tỵ với Kỷ thị vì được sủng hạnh một lần đã mang long thai, Vạn quý phi liên tục lập mưu hãm hại bà. Nhờ sự giúp đỡ của thái giám Trương Mẫn mà Kỷ thị mới bình an hạ sinh Chu Hựu Đường nhưng lại không dám cho hoàng đế biết.

Suốt 6 năm đầu đời, Chu Hựu Đường phải trốn từ chỗ này sang chỗ khác để lẩn tránh sự truy sát của Vạn quý phi. Mãi đến năm 6 tuổi Minh Hiến Tông mới phát hiện ra sự tồn tại của Chu Hựu Đường và phong ông làm hoàng thái tử, phong Kỷ thị làm Vi thục phi. Niềm vui chưa được bao lâu thì Kỷ thục phi chết bất đắc kỳ tử, thái giám Trương Mẫn từng giúp đỡ bà năm xưa cũng tự sát qua đời. May mắn Chu Thái hậu sau khi biết chuyện đã quyết định đưa cháu trai vào Nhân Thọ cung của mình để bảo vệ hoàng thái tử thoát khỏi Vạn quý phi.

Hoàng đế chung tình nhất lịch sử Trung Hoa: Cả đời chỉ có một người vợ, cưng chiều như trứng mỏng, chưa một lời to tiếng, quát mắng - Ảnh 2.

Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm (Ảnh: Internet)

Thời thơ ấu vất vả, tự mình trải qua những âm mưu độc ác chốn hậu cung nên Chu Hựu Đường cũng trưởng thành sớm hơn bạn đồng lứa. Ông cũng hiểu rất rõ các cuộc chiến ở chốn hậu cung đều xuất phát từ sự ganh tỵ và tranh giành tình cảm của các phi tần. Chính vì vậy Chu Hựu Đường đã tự thề với lòng, cả đời mình sẽ chỉ cưới một người vợ.

Năm Chu Hựu Đường 17 tuổi, Minh Hiến Tông đã quyết định tuyển vợ cho con trai. Trương thị sau đó đã lọt vào mắt xanh của ông. Dù xuất thân bình dân, bố chỉ làm tú tài nhưng Trương thị lại nổi bật nhất dàn tú nữ nhờ ngoại hình xinh đẹp và sự thông minh, hoạt bát. Cảm thấy Trương thị phù hợp với con trai hiền lành, ít nói và chững chạc của mình nên Minh Hiến Tông đã quyết định chọn làm Thái tử phi.

Hoàng đế chung tình nhất lịch sử Trung Hoa: Cả đời chỉ có một người vợ, cưng chiều như trứng mỏng, chưa một lời to tiếng, quát mắng - Ảnh 3.

Hiếu Thành Kính hoàng hậu Trương thị (Ảnh: Internet)

Chu Hựu Đường và Trương thị làm lễ thành hôn vào đầu tháng 2/1487. Tháng 9 cùng năm, Chu Hựu Đường lên ngôi hoàng đế, lập Trương thị làm hoàng hậu. Suốt những năm ở bên nhau, cả hai chưa từng to tiếng với nhau một lời. Cuộc sống hôn nhân rất êm đềm và giản dị, giống hệt như những cặp vợ chồng bình dân khác. Miêu tả cuộc sống hôn nhân của Minh Hiếu Tông và Trương hoàng hậu, nhiều sử gia đã viết: "Họ bên nhau như hình với bóng, cùng ăn cùng ngủ không rời xa".

4 năm sau khi thành hôn, Trương Hoàng hậu hạ sinh con trai đầu lòng Chu Hậu Chiếu. Vừa chào đời, Chu Hậu Chiếu đã được Minh Hiếu Tông yêu thương hết mực vì thần thái hơn người, có tướng của bậc đế vương tương lai. Cũng nhờ sự xuất hiện của Chu Hậu Chiếu mà Minh Hiếu Tông và Trương Hoàng hậu ngày càng mặn nồng, ăn ý hơn.

Vài năm sau đó Trương hoàng hậu cũng hạ sinh thêm cho Minh Hiếu Tông 2 người con là Hoàng tử Chu Hậu Vĩ và Thái Khang công chúa. Tiếc là cả 2 đều chết yểu khiến Minh Hiếu Tông đau buồn khôn nguôi và dồn mọi tình thương cho con trai Chu Hậu Chiếu và Trương Hoàng hậu.

Thật ra trong lịch sử, Minh Hiếu Tông cũng từng có "cơ hội được ngoại tình". Đó là sau khi hoàng đế lên ngôi được vài tháng, bá quan văn võ đã dâng tấu đề nghị Minh Hiếu Tông tuyển tú nữ, chọn 2 người để phong phi. Khi đó hoàng đế mới lên ngôi nên vẫn còn lúng túng, không dám phản bác các đại thần nên có ý định buông xuôi. May mắn có đại thần Tạ Thiên ra mặt khuyên can. Ông lấy lý do tiên đế qua đời chưa lâu, 3 năm tang vẫn chưa kết thúc, hoàng đế phải "dùng sự hiếu thảo để cai trị thiên hạ". Minh Hiếu Tông liên tục gật đầu, đồng ý với lời khuyên của Tạ Thiên và dời lịch tuyển tú sang 3 năm sau. Từ đó về sau, mỗi lần bá quan văn võ dâng tấu, Minh Hiếu Tông đều lấy đủ mọi cớ để gạt bỏ. Vì vậy mà trong suốt gần 18 năm trị vì của mình, hậu cung của Minh Hiếu Tông đều bỏ trống và chỉ có mỗi hoàng hậu được ở lại.

(Nguồn: lunlishi + sina)

Chia sẻ