Hạnh phúc êm đềm của vợ chồng ông lão bán kem ốc quế

Hương Thu,
Chia sẻ

40 năm cưới nhau, trời không cho ông bà được mụn con nào. Sau những ngày nắng cháy ông đẩy xe kem ốc quế đi bán khắp phố phường Sài Gòn, ông vẫn trở về nhà chăm sóc bà. Ở tuổi 80, họ vẫn ngọt ngào gọi nhau "Anh ơi! Em ơi!"

bankem1
Nhiều người dân ở khu vực gần đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh (Q.Bình Thạnh) đã quen thuộc với hình ảnh và tiếng chuông leng keng của ông lão bán kem. Suốt 32 năm nay, ông Đỗ Mộng Điệp (80 tuổi, quê Nha Trang) đều đặn rong ruổi xe kem khắp phố phường.

bankem2
Những đứa trẻ thì lại càng mến ông hơn.  Kem của ông có thể nói là rẻ nhất Sài Gòn, với chỉ 3 ngàn/que kem ốc quế mát lạnh, đầy đủ sữa, lạc... 

bankem4
Ông hay bán cho những học sinh ở trường tiểu học Cửu Long gần nhà ông. Một ngày bán hàng của ông bắt đầu từ 8h sáng đến 11h ông về nhà nghỉ trưa. 

bankem11
Chừng 2h30 ông lại khoác bộ quần áo đã sờn màu, đẩy xe kem đi dọc các con hẻm cho đến khoảng 6h chiều thì về. "Tôi bán kem 32 năm nay rồi, mỗi ngày đều đặn bán 3 ký kem, lời đâu được khoảng 70 ngàn". Vừa thấy ông về đến nhà, hai chú chó Rich (bên trái, nuôi được 10 năm) và Na (bên phải, nuôi được 4 năm) vui mừng chạy ra đón chủ.

bankem5
Bao nhiêu tiền lời ông đưa hết cho vợ là bà Nguyễn Thị Kim Vân (70 tuôi, quê Quảng Ngãi). Chỉ cần nghe tiếng keng keng ở đầu hẻm, bà Vân đã chạy ra cửa đón chồng về nhà sau một ngày làm việc. 

bankem6
Họ sống trong căn nhà chật chội, chỉ chừng 17m2 ở con hẻm 113, đường Vũ Duy Ninh (Q.Bình Thạnh). "Đây là căn nhà tình thương, được chính quyền cho cách đây 10 năm. Còn từ khi cưới nhau đến giờ (khoảng 40 năm) thì hai vợ chồng chúng tôi cứ lang thang đây đó", bà Vân giải thích. Bà Vân bị bệnh giãn mạch máu chân, dẫn đến teo cơ, cộng thêm căn bệnh tim hành hạ nên bà rất khó có thể tự đi lại được, thường xuyên phải ngồi xe lăn.

bankem7
Thu nhập từ bán kem của ông Điệp chẳng được bao nhiêu, bà Vân lại bệnh tật không đi làm được. Bao nhiêu tiền dành hết cho thuốc thang. Vì vậy, bữa ăn của hai ông bà rất đạm bạc. Trong ảnh là bữa cơm với cá được kho cách đây hai ngày. "Tôi đi chợ vài ngày lần, vì chân đau đi lại khó lắm. Thường là ông tự đi chợ hoặc nhờ người mua giùm nên nấu một bữa cho cả ngày luôn", bà Vân chia sẻ.

cs
"Tôi thương bà ấy không biết nhường nào mà kể. Ngoài giờ bán kem, việc gì làm được là tôi lao vào phụ giúp. Nhìn tôi trông hom hem vậy nhưng sức khỏe vẫn tốt. Còn khỏe ngày nào cố gắng lao động ngày ấy", ông Điệp rít điếu thuốc và chia sẻ.

bankem8
Ông thì may mắn không bị bệnh tật gì nặng nên ở tuổi 80 mới còn sức đi bán kem. Dù vậy, tuổi cao sức yếu nên bà Vân cũng hay dành dụm tiện mua thuốc bổ cho ông uống. Sau mỗi bữa ăn, bà lại lấy thuốc cho người chồng của mình tẩm bổ. Những thuốc này, chủ yếu do người dân trong xóm quý mến tặng cho.

