Hành trình 6 ngày 5 đêm ở Bhutan - "thiên đường hạnh phúc chốn hạ giới" của 4 cô gái Việt

Dương Thùy,
Chia sẻ

Cảnh quan, sự thân thiện và giản đơn trong lối sống hàng ngày của người Bhutan đã mang đến cho 4 cô gái Việt Nam rất nhiều kỉ niệm khó quên.

Đi du lịch Bhutan có khó không?

Câu trả lời là: Không, nhưng việc xin visa tự túc tới nước này là chuyện bất khả thi. Ngoại trừ người Ấn, Bangladesh và Maldives được miễn visa, còn lại khách nước ngoài muốn tới Bhutan, buộc phải mua tour của công ty du lịch do Bhutan quản lý với chi phí dao động từ 200 - 250 đôla (hơn 4-5 triệu đồng)/ ngày, tùy thời điểm trong năm. Sau khi thanh toán đủ tiền tour, bạn sẽ nhận visa điện tử qua email sau khoảng một ngày. Chi phí trên đã bao gồm vé máy bay khứ hồi Bangkok-Paro, khách sạn, các bữa ăn… nên khi đặt chân xuống Paro, mọi lo liệu chúng tôi đều giao phó hết cho Younten Jamtsho và Sonam Yoezer - hai anh chàng hướng dẫn viên điển trai người bản địa. 

Trước ngày đi, ứng dụng thời tiết trên iPhone cập nhật dự báo nhiệt độ từ 9 đến 15 độ, trời mưa và có dông nguyên tuần ở các thành phố chúng tôi sẽ đến. Nhưng khi đặt chân tới Paro mới thấy dự đoán hoàn toàn sai toét. Bầu trời nơi đây xanh ngọc, mây trắng xốp, nắng nhẹ, thật chẳng khác nào đang ở Đà Lạt. 

Suốt hành trình, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài cơn mưa nhỏ, nhưng nhanh tạnh, trời đẹp và mát mẻ. Mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 2) cũng là mùa thấp điểm du lịch, thời tiết xuống tới -2 độ nhưng bù lại bạn sẽ có dịp ngắm tuyết phủ trên những đỉnh núi Himalaya. Cao điểm du lịch ở Bhutan rơi vào mùa Xuân (từ tháng 4 đến tháng 6) khi tuyết đã tan, còn hoa trong các thung lũng nở rộ, và vào mùa Thu (tháng 9 đến tháng 11) lúc thời tiết khô ráo, dễ dàng ngắm nhìn những dãy núi cao và sắc lá vàng, đỏ nhuộm màu trong thung lũng. 

bhutan

bhutan
Khách sạn ở Paro và Punakha nơi chúng tôi nghỉ chân đều có tầm nhìn hướng về dãy Himalaya.

Đến đây, cũng xin nói thêm rằng đồi núi là đặc sản ở xứ sở này. Bhutan nằm hoàn toàn trong lục địa, trên dãy Himalaya nên nhìn đâu cũng thấy đồi núi trùng trùng. Thậm chí, không khí và cảnh vật nơi đây còn khiến chúng tôi liên tưởng là mình đang ở Sa Pa, Đà Lạt hay ở Hà Giang, chứ không phải cách nhà hàng ngàn cây số. 

bhutan
Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng Punakha tựa như cô gái đang đẹp say giấc bên dãy Himalaya.

Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước…

Nằm cách mặt nước biển 2.300m, Paro là thành phố duy nhất có sân bay ở Bhutan. Bữa trưa đầu tiên trong một nhà hàng địa phương, mấy vị khách chúng tôi chưa quen với độ cao nên đôi lúc cảm thấy cảnh vật chao đảo, tưởng chừng như nhà hàng đang nghiêng (vì dựng trên triền núi). Những cảm nhận này chỉ thoáng xảy trong những tiếng đầu chúng tôi mới đến, và nhanh chóng tan đi sau bữa trưa, khi cơ thể đã kịp thích ứng với miền đất mới. 

