Layer 9

Layer 10

Thời điểm Lê Minh Ngọc nghĩ đến việc đẻ một đứa con của riêng mình, showbiz Việt đã có nhiều ông bố đơn thân. Ngọc tự vấn mình nhiều lần, rằng mình đẻ con theo trend hay thực sự muốn có con, một đứa con là máu thịt của mình.

30 tuổi, Ngọc bắt đầu tìm hiểu một cách nghiêm túc. Anh gặp gỡ người này người kia, nghe họ tâm sự kinh nghiệm bản thân, lên mạng đọc sách báo, tới các bệnh viện trong nước và sang cả Thái Lan để gặp bác sĩ tư vấn.

2 năm sau, Ngọc quyết định sinh con.

Nhưng bao nhiêu vốn liếng kiến thức lẫn tiền bạc mà Ngọc kiếm được từ kinh doanh và làm stylist cho sao hạng A vẫn không đủ khi anh thực sự đặt chân vào hành trình đẻ Xoài.

Lê Minh Ngọc: Bố sẽ nhìn về phía con vì con là mặt trời của bố!

Năm 2017, Ngọc chọn một bệnh viện ở Thái Lan để sinh con. Thủ tục pháp lý để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở Thái Lan rất chặt chẽ. Phụ nữ Thái bị cấm mang thai hộ người nước ngoài. Các bà mẹ muốn mang thai hộ cũng bắt buộc phải là công dân Thái đủ 25 tuổi trở lên, có quan hệ họ hàng với cặp vợ chồng cần mang thai hộ.

Chưa kể, thủ tục cho một phụ nữ độc thân muốn sinh con dễ dàng hơn nhiều so với đàn ông độc thân. Kể cả với các cặp đôi đồng tính nam, họ bắt buộc phải có giấy đăng ký kết hôn đủ 3 năm mới được xem xét sử dụng dịch vụ này.

Layer 11

Ngọc không muốn làm "chui" vì dù dịch vụ ở Thái đúng chuẩn "trăm hoa đua nở", Ngọc vẫn muốn đứa trẻ sinh ra được mang họ của mình, muốn tên của mình nằm ngay ngắn trong tờ giấy khai sinh của con, muốn mình là bố của con một cách danh chính ngôn thuận. Ngọc cũng sợ những rủi ro của việc mang thai hộ, sợ đứa con của mình vì một lý do nào đó không được thuộc về mình nữa. Sợ cả việc người mẹ sinh học không rõ lai lịch sẽ làm gì, sinh hoạt ra sao, tư tưởng, lối sống có văn minh, tích cực hay không.

Nhưng may mắn là một người bạn gái thân khi biết chuyện đã chủ động đề nghị Ngọc để cô được giúp anh. Bao nhiêu hồ hởi, háo hức, kỳ vọng, tin tưởng được Ngọc mang sang Thái Lan cùng ân nhân của mình. Nhưng việc chuyển phôi bị thất bại ngay lần đầu tiên.

Khi bác sĩ thông báo không tìm thấy tim thai em bé, Ngọc sốc, chết lặng trong phòng siêu âm.

Layer 12

Lần chuyển phôi thứ hai, Ngọc chỉ dám nhắc bạn đi siêu âm khi tới lịch mà không dám đi cùng. Đến lúc nhận được tin nhắn, rằng em bé to bằng hạt đậu rồi, Ngọc vừa cười, vừa khóc, vừa nhảy vừa la hét trong nhà như một kẻ điên.

"Một cậu bé trai", Ngọc sung sướng khoe với bạn bè thân thiết. Dù trước đó, nam stylist ao ước có cô con gái, thậm chí nghĩ đến ngày được sắm váy áo, "mix" đồ cho con thành fashionista nhí của showbiz Việt.

Tháng 11/2018, Xoài ra đời, nặng 3,2kg nhờ hai người mẹ sinh học: một người hiến trứng, một người mang thai. Tên trong giấy khai sinh của Xoài là Lê Minh Triều Dương. Tên cha ruột trong giấy khai sinh là: Lê Minh Ngọc. Ngày ra phường cầm tờ giấy khai sinh của con về, Ngọc khóc hu hu. 

