Hà Nội sẽ làm gì với những ngôi nhà rộng vài m2?

Nhật Tân,
Chia sẻ

Sau nhiều năm, ban ngành chức năng TP Hà Nội vẫn chưa thể xử lý dứt điểm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện tràn lan trên các tuyến phố. Mới đây, Sở Xây dựng tiếp tục ra các phương án mạnh tay để thu hồi, dỡ bỏ các công trình vi phạm này ngay trong quý I/2018.

Hà Nội sẽ làm gì với những ngôi nhà rộng vài m2? - Ảnh 1.

Hai công trình siêu mỏng nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ - Hà Nội). Ảnh: Nhật Tân

Những ngôi nhà rộng vài m2 giữa lòng Thủ đô

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 302 nhà “siêu mỏng, siêu méo” được xây dựng từ năm 2002, 2003. Tính đến nay, lực lượng chức năng mới xử lý được 170 công trình, còn tồn đọng 132 trường hợp. Điều đáng nói, tại những ngôi nhà có diện tích nhỏ này, các hộ dân đang sinh sống ổn định nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.

Nổi bật nhất của tình trạng này chính là các con phố lớn như Kim Liên-Xã Đàn, Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, Thanh Nhàn… Tại đây có những ngôi nhà có hình thù kỳ dị do chỉ còn lại từ 3-5m2, thậm chí có trường hợp chỉ còn lại bức tường dày 12cm nhưng chủ nhân nhất quyết không hợp thửa với hộ liền kề.

Trong lúc công trình cũ chưa được xử lý, hàng chục nhà “siêu mỏng, siêu méo” lại tiếp tục xuất hiện trên địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ khi dự án đường Vành đai II (đoạn đường Nhật Tân-Xuân La-Bưởi); Trần Phú-Kim Mã, đường Thanh Nhàn vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chỉ tính riêng phường Nghĩa Đô của quận Cầu Giấy và Xuân La của quận Tây Hồ đã có hơn 10 nhà “siêu mỏng, siêu méo”.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại con phố Trần Khát Chân mới được hoàn thành giữa năm 2017, thì hai bên đường cũng xuất hiện nhiều ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo”, hình thù kỳ dị. Có ngôi nhà chỉ khoảng 5 - 7m2 được chồng 3 tầng, tầng 1 nhanh chóng được sử dụng để kinh doanh. Bên cạnh đó, có nhiều ngôi nhà xây nhà cấp bốn với diện tích mặt tiền rộng 1,5 – 2m2 cũng được tận dụng để buôn bán.

Bác Lan, một hộ dân sinh sống cạnh con phố này cho biết: “Đường Trần Khát Chân mới xong đầu năm nay, các nhà mới bắt đầu xây dựng lại nhà cửa. Nhiều nhà diện tích chỉ còn khoảng 7m2 đất nhưng không hiểu sao vẫn được xây 2, 3 tầng. Có nhà chỉ khoảng 2 - 4m2 thì cho xây thành các ki ốt nhỏ để kinh doanh”(?).

Tương tự, tại cuối đường Kim Mã – Voi Phục, từ nhiều năm nay đã xuất hiện rất nhiều ki-ốt nhỏ, siêu mỏng, nằm trên vỉa hè dành cho người đi bộ. Mỗi khi lưu thông qua tuyến đường, người dân phải đi xuống lòng đường do các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Thừa nhận vấn đề nhức nhối trên, bà Phạm Thị Toàn, tổ phó tổ dân phố số 8, khu dân cư số 4 (phường Ngọc Khánh – quận Ba Đình) cho biết: “Ở đây có nhiều ngôi nhà lấn chiếm toàn bộ đất mặt đường trong suốt thời gian dài mà không chịu trả lại. Từ hàng chục năm trước khi tiến hành xây dựng đường, một số hộ dân còn khoảng đất ven đường nên cố tình ở lại, xây chòi để sử dụng hoặc cho thuê kinh doanh gây mất bộ mặt mỹ quan cả khu phố”.

Chủ nhà quyết “ôm” đất

Đánh giá tình hình công tác thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho biết, ngoài 132 công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn tại cũ (trước năm 2005), 56 trường hợp tồn tại ở giai đoạn 2014 - 2016, năm 2017 khi thi công tuyến Vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, phát sinh 8 trường hợp mới.

Thực tế, tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” vốn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Qua khảo sát tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những ngôi nhà dị dạng “đầu thừa, đuôi thẹo”. Mặc dù chính quyền, chủ đầu tư và hộ liền kề có thuyết phục “gẫy lưỡi”, nhiều chủ sử dụng đất dạng “siêu mỏng, siêu méo” vẫn kiên quyết “ôm” đất hoặc đưa ra giá trên trời (hàng tỷ đồng cho 5 - 7m2 đất) như... thách đố đối tác.

Nêu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa tốt. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng. “Hiện nay, khi làm đường, chúng ta chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đỏ, còn vài mét cũng không đền bù, chỗ đất còn lại vừa mỏng, lại méo nên người dân muốn bán cũng không dễ. Đồng thời, do chưa có một cơ quan trung gian đứng ra thỏa thuận giá giữa chủ nhà có đất “mỏng, méo” đằng trước và chủ nhà đằng sau, dẫn đến khó khăn cho việc hợp thửa, hợp khối”, ông Phạm Sỹ Liêm phân tích thêm.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo quy định, các trường hợp không đủ tiêu chuẩn cấp phép xây dựng buộc phải hợp thửa với hộ liền kề đủ tiêu chuẩn. Nếu giữa các hộ dân không thỏa thuận được phương án hợp thửa, chính quyền địa phương phải lên phương án thu hồi phục vụ cho mục đích công cộng.

Nhưng để thu hồi phải tìm ra nguồn vốn chi trả đền bù và giải phóng mặt bằng mà nguồn vốn này sẽ rất lớn khi diện tích nhà “siêu mỏng, siêu méo” đều nằm ở vị trí mặt đường đắc địa... Chỉ tính riêng quận Đống Đa, chi phí đền bù ước lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cũng chia sẻ, đối với 132 trường hợp tồn đọng cũ, Sở Xây dựng đang xây dựng và đề xuất phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”. Với trường hợp có diện tích từ 10 - 15m2, quy mô từ 2 tầng và trên cùng một tuyến ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép có điều kiện. Riêng nhà lớn hơn 4m2, nhỏ hơn 10m2, quy mô 3 tầng sẽ hạ độ cao còn 1 tầng. Trường hợp diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2, hiện trạng là nhà 1 tầng: Cho chỉnh trang giữ nguyên trạng tạm thời. Với các căn hộ “mỏng, méo” dưới 4m2 sẽ cương quyết xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng.

Nguyên nhân do vận hành “quy trình ngược”

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng việc tồn tại nhà “siêu mỏng, siêu méo” là bởi đang vận hành “quy trình ngược”: Chống hơn phòng. Một khi còn chạy theo giải quyết từng trường hợp thì khó có thể nắm bắt chứ đừng nói tới kiểm soát chúng. Nhất là khi nhà “siêu mỏng” đã thành hình, người dân ổn định sinh sống. Mấu chốt quan trọng là cách làm, “cầm đằng chuôi” ngay từ khâu đầu tiên. “Tôi thường có thói quen nhìn vào các tuyến đường mới để đánh giá năng lực lãnh đạo chính quyền cơ sở trong việc kiểm soát các công trình “mỏng, méo”. Đơn giản, lãnh đạo sở tại xử lý được đến đâu thì ghi nhận đến đó. Chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt vào thì phải chịu trách nhiệm”, nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT bình luận.

Chia sẻ