Hành trình "sập bẫy" Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ

Trung Hiếu,
Chia sẻ

Những thông tin mà báo chí liên tiếp đăng tải về tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ dường như vẫn chưa khiến cho dư luận thỏa mãn, để trả lời cho câu hỏi: Tổ chức đó có “tuyệt chiêu” gì khiến các tín đồ mê mệt nghe theo như vậy? “Tuyệt chiêu” đó có giống cách chiêu mộ thành viên theo kiểu đa cấp hay không? PV Báo ANTĐ đã gặp gỡ một nữ sinh viên ở Hà Nội từng tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, để ghi nhận hành trình “sập bẫy” của cô, qua đó mang tới những câu trả lời rõ ràng nhất!

Trải qua quãng đường dài tới một trường học nằm ở ngoại thành Hà Nội, PV đã gặp bạn Vũ Thanh Nhã (tên nhân vật đã được thay đổi), SN 1997, hiện đang là sinh viên. Nhã đã tham gia “Lễ Vượt qua” của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, và có 2 buổi sinh hoạt cầu nguyện, nghe giảng đạo, nhưng sau đó may mắn tự thoát ra vì cảm thấy có quá nhiều điều vô lý và mệt mỏi, trong khi những tín đồ khác thì vẫn say sưa với loạt lý thuyết răn dạy phi khoa học, phản cảm của thứ đạo này.

Nhã kể, mọi việc bắt đầu đúng vào ngày 1-1-2018 (Tết Dương lịch), khi cô được nghỉ học và nghe lời chia sẻ của người em họ “đến một nơi này, có lời khuyên rất hay dành cho chị”.

Không nghi ngờ gì, Nhã đi theo và tới một quán nước gần Học viện Nông nghiệp (quận Long Biên, Hà Nội). Tại đây, khi đang ngồi chơi, uống nước bình thường, Nhã thấy xuất hiện một phụ nữ tên là Thảo (khoảng hơn 30 tuổi, dáng người gầy), tự xưng làm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Người tên Thảo này ngồi xuống bàn cùng Nhã và em họ, rồi lấy ra một cuốn vở trắng, và bắt đầu viết những thông tin ‘có vẻ’ khoa học về động đất, tai nạn, rồi tín ngưỡng… Những thông tin được đưa ra khiến một người còn ít kinh nghiệm sống như Nhã cảm thấy “đúng”, và ngoan ngoãn ngồi nghe.

Cao điểm trong màn “thuyết giảng” này là khi Thảo mở máy cho Nhã xem video clip với khoảng 10 vụ tai nạn trên thế giới, trong đó, “hầu như mọi người đều chết, chỉ có một người sống sót, và Thảo giải thích rằng người đó sống vì đã tham gia Lễ Vượt qua và được Đức Chúa trời bảo vệ”, như lời Nhã chia sẻ.

Sau đó, Thảo hỏi Nhã có muốn tham gia Lễ Vượt qua hay không, để trở thành một tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Khi Nhã hỏi rằng “khi vào đó sẽ được gì, bị ảnh hưởng gì không?” thì Thảo khẳng định “vào đó sẽ cho em được sự an toàn, không ảnh hưởng gì tới học tập…”

Khi thấy cô nữ sinh còn chần chừ, người phụ nữ thuyết giảng liên tục hối thúc, nói rằng “phải tham gia ngay mới có tác dụng!”, khiến Nhã cảm thấy không có đường lùi trong cuộc trò chuyện.

Hành trình sập bẫy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ - Ảnh 1.

Cách thức phát triển mạng lưới tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ giống hệt như các tổ chức kinh doanh đa cấp từng làm

Bởi vậy, sau đó, cô đã đồng ý để Thảo đèo bằng xe máy tới một ngôi nhà trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội).

“Khi tới nơi, em thấy đó là ngôi nhà riêng, với khoảng hơn 10 xe tại đó. Có bảo vệ để ý người ra vào”, Nhã nhớ lại.

Sau khi dẫn cô nữ sinh lên tầng, Thảo yêu cầu Nhã thay đồ, để mặc một bộ đồ lễ “giống như quần áo trong tập võ”. Sau đó, Nhã bắt đầu tham gia Lễ Vượt qua để trở thành một tín đồ của thứ tôn giáo phi khoa học nói trên. Buổi lễ có sự góp mặt của hơn 10 người, với đủ thành phần già trẻ, lớn bé.

“Người chủ trì mặc vest dội nước lên đầu em, cảm giác ấm ấm. Sau đó, họ đưa nước màu đỏ mà họ gọi là nước thánh, và một chiếc bánh thánh, bảo em ăn, uống. Nước đó em cảm nhận là rượu nho, còn chiếc bánh màu trắng giống như bánh dày vậy. Sau khi ăn, uống, em thấy vẫn bình thường, và đi về”, Nhã nhớ lại.

Đến ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo, từ 8 giờ sáng, Nhã lại được người em họ rủ về “nhà của mình” (đây là cách các tín đồ gọi địa điểm tập hợp – PV), là một căn hộ trên địa bàn quận Long Biên. Do bản tính khá tò mò nên Nhã đi theo.