Layer 13

9 tháng Xoài được cưu mang trong bụng người mẹ sinh học, Ngọc như ngồi trên đống lửa. Có những đêm Ngọc trằn trọc tới sáng vì những chuyện đẩu đâu, rằng hôm nay em bé được mẹ cho ăn những gì, những lời khuyên của Ngọc, của bác sĩ về dinh dưỡng và nghỉ ngơi có được cô bạn thân tuân thủ hay không. Người ta giúp mình mà, Ngọc đâu thể muốn nhắc nhở mà được. 

Cũng có những đêm Ngọc vui không ngủ nổi vì ngày hôm đó đi khám thai, được bác sĩ gọi vào phòng siêu âm để đếm từng ngón tay tí hin của con, nghe cái nhịp đập thình thịch đều đặn của con. 

"Mỗi khi bác sĩ im lặng di máy siêu âm, tôi căng thẳng toát mồ hôi. Đến khi nào bác sĩ đọc các chỉ số kèm theo chữ "bình thường", tôi mới dám thở", Ngọc kể.

"Người ta làm mẹ, từng cử động của con đều cảm nhận được, khi nào con thích thú, khi nào con khó chịu, khi nào con đòi chui ra. Còn mình làm bố, tất cả nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình. Mình không chạm được vào con, không liên kết được với con. Con có muốn bước ra thế giới này để gặp mình hay không, con có yêu mình không, mình không thể biết được. Mình chỉ biết đứng bên ngoài, đếm từng ngày trôi đi, áp lực vô cùng. Người ta mang bao kỳ vọng về đứa con, tôi chỉ chầu chực từng đợt siêu âm xem con có khỏe mạnh, vuông tròn hay không."

Layer 14

Ngọc còn một áp lực khác nữa mà anh không thể chia sẻ với ai, đó là chuyện tài chính. Chi phí để sang Thái Lan làm IVF tuy lớn nhưng là khoản đã có dự liệu từ trước. Chi phí thăm khám, chăm sóc mẹ và bé, sinh nở ở bệnh viện tốt nhất Sài Gòn… mới đội lên nhiều. "Càng biết nhiều bao nhiêu thì càng tốn kém bấy nhiêu", Ngọc rút ra kinh nghiệm. Riêng chi phí lưu trữ tế bào gốc cho con đã lấy đi hơn 200 triệu đồng. Rồi la liệt những món đồ dành cho em bé mà ông bố trẻ khát con sắm về. Người ta sinh con có người để san sẻ, còn Ngọc chỉ có một mình. 

9 tháng chờ Xoài là 9 tháng Ngọc làm việc điên cuồng, cày cuốc kiếm tiền chuẩn bị cho tương lai của hai bố con. Có những ngày về nhà khuya lắm rồi, nhưng thay vì đi ngủ, Ngọc lại vào mạng mò mẫm các thông tin về chăm sóc trẻ sơ sinh. Mỗi ngày nên cho trẻ ăn bao nhiêu, nên ăn loại sữa nào, dùng cái khăn xô nào thì tốt, loại nước giặt nào nên dùng để giặt đồ, bác sĩ nhi nào ở Sài Gòn đáng tin cậy… Mò mẫm không được thì lại nhắn tin cho cô bạn nào đó đã làm mẹ, mong ngóng một dòng hồi đáp giữa đêm.

Layer 15

Sau 5 ngày được chăm sóc sơ sinh ở viện, Xoài về nhà với bố Ngọc và bà nội. Đêm đầu tiên, Ngọc đặt chuông báo thức 2 tiếng một lần để dậy cho con ăn. Nhưng cái chuông thành vô dụng, vì Ngọc không ngủ, chỉ nằm nhìn con.

Đêm thứ 2, thứ 3 và thứ bao nhiêu đó, Ngọc mắc tật bật dậy giữa đêm dù chuông chưa reo. Vẫn theo lịch 2-3 tiếng một lần cho con ăn. Nhưng Xoài ham ngủ, không phải lúc nào Xoài cũng muốn ăn, Ngọc thì cứ lo con đói, nhiều đêm căng thẳng tới mức chỉ muốn ném bình sữa ra ngoài cửa sổ. 

