Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục

HH,
Chia sẻ

Phạm Lịch, Nga My và cô gái giấu mặt đã và đang phải đối diện với làn sóng chỉ trích dữ dội khi dám công khai tố đích danh Phạm Anh Khoa "quấy rối tình dục". Xu hướng victims blaming (đổ lỗi cho nạn nhân) đã và đang cản trở #metoo lan rộng tại Việt Nam.

Cái giá của sự cất lời

Sắp tròn 2 tuần kể từ ngày vũ công Phạm Lịch đứng ra tố cáo đích danh nam ca sĩ Phạm Anh Khoa "gạ tình". Trong 12 ngày qua, scandal ngày càng gay cấn và khốc liệt khi có thêm hai nhân vật nữa lên tiếng nhận mình là nạn nhân của Phạm Anh Khoa.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 1.

Vũ công Nga My tố Phạm Anh Khoa quấy rối cô bằng những lời tán tỉnh khiếm nhã. Còn stylist giấu danh tính kể lại việc bị Phạm Anh Khoa tấn công tình dục bất thành cách đây 4 năm, khiến cô phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần.

Phạm Anh Khoa đích thân phủ nhận lời tố của Phạm Lịch trên trang cá nhân vào ngày 1/5, khẳng định bản thân bị "vu khống". Người đại diện của nam ca sĩ phủ nhận với truyền thông về lời tố của Nga My và cô gái giấu danh tính. Tuy nhiên, phía Phạm Anh Khoa không đưa ra bất kì lời giải thích nào hay bằng chứng nào hồi đáp lại từng nội dung cáo buộc cụ thể của ba cô gái này, tính đến thời điểm hiện tại.

Nhưng cách ứng xử của Phạm Anh Khoa không gây kinh ngạc. Sự kinh ngạc đến từ những phản ứng đậm chất "victims blaming" của một bộ phận dư luận không nhỏ về sự việc.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 2.

Ngay những giờ đầu tiên Phạm Lịch tố cáo Phạm Anh Khoa, trang cá nhân của Á quân Thử thách cùng bước nhảy 2014 đã bị khủng bố bởi vô số những bình luận chỉ trích thậm tệ, miệt thị cay độc, xúc phạm thô tục. Phạm Lịch bị cho là bịa ra câu chuyện không có thật, nghiêm trọng hóa vấn đề, "cài bẫy Phạm Anh Khoa", cố ý làm rình rang trên truyền thông, tạo lùm xùm để "đu bám" vào tên tuổi nam rocker hòng "kiếm fame". Nhẹ nhàng hơn thì Phạm Lịch bị quy kết là do bị loại khỏi chương trình "Trời sinh một cặp" mà cay cú muốn trả thù huấn luyện viên của mình.

Nữ diễn viên Thân Thúy Hà, trong một bình luận trên trang cá nhân của Thùy Trang - bà xã Phạm Anh Khoa - đã an ủi bạn thân và gọi câu chuyện tố cáo của Phạm Lịch là "chuyện hài".

Những kẻ tấn công Phạm Lịch cố tình hạ thấp Phạm Lịch như một vũ công vô danh mà không chịu thấy rằng: cô hiện đang là nữ vũ công kiêm biên đạo hàng đầu hiện nay của các chương trình truyền hình thực tế, đồng thời được nhiều ngôi sao hạng A lựa chọn hợp tác, điển hình là Mỹ Tâm, Tóc Tiên và Hoa hậu Hương Giang.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 3.

Điều tương tự cũng xảy ra với Nga My. Vũ công trẻ sinh năm 1995 thậm chí còn bị lục lọi trang cá nhân để lôi ra những bức hình nóng bỏng rồi trưng lên trên mạng xã hội theo cách "vạch trần nhân phẩm thực sự" của nạn nhân #metoo. Những kẻ "victims blaming" say máu bình phẩm, rằng ăn mặc thế kia, cử chỉ thế kia thì bảo sao đàn ông không buông lời gạ gẫm. "Trước những con cái phô bày sự hấp dẫn, mọi con đực đều hành động như nhau", một tài khoản mạng xã hội bình luận. Mặc nhiên, tội lỗi thuộc về nạn nhân - những cô gái được cho là buông thả, phóng túng, ăn mặc không phù hợp làm khơi dậy bản năng dục tính của giống đực. Cũng mặc nhiên, con người văn minh thuộc giới tính nam bị gộp chung với động vật cùng giống kém tiến hóa hơn chỉ để khẳng định: chủ nhân của những tin nhắn gạ tình chẳng có lỗi lầm gì xét theo bản năng giới.

Và nạn nhân trở thành thủ phạm của chính mình.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 4.

Phạm Lịch lẫn Nga My đều nhận được hàng tá mỉa mai khi đưa ra các đoạn tin nhắn trò chuyện làm bằng chứng. Kiểu như "Chỉ có vậy thôi à? Có gì to tát đâu?", hay "Tại sao không phản kháng ngay lúc đó, tại sao không tố cáo ngay lúc đó, động cơ gì mà lại 'bỗng dưng muốn tố'?" hoặc "Muốn đu bám Phạm Anh Khoa đến lúc nào?".v.v.. Còn khi nữ stylist lên tiếng với câu chuyện tấn công tình dục rõ ràng hơn, khủng khiếp hơn thì bị "cáo buộc" là "té nước theo mưa", "kiếm fame bằng trò bẩn"... Bất chấp logic của việc đã giấu danh tính, đã không lộ diện thì còn "kiếm fame" nỗi gì!

