Hai kiểu phụ nữ công sở ai cũng sợ: Chuyên "ăn ké" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" để bòn rút đồng nghiệp

Louis,
Chia sẻ

Đừng dùng những chiêu trò khôn lỏi với đồng nghiệp bởi thứ chị em công sở nhận lại cuối cùng chỉ là sự coi thường.

Xin chào tất cả mọi người, lại là tôi - bà lao công đã có mấy mươi năm kinh nghiệm làm dọn dẹp trong môi trường văn phòng đây. Đến hẹn lại lên, quay trở lại chủ đề mỗi tuần một câu chuyện, tôi mạn phép tâm sự thêm một vấn đề mà khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu và chắc hẳn nhiều người trong số các anh, các chị ở đây chẳng cảm thấy vui vẻ gì khi đã từng đối mặt.

Vốn học thấp, ít chữ nên tôi chẳng dám mạnh miệng bàn tán sâu vào những vấn đề chuyên môn của các anh các chị công sở. Chỉ là tuổi đời đã cao, từng trải nhiều năm, kinh nghiệm sống và đối nhân xử thế cũng không ít nên tôi vô cùng khó chịu với những nhân tố có lối sống và cách cư xử chưa thật sự đúng mực.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 1.

Ăn gì cũng được nhưng đừng “ăn chực”

Chuyện là như thế này, trong văn phòng tôi có một con bé tên X. Bề ngoài, X là đứa hoạt bát hay nói, vô tư, hồn nhiên, vui vẻ. Từ người mới đến người cũ, ai nó cũng làm quen và làm thân rất nhanh cũng như tạo được thiện cảm cho họ. Do đó, nhiều người trong văn phòng này cũng quý nó như em út trong nhà, nhẹ nhàng chỉ dạy, dìu dắt và bảo ban.

Tuy nhiên, câu chuyện chẳng có gì đáng nói nếu X không phải là một đứa hay ăn. Mà hay ăn không cũng chẳng sao; đằng này, sở thích của nó là “ăn chực”. Khi cả hội cả nhóm có ý muốn gọi đồ ăn thì nó chẳng bao giờ tham gia cả, trái lại còn lặng thinh như chưa có chuyện gì xảy ra.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 2.

Đợi mọi thứ đã xong xuôi, đồ ăn đã về đến văn phòng và mọi người bắt đầu thưởng thức thì nó mới mon men đi từ hết bàn này sang bàn nọ, lấy của người này 1 ít, xin của người kia một tẹo, thế là no lòng mà chẳng cần bỏ một xu nào. Nhiều người trong công ty này cũng rộng rãi nên họ không tỏ ra khó chịu hay để bụng, chứ theo như tôi quan sát hàng ngày thì thấy “ngứa mắt” vô cùng.

Đâu có dừng lại ở đó, nó còn có một chiêu nữa mà khiến bà cô trung niên như tôi cũng phải dè chừng. Phải để ý một thời gian tôi mới nhận ra rằng, bữa trưa nó mang đi chỉ có một ít cơm trắng và rau luộc (nói là để giảm cân). Tuy nhiên, khi mọi người đã tụ họp đông đủ trong phòng ăn, nó sẽ nói chuyện rôm rả rồi gắp của người này miếng thịt, gắp của người kia con cá. Ăn xong thì nó khen lấy, khen để nên cũng chẳng ai nghĩ gì.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 3.

Ông bà ta xưa vẫn hay nói, “miếng ăn là miếng tồi tàn”; đừng vì miếng ăn mà hạ thấp danh dự và nhân phẩm của bản thân. Ăn ít đi một miếng cũng được, ăn đồ ít tiền đi một chút cũng chẳng sao, miễn là đừng vì miếng ăn mà khiến cho người khác đánh giá cũng như coi thường mình.

