Hít ối có phân su: Mối nguy cho trẻ sơ sinh

VIẾT TOÀN,
Chia sẻ

BV. Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận bé 1 ngày tuổi chào đời trong tình trạng khó thở, tím tái, hôn mê. Nguyên nhân được xác định là do bé hít phải nước ối có phân su trong bụng mẹ.

Tím tái ngay sau khi chào đời

Bé trai chào đời tại thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) đêm 16/7, được chuyển vào BV.Nhi Đồng Thành phố cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch chỉ một ngày sau khi sinh. Trước đó, tại bệnh viện tỉnh, em bé lên cơn tim tái, khó thở, rút lõm ngực nặng. Nước ối của mẹ có màu vàng đặc.Trước tình huống xấu, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đặt nội khí quản giúp thở cho bé và chuyển ngay lên tuyến trên ở TP.HCM.

BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV. Nhi Đồng Thành phố, người tiếp nhận bệnh nhi cho biết các bác sĩ đã lập tức cho bé thở máy, dùng kháng sinh, nhưng tình trạng suy hô hấp ngày càng nặng, bé tím tái càng nhiều, độ bão hòa oxy máu Spo2 giảm chỉ còn 60% - 70%. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Đây là lần đầu tiên kỹ thuật ECMO này được áp dụng cho trẻ sơ sinh.Sau 1 tuần chạy ECMO, bé trai dần được cải thiện, tổn thương phổi phục hồi, tình trạng nhiễm trùng giảm dần.

Theo bác sĩ Tiến, nguyên nhân khiến em bé bị suy hô hấp được xác định do hít phải phân su từ trong bụng mẹ. Phân su có trong nước ối đã vào phổi gây nên tình trạng viêm và nhiễm trùng nặng.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên nguy kịch do hít phải phân su. Hơn 5 tháng trước, bé trai được mẹ sinh thường tại BV Đa khoa huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cũng đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, khó thở tím tái, nguy kịch.

Tại thời điểm nhập viện, bé được các bác sĩ bóp bóng qua nội khí quản, tím tái toàn thân, mạch yếu, lồng ngực dô. Ngay lập tức bé được cấp cứu đặt lại nội khí quản, cho thở máy cao tần. Qua cấp cứu và đánh giá sơ bộ, các bác sĩ nghi ngờ em bé bị tràn khí màng phổi sau cuộc đẻ kéo dài và hít phải dịch ối lẫn phân su vào phổi. Kết quả chụp X-quang cấp cứu cho thấy, hình ảnh tràn khí màng phổi phải với toàn bộ nhu mô phổi bị chèn ép. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành mở lồng ngực để hút và đặt dẫn lưu khí.

Hít ối có phân su: Mối nguy cho trẻ sơ sinh - Ảnh 1.

Bé hít phân su được điều trị tại BV. Nhi Đồng Thành phố.

Sau cuộc thủ thuật an toàn, bé trai được hồi sức tiếp tục với thở máy, dẫn lưu khí, an thần. Tình trạng nguy kịch diễn ra 10 ngày, lượng khí dẫn lưu tiếp tục ra với số lượng nhiều hơn, bên cạnh đó bé xuất hiện những cơn tăng áp động mạch phổi liên tục. Các bác sĩ phải sử dụng phác đồ bơm Curosurf (một chất hoạt dịch có tác dụng tăng khả năng giãn nở của các phế nang thường gặp ở trẻ đẻ non), đồng thời sử dụng 4 loại thuốc vận mạch khác nhau nhằm tăng khả năng co bóp của cơ tim. Phải mất 11 ngày nỗ lực điều trị, bệnh nhi mới có thể cai được máy thở và đến ngày thứ 21, sức khỏe của bé mới bình phục.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi thấy nước ối có màu xanh đậm cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai.

Các bà mẹ mang thai cần chú ý những yếu tố có nguy cơ cao như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mãn tính... cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh.

Hít phải nước ối có phân su ở trẻ sơ sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp không nghiêm trọng. Việc theo dõi cẩn thận và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tình trạng nặng cũng như những di chứng về sau.

Ít gặp nhưng nguy hiểm, dễ tử vong

Phân su là chất màu xanh đen, quánh, cấu trúc bằng biểu mô ruột, lông tơ, nhày và chất tiết của ruột (mật...). Phân su là vô khuẩn, đây là yếu tố đầu tiên phân biệt với phân bình thường. Yếu tố tác động bài tiết phân su của thai trong tử cung gồm: thiếu máu rau thai, tiền sản giật, mẹ cao huyết áp, thiểu ối, mẹ nghiện hút đặc biệt là thuốc lá và cocain. Hít phân su trước hoặc trong khi sinh có thể làm tắc đường thở, cản trở việc trao đổi khí và là nguyên nhân của tình trạng suy hô hấp nặng.