Vì quên khuấy chuyện đổi tiền sang đồng Nu bản địa ở sân bay nên sau bữa ăn, Jamtsho dẫn chúng tôi đến ngân hàng địa phương. Vì chưa hình dung được trị giá đồng tiền ở nơi đây, nên cả bọn quyết định đổi trước mỗi người 100 đô. Và khi nhìn thấy cô bạn đi cùng mang về những cọc tiền Nu, bọn tôi nhìn nhau thốt lên rằng: “Ôi, ở đây chúng mình là người giàu!!!”. 

bhutan
Ngoài tiền tour, chỉ cần mang theo 2 - 4 triệu đồng (100 - 200 đôla) là bạn thỏa sức mua sắm ở Bhutan.

Dĩ nhiên đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng sự thật là số tiền mua sắm của chúng tôi trong cả chuyến đi chỉ hết khoảng 2,3 - 3 triệu đồng mỗi người, chủ yếu là mua đồ lưu niệm, khăn dệt, trang sức bohemian… Đa phần vật phẩm lưu niệm ở Bhutan có giá cả phải chăng, tuy nhiên những bức họa vẽ tay hình mandala lại có giá rất đắt, từ vài trăm đến hàng nghìn đôla. 

Một khi đã đến Paro thì Tiger’s Nest là một địa điểm bạn không thể bỏ qua. Nằm ở độ cao hơn 3.000m, cheo leo bên vách đá, nhìn xuống thung lũng Paro, Tiger’s Nest (còn có tên gọi khác là tu viện Paro Taktsang, có nghĩa là “Hang Cọp”) là một địa điểm linh thiêng ở Bhutan. Chúng tôi quyết định leo Tiger’s Nest ngay trong ngày thứ hai của hành trình, khi mọi người đều đang sung sức và đầy háo hức, thay vì nghe theo lời gợi ý trekking Tiger’s Nest vào ngày cuối cùng của các tour du lịch. 

bhutan
Đường lên Tiger’s Nest có rất nhiều góc đẹp để du khách tha hồ chụp hình.

Chênh lệch độ cao từ chân núi đến Tiger’s Nest chỉ khoảng 900m, nhưng chúng tôi mất hơn bốn tiếng leo bộ trên những cung đường đất ven theo các ngọn núi, hết từ ngọn núi này sang tới ngọn núi khác. Nếu không sẵn sàng leo bộ, bạn có thể thuê ngựa chở lên núi, nhưng khi xuống, tất cả đều phải đi bộ (khoảng hai tiếng). Nhưng cho dù bạn chinh phục bằng Tiger’s Nest bằng cách nào thì đó đều là những trải nghiệm đáng nhớ, khi được phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng Paro xinh đẹp nằm phía xa xa, đi trong rừng thông ngút ngàn và đặt chân vào chốn linh thiêng trong tu viện Tiger’s Nest. 

bhutan
Cảnh đẹp ở Tiger’s Nest xứng đáng để bạn bỏ ra từ 4-6 giờ leo núi. 

Đặc biệt, ở Bhutan tôi thấy các nhà sư thường sẽ rót nước ban phước vào hai lòng bàn tay của khách thập phương sau khi họ lễ Phật. Người khách sẽ cúi xuống, chạm lưỡi vào nước trong lòng bàn tay mình và sau đó dùng chỗ nước còn lại để vuốt lên tóc. 

Đường đi tuy mệt nhọc, nhưng chúng tôi nhanh chóng lấy lại năng lượng khi thấy những sạp hàng lưu niệm bắt mắt nằm dưới chân núi. Đây cũng là nơi chúng tôi mua được nhiều món hời, so với giá cả ở chợ cuối tuần và khu buôn bán ở Thimphu.

Tận hưởng những khoảng lặng yên bình 

Ngoài đặc sản đồi núi, ở Bhutan còn có rất nhiều Dzong - là pháo đài của các lãnh chúa xưa kia, giờ thì bên trong có đền, chỗ ở của các vị sư, thậm chí là cơ quan hành chính của vùng. 

Punakha Dzong là nơi tôi thích nhất trong số các Dzong từng ghé tới, tuy một nửa của Dzong này là cơ quan hành chính của chính phủ đương thời, nhưng vẫn có những khoảnh sân vắng bóng người, nơi chúng tôi ngồi nơi bậc thềm, bình thản ngắm trời xanh, lối kiến trúc đặc trưng của các tòa nhà làm bằng gỗ được sơn vẽ bằng nhiều màu sắc, nhìn những cánh chim bay an nhiên trên tầng không và trước mặt là một sân trời đầy nắng. 

bhutan
Ngoài đồi núi, Dzong là một “đặc sản” nổi bật ở Bhutan.

bhutan
Đến nơi đây, không khó để tìm được cho mình những khoảng trời yên bình.

