Hết cách vì con nghiện điện thoại, bố mẹ phải đánh thuốc mê để đưa con vào viện tâm thần

Phương Linh,
Chia sẻ

Sau khi dùng mọi biện pháp khuyên ngăn, mời bác sĩ tâm lý đến nhà không có hiệu quả, anh Long phải đánh thuốc mê để cưỡng chế con gái, cho xuống viện tâm thần.

Từ con ngoan trò giỏi trở thành "con nghiện"

TS.BS Tô Thanh Phương – Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu một ca bệnh khá đặc biệt, khi người bệnh là một nữ sinh bị nghiện điện thoại, bố mẹ phải đánh thuốc mê để cưỡng chế đưa đến bệnh viện điều trị.

Đang điều trị ở khoa Cấp tính nữ, Ng.T.T. (SN 2000, ở Hà Nội) khi gặp bác sĩ và chúng tôi liên tục nói mình không hề mắc bệnh và không hợp tác trong việc điều trị.

"Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì nghiện game, nghiện điện thoại, lúc đầu đến viện ai cũng nói mình không mắc bệnh và từ chối điều trị, chính điều đó gây khó khăn không chỉ cho bác sĩ, mà còn khiến bệnh trầm trọng hơn", BS Phương cho hay.

Ngồi bên gường bệnh, anh Long (bố cháu T.) từ chối mọi chia sẻ về bệnh tình của con mình, chỉ khi bác sĩ phân tích đây là ca điển hình và cần phải tuyên truyền để các gia đình có con trong độ tuổi này cảnh giác… Lúc đó, anh Long mới đồng ý chia sẻ, nhưng trong cuộc nói chuyện anh vẫn dè chừng vì sợ những người nhà bệnh nhân bên cạnh nghe được.

"Lỗi là do chúng tôi, những người bố, người mẹ chưa làm hết trách nhiệm chăm sóc, quan tâm con cái, nên giờ mới ra cơ sự này", đó là câu nói đầu tiên của anh Long với chúng tôi, như thể tự dằn vặt bản thân mình.

Anh Long cho biết, trước khi bước vào lớp 12 con gái anh là một học sinh rất giỏi và ngoan, năm nào cũng thuộc tốp đi thi học sinh giỏi quốc gia và đạt giải cao. Nhưng từ đầu năm học lợp 12 đến nay, con gái anh Long thay đổi tính nết, không giao lưu với bạn bè, sống thu mình, lực học giảm sút.

Thấy con thay đổi bất thường, hai vợ chồng anh Long quyết định theo dõi mọi hoạt động của con khi ở nhà thì thấy được, con không học hành gì mà suốt ngày chỉ ôm chiếc điện thoại. Thậm chí, đến bữa ăn bố mẹ gọi xuống cũng không xuống, nhiều hôm thức đến 2-3 giờ sáng trong phòng chỉ ôm chiếc điện thoại, hoặc vào nhà vệ sinh đóng cửa không bật điện chỉ để xem điện thoại…

"Rồi đến giữa tháng 12/2017, tôi bất chợt đi làm về giữa buổi thấy con ở nhà, gọi điện đến cô giáo thì mới biết con trốn học. Khi trốn học về nhà, con tôi chỉ chơi điện thoại chứ không có việc riêng tư gì", anh Long kể lại.

Khuyên bảo con không nghe lời, anh Long và vợ bàn cách cắt mạng internet trong gia đình. Lúc bày H. mới bắt đầu có những biểu hiện bất thường mà chính bố và mẹ cũng không ngờ tới.

"Khi cắt mạng, cháu phản ứng một cách rất gay gắt, cháu như kiểu bị điên vậy. Cháu sẵn sàng đập phá đồ đạc trong nhà, chửi thậm chí là có hành động chống trả bố mẹ", anh Long nói.

Hết cách vì con nghiện điện thoại, bố mẹ phải đánh thuốc mê để đưa con vào viện tâm thần - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Dùng thuốc mê, cưỡng chế đưa con vào viện

Lo cho con gái, anh Long mời bác sĩ tâm lý đến gia đình để thăm khám, nhưng H. vẫn khăn khăng nói mình không mắc bệnh gì và có thái độ không hợp tác. Dùng mọi cách không có hiệu quả, cuối cùng anh Lòng nghe theo lời tư vấn của bác sĩ đánh thuốc mê, sau đó chuyển cháu xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

TS Tô Thanh Phương cho biết, hiện cháu H. đang điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế với bệnh nhân trầm cảm. Thời gian đầu cháu chưa hợp tác trong điều trị, vì thế ngoài dùng thuốc, gia đình cần phải nhẹ nhàng động viên, chăm sóc cháu.

Phân tích cơ chế dẫn đến trầm cảm khi nghiện game, facebook… BS Phương cho biết, đa số người bệnh khi nghiện đều chỉ thích chơi với duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh với thế giới xung quanh, lâu dần mắc bệnh.

"Nếu phát hiện nghiện điện thoại khoảng 6 tháng đầu thì lúc đó người bệnh đang ở tình trạng cấp tính, việc điều trị sẽ kéo dài ít nhất là 6 tháng. Còn nếu phát hiện nghiện game trên 6 tháng, thì lúc đó đã chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị sẽ rất dài, khoảng 3-5 năm", BS Phương cảnh báo.

Chính vì thế, BS Phương mong muốn các gia đình hãy quan tâm, chú ý đến con mình hơn nữa để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Bởi nếu để quá muộn sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống và thời gian điều trị sẽ rất lâu.

Chia sẻ