Hết “tháng cô hồn”, các tiểu thương chợ váy cưới siêu rẻ nhộn nhịp bung hàng đón mùa cưới

Mộc Cát,
Chia sẻ

Dù buôn bán vẫn còn khá chậm nhưng các tiểu thương ở khu chợ áo cưới giá rẻ tại chợ Tân Bình ai cũng vui vẻ, lạc quan chờ mùa cưới sắp đến.

Từ nhiều năm nay, chợ váy cưới Tân Bình (một góc của khu chợ Tân Bình, TP.HCM) nổi tiếng là địa điểm cung cấp các loại đầm cưới, áo vest, phụ kiện cưới giá rẻ cho các cặp uyên ương trong ngày trọng đại nhất cuộc đời mình. Đến hẹn lại lên, vừa hết tháng 7 âm lịch, các cửa hàng nơi đây sôi động hẳn lên khi những kiện hàng đủ sắc màu liên tục được nhập về trữ sẵn, chờ “khai mạc” mùa cưới (từ tháng 8 đến thàng 12 âm lịch).

1
Váy áo đầy đủ sắc màu tại khu chợ đồ cưới giá rẻ nổi tiếng nhất Sài Gòn.

Hết tháng ế ẩm, tiểu thương nhộn nhịp bung hàng

Ngồi ngay đầu chợ, cô Điệp xốc lại mấy cái váy cưới, đon đả chào mời khách đến mua. Chỉ vào cái áo rất đẹp cầm trên tay, cô ra giá khiến ai cũng phải giật mình: “250 ngàn đồng, mua đi mấy em”. Không đợi khách thắc mắc, cô giải thích ngay giá rẻ vì đây là đồ thanh lý, đã được đem đi thuê rất nhiều lần, chứ chất liệu vải cực kỳ tốt, là hàng "xịn" đàng hoàng. Tại khu chợ này, chỉ còn duy nhất sạp đồ của cô Điệp bán hàng cũ, giá váy cưới vì thế cũng thuộc hàng thấp nhất chợ. Tuy nhiên, trong tháng 7 âm lịch, cô cũng chỉ bán được vài bộ vì tâm lý kiêng cưới trong tháng này khiến ít người mua. Tuy nhiên, khi vừa hết tháng cô hồn, cô đã nhộn nhịp chuẩn bị thêm hàng vì biết mùa cưới sức mua sẽ được cải thiện.

2
Cô Điệp và chiếc áo cưới 250.000 đồng.

Cùng cảnh ngộ, cô Hoàng (53 tuổi) chủ một tiệm chuyên bán áo dài truyền thống cho biết mấy tuần vừa rồi liên tục rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm, vì ai cũng kiêng kị “tháng cô hồn” mà không dám cưới xin. Có hơn 20 năm làm nghề bán đồ cưới, cô không bất ngờ, bởi năm nào cũng như vậy cứ tháng 7 âm lịch là hàng ế ẩm. Qua tháng này, các mặt hàng đồ cưới nơi đây mới bán được tốt. Thường khách đến mua đồ cưới sẽ chọn cả hai loại trang phục: Áo dài khăn đóng để làm lễ và váy đầm hiện đại cho chụp ngoại cảnh, nên không sợ không có đất dụng võ. 

Giá bán áo dài truyền thống tại tiệm cô Hoàng cũng như các tiệm khác dao động từ 500.000-800.000 đồng. Còn áo thì vest tầm 300.000-500.000 đồng đã có thể sắm một chiếc, chỉ bằng một nửa giá khi mua tại các tiệm áo cưới bình dân khác.

9
Áo vest dù rất rẻ nhưng không nhiều người ngó ngàng.

3
Một chủ tiệm ngủ ngon lành bên đống đồ của mình.

4
Chung số phận với trang phục cưới, hàng tóc giả, đồ trang điểm cũng bán khá chậm.

8
Cô Bạch Tuyết (55 tuổi) đang dọn các mâm quả vào. Mâm thô được nhập về, sau đó tự tay người chủ sẽ vẽ màu và hoạ tiết lên.

Mới hơn ba mươi tuổi nhưng chị Hương đã có hơn mười lăm năm theo nghề. Hỏi cả tháng bán buôn không thuận lợi vậy có buồn không, người phụ nữ lắc đầu: “Coi như nghỉ xả hơi một tháng, vài bữa nữa là làm mệt nghỉ. Mỗi lần bán ế ngó qua mấy tiệm kia thấy khách đến mua, cô dâu chú rể tươi như hoa là mình cũng phấn khích lây. Nghề của mình góp phần đem lại hạnh phúc cho người ta nên không bao giờ buồn hết”.