Khi tới nơi, cô thấy có khoảng hơn 20 người ở đó, hầu hết là sinh viên, “hoặc độ tuổi tầm trung, đều khá trẻ”. Họ chào nhau là “chào chị em!”, rồi bảo tín đồ mới (tức Nhã) đi ra “chào cha mẹ”.

“Có thể hiểu việc ‘chào cha mẹ’ đó là đi ra căn phòng chung để chào thôi, không có bất kỳ biểu tượng hay linh vật cụ thể nào cả. Khi vào lễ, nam sẽ ngồi một bên, nữ một bên, hai bên không được chạm tay vào nhau”, Nhã bày tỏ.

Tới 10 giờ 30 phút, tất cả tham gia lễ cầu nguyện, trong đó chủ trì là một người đàn ông mặc đồ vest tên Huấn – chính là chồng của người phụ nữ tên Thảo đã đề cập ở trên. Cặp vợ chồng này còn mang cả con trai 2 tuổi tới tham gia sinh hoạt ở tất cả buổi tập trung với các tín đồ.

Họ mở bài ca, rồi đọc lời nguyện… Khi kết thúc màn cầu nguyện chung, bắt đầu là cuộc giảng đạo “1-1”, trong đó một người “có kinh nghiệm” kèm cặp người mới, để giảng giải về các lý thuyết của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Hành trình sập bẫy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ - Ảnh 2.

Địa điểm sinh hoạt tôn giáo trái phép ở quận Long Biên mà Nhã từng tham dự

Tới trưa, Nhã được tham dự bữa cơm chung của mọi người tại đây, với các món ăn phổ biến như cơm, thịt kho, trứng xốt cà chua, củ cải… Đây là những món ăn do các tín đồ tự nấu và cùng ăn với nhau.

Đến 14 giờ 30 phút, lại tiếp tục là lễ cầu nguyện, rồi tới giờ ăn cơm chiều tương tự buổi trưa, và đến 18 giờ 30 phút lại là… lễ cầu nguyện tiếp.

“Thời gian tại đó khiến em rất mệt mỏi, vì hoàn toàn không được nằm, chỉ có nghe những điều giảng mà em không hiểu gì cả, rồi tới bữa thì lại ăn cơm”, Nhã chia sẻ.

Trong khi đó, những tín đồ tham gia lâu hơn thì tỏ ra rất cuồng tín, họ kể với nhau những câu chuyện gặp may trong cuộc sống và xem đó là biểu hiện của việc “được Đức Chúa trời giúp đỡ, che chở”.

Cho tới 20 giờ 30 phút, buổi sinh hoạt mới tan, và vẫn có một số tín đồ “cuồng đạo” tiếp tục ở lại nghiền ngẫm thêm 1-2 tiếng nữa.

Sau buổi sinh hoạt tôn giáo mệt mỏi nói trên, Nhã tiếp tục tham gia thêm một lần nữa vì quá nể sự mời gọi của người em họ. Mọi thứ vẫn diễn ra đúng như buổi đầu tiên, khiến nữ sinh này quá mệt mỏi và cảm thấy nhảm nhí vì những thứ vô lý xung quanh. Do vậy, cô quyết định rút lui, không tham gia và coi như “không hay, không biết” nữa. Trong khi đó, người em họ của Nhã vẫn miệt mài góp mặt vào các buổi sinh hoạt của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, khiến việc học hành bị chểnh mảng đáng kể.

“Sau đó, có một số người trong nhóm vẫn nhắn tin, gọi điện nói em tham gia trở lại, song em từ chối, lánh mọi đề nghị. Bản thân em chưa bị đe dọa, ép buộc phải quay lại tổ chức đó, mà tự em rút ra vì cảm thấy nó rất lãng phí thời gian”, Nhã chia sẻ.

Được biết, những tín đồ có thời gian sinh hoạt gần 1 năm sẽ được “trọng dụng” để đi truyền đạo, lôi kéo những người khác vào tổ chức, giống như người em họ của Nhã. Bản thân người em họ đó đã rủ thêm những người thân khác trong gia đình tham gia, theo kiểu phát triển mạng lưới tựa như đa cấp.

Hành trình sập bẫy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của một nữ sinh nhẹ dạ - Ảnh 3.

PV Báo ANTĐ đã có buổi trò chuyện đặc biệt với một nữ tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, trước khi trao đổi với nữ sinh Nhã

Trong hành trình tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ nói trên, điều khiến Nhã ấn tượng nhất là những thông tin “có vẻ khoa học” ban đầu khiến cô tin tưởng và nghe theo, nhưng chỉ sau vài buổi sinh hoạt, lắng nghe những quan điểm khó hiểu và lệch lạc, Nhã tự có đủ tỉnh táo để thoát ra, vì không muốn bản thân dấn quá sâu vào thứ đạo này.

“Em cảm thấy may mắn vì đã không bị lún quá sâu để trở thành một tín đồ ngộ đạo như họ!”, Nhã đã khẳng định như thế khi chốt lại câu chuyện về hành trình “sập bẫy” Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ của mình.

Chia sẻ