Gửi con cho ông bà: Xót con mà không dám nói

Minh Hương,
Chia sẻ

Mặc dù rất cảm thấy không yên tâm khi để con lại cho ông bà chăm nhưng cả vợ chồng chị T.P và L.M đều không dám phản ứng nặng nề.

Cực chẳng đã mới phải gửi con cho ông bà

Con trai được 6 tháng tuổi, chị T.P tính đến chuyện đi làm trở lại. Nhưng điều làm chị đau đầu nhất là không biết gửi con cho ai. Đưa con đi gửi trẻ thì không yên tâm vì con còn quá nhỏ, mà thuê người giúp việc thì gia đình lại chưa có điều kiện. Cuối cùng, vợ chồng chị quyết định đón bà nội ở quê lên chăm cháu để yên tâm đi làm. Thế nhưng bà nội vốn ở quê quen làm ruộng, nay ra Hà Nội cái gì cũng bỡ ngỡ, các thiết bị trong gia đình bà không dám dùng vì… sợ hỏng và do hay quên. Hướng dẫn bà lần này thì lần sau bà lại quên và hỏi lại, cả tháng trời mà bà vẫn chưa thành thục trong việc đun cháo và cho cháu ăn. Thành ra, vợ chồng chị T.P đi làm mà không yên tâm. Hôm nào cũng vậy, chị T.P toàn đến văn phòng muộn, trưa lại "đảo" về nhà mấy tiếng và chiều cũng về từ rất sớm. Một ngày chị gọi về nhà không biết bao nhiêu cuộc điện thoại để nhắc bà nội là cho cháu ăn như thế nào, giờ này thì ăn gì…

Lúc đầu, đồng nghiệp còn thông cảm, nhưng sau thấy chị liên tục đến muộn, về sớm, trong giờ thì không ngừng nói chuyện điện thoại thì mọi người bắt đầu xì xào khó chịu.


Không có bà nội lên trông cháu như nhà chị T.P, chị L.M phải gửi con về quê với ông bà nội vì "bà nhất quyết không chịu ra Hà Nội chăm cháu giúp vợ chồng em vì bà lo ông nội ở nhà không biết tự chăm sóc bản thân", chị L.M chia sẻ.

Khi chị L.M mới sinh thì bà nội cũng ra Hà Nội để đỡ đần do chồng chị thường xuyên phải đi công tác. Bà ngoại ra chăm cháu nhưng lúc nào cũng thấp thỏm đến cuối tuần để về quê “xem ông thế nào ”. Ông ngoại từ trước đến nay vốn được quen bà chăm lo cơm nước nên giờ có một mình ông rất lúng túng trong chuyện ăn uống. Khi cháu tròn 1 tuổi, ông bà ngoại quyết định hoặc là đưa cháu về quê với ông bà hoặc là anh chị đưa đi gửi trẻ để bà về quê. Cuối cùng do công việc bận rộn, vợ chồng chị L.M quyết định để con về quê.

Lần nào về quê thăm con anh chị đều mang nhiều đồ ăn bổ dưỡng cho con nhưng không bao giờ thấy con ăn hết, mà con bé cứ còi cọc, lúc nào cũng chơi lấm lem ngoài sân. Xót con, anh chị trách ông bà không ép cho cháu ăn thì ông bà thản nhiên: “ Trẻ con ở đây đưa nào chẳng thế, chúng ăn được bao nhiêu thì ăn chư sao phải ép. Với lại để cho chúng nó chạy nhảy cho khỏe chứ. Chúng nó vẫn lớn đấy thôi. Anh chị ngày xưa cũng thế còn gì”.

Xót con mà không dám nói

Mặc dù rất cảm thấy không yên tâm khi để con lại cho ông bà chăm nhưng cả vợ chồng chị T.P và L.M đều không dám phản ứng nặng nề.


Nhiều hôm chị T.P phân trần với đồng nghiệp: “Các chị thông cảm cho em, em cũng mệt mỏi lắm mà chẳng biết làm thế nào. Có nặng lời với bà nội thì bà lại dỗi, nhận mình nhà quê và đòi về quê. Thế nên em cũng toàn phải cố gắng làm hết mọi việc để bà ở nhà chỉ phải trông chừng cháu thôi. Nhiều hôm em về còn thấy bà ăn cơm canh nguội vì không biết dùng lò vi sóng thế nào, cũng thấy thương bà lắm”.

Đó cũng là những gì mà chị L.M phải chịu. Con trai con dâu có trách ông bà nội không cho cháu ăn hoa quả hay đồ ăn dinh dưỡng thì ông bà đùng đùng bảo “xót con thì mang về mà nuôi , ông bà không nuôi cho nữa”. Vì công việc thường xuyên phải đi công tác nên có đưa con về Hà Nội thì anh chị cũng không chăm được nên anh chị đành phải nhịn. Bù lại, mỗi lần có thể là anh chị lại về quê, lần nào về cũng cố ép con ăn thật nhiều. Chị L.M chia sẻ: “vợ chồng em đang cố gắng thêm vài năm nữa thì một người sẽ xin sang làm bộ phận khác , ít phải đi công tác  để còn có thời gian chăm con. Lúc đó cũng phải đưa con ra đây để còn đi học chứ”.

Chuyện chăm con tưởng đơn giản mà lại không hề đơn giản, kể cả với những gia đình có điều kiện hoặc không có điều kiện thuê người giúp việc. Và giải pháp để ông bà nội, ông bà ngoại chăm cháu là giải pháp được coi là tối ưu nhất. Thế nhưng để giải pháp này được "hoàn hảo" thì cũng đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của những ông bố bà mẹ trẻ.
Chia sẻ