5

11
Giá rẻ nên đối tượng tiêu thụ đầm váy chính tại khu chợ là người bình dân.

Áo cưới giá bèo vẫn được chuộng

Khu chợ có hơn 20 tiệm váy cưới này, khi tất cả các bộ trang phục đều “made in Việt Nam”. Hàng Việt mịn màng hơn, may chắc chắn và nhẹ hơn rất nhiều so với hàng Trung Quốc, nên được các chị em cực kỳ ưa chuộng. Và vì khá rẻ nên đối tượng mua hàng chủ yếu ở đây là người lao động nghèo, công nhân hay các vũ công, diễn viên cải lương, đoàn xiếc.

Ngoài người thu nhập thấp, một thành phần không nhỏ những người đến mua đồ cưới là các nhiếp ảnh gia chụp hình ngoại cảnh, các shop cho thuê đồ cưới bình dân. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nho nhỏ, họ có thể sắm cho mình một cửa hàng váy áo tươm tất khi lượn một vòng chợ. Thậm chí theo một số chủ tiệm tiết lộ, nhiều người mới vào nghề còn mua đồ ở đây về độn cho tủ dày lên rồi gắn mác trang phục cưới “cao cấp” để đội giá lên mắc gấp ba, bốn lần. 

Lý giải vì sao hàng ở đây dù cũ hay mới đều có giá khá “bèo” như vậy, chị Mai Hương, chủ một tiệm bán đồ trang điểm, tóc giả cho cô dâu nói: “Hầu hết đồ ở đây đều do người bán tự gia công tại nhà, vải vóc cũng đặt tại chính công ty để lấy giá gốc. Tập trung lại thành cụm nên muốn bán được nhiều thì phải hạ giá tối đa, nên rẻ là đương nhiên. Bán một món ăn lời 20.000 đồng là hết đát”.

13
Chị Lê Thị Hoài Thu (22 tuổi), nhân viên làm dịch vụ tiệc cưới đang chọn hoa giả để về phối lại bán cho khách.

Anh Nguyễn Tiến Lộc (25 tuổi) giới thiệu cho một người bạn đang tập tành kinh doanh đồ cưới đến đây tham khảo hàng. Có kinh nghiệm làm dịch vụ cưới tại Biên Hoà 4 năm, anh khẳng định chợ đồ cưới Tân Bình bán hàng cực kỳ chất lượng và “rẻ nhất Việt Nam”. Một năm hai lần, anh đều lặn lội đến đây tìm mua cho bằng được từ trang phục đến các loại phụ kiện đi kèm như khánh, quả, vương miện, găng tay, trâm cài tóc…

6
Một cô gái sắp mở tiệm váy cưới đến lựa đồ.

Không chỉ khách Việt Nam, chợ cưới Tân Bình còn thu hút nhiều người nước ngoài đến đặt hàng. Theo nhiều chủ tiệm, khách nước ngoài trước đây rất đa dạng quốc tịch, nhưng giờ tình hình kinh tế khó khăn nên chỉ còn người Philipines, Pakistan, Malaysia và một số nước châu Phi đến mua. 

12
Một vị khách Philippines (áo đỏ) đến khu chợ mua hàng.

7
Nét mặt rạng rỡ khi đang xếp lại các ma nơ canh của chú Trần Đình Trung khi chỉ còn vài ngày nữa là đến mùa "gặt" của năm.

15
Anh Huỳnh Quang Thông(25 tuổi) thì mỏi tay đếm tiền, bởi tiệm bán phụ kiện cưới của anh luôn đắt khách quanh năm.

Trái ngược với cảnh bán buôn ảm đạm, không khí sinh hoạt tại khu chợ lại rất rộn ràng, vui vẻ. Họ dường như đã quen với thời cuộc, nên không bận tâm lắm đến chuyện tiền nong. Hỏi ra thì ai cũng có thâm niên mấy chục năm theo nghề “se duyên ngầm”, vì yêu tiếng pháo vu quy, màu hoa cưới mà không bỏ được. Ai cũng bảo chỉ vài ngày nữa khách sẽ đến rất đông, cuộc sống sẽ mau chóng được cải thiện. Mùa cưới năm nay có lẽ sẽ còn tưng bừng, náo nhiệt hơn mọi năm.

Chia sẻ