Hành trình căng thẳng nuôi con sinh non thành cô bé bụ bẫm đáng yêu của mẹ Việt

T.Q,
Chia sẻ

Mình đã từng trải qua khoảng thời gian sợ hãi và lo lắng kinh khủng, lúc nào cũng lo sợ con vì sinh non mà không khỏe, không bình thường. Có những đêm nằm nhìn con rồi lâu lâu lại ghé sát vào xem con có đang thở không...

Đó là những dòng tâm sự của người mẹ trẻ Nguyễn Tú Trâm (sinh năm 1988, hiện đang sinh sống và làm việc tại Melbourne, Australia). Sinh con đầu lòng, lại xa nhà, không có bạn bè, người thân ở bên cạnh, Tú Trân đã từng trải qua những ngày tháng "sống trong sợ hãi" khi bé Mina Hân Nguyễn bị sinh non ở tuần thai thứ 34. 

Cũng giống như nhiều bà mẹ cùng hoàn cảnh khác, Tú Trâm và con đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề thường gặp ở các em bé sinh non như ít cân, phản xạ bú mút kém, hệ hô hấp có vấn đề, vàng da... Song nhờ kiên trì, bình tĩnh và luôn tuân thủ mọi lời khuyên của bác sĩ, đồng thời nhận được sự chăm sóc tận tình của các nhân viên y tế, sự động yên lớn từ chồng... mà Mina đã đã lớn lên trở thành một em bé khỏe mạnh và tương đối bụ bẫm. Ở thời điểm 7 tháng, bé nặng hơn 8kg, cứng cáp, khá tinh nghịch và hiếu động.

Sinh non
Tú Trâm từng trải qua những ngày tháng vừa sợ hãi vừa lo lắng vì bé Mina sinh non.

Hỏi về bí quyết chăm con của mình, Tú Trâm chia sẻ: "Là một người mẹ mình biết rằng chăm sóc bé sinh non vấn đề quyết định vẫn là tâm lý người mẹ. Có kiên định, có bình tĩnh, tự tin thì con mới nhanh chóng bắt kịp các bạn cùng tuổi được".

Cùng theo dõi hành trình chăm sóc bé Mina từ một em bé sinh non trở thành cô bé bụ bẫm, đáng yêu của mẹ Tú Trâm để học hỏi những bí quyết của người mẹ trẻ này nhé:

Ca sinh nở do vỡ ối sớm ở tuần 34

Mình sinh non bé Mina ở tuần 34, lúc ấy bé chỉ được 2,2 kg. Mình đã từng trải qua khoảng thời gian sợ hãi và lo lắng kinh khủng, lúc nào cũng lo sợ con không khỏe, không bình thường. Mình lo đủ thứ, rồi còn suốt ngày săm soi xem bé có bình thường không, thậm chí có những đêm cứ nằm nhìn con rồi lâu lâu lại sợ con không thở, cứ ghé sát vào xem con có đang thở không.

34 tuần 5 ngày, mình bị nhau thái bám thấp mặt sau nên dẫn đến hiện tượng vỡ ối sớm. Đêm hôm đó, khi phát hiện bị vỡ ối, mình gọi chồng đưa đi viện, bác sĩ kiểm tra mọi thứ xong thì cho tiêm 1 mũi trưởng thành phổi cho bé, sau đó mình được chuyển lên bệnh viên trung tâm để các bác sĩ quyết định xem sẽ giữ bé trong bụng thêm vài tuần hay là cho sinh luôn. Sau 1 ngày theo dõi tim thai và kiểm tra nước ối, bác sĩ thông báo nhịp tim của bé không được ổn định, mình phải sinh ngay.

Mina chào đời bằng phương pháp sinh mổ, nặng 2.2kg, bé tự thở được nhưng phải nằm lồng kính do thân nhiệt chưa ổn định. 3 ngày nằm trong lồng kính, Mina bắt đầu xuất hiện hiện tượng vàng da, lại tiếp tục 2 ngày phải nằm chiếu đèn. Trộm vía con khỏe mạnh và không thấy có dấu hiệu gì bất thường khác, chỉ có điều phản xạ bú mút chưa được tốt. Các bác sĩ sử dụng ống thông dạ dày để hỗ trợ ăn sữa, đồng thời, con cũng được tập bú mẹ, bú bình xen kẽ nhau để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Những ngày chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện

Cả 3 ngày sau mổ, y tá đều đặn vào giúp mình tập đi, giúp mình vắt sữa và đem sang phòng của bé để nhân viên y tế cho bé bú.

Sinh non
Mina chào đời bằng phương pháp sinh mổ ở tuần thai 34, nặng 2,2kg.

Sinh non
Lúc mới sinh, phản xạ bú mút của bé gặp nhiều khó khăn.

