Hà Nội: Sản phụ vào viện sinh con, đặt tên cho con rồi lẳng lặng bỏ đi

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Sau khi sinh con xong, người phụ nữ ‘bí ẩn’ lẳng lặng để con lại và rời khỏi bệnh viện.

Theo thông tin từ Phòng công tác xã hội – Bệnh viện Thanh Nhàn, lúc 0h25p ngày 15/10, một sản phụ sinh con gái 2,2 kg tại khoa Sản bệnh viện. Sau đó người này đặt tên cho con và rời khỏi bệnh viện mà không cho các bác sĩ biết lý do. Hiện bé gái 13 ngày tuổi đang được các nhân viên y tế Khoa Nhi chăm sóc và nuôi dưỡng.

Hà Nội: Sản phụ vào viện sinh con, đặt tên cho con rồi lẳng lặng bỏ đi
Bé gái bị mẹ bỏ rơi

Ngày 28/10, chia sẻ với PV, điều dưỡng Lương Thị Lan Anh (Khoa Nhi – BV Thanh Nhàn) cho hay, bé gái được chuyển từ khoa Sản lên vào lúc 10h ngày 16/10.

“Trộm vía, con gái rất ngoan, không mấy khi thấy con khóc. Con cũng chịu ăn và hiện tại không có dấu hiệu bệnh tật hay vấn đề gì bất thường. Ở khoa có vài nhân viên cũng đang có con nhỏ nên bé được các nhân viên cho bú sữa mẹ…”, điều dưỡng viên Lan Anh thông tin.


bé bị bỏ rơi
Nữ điều dưỡng Lan Anh đang chăm sóc bé gái

Theo biên bản bàn giao, sản phụ đến bệnh viện tự khai tên là Bùi Thị Hoa, sinh năm 1991, quê Vụ Bản, Nam Định. Người mẹ này đặt tên cho con gái là Bùi Thị Huệ.

Sau 13 ngày được các nhân viên y tế tại khoa Nhi – bệnh viện Thanh Nhàn chăm sóc, cùng với sự giúp đỡ của một số người có lòng hảo tâm, hiện bé gái đã được 3,1 kg.

Các cán bộ nhân viên tại bệnh viện cũng thông tin, tình trạng sản phụ sau sinh để lại con không phải là hiếm.

“Mỗi năm thường có vài trường hợp sản phụ đẻ con rồi bỏ đi tương tự như trường hợp này. Bệnh viện thường quan tâm chuyên môn, miễn làm sao tốt nhất. Còn việc sản phụ tự ý bỏ đi thì rất khó kiểm soát và ngăn cản. Chúng tôi chỉ mong sao mẹ tròn con vuông”, một cán bộ bệnh viện chia sẻ.

Hà Nội: Sản phụ vào viện sinh con, đặt tên cho con rồi lẳng lặng bỏ đi
Hiện bé gái đã được 3,1 kg, khỏe mạnh và rất ngoan

Hiện tượng những sản phụ sinh con rồi bỏ rơi con không phải là ít, mới đây nhất vào 9h30 phút, ngày 8/10 cũng có một trường hợp tương tự tại khoa sản Bệnh viện đa khoa Dầu Giây.

Người phụ nữ tự khai tên là Nguyễn Thị Liễu (36 tuổi, quê Cần Thơ). Sau khi sinh đứa bé cân nặng 3,5 kg, người mẹ vẫn chăm sóc chu đáo cho con. Sau đó, người mẹ để đồ đạc và số điện thoại nói là để đi đón người nhà. Tuy nhiên đã không thấy quay lại. 

Liên tục những trường hợp như trên xảy ra ở nhiều nơi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống và tư cách của những người làm cha làm mẹ khi đứa trẻ vô tội sinh ra lại không được một lần nhìn thấy mặt cha mẹ, không được hưởng trọn vẹn tình yêu thương… 

“Tương lai của chúng sẽ đi đâu về đâu, mong các bậc cha mẹ, các tổ chức hãy chung tay quan tâm đến việc giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống cho các thế hệ trẻ sắp bước vào đời”, một nhà xã hội học chia sẻ.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã, phường, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nhận nuôi dưỡng trẻ em, nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã, phường, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”. 

Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. 

Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”. 


Chia sẻ