Hàng chục trẻ nhập viện vì bệnh sởi, đa số chưa được tiêm phòng

Lê Nguyên,
Chia sẻ

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó có đến hơn 85% trẻ chưa được tiêm phòng bệnh này.

Đáng chú ý là trong số các bệnh nhi chưa tiêm phòng sởi có hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm phòng. Hiện có 9 cháu vẫn đang điều trị tại Khoa.

Sởi gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé Nguyễn Khôi Hưng (6 tháng tuổi, Hà Nội). Chị Thanh mẹ cháu cho biết trước khi nhập viện 2 ngày, con có biểu hiện sốt cao, chị cho con đi khám ở bệnh viện tư nhân và uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Sau 2 ngày điều trị tại nhà, gia đình nhận thấy cháu bé xuất hiện các triệu chứng mới như nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều.

Gia đình đã đưa con đến BV Nhi Trung ương để khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé Hưng bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.

TS. Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương cho biết: “Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra.

Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.

Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Hàng chục trẻ nhập viện vì bệnh sởi, đa số chưa được tiêm phòng - Ảnh 1.

Bệnh sởi ở trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ.

Cũng theo TS. Lâm, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh lại xảy ra quanh năm.

Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém. Bệnh nhi thường sốt cao kèm viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, phát ban…

Các dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm: Nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân. Ban biến mất theo thứ tự đã mọc.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

TS. Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo: “Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh.

Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%.

Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành.

Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.

Hàng chục trẻ nhập viện vì bệnh sởi, đa số chưa được tiêm phòng - Ảnh 2.

Tiêm chủng là cách tốt nhất phòng bệnh hiệu quả.

Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên chủ quan.

Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người. Giúp trẻ giữ vệ sinh thân thể, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng.

Để tránh bệnh lây lan, không nên cho trẻ khỏe và trẻ bệnh dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.

Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Khi thấy trẻ sốt cao hoặc bất thường, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Một số lưu ý khi trẻ mắc sởi:

TS. Lâm khuyến cáo, khi trẻ bị bệnh sởi không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.

Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.

Trẻ lớn cần đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.

Chia sẻ