Bộ phận dư luận "victims blaming" không bao giờ đặt bản thân vào vị trí nạn nhân để cảm nhận được nỗi khó chịu, bẽ bàng, bất an khi bị quấy rối tình dục. Và nhất là đám đông ấy nghĩ sự nổi tiếng có giá hơn danh dự cả cuộc đời của một cô gái vang danh nhờ... bị quấy rối tình dục! Chính thứ suy nghĩ tàn nhẫn đó khiến phần chìm của tảng băng quấy rối tình dục không bao giờ lộ diện. Những nạn nhân không bao giờ dám lên tiếng. Họ chấp nhận sống cả cuộc đời trong ám ảnh, tủi hổ và uất ức. Chỉ vì nếu nói ra thì thủ phạm chẳng những không hề hấn gì mà nhân phẩm của họ còn bị chà đạp, danh dự của họ còn bị lột bỏ, người thân của họ còn bị liên lụy.

Và vì thế, danh sách các nạn nhân cứ nối dài bất tận. Danh sách những thủ phạm "dự bị" cũng nối dài bất tận. Những thành viên của phong trào "victims blaming" cùng người thân của họ cũng không nằm ngoài hai danh sách ấy.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 5.

Với việc đổ lỗi cho nạn nhân, họ tự biến mình thành con tin của cái ác. Hoặc là bị dắt tay để kế vị cái ác. Hoặc là bị bịt miệng để nô lệ cho cái ác. Để rồi khi chính họ là nạn nhân, họ cũng sẽ im lặng. Vì họ thấu hiểu hơn ai hết cái giá của sự cất lời.

Và sự im lặng đáng sợ của showbiz Việt

Phạm Lịch, Nga My hay nữ stylist giấu danh tính đều là những nhân vật của showbiz. Nhưng họ không phải sao hạng A. Vì thế họ đứng trong hàng ngũ phải chịu sự áp đặt của luật ngầm showbiz. Dễ hiểu thôi, nếu bất chấp để nói tiếng nói "ngược chiều" về một nghệ sĩ nổi tiếng hơn, xếp hạng cao hơn họ, trước là họ sẽ bị vùi dập tơi bời bởi đội quân fan cuồng đông đảo, sau là họ bị các "ông lớn" trong làng giải trí thu xếp tiễn họ ra khỏi showbiz. Điều này đến Jennifer Lawrence - ngôi sao của "Húng nhại" - còn phải tự tuân thủ trong nhiều năm đầu sống giữa Hollywood đầy những kẻ biến thái ẩn dưới vỏ bọc đạo mạo kiểu "ông trùm quyền lực".

Nhưng Phạm Lịch đã bất chấp. Sự cứng cỏi của Phạm Lịch đã khiến các cô gái khác có thêm sức mạnh thoát khỏi bóng tối nặng nề của sự im lặng. Và chữ #metoo được dọn lối để vào Việt Nam.

Nhưng, #metoo xuất hiện lẻ loi đến phẫn nộ.

Cho đến thời điểm hiện tại, sau gần hai tuần xảy ra vụ việc tố cáo của Phạm Lịch và liên tiếp sau đó là Nga My cùng nữ stylist ẩn danh, duy nhất một ngôi sao hạng A có tầm ảnh hưởng rộng rãi đăng tải #metoo lên trang cá nhân. Đó là Tóc Tiên. Không đả kích Phạm Anh Khoa cũng không bênh vực Phạm Lịch, Tóc Tiên bày tỏ quan điểm rất rõ ràng: "Đây là một vấn đề cực kì nhạy cảm. Vì chỉ cần nhận xét chủ quan cũng đủ giết chết một người vô tội. Bản thân Tiên đều đã từng làm việc cùng hai nghệ sĩ này nên càng không thể đưa ra bất cứ đánh giá nào. Nhưng Tiên tin sự thật sẽ luôn là sự thật. Ai làm sai sẽ trả giá, không sớm thì muộn. Lạm dụng tình dục trong giới showbiz là hoàn toàn hiện hữu... Thế nên hãy mạnh mẽ lên các nạn nhân, đừng im lặng chịu đựng, lẽ phải sẽ ở bên bạn."

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 6.

Mới đây, Tóc Tiên cũng mạnh dạn chia sẻ lời tố cáo của nữ stylist ẩn danh kèm dòng chú thích "Bây giờ hoặc không bao giờ. #metoo", góp thêm tiếng nói ủng hộ quyết liệt hơn.

Ngoài Tóc Tiên, một số nghệ sĩ trẻ khác cũng đã có hành động hưởng ứng #metoo như ca sĩ kiêm diễn viên Phương Trinh Jolie, ca sĩ Ái Phương, ca sĩ Trang Pháp, vũ công Lý Phương Châu...

