Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Ước tính có 10-15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.

TS BS.Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, loét chân do đái tháo đường (ĐTĐ) là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị ĐTĐ.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 1.

Loét chân vì đái tháo đường.

Biến chứng kinh hoàng của đái tháo đường: Hoại tử, cắt cụi chi

Bác sĩ Nam cho biết, ngoài những biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim... ĐTĐ còn gây ra những tổn thương bàn chân như loét lỗ đáo, nứt da chân, chai chân, móng quặp, ngón chân hình búa, chân mất cảm giác. Nếu không được điều trị kịp thời những biến chứng này, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi.

Ước tính hàng năm có khoảng 1-4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10-15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất một lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 2.

10-15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất một lần loét chân trong đời.

Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân. Tuy nhiên, tỉ lệ loét chân cao hơn ở những người có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, người bệnh kiểm soát đường huyết kém hoặc người bệnh có những biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.

Loét chân do ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử thì các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 3.

Can thiệp mạch máu điều trị ĐTĐ bàn chân cho bệnh nhân.

Hiện nay phương pháp điều trị bàn chân đái tháo đường mới có sự phối hợp nhiều liên chuyên khoa như nội tiết, chấn thương chỉnh hình, can thiệp mạch máu, phục hồi chức năng… giúp giảm thiểu đến mức tối đa tỉ lệ người bệnh phải đoạn chi do ĐTĐ.

Như trường hợp của bác N.T.L (65 tuổi, quê Vĩnh Long), bị ĐTĐ tuýp 2 đến nay đã 18 năm. Ban đầu người bệnh xuất hiện những triệu chứng mỏi nặng chân, châm chích chân, đau bắp chân khi đi bộ khoảng 400m.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 4.

Ông Sang, một trong những người bị hoại tử bàn chân vì ĐTĐ được chữa trị thành công.

Chỉ 2 tuần sau, ngón thứ 5 bàn chân phải của bác L. diễn biến hoại tử nặng và được chỉ định cắt bỏ khi nhập viện địa phương. Tuy nhiên sau khi đoạn chi, tình trạng hoại tử chân không chấm dứt mà còn lan sang ngón chân 3 và 4.

Khi được chuyển lên điều trị tại BV ĐHYD, người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch. Các bác sĩ đã thực hiện can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, sau đó cắt lọc mô và ngón chân hoại tử. 12 tuần chăm sóc và theo dõi, vết thương của bác L. đã lành hoàn toàn.

Điều trị liên chuyên khoa, hi vọng cho người bị đái tháo đường nặng

Bác sĩ Nam nhận định trong trường hợp trên, bệnh nhân có biến chứng tắc mạch máu kèm theo vết loét, nhưng ban đầu tình trạng bệnh chưa được chẩn đoán đầy đủ và thiếu sự phối hợp điều trị từ các chuyên khoa nên việc cắt lọc ngón chân cũng không chấm dứt hoại tử. Phía BV đã triển khai quy trình điều trị phối hợp liên chuyên khoa. Đây là phương thức điều trị đã được nghiên cứu trên thế giới cho thấy làm giảm tỉ lệ phải đoạn chi tới trên 50%.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 5.

Một bệnh nhân cao tuổi bị ĐTĐ nặng được chữa khỏi.

Cụ thể, bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu giúp vết thương lành nhanh hơn. Tiếp theo bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc tạo hình có vai trò quan trọng để cắt lọc mô hoại tử, ghép da và chỉnh hình biến dạng bàn chân.

Chuyên khoa nội tiết giúp người bệnh điều trị ổn định đường huyết, dùng kháng sinh, chăm sóc vết loét trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, điều dưỡng sẽ tích cực thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày, hướng dẫn người bệnh tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 6.

Bác sĩ Trần Quang Nam cho biết tỉ lệ loét chân cao hơn ở những người có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm.

Nhờ sự phối hợp toàn diện, chặt chẽ và liên tục của các chuyên khoa cùng những tiến bộ y học, cho ra đời nhiều loại kháng sinh thế hệ mới kiểm soát nhiễm trùng đã giúp tỉ lệ cứu sống chi cao gấp 3 lần so với trước đây.

ThS.BS. Lê Thanh Phong, khoa Lồng ngực Mạch máu BV ĐHYD cho biết, cứ 2 người bị loét bàn chân ĐTĐ thì có 1 người cần tái thông động mạch để làm lành vết loét.

"Có 2 cách tái thông bao gồm can thiệp nội mạch và phẫu thuật bắc cầu. Những người bệnh loét chân do ĐTĐ thường có nhiều bệnh nặng kèm theo nên không phù hợp để phẫu thuật. Do đó, hiện nay can thiệp nội mạch là sự lựa chọn đầu tiên cho dạng bệnh này. Kỹ thuật này có thể giúp phục hồi đến 90% các động mạch bị tắc nghẽn, làm lành nhanh chóng vết thương bàn chân ĐTĐ" - Bác sĩ Phong nói.

Hi vọng mới cho bệnh nhân bị loét chân do đái tháo đường tránh phải cắt cụt chi - Ảnh 7.

Bác sĩ Lê Thanh Phong cho biết cứ 2 người bị loét bàn chân ĐTĐ thì có 1 người cần tái thông động mạch.

ThS BS. Nguyễn Phúc Thịnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, cắt lọc đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các nhiễm trùng sâu của bàn chân ĐTĐ, giúp loại bỏ mô hoại tử, thoát lưu mủ, giảm thiểu nguy cơ lan rộng, giải phóng áp lực các khoang nhiễm trùng. Với các trường hợp nhiễm trùng sâu bàn chân, người bệnh cần được cắt lọc sớm.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo các biến chứng của ĐTĐ nói chung và biến chứng bàn chân nói riêng tuy rất nguy hiểm. Dù vậy, bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kì và không nên bỏ qua bất kì dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.

Chia sẻ