Họa sĩ Thành Phong: “Khán giả sẽ không chọn sản phẩm thiếu đầu tư”

A.D,
Chia sẻ

Xây dựng tên tuổi từ các dự án minh họa, truyện tranh như Sát thủ đầu mưng mủ, Long thần tướng... họa sĩ Thành Phong cho rằng dù áp lực dành cho một dự án mới như hãng phim hoạt hình VinTaTa là không nhỏ, song dự án này có cơ sở để anh đặt niềm tin

Là họa sĩ truyện tranh nổi tiếng, anh có định chuyển thể truyện tranh sang hoạt hình không?

Nhóm vẽ truyện tranh Phong Dương của tôi và Nguyễn Khánh Dương đã từng nhận được một số lời đề nghị từ các nhà làm phim hoạt hình độc lập để chuyển thể các tác phẩm truyện tranh của tôi thành các phim hoạt hình ngắn. Nhưng khi đi vào tìm hiểu, tôi thấy làm hoạt hình mà làm độc lập thì cực kỳ vất vả, cần đầu tư rất nhiều cả về công sức, thời gian và phải có máy móc. Còn nếu mà mình vẽ tay thì rất tốn công sức. Nếu là hoạt hình 2D vẽ tay thì còn vất vả hơn nữa. Và cho đến thời điểm này, chưa có một tác phẩm hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh nào của chúng tôi được hoàn thiện.

Nói như vậy thì có vẻ như anh cho rằng làm hoạt hình "khó nhằn" hơn truyện tranh?

Cũng không hẳn là như vậy, bởi mỗi lĩnh vực có những đặc thù khác nhau. Nếu xét về góc độ công sức trên từng cá nhân bỏ ra thì làm một bộ truyện tranh tốn nhiều công sức hơn. Truyện tranh mang tính cá nhân nhiều hơn.

Nhưng hoạt hình lại đòi hỏi công sức của một tập thể. Nó sẽ chia ra nhiều công đoạn, mỗi họa sĩ chỉ đảm nhận được một khâu, người thì lên ý tưởng, vẽ nhân vật, người thì phác thảo phân cảnh dựa trên kịch bản, có người thì chuyên thể hiện các góc độ và bối cảnh, có những nhóm thì làm chuyển động. Ngoài ra còn phải có sự đầu tư, kết hợp sử dụng máy móc hiện đại vì xu hướng hiện nay là làm hoạt hình theo công nghệ 3D.

Hoạt hình Việt Nam dù vẫn đều đặn có những giải thưởng, nhưng hầu như chưa có tác phẩm nào được khán giả đón nhận. Anh nghĩ thế nào về chuyện này?

Cũng như làm truyện tranh, làm hoạt hình có thể tạm chia thành hai hướng khác nhau, một bên là thuần thị trường và một bên mang tính cá nhân không hướng tới thị trường thì cách tiếp cận sẽ khác nhau, cách thể hiện khác nhau. Khó có thể nói cái nào tốt hơn cái nào, vì kết quả cuối cùng thì mỗi dự án phải tự đánh giá thôi. Đối với người làm ra sản phẩm để tranh giải thì được giải sẽ là thành công, còn khi tiêu chí là tính thị trường thì nếu được thị trường đón nhận đó là thành công.

Ở khía cạnh này thì hoạt hình Việt Nam chưa mang tính thị trường, chưa thành công và chưa được khán giả đón nhận. Và thực tế là phim hoạt hình nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam suốt bao năm nay.

Theo anh, vì sao lại có thực tế như vậy?

Thời đại thay đổi, bây giờ khán giả có rất nhiều lựa chọn khi đã có nhiều tác phẩm hay được chiếu rạp và cả trên internet và họ sẽ không chọn sản phẩm thiếu đầu tư. Quan niệm làm hoạt hình hướng đến nghệ thuật nhưng cách tiếp cận, cách truyền tải câu chuyện hay bản thân kỹ thuật thể hiện nếu bị lỗi thời thì sẽ khó để cạnh tranh với các phim nước ngoài.

Họa sĩ Thành Phong: “Khán giả sẽ không chọn sản phẩm thiếu đầu tư” - Ảnh 1.

Nhưng không hẳn là cứ đầu tư mạnh thì sẽ có sản phẩm tốt?

Đúng là như vậy. Ngoài chuyện đầu tư là điều kiện cần, thì quan trọng là chất lượng nội dung, định hướng nghệ thuật, quy trình làm, là đội ngũ tham gia dự án đó. Đây là những điều kiện đủ

Với dự án của VinTaTa, anh đánh giá thế nào về đội ngũ của họ?

Như dự án VinTaTa của Vingroup, thì cái tên Vingroup đã là sự bảo đảm cho việc đầu tư lớn, bài bản như những dự án từ trước đến nay Tập đoàn này đã triển khai, điều kiện cần đã được đáp ứng.

Họa sĩ Thành Phong: “Khán giả sẽ không chọn sản phẩm thiếu đầu tư” - Ảnh 2.

Về đội ngũ của họ, tôi biết khoảng 10 họa sĩ đang tham gia vào VinTaTa, những họa sĩ đó đa phần là trẻ, xuất phát từ vẽ truyện tranh hoặc hình minh họa.Họ đều là những họa sĩ trẻ có tài năng và tâm huyết tạo nên một nhóm có tiềm năng rất lớn. Dù hoạt hình là một lĩnh vực mới nhưng đội ngũ này có thể tạo nên những kỳ tích bởi họ có sức trẻ, tâm huyết và sự mới mẻ trong sáng tạo, sức bật cũng tốt.

Anh có vẻ lạc quan với tương lai của hoạt hình Việt Nam với sự xuất hiện của VinTaTa?

Tôi đánh giá đây là một tín hiệu rất tích cực đối với lĩnh vực phim hoạt hình của Việt Nam. Tạm thời họ mới có 1 trailer thì chưa thể đánh giá được gì nhiều về phần nội dung câu chuyện nhưng phần tạo hình khá ấn tượng, ở một tầm khác nếu so với hoạt hình Việt Nam từ trước đến nay. Hy vọng đây sẽ là một khởi đầu tốt cho ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam, tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho những người làm hoạt hình, có sự bài bản trong tư duy, trong cách làm. Và VinTaTa hoàn toàn có thể trở thành một nơi mà các tác giả kịch bản, các họa sĩ, đạo diễn gửi gắm những đứa con tinh thần của mình để nó có thể ra được một tác phẩm tốt, được khán giả và công chúng đón nhận.

Họa sĩ Thành Phong: “Khán giả sẽ không chọn sản phẩm thiếu đầu tư” - Ảnh 3.

Tất nhiên, VinTaTa là một trong những viên gạch đầu tiên để đặt nền móng nên kỳ vọng sẽ là không nhỏ, nhất là đối với sản phẩm đầu tiên. Riêng với bản thân tôi, với tầm nhìn, sự đầu tư bài bản, cùng đội ngũ nhân sự rất nhiều tiềm năng, tôi tin sản phẩm của VinTaTa chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu.

Xin cảm ơn Anh!

Chia sẻ