Trên trang cá nhân, Trang Pháp viết: "Tệ nạn quấy rối tình dục trong showbiz hay bất cứ đâu cũng là điều cần được đưa ra ánh sáng. Đã đến lúc chúng ta lên tiếng. Sự im lặng sẽ chỉ nuôi sống những tội ác này lâu hơn. #metoo."

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 7.

Hãy tưởng tượng một ngày đó là chúng ta, chị, em hay con gái của chúng ta, và họ im lặng vì sợ hãi, không dám tố giác kẻ tấn công họ. Bạn nghĩ sao?

Còn Ái Phương không giấu giếm sự bất bình: "Những tên tuổi khi bị bắt vì tấn công tình dục ở Hollywood đều rất ngỡ ngàng vì họ không nghĩ rằng như thế là phạm tội. Họ bảo đó là cách nền công nghiệp vận hành vào thời của họ nên họ thấy bình thường. Có rất nhiều người đàn ông (lẫn phụ nữ) để lại những bình luận về vấn đề xâm phạm tình dục theo kiểu: "chắc muốn nổi", "chắc muốn PR", "cô này là ai?", "chắc người ta chọc ghẹo gạ đùa thôi làm gì quá vậy?"...

Từ khi nào chúng ta có tâm lý đổ lỗi cho người bị hại vậy? Khi mọi chuyện chưa có kết quả cuối cùng, bạn có thể không bình luận, chứ đừng chĩa mũi dùi về người bị hại chứ? Hãy tưởng tượng một ngày đó là chúng ta, chị, em hay con gái của chúng ta, và họ im lặng vì sợ hãi, không dám tố giác kẻ tấn công họ. Bạn nghĩ sao? Bạn ân hận kịp không? #dungimlang."

Song, tất cả chỉ có từng ấy người cất tiếng. Những ngôi sao, ông vua, nữ hoàng, công chúa... cố thủ giữ im lặng. Những biểu tượng nữ quyền giữ im lặng. Các hotfacebooker nghệ sĩ im lặng. Cả những nghệ sĩ làm đại sứ hình ảnh cho chương trình Phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của Quỹ dân số Liên hợp quốc cũng im lặng.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 8.

Phương Trinh Jolie: "Chúng ta cần phanh phui sự thật và xử lý quyết liệt vấn đề chứ không phải chăm chăm nghi ngờ mục đích của nạn nhân".

Có muôn vàn lí do chân chính cho sự im lặng. Nói như Ái Phương, có thể họ sợ tai bay vạ gió, sợ liên lụy. Có người lại vì những mối quan hệ công việc, đồng nghiệp mà ngại phát ngôn. Có người còn chông chênh chỗ đứng, sợ một chữ #metoo mà bị hất cẳng, tan tành giấc mộng hào quang. Có người thì lấy danh nghĩa khách quan - tỉnh táo vì "biết gì mà phán", "chuyện còn chưa có gì rõ ràng", "còn chưa có kết quả điều tra", "đúng sai rõ ràng rồi hãy nói"...

Họ không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu rằng, những vụ việc quấy rối tình dục ở Việt Nam cũng như thế giới, ở showbiz Việt cũng như Hollywood, luôn ít khi có bằng chứng đủ mạnh để buộc tội thủ phạm trước tòa. Phần lớn "chưa có gì rõ ràng", khó có kết quả điều tra và càng khó "đúng sai rành rọt". "Ông trùm" Harvey Weisteins, dù số phụ nữ tố cáo ông ta lên đến con số hàng trăm, cũng chưa phải chịu trách nhiệm nào trước pháp luật. Harvey Weisteins không nhận tội, nhưng #metoo đã xử ông ta bằng luật của lương tâm, bằng sức mạnh của nhiều tiếng nói cất lên cùng lúc, bằng sự cảm thông, thấu hiểu và trân trọng dành cho những nạn nhân dũng cảm đã dám vượt qua nỗi sợ hãi để hành động vì bản thân và những người xung quanh.

Hãy dừng đổ lỗi cho nạn nhân #metoo nếu bạn không muốn mình và người thân trở thành con tin của tội ác tình dục - Ảnh 9.

#metoo ra đời chính là vì những câu chuyện quá khó để biết đúng sai ấy. Như scandal quấy rối tình dục liên quan tới Phạm Anh Khoa này, hiện giờ công luận chưa thể biết đúng sai. Song, nhờ #metoo, sự thật sẽ sớm lộ diện hơn. Các nạn nhân nếu thực sự có tồn tại sẽ có động lực để tiếp tục lên tiếng. Các nhân chứng về vụ việc nếu có trong tay bằng chứng vô tội của Phạm Anh Khoa cũng sẽ cất lời. Khi người ta không còn im lặng nữa, mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Ngược lại, tất cả sẽ chìm vào đêm tối. Mà tội ác luôn sinh ra từ bóng đêm.

Vì thế, hãy góp một tiếng #metoo để ủng hộ các nạn nhân của quấy rối tình dục. Họ thừa can đảm để gánh chịu những hệ quả tệ hại nhưng còn thiếu niềm tin vào sự tử tế để cất lời.

Chia sẻ