Mina tiếp tục được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt dành cho các bé sinh non để các bác sĩ theo dõi cho đến lúc phản xạ bú mút hoàn thiện. Mình được bố trí một phòng ngủ riêng để ở lại với con. Chính tay mình được chăm sóc bé từng li từng tí từ tập cho bé bú, tắm cho bé, thay tã cho bé, đo nhiệt độ cho bé dưới sự hướng dẫn và theo dõi sát sao của các nhân viên y tế.

Sau 2 tuần nằm viện, hai mẹ con được bồng bế nhau về nhà. Tuần đầu tiên về nhà, nhân viên y tế bệnh viện, nhân viên từ hội phụ nữ và trẻ em đến thăm khám vết mổ của mẹ và cân đo các chỉ số của bé cũng như kiểm tra xem bé có bất cứ vấn đề gì bất thường sau khi ra viện không. Nhờ đó, mình được giải tỏa tâm lý và tự tin chăm sóc con hơn.

Từ khi về nhà, trộm vía Mina khỏe mạnh, chỉ có việc bú còn hơi khó khăn, khi bú dễ bị nghẹn và hay khò khè trong cổ họng. Lo lắng, mình gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn, lại thở phào khi bác sĩ nói rằng đó là vấn đề bình thường, bé sẽ tự mình điều chỉnh theo thời gian, đồng thời hướng dẫn mình xịt rửa mũi cho bé. 

Mỗi bé sinh ra ở đây đều có lịch thăm khám định kỳ 2 tuần/lần lúc mới sinh, và 2-4 tháng/lần khi bé trên 3 tháng tuổi. Việc thăm khám là để đo các chỉ số cân nặng, vòng đầu, chiều dài, kiểm tra khớp xương, phản xạ của bé và hướng dẫn bố mẹ các bài tập cho bé theo từng tháng tuổi để hỗ trợ bé phát triển kĩ năng vận động. 

Sinh non

Sinh non
Mina được 7 tháng tuổi, rất xinh xắn và dễ thương.

Một vài điều mẹ Mina đã đúc rút ra sau hành trình chăm con sinh non

Hiện tại Mina đã được 7 tháng và nặng 8kg. Nhớ lại những ngày tháng đã qua, mình vẫn thấy quá may mắn khi Mina sinh non nhưng ở đây mọi thứ đều quá đầy đủ và chu đáo, điều kiện thời tiết lại thuận lợi. Bé khỏe mạnh, ít ốm vặt như hôm nay 1 phần cũng do bé được bú mẹ hoàn toàn nên được cung cấp đầy đủ kháng thể. Đối với trẻ sinh non, sữa mẹ chính là liều thuốc giúp bé tránh khỏi những nguy cơ về bệnh tật cũng như hệ tiêu hóa…

Mình được khuyên là không nên giữ bé quá kỹ trong nhà, khoảng 2 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ra ngoài tiếp xúc với không khí bên ngoài, cho bé đi dạo bằng xe đẩy, kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé (36,6 - 37,2 độ C) và nhiệt độ phòng (20 - 22 độ C) thường xuyên để bảo đảm mọi thứ đúng chuẩn. Dù trời lạnh cũng cần tắm rửa cho bé thường xuyên, ít nhất là 2 ngày 1 lần khi trời lạnh, và mỗi ngày 1 lần khi trời ấm. 

Sinh non
"Phải cho con thời gian, đừng vì thấy con chậm hơn các bạn khác mà thúc ép con". 

Cho bé bú cũng phải đúng cách, không cho bé bú nằm, khi bú phải bế trên tay , bú xong phải cho bé ợ rồi mới đặt nằm. Không được tự ý bổ sung bất cứ thứ gì cho con mà không có sự tư vấn và cho phép của bác sĩ.

Chăm sóc bé sinh non phải thật cẩn thận, không nghe theo bất cứ một kinh nghiệm truyền miệng nào, tốt nhất là gặp bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc bé theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bé sinh non cơ thể khá nhạy cảm, dễ dị ứng và phản ứng với nhiều yếu tố, cho nên mẹ không được chủ quan , không nên thử bất cứ thứ gì mà không hiểu rõ lên cơ thể bé. 

Mina là con đầu lòng nên mình đã từng rất tủi thân khi bé sinh non, luôn cảm thấy có lỗi với con , và lo lắng rất nhiều, nhưng sau tất cả mình rút ra được kinh nghiệm là tâm lý của mẹ phải được giải tỏa, phải tự tin và vững tâm. Và quan trọng nhất là phải cho con thời gian, đừng vì thấy con chậm hơn các bạn khác mà thúc ép con, con có thể cảm nhận được sự bức xúc của mẹ, điều đó hoàn toàn không tốt cho con và cả cho mẹ. 
Chia sẻ