Diễm Hương thừa nhận dối trá chuyện kết hôn và xin... nhận phạt

Theo VOV,
Chia sẻ

Cục NTBD cho biết, Diễm Hương đã thừa nhận việc làm của mình, xin nhận lỗi và nhận tất cả hình phạt của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Sau scandal của Diễm Hương, nhiều người vẫn chưa hết kinh ngạc bởi sự gian dối của Hoa hậu này khi có thể dễ dàng "bịt mắt" nhiều cửa quản lý để nghiễm nhiên đi thi Hoa hậu Hoàn vũ mà không ai hay biết. Phải chăng, Diễm Hương quá giỏi trong việc bưng bít thông tin, hay khâu quản lý thẩm định hồ sơ đưa người đẹp đi thi quốc tế của ta vẫn còn quá nhiều lỗ hổng?

PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL).

Diễm Hương thừa nhận dối trá chuyện kết hôn và xin... nhận phạt 1
Diễm Hương

Những ngày gần đây, dư luận hết sức quan tâm tới việc hoa hậu Diễm Hương vì gian dối nên bị Cục NTBD cấm diễn trong toàn quốc. Ông có thể thông tin rõ hơn về vụ việc này?

Sau khi lộ thông tin Hoa hậu Diễm Hương đã kết hôn, Cục NTBD đã có văn bản yêu cầu công ty Hoàn Vũ - đơn vị đưa Diễm Hương đi dự thi và bản thân hoa hậu giải trình. Diễm Hương đã thừa nhận việc làm của mình, cô ấy xin nhận lỗi và nhận tất cả hình phạt của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về mặt nguyên tắc, nếu như vi phạm về tư cách đạo đức thì đơn vị tổ chức có quyền báo cáo cơ quan quản lý nhà nước xin ý kiến và tước danh hiệu theo Nghị định 79. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, công ty tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt chưa có ý kiến gì.

Còn về phía Cục NTBD, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật đã dừng biểu diễn hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang của Diễm Hương.

Tiếp theo, Cục NTBD sẽ có động thái như thế nào để giải quyết vụ việc?

Cục NTBD sẽ có những văn bản rà soát để gửi cho các đơn vị mà hiện nay Diễm Hương đang tham gia. Được biết, cô ấy đang tham gia một bộ phim dài tập do Công ty Cát Tiên Sa làm chủ đầu tư. Cho đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được văn bản của công ty Cát Tiên Sa giải trình trong quá trình làm phim.

Quan điểm của Cục NTBD là nếu phim mới khởi quay thì yêu cầu công ty Cát Tiên Sa lựa chọn diễn viên khác. Còn nếu bộ phim đã ở giai đoạn cuối thì vẫn để công ty Cát Tiên Sa hoàn thành bộ phim.

Khi một doanh nghiệp đứng ra làm phim cũng phải đầu tư kinh phí rất lớn. Nếu vì một cá nhân mà lại hủy bỏ cả một chương trình thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. Cục sẽ cân bằng giữa tình và lý, giữa văn bản pháp luật với thực tế đời sống để xử lý làm sao vẫn đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích của các doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn chờ báo cáo của công ty Cát Tiên Sa để có quyết định cuối cùng.

Diễm Hương thừa nhận dối trá chuyện kết hôn và xin... nhận phạt 2
Diễm Hương trong phim Mỹ nhân Sài Gòn

Theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai khi Diễm Hương thi hoa hậu từ năm 2012 nhưng mãi gần đây mới bị phát hiện là gian dối?

Thành phần hồ sơ khi công ty tổ chức đưa Diễm Hương đi thi năm 2012 là đầy đủ. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục NTBD đã thiếu sót trong việc thẩm định hồ sơ. Trong hồ sơ của Diễm Hương bỏ trống phần chồng, con nhưng Cục NTBD cho qua. Đây là một sơ suất, là lỗi và cũng có thể khẳng định là Cục đã buông lỏng quản lý.

Còn công ty Hoàn Vũ không bắt thí sinh kê khai mục này trước khi trình hồ sơ cũng là lỗi. Đặc biệt nữa là đơn vị ở địa phương Diễm Hương sống. Dù Diễm Hương đã kết hôn nhưng vẫn xác nhận chưa kết hôn ở thời điểm đó. Đây là lỗi lớn nhất của chính quyền phường 10, TP. HCM, nơi Diễm Hương cư trú.

Trách nhiệm liên đới của những đơn vị liên quan sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Đối với chính quyền địa phương, Cục NTBD sẽ báo cáo Bộ VHTT&DL và sẽ có văn bản gửi về chính quyền địa phương tìm hiểu, xem xét vấn đề cấp giấy xác nhận. Địa phương sẽ xử lý theo pháp luật, còn xử lý như nào thì không nằm trong quyền hạn của Cục.

Gần đây, có nhiều sự việc gắn với hoa hậu, người đẹp khiến cho công chúng không mấy thiện cảm và có những suy nghĩ như "chân dài óc ngắn", "người đẹp và đại gia"… Ông bình luận gì về điều này?

Tất cả các thí sinh dự thi các cuộc thi sắc đẹp trong tiêu chí của pháp luật là tốt nghiệp THPT trở lên, nhưng thực tế có nhiều thí sinh vừa tốt nghiệp trung học, có thí sinh đang học cao đẳng, đại học, học nghề hoặc đã đi làm… Quy định pháp luật ở đây không sai mà là do yếu tố thị trường làm tư tưởng thí sinh lung lay, đặc biệt là đề cao lợi ích cá nhân, dẫn đến suy thoái tư cách đạo đức của một số thí sinh.

Sau khi thành danh, tác động của các mối quan hệ làm cho một bộ phận thí sinh không giữ được bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Họ chạy theo lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, dần dần quên lãng đi đạo lý, nhân cách, nhất là về ý thức được cống hiến cho xã hội. Cho nên, điều quan trọng là mỗi thí sinh tham dự luôn phải cảnh giác, đừng để những nhục dục thấp hèn cám dỗ, đừng để những tác động xấu của xã hội tác động để mình trượt dốc không phanh, lao xuống vực thẳm như một loạt hoa hậu đã đạt danh hiệu trong thời gian qua.

Vậy theo ông, ngoài việc tăng cường cơ chế quản lý, chúng ta cần phải làm gì để nâng cao đạo đức của các hoa hậu cũng như đạo đức làm nghề của nghệ sĩ?

Ngoài việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các nghệ sĩ, chúng tôi vẫn thắt chặt các hoạt động chặt chẽ. Tới đây, chúng tôi thực hiện cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ, tạo ra sự thông thoáng để các nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Cục NTBD sẽ chịu trách nhiệm ở đầu ra, xử lý những sai phạm thông qua nghị định xử phạt mới sửa đổi, nâng mức xử phạt lên phù hợp với thực tế hiện nay, rồi thu thẻ hành nghề, cấm biểu diễn vĩnh viễn…

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