Thời gian ở đó như ngừng lại, cách xa những chộn rộn của thế giới bên ngoài và mọi sự chẳng có gì đáng để lo. Những giây phút ở Punakha Dzong bình an đến mức khó tin, nếu không phải thỉnh thoảng vẫn có một, hai người cắp cặp lướt qua hành lang, thì có lẽ chúng tôi quên mất đây còn là chốn làm việc của người ta. 

bhutan
Nhà sư tôi gặp ở Rinpung Dzong

bhutan
Xoay kinh luân ở Rinpung Dzong

Trong các thành phố mà chúng tôi ghé qua, ở nơi đâu cũng dễ bắt gặp những dòng sông. Là Pa-Chu ở Paro, Pho-Chu và Mo-Chu ở Punakha, Wang-Chu ở Thimphu. Sông cuồn cuộn chảy, cây xanh khắp nơi và chỉ cần lắng lại là nghe thấy tiếng chim hót. Bản hòa ca của cuộc sống ở nơi đây cực kì sống động. Sống hòa mình cùng với thiên nhiên như vậy, phải chăng là một yếu tố khiến con người nơi đây dễ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc?

Hinh14_Xoay kinh luan o Rinpung Dzong o Paro
Ở nơi đây, rất dễ để bạn bắt gặp những dòng sông chảy xuyên qua các thành phố...

Hinh14_Xoay kinh luan o Rinpung Dzong o Paro
... xuyên qua những khu rừng, róc rách nơi chân núi. 

Và khám phá một Bhutan thật khác

Mặc dù có sẵn lịch trình từ trước, nhưng hai anh chàng tour guide bản địa luôn sẵn lòng chiều theo những mong muốn nhỏ nhất của chúng tôi. Ở Paro, Jamtsho dẫn chúng tôi đến một tiệm cà phê địa phương để thưởng thức trà chiều. Người Bhutan hẳn rất ưa món trà đen pha sữa, vì đi tới đâu chúng tôi cũng được mời dùng món này. 

Ở nơi đây, rất dễ để bạn bắt gặp những dòng sông chảy xuyên qua các thành phố,
Quang cảnh bên ngoài khu chợ nông sản ở thủ đô Thimphu.

Trở về từ Tiger’s Nest, biết chúng tôi muốn ghé chơi nhà dân bản địa, Jamtsho và Sonam liền đưa cả bọn đến một homestay có tên Dopahari và được cô chủ nhà Tshering niềm nở tiếp đón. Tshering hơn 30 tuổi, nghe nói chúng tôi từ Việt Nam tới, liền khoe khi cô học Công nghệ thông tin ở Ấn Độ chung với 5, 6 người bạn Việt Nam, từng được đãi món Việt và nhớ nhất là… ruốc. Tshering kể, các vị khách Nhật thích ở homestay nên họ thường nghỉ lại chỗ cô, có người ở đến cả tháng. Cô đãi chúng tôi trà bơ và cùng trò chuyện tới khi mặt trời tắt bóng thì dọn lên một khay đựng bốn chiếc nồi nhôm nhỏ, cùng cơm, một bát thịt bò và mời chúng tôi ăn tối ngay trên sàn gỗ trong phòng khách. Tshering chuẩn bị đĩa và thìa để chúng tôi tự lấy đồ ăn, còn hai anh chàng hướng dẫn viên thì dùng tay ăn theo kiểu người Ấn. 

Một thoáng ngỡ ngàng trôi qua và chúng tôi nhanh chóng hiểu rằng, cuộc sống ở một gia đình bản địa là như vậy. Không có những chiếc đĩa đựng thức ăn trắng tinh, dao và nĩa sáng bóng như ở các nhà hàng và khách sạn. Mỗi chiếc nồi là một món ăn, gồm nấm, củ cải, cà tím, cà rốt được hái từ trong vườn, và tất cả đều được nấu với ớt. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến điều Jamtsho chia sẻ khi chúng tôi ăn bữa trưa đầu tiên ở Paro, rằng khách nước ngoài khi đến Bhutan từng than thở là đồ ăn xứ này không phong phú, có quá ít món để lựa chọn nên sau đó người Bhutan được khuyến khích học thêm những cách chế biến, món mới để phục vụ du khách nước ngoài. 

bhutamn
Đồ ăn tại các nhà hàng, khách sạn ở Bhutan khá hợp khẩu vị của chúng tôi.

bhutamn
Các chàng trai Bhutan bên quầy bar của một nhà hàng đối diện “cổng trời” Dochu La.