Sau nhiều lần quan sát, tôi trộm nghĩ, trong văn phòng này chắc hẳn cũng có người nhận ra được cái tính chưa hay của nó. Tuy nhiên, phần vì họ cũng là những người lớn, chẳng muốn chấp nhất hay tính toán làm gì nên cũng mặc kệ. Còn những người khác chắc do tính nết rộng rãi nên chẳng thèm nghĩ ngợi. Tuy nhiên, về lâu về dài, nếu tiếp tục giữ cái nết như vậy, con bé sẽ khó có thể vươn xa và được những người xung quanh quý trọng.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 4.

Làm gì cũng được nhưng bớt “làm tròn”

Cũng là một trong trường hợp tương tự như X, phải kể đến con bé Y. Con bé này không thường “chơi chiêu” trong chuyện ăn uống; tuy nhiên, nó có một cái tính vô cùng kỳ cục đó chính là thích làm tròn. Nghĩ theo hướng tiêu cực, có thể bảo nó nhỏ nhen, toan tính cũng không có gì gọi là oan cả.

Cụ thể, nếu tiền gửi xe là 5 nghìn đồng, mặc dù có 10 nghìn đồng trong túi, nó vẫn không đưa để cho người ta thối lại. Thay vào đó, nó sẽ tìm cho ra vài tờ tiền lẻ, khoảng 3, 4 nghìn gì đấy rồi xin thêm anh chị em đồng nghiệp 1, 2 nghìn cho chẵn tròn.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 5.

Nghe sơ qua, có thể nhiều người sẽ cảm thấy câu chuyện này chẳng có gì đáng để nói bởi 1, 2 nghìn là những con số quá nhỏ bé. Tuy nhiên, điều đáng để phê phán ở đây chính là việc nó lặp đi lặp lại điều đó rất nhiều lần rồi mặc định có thể “xin” đồng nghiệp bất cứ lúc nào. “Xin” kiểu đó có khác nào “xin” đểu không cơ chứ.

Quá đáng hơn, khi nhờ đồng nghiệp mua hộ đồ ăn, nó cũng rất thích làm tròn (tất nhiên là theo hướng có lợi cho bản thân mình). Ví dụ gói bánh 17 nghìn thì con bé sẽ bảo nó chỉ còn 15 nghìn thôi, làm tròn cho nó đi, rồi sau đó là một nụ cười cho qua chuyện. Nhiều người nghĩ 1, 2 nghìn không đáng nhưng thật sự ra 10 lần 20 lần thì con số ấy cũng đủ để làm nhiều thứ.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 6.

Tiền nong vốn là chuyện vô cùng nhạy cảm, nhất là trong môi trường công sở. Cho dù 1, 2 nghìn đồng thì cũng là mồ hôi, công sức của người khác vất vả mới kiếm được. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn xem đó là câu chuyện nhỏ, để rồi dựa trên điều đó mà có những hành vi ứng xử chưa phải phép - đơn cử là câu chuyện của con bé Y kể trên.

Và rồi dần dà, người trong công ty cũng nhận ra và ngán đến tận cổ cái tính “thích làm tròn” một cách bất chấp của nó. Mọi người chẳng bao giờ cho nó thêm dù chỉ là 1 hay 2 nghìn đồng. Nhiều người trước kia vẫn hay mua đồ ăn giúp nó, giờ chẳng còn mặn mà hỏi han cũng như chơi chung với nó nữa. Chắc chỉ có như vậy, con bé mới nhận ra được bài học nhớ đời cho mình.

Hai kiểu phụ nữ công sở ai thấy cũng sợ: Chuyên "xin ăn" vào giờ nghỉ trưa, giỏi "làm tròn" đến mức bòn rút đồng nghiệp - Ảnh 7.

Bởi vậy mới nói, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Đừng khôn lỏi bằng những chiêu trò kiểu ấy, bởi thứ mình mất không chỉ là tiền mà còn là mối quan hệ với nhiều người. Cũng tội con bé mà thôi cũng kệ, ai bảo vừa ra đời đã muốn trên cơ người ta.

Chia sẻ