Hoa hậu Phương Nga vẫn có thể bị bắt giam trở lại

Nguyễn Hường,
Chia sẻ

“Nếu như cơ quan tố tụng thấy cần thiết để ngăn chặn tội phạm hoặc ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật của kẻ phạm tội thì hoàn toàn có thể quyết định bắt bị can để tạm giam trở lại”.

Cơ quan điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh vừa ra quyết định phục hồi điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với hai bị can Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (bạn thân của Phương Nga).

Theo đó, sau một thời gian tạm đình chỉ điều tra vụ án này, nay cơ quan điều tra quyết định phục hồi điều tra do đã có kết quả giám định các tài liệu liên quan đến vụ án...

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi. Liên quan đến diễn biến trên, dư luận băn khoăn đặt dấu hỏi, vậy khi phục hồi điều tra, Hoa hậu Phương Nga có phải bị bắt giam trở lại.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp thuộc Công an TP.Hà Nội cho biết: "Trước đây, cô Phương Nga được tòa cho tại ngoại là có căn cứ, bởi vì thấy rằng việc tạm giam không cần thiết nữa. Tuy nhiên, khi phục hồi điều tra lại thì người ta sẽ tính toán áp dụng biện pháp ngăn chặn, có thể là bắt giam hoặc có thể thấy bị can ở ngoài không ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra thì tiếp tục cho áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc biện pháp bảo lãnh".

Hoa hậu Phương Nga vẫn có thể bị bắt giam trở lại - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng phân tích: "Theo quy định của pháp luật thì cô Phương Nga hoàn toàn có thể bị bắt giam lại, nếu như cơ quan tố tụng thấy cần thiết để ngăn chặn tội phạm hoặc ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật của kẻ phạm tội.

Lý do bắt lại hay không là căn cứ vào việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Bắt giam là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Mục đích của nó là để ngăn chặn tội phạm, có thể do bị can, bị cáo đó sẽ tiếp tục phạm tội. Hoặc ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật của bị can, bị cáo như việc bỏ trốn. Thậm chí còn để ngăn chặn người khác phạm tội với bị can, bị cáo đấy. Ví dụ như những trường hợp gây bức xúc xã hội, việc bắt tạm giam bị can, bị cáo cũng là để phòng ngừa cho họ không bị đánh hoặc bị trả thù.

Nếu như có các căn cứ đấy thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc tòa án hoàn toàn có thể quyết định việc bắt lại hay không bắt lại cô Phương Nga".

Cũng theo Thượng tá Hùng: "Còn giả sử nếu như cô Phương Nga được chứng minh vô tội hoặc không đủ căn cứ buộc tội thì đương nhiên cơ quan chức năng phải bồi thường cho người ta".

Chia sẻ