Hà Nội: Người đàn ông tự nguyện đi nhặt rác suốt 20 năm ở làng Ngọc Hà

Theo Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Trừ mùng 1 Tết, 364 ngày còn lại, ngày nào ông Đỗ Sáng Luyện cũng đi nhặt rác quanh khu phố 2-3 lần. Với ông, vào dịp đầu năm, công việc "vác tù và hàng tổng" này không chỉ là việc làm cần thiết cho xã hội mà còn là một thú vui riêng.

Hơn 20 năm qua, người dân ở phường Ngọc Hà (Đống Đa – Hà Nội) đã quen với hình ảnh một cụ ông dáng mảnh khảnh, chuyên mặc bộ quân phục màu xanh chạy đi chạy lại, hì hục vớt rác không công ở hồ Hữu Tiệp và xung quanh tổ dân phố. Người dân ở đây thường quen miệng gọi ông với cái tên thân mật là "ông Luyện nhặt rác" hay "ông Luyện hồ B52".

Đó là ông Đỗ Sáng Luyện, người suốt hơn 20 năm qua lặn lội nhặt rác xung quanh khu di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp – nơi duy nhất lưu giữ xác máy bay B52 rơi ở nội thành Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Trang, một người dân ở đây cho biết: "Ông cụ chịu khó lắm, hàng ngày nhặt rác ở hồ rồi lại ra chợ cóc gom và nhắc nhở mọi người không được vứt rác bừa bãi".

Hà Nội: Người đàn ông tự nguyện đi nhặt rác suốt 20 năm ở làng Ngọc Hà 1

Nhiều năm qua, trừ những lúc ốm nằm bẹp giường và duy nhất ngày mùng 1 đầu năm, còn lại ngày nào ông Luyện cũng vác chiếc vợt lưới có cán tre dài ra hồ Hữu Tiệp vớt rác.

Theo ông Luyện, hồ Hữu Tiệp là một chứng tích lịch sử quan trọng của đất nước, được nhiều khách du lịch ghé thăm nhưng lại bị ô nhiễm, biến thành nơi tập kết rác thải của người dân Ngọc Hà. Thấy vậy, ông trăn trở và quyết tâm cải tạo hồ. Ông tiên phong vận động bà con khu phố chung tay nạo vét rác thải. Sau đó, ông hàng ngày đều đặn ra hồ 2-3 lần để vớt sạch từng cọng rác và ngăn người dân không xả rác, nước thải trực tiếp xuống hồ.

Hà Nội: Người đàn ông tự nguyện đi nhặt rác suốt 20 năm ở làng Ngọc Hà 2

Xác máy bay B52 ở hồ Hữu Tiệp.

Trước đây, ông Luyện từng là thanh niên xung phong thuộc đội C1 - C3 Hà Nội - Mục Nam Quan, chuyên đi xây dựng các công trình cầu đường, phục vụ việc kiến thiết đất nước.

Sinh ra trong thời chiến, giai đoạn chống Mỹ đã để lại trong lòng ông Luyện nhiều ấn tượng sâu sắc. Ông từng có thời gian 15 năm công tác ở miền Nam. Năm 1970, ông được phân công trở lại miền Bắc làm nhiệm vụ. Năm 1972, trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, người dân Hà Nội đi tản cư rất nhiều.

"Quanh khu Ngọc Hà này chỉ còn mình nhà tôi, xung quanh là vườn hoa hoang vắng" – ông Luyện kể. Chính trong lúc đó, ông Luyện đã chứng kiến khoảnh khắc máy bay Mỹ rơi xuống hồ Hữu Tiệp gần nhà. Với ông, đó là một cột mốc đáng nhớ mà suốt đời ông không thể nào quên được.