Nhưng rồi cũng qua khi hai bố con hiểu nhau hơn. Ngày ngày, bà nội trông Xoài từ 7 giờ sáng tới tối rồi nghỉ, còn bố Ngọc trông Xoài từ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Ngọc có 4 tiếng ngủ sâu giấc. 11 giờ trưa anh sẽ dậy đi làm.

Layer 16

Đầy tháng Xoài, Ngọc quyết định thuê giúp việc. Anh nhận ra, không phải cứ ôm hết vào mình là tốt. Nếu anh căng thẳng, Xoài cũng khó chịu theo. Nhưng ông bố 32 tuổi tiếp tục vấp chân vào một khó khăn khác. 

10 tháng qua, Ngọc đã thay giúp việc 13 lần. Người thì không biết cách chăm em bé. Người biết chăm thì suốt ngày chúi mặt vào điện thoại bất cứ khi nào rảnh tay. Người biết chăm, không dùng điện thoại nhiều thì tính tình lặng lẽ, cả buổi không nói chuyện với Xoài câu nào, dù là một câu nựng. Người tháo vát, thạo việc, nhanh nhẹn thì Xoài "phải vía", cứ khóc không ngừng. Cuối cùng thì Ngọc phải thay đổi phương án, chỉ tìm người dọn dẹp, nấu nướng, còn mình tự tay chăm Xoài cùng với sự hỗ trợ của bà.

Guideline_AF_07

Thời gian đầu Xoài ăn dặm, Ngọc tự mò mẫm các công thức nấu ăn để vào bếp làm đồ cho con. Khi đã hiểu được khẩu vị của con, những món con thích, những món con chê, Ngọc mới dám để bà nội Xoài chế biến theo những chú thích được anh ghi kĩ càng lên chiếc bảng đen trong nhà. 

Bạn bè ai cũng nghĩ Ngọc sẽ nuông chiều con. Vốn dĩ mọi ông bố đều cưng con và dễ dãi với con hơn các bà mẹ. Nhưng Ngọc "thiết quân luật" cho Xoài từ bé. Sau 1 tháng "chiến đấu" với con, Ngọc tìm hiểu cách rèn con ngủ nguyên đêm. Mất 1 tháng hai bố con tập luyện, sang tháng thứ 3, Xoài ngủ một mạch từ 11 giờ đêm tới sáng. 

Xoài biết ngồi ăn là ngồi vào ghế riêng, không được bố bế ẵm hay đi ăn rong. Đi đâu chơi, Ngọc cũng học cách của người phương Tây là cho trẻ ngồi carseat để trẻ an toàn hơn và tự lập hơn. Thế nên Xoài rất quấn bố nhưng không nhõng nhẽo, không đòi bố bế. "Chỉ có cái tính xấu là tối bố về muộn thì Xoài không chịu ngủ, mặt cứ hóng ra ngoài cửa. Thấy tiếng chân bố vào phòng đã cuống quýt lên bò ra. Cu cậu xấu tính thế nên giờ tôi không dám đi đâu khuya nếu không có công việc bắt buộc. Nhờ con mà tôi trở nên nghiêm chỉnh hơn, sinh hoạt khoa học khác hẳn với hồi độc thân", Ngọc tâm sự.

Câu cửa miệng của Ngọc khi chơi với con là: "Xoài ơi, con có yêu bố không?". Nhưng Ngọc hỏi con bằng sự tự tin của một ông bố biết chắc câu trả lời của con là cái gật đầu, chứ không phải nỗi lo mất ngủ như thời gian trước. 

Người mẹ cưu mang Xoài trong bụng 9 tháng vẫn qua thăm Xoài. Ngọc bảo khi nào con lớn, anh sẽ nói chuyện với con về cách con được sinh ra và dạy con phải biết ơn hai người mẹ của mình, bao gồm cả người mẹ mà anh không bao giờ được biết danh tính. Ngọc tự tin rằng Xoài sẽ vượt qua giai đoạn trưởng thành bằng tình yêu mà anh dành cho con. 