Hội chứng hít phân su (MAS) được định nghĩa là tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh được sinh ra trong nước ối nhuốm phân su.Tần suất hít phân su chiếm gần 9 - 25 % ở trẻ sơ sinh sống. Gần 5% trẻ sinh ra có nước ối nhuốm phân su sẽ bị hít phân su (MAS) và gần 50% những trẻ này đòi hỏi phải thở máy.

MAS có thể xảy ra trước trong hoặc sau khi sinh, do trẻ hít nước ối có chứa phân su, làm tắc nghẽn đường thở một phần hay hoàn toàn, gây rối loạn sự trao đổi khí ở phổi và suy hô hấp nặng. Các kích ứng hóa học của phân su còn gây viêm phổi, nhiễm trùng và bất hoạt surfactant (hiện diện trên bề mặt trong lòng các phế nang, giúp các phế nang giãn nở và thông khí tốt). Mức độ nặng của MAS tùy thuộc vào lượng ối phân su mà trẻ hít vào, càng nhiều càng nghiêm trọng, cũng như các bệnh lý nền của trẻ như: nhiễm trùng bào thai, tim bẩm sinh, dị tật…

Hội chứng này có thể xuất hiện khi thai nhi gặp phải tình trạng căng thẳng hay một áp lực nào đó, nhất là lúc gần sinh. Căng thẳng xảy ra khi lượng oxy cung cấp cho bào thai suy giảm lúc mẹ chuyển dạ. Những nguyên nhân phổ biến của hội chứng này có thể kể đến như vượt quá ngày dự sinh(thai nhi trên 40 tuần), sinh khó hay sinh lâu, một số vấn đề sức khỏe sản phụ gặp phải trong lúc sinh như cao huyết áp hay tiêu chảy, nhiễm trùng

Tuổi thai kéo dài hơn 40 tuần có thể dẫn đến tình trạng nhau thai lão hóa hay dân gian còn gọi là thai “già tuổi”. Nhau thai là cơ quan cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi trong dạ con. Khi nhau thai “lão hóa” do quá tuần, nó không thể cung cấp đủ oxy cho thai nhi. Và lượng nước ối giảm càng kích thích phân su, chất nhầy tích tụ. Kết quả, hội chứng hít nước ối phân su phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh quá ngày dự sinh so với trẻ sinh non hoặc trẻ sinh đúng ngày đúng tháng. 

Suy hô hấp là dấu hiệu điển hình của trẻ mắc phải hội chứng này. Trẻ sơ sinh có thể bị ngạt do đường khí thở bị phân su chèn ép gây tắc nghẽn. Trẻ sơ sinh còn gặp phải một số dấu hiệu như da ngả màu xanh, còn gọi là chứng xanh tím, trẻ hôn mê, huyết áp thấp.

Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng hít nước ối phân su, bác sĩ sẽ phải ngay lập tức loại bỏ phân su ra khỏi đường hô hấp trên (khí quản) của trẻ.Sau khi mẹ sinh, bác sĩ sẽ nhanh chóng hút dịch nhầy ở mũi, miệng và cổ họng trẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một ống thông vào khí quản trẻ để hút phân su ra khỏi. Cứ như vậy cho đến khi phân su không còn trong phổi hay khí quản.

Trẻ hít phân su thường có tầm vóc to, người phủ đầy phân su, miệng hầu đầy nước ối phân su. Biểu hiện suy hô hấp: thở nhanh, thở khó, rên rỉ, tím tái, ngưng thở... Nhịp tim chậm, giảm trương lực cơ. Trẻ có thể ngạt nặng, chết lâm sàng. Chụp X-quang phổi thấy các hạt đậm bờ không rõ tập trung nhiều quanh rốn phổi, ứ khí ở phổi, xẹp phổi và khí thũng rải rác. Một số trường hợp có tràn khí màng phổi.

Lời khuyên của thầy thuốc
Khi thấy nước ối có màu xanh đậm cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai.
Các bà mẹ mang thai cần chú ý những yếu tố có nguy cơ cao như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mãn tính... cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh.
Hít phải nước ối có phân su ở trẻ sơ sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp không
nghiêm trọng. Việc theo dõi cẩn thận và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tình trạng nặng cũng như những di chứng về sau.

Chia sẻ