Ông Luyện nhớ như in, lúc đó là 10h đêm, ông và bà xã đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn. Ông chạy ra thấy một vật cháy đỏ rực rơi xuống hồ cạnh nhà. Theo ông, đó là một chiếc máy bay bị bắn hạ từ phía tây Hà Nội, cách phường Ngọc Hà khoảng 10km khi chưa kịp cắt bom. Vì thế, sau khi máy bay rơi, quân dân ta thu được rất nhiều bom chưa nổ ngay tại hồ Hữu Tiệp.

Cũng bởi sự ấn tượng sâu sắc về khoảnh khắc tận mắt chứng kiến máy bay rơi đó mà suốt bao nhiêu năm qua, ông Luyện tự xem việc vớt rác, dọn sạch hồ Hữu Tiệp và đường phố xung quanh là trách nhiệm của bản thân mình.

Hà Nội: Người đàn ông tự nguyện đi nhặt rác suốt 20 năm ở làng Ngọc Hà 3

Ông Luyện kể về niềm vui vớt rác dịp đầu năm.

"Trời sinh ra tôi được nhìn thấy máy bay rơi, hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của nó nên tôi phải vớt rác, phải bảo vệ cái hồ - chứng tích duy nhất về máy bay B52 trong nội thành, để thế hệ sau còn có cái mà tham quan, thưởng lãm" – ông Luyện chia sẻ.

Ông Luyện chia sẻ, với ông, việc vớt rác, nhất là dịp đầu năm bao giờ cũng là một thú vui riêng. "Vớt rác đầu năm hay lắm. Lúc đó thường mưa ẩm, gió nồm, rác nổi nhiều nên rất dễ vớt (cười)".

"Hơn nữa, nhiều người ở đây thấy một ông già hơn 70 tuổi đi vớt rác giữa ngày đầu năm nên họ tự ý thức, bảo nhau thu rác gọn lại. Nhờ thế mà dịp đầu năm, đường phố ở đây rất sạch sẽ, các chị lao công đi gom rác cũng được nhàn hơn, sớm về sum vầy với gia đình" - ông Luyện lý giải.

Vì vậy sau ngày mùng 1 Tết sum vầy với gia đình, đến ngày mùng 2, dù trời lạnh buốt, mưa gió hay nắng cháy, ông Luyện cũng phải ra hồ Hữu Tiệp làm công việc quen thuộc của mình.

Hà Nội: Người đàn ông tự nguyện đi nhặt rác suốt 20 năm ở làng Ngọc Hà 4

Hồ Hữu Tiệp, đường sá và các hồ xung quanh nhờ có ông Luyện vớt rác, gom rác....

Hà Nội: Người đàn ông tự nguyện đi nhặt rác suốt 20 năm ở làng Ngọc Hà 5

... nên luôn sạch sẽ, nước trong in bóng nhà cửa, cây cối, không một cọng rác.

Theo ông Luyện, vớt rác trong những ngày Tết là một niềm vui thích không gì bằng bởi đó là cách giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ rất hiệu quả. Ông Luyện tran trở: "Tôi cũng lo lắm, mai này tôi không đủ sức vớt sạch rác hồ Hữu Tiệp và khu chợ này thì lấy ai thay thế".

Ông nói mình phải tranh thủ lúc còn sức lực mà dùng hành động gương mẫu của chính bản thân mình để giáo dục các thế hệ, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường bởi ông cho rằng: "Nếu người dân không vứt rác xuống hồ thì chẳng cần vớt, hồ cũng tự khắc sạch sẽ".

Đã có người trên phường đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ cho ông làm công việc vớt rác nhưng ông không nhận. Ông nói, vớt rác dọn hồ, giữ sạch đường phố, nhắc nhở, chăm lo đến đời sống của người dân khu phố là công việc và niềm vui duy nhất mà ông có thể làm trong những ngày tháng cuối đời. "Tôi vớt rác không phải vì tôi thiếu tiền mà tôi thích thế. Không cần ai trả tiền tôi cũng tình nguyện vớt rác đến hết đời" - ông Luyện nói thêm.

Chia sẻ