Trước lúc ra về, chúng tôi vào bếp để chào tạm biệt mẹ của Tshering và cảm ơn bà đã nấu ăn cho cả nhóm thì thoáng thấy bàn ăn của gia đình chỉ có cơm và một hộp nhựa đựng đồ ăn. Có vẻ như mẹ Tshering đã đặc biệt làm nhiều món hơn để đãi khách. Sự giản dị trong ăn uống của người bản địa làm chúng tôi bất ngờ, thậm chí còn nói với nhau rằng, có khi chính sự đơn giản khiến người Bhutan hạnh phúc, họ sẽ chẳng phải đau đầu suy nghĩ về công thức và thực đơn ăn uống mỗi ngày.  

bhutamn
Đọc sách và thư giãn trong khuôn viên nhà một người dân bản địa trên đỉnh núi.

Ngoài nhà Tshering, một chiều ở Punakha, chúng tôi còn được Jamtsho và Sonam dẫn đến một nhà trên đỉnh núi để tránh mưa. Căn nhà gỗ hai tầng đơn sơ, nhưng để lại trong chúng tôi ấn tượng về sự gọn gàng, đơn giản và sạch sẽ. Tuy đây chỉ là những điều rất nhỏ, nhưng cũng phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về con người và lối sống ở Bhutan. 

bhutamn
Ở Bhutan, đàn ông thường mặc Gho.

bhutamn
Còn phụ nữ mặc trang phục truyền thống Kira.

bhutamn
Trang phục Gho của nam giới ấn tượng với chúng tôi đến mức một cô bạn trong đoàn khi về Thimphu đã nhất quyết sắm một bộ Gho làm kỉ niệm.

Tối cuối cùng ở xứ này, chúng tôi được Sonam mời đến nhà ăn tối. Anh cùng chị gái và các em sống trong một căn hộ chung cư hai tầng lầu ở thủ đô Thimphu, trong nhà sàn và tường lát gỗ và có các thiết bị điện tử hiện đại. Đây quả thực là một sự ngạc nhiên lớn với cả nhóm sau khi đã tới thăm các gia đình ở Paro và Punakha. 

Để đón khách, những người đàn ông trong nhà đã đặc biệt vào bếp nấu ăn thay cho chị và em gái của Sonam. Chúng tôi được mời rượu đào, thết bánh trái và có một bữa ăn tràn ngập tiếng cười cùng những người dù mới gặp lần đầu nhưng sự nhiệt tình và ấm áp của họ khiến chúng tôi chẳng còn coi mình là người lạ. Lần này, chúng tôi không còn thấy lạ lẫm khi những chiếc nồi được dọn lên bàn ăn, thậm chí một người bạn của tôi còn học các bạn Bhutan cách ăn bằng tay như một trải nghiệm mới trong đời. 

buhtan
Tối cuối cùng ở Thimphu, chúng tôi đã có một bữa tối ấm áp với gia đình Sonam.

bhutan

Quãng thời gian ở Bhutan của chúng tôi thực sự là quá ngắn ngủi, chỉ như một cuộc vui cưỡi ngựa xem hoa, và để hiểu về cuộc sống nơi đây, chúng tôi sẽ cần thời gian để trở lại, đi và trải nghiệm. Nhưng sau chuyến đi này, có một điều tôi biết chắc, rằng hạnh phúc suy cho cùng là sự hài lòng với bản thân, cuộc sống và những điều kiện xung quanh. 

Nếu đặt quá nhiều kì vọng vào chuyện đến một nơi có thể khiến mình hạnh phúc hơn, rất có thể bạn sẽ thất vọng. Vì hạnh phúc không nằm ở điểm đến, mà là một trạng thái sống động ở bên trong mỗi người. Đến Bhutan, hãy mang theo một trái tim rộng mở, để nhìn ngắm, lắng nghe và cảm nhận. Khi trân trọng những trải nghiệm có được một cách trọn vẹn, tự khắc hạnh phúc sẽ tìm tới và gõ cửa trái tim bạn. 
Chia sẻ