"Tôi từng lo không biết con có yêu mình hay không. Nhưng khi sinh con ra, chăm sóc con, ôm ấp con vào lòng mỗi ngày, tôi biết con yêu mình chừng nào. Đứa trẻ nào cũng thế thôi, khi bạn gần gũi và dành tình yêu cho nó đủ nhiều, nó sẽ đáp lại còn nhiều hơn thế."


Layer 17

Lê Minh Ngọc làm nghề stylist hơn 10 năm nay. Khách hàng của anh hội tụ những gương mặt đình đám nhất của làng giải trí, từ Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Phạm Quỳnh Anh tới Bích Phương, Hương Giang Idol, Linh Nga… Nhưng Xoài lại không trở thành một fashionista nhí như dự định ngày trước của bố và như kỳ vọng của fan hâm mộ bố.

Layer 18

Ngọc bảo, bản thân anh gần như thay đổi 180 độ từ khi lên chức bố, thay đổi đến nỗi nhiều bạn bè còn trách móc. Không còn tụ tập, không còn đi bar, không còn vung tiền cho đồ hiệu, cũng từ bỏ những món trang sức phụ kiện cá tính. "Một người mê shopping như tôi bỗng một ngày thành kẻ keo kiệt, tiêu gì cũng đắn đo cân nhắc. Phụ kiện thì tiết chế tối đa nhất, vì chăm Xoài mà đeo phụ kiện thì vướng víu, lại làm đau con. Đi chơi về khuya thì tội con. Mà một ngày nếu không được nhìn mặt Xoài lúc con ngủ dậy buổi sáng và đi ngủ buổi tối thì tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm."

Ngọc cũng bảo, trước đây anh tham vọng bao nhiêu, giờ anh cảm thấy hài lòng với cuộc sống bấy nhiêu. Hành trình gian nan để có được Xoài khiến anh nhận ra cái sự "bình thường" nó quý giá thế nào.

Layer 19

Vậy nên, anh để Xoài lớn lên tự nhiên như một đứa trẻ bình thường. Dĩ nhiên, đồ Xoài mặc thì không thể xấu được, vì "mặc đẹp" là bản năng của bố Xoài rồi. Chưa kể bạn bè đồng nghiệp của bố thường xuyên tặng Xoài những bộ đồ đắt đỏ. Nhưng Ngọc bảo anh không khuyến khích như vậy. "Con lớn lên từng ngày, sắm quần áo nhiều tiền rất phí. Tôi cũng mua cho con vài bộ đồ tốt để đi chơi, còn đồ mặc nhà ưu tiên chất liệu, sự tiện lợi hơn. Ai cũng nghĩ tôi cầu kỳ cho con lắm, mà thực ra tôi đi xin đồ hoài", Ngọc khoe.

10 tháng làm bố đơn thân, Ngọc bảo, mỗi đêm nhìn con ngủ, anh vẫn nguyên cảm giác kỳ diệu. Làm bố vất vả ngoài sự tưởng tượng, nhưng cũng hạnh phúc ngoài sự tưởng tượng. "Hạnh phúc nhất là mình cảm thấy bản thân tốt hơn lên. Nếu không có con, chắc mình sẽ vẫn sống buông tuồng, không mục đích và đầy tham vọng như xưa. Con như sinh ra mình một lần nữa vậy".

Cái tên Triều Dương của Xoài có nghĩa là "Hướng về phía mặt trời". Ngọc bảo, anh đã nghĩ tới nhiều cái tên, tham vấn nhiều người, thậm chí tìm hiểu cả việc đặt tên theo phong thủy, nhưng cuối cùng anh chọn một cái tên mang ước nguyện của mình. Rằng dù con có đặc biệt theo cách nào, dù cuộc sống của con có khác với xung quanh ra sao, con sẽ vẫn luôn lạc quan, tích cực, nhìn về nơi có ánh sáng rực rỡ nhất. 

"Còn bố sẽ nhìn về phía con. Con là mặt trời của bố nhỉ?", Ngọc nựng Xoài, mắt hấp háy niềm vui.


Hoàng Hồng
Hữu Dương
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