bankem9
Cuộc sống của họ suốt 40 năm luôn trọn nghĩa vợ chồng. Thời trai trẻ, ông làm nhân viên hỏa xa ở Nha Trang thì gặp bà Vân. Một đám cưới đơn giản diễn ra vì cả hai rất ít anh em họ hàng. Rồi họ vào Sài Gòn lập nghiệp, anh chị em thất lạc hết, giờ họ không còn người thân thích ở đây. Cứ thế, ông đi bán kem, bà bán vé số, rau cháo nuôi nhau. Khi bà không thể lao động được nữa, mình ông gắng nuôi vợ. 

bankem10
Gần nửa thế kỷ ở bên nhau, cho đến khi hai mái đầu đã bạc họ vẫn không thể có lấy một mụn con. Không họ hàng, chẳng con cái nương tựa tuổi già nên cuộc sống trở nên cô quạnh. Hai vợ chồng già nuôi hai con chó làm niềm vui.  Giờ nghỉ trưa, hai người kể cho nhau đủ mọi chuyện. Già rồi nhưng họ vẫn xưng anh - em với nhau ngọt ngào. "Vì chúng tôi thương nhau quá nên gọi vậy", bà Vân cười.

bankem12
Chừng 2h, ông thức giấc, chuẩn bị đi bán kem. Ông đến với nghề bán kem như một cơ duyên sắp đặt sẵn, khi đang tìm việc làm thì ông vô tình thấy chiếc xe kem cũ trong vựa ve chai. Nghĩ là làm, ông bắt đầu sửa sang xe kem lại cho mới hơn, tìm nguồn bỏ sỉ kem, ốc quế, bánh mì rồi bắt đầu công việc bán kem dạo.

bankem13
Trước khi ông đi bán kem, người vợ luôn ra ngoài hỏi han, ân cặn dặn dò ông giữ gìn sức khỏe, ráng về nhà sớm.

bankem14
Ông cũng vuốt ve hai con cún cưng của mình như một thói quen mỗi khi đi bán. Có khi, ông còn xúc một ít kem cho hai con chó "thưởng thức". Chiếc xe kem cũ ông mua cách đây hơn 10 năm giờ là nguồn thu nhập chính, giúp ông có tiền chữa bệnh cho người vợ bệnh tật của mình.

bankem15
Ngày nào ông cũng đi bán kem nhưng cũng có những khi ông mệt phải nghỉ hoặc bán hết hàng sớm thì ông lại đẩy xe lăn dắt bà đi quanh xóm.

bankem16
"Tôi dắt vợ đi cho khuây khỏa, chứ ở nhà hoài bà chán. Đến chỗ nào vắng người thì cho bà tập đi không sợ cái chân teo thành tật, không thể đi được thì khổ", ông chia sẻ.

bankem17
Thấy chồng già yếu, nhiều lần bà Vân nói với ông cho bà ngồi xe lăn đi bán vé số để phụ ông kiếm tiền nhưng ông nhất quyết không chịu. Phần thì thương bà bệnh tật, phần thì ông lo bà mắt kém đi bán không thấy đường.

bankem18
Được bao nhiêu tiền bán kem ông gửi hết cho vợ. Bà cũng lại đưa cho ông một vài chục để nhâm nhi ly cà phê, hút điếu thuốc. Đây là sở thích mỗi lúc rảnh rỗi của ông Điệp.

bankem19
Hai mái đầu bạc, không con không cái như cây chẳng thể nở hoa. Điều ấy dù làm cho họ buồn nhưng càng khiến tình cảm của hai vợ chồng càng thêm son sắt cho đến cuối cuộc đời. "Có nhiều lúc nghĩ đến con cái, bơ vơ quá thế là hai vợ chồng ngồi ôm nhau khóc chứ biết làm sao. Giờ ổng già, tui cũng già rồi chỉ mong sống hạnh phúc đến khi nhắm mắt là tui vui rồi”, bà Vân chia sẻ.
Chia sẻ