"Gửi bà mẹ không mang tất cho con hôm nay: Tôi cảm ơn bạn"

Imacho,
Chia sẻ

Chi tiết nhỏ nhặt ấy thôi cũng đủ khiến một người mẹ như tôi cảm thấy vô cùng an ủi.

“Gửi bà mẹ không mang tất cho con khi đến trường hôm nay,

Cảm ơn bạn.

Buổi sáng của tôi bắt đầu bằng việc kiểm tra lịch trình tuyến xe buýt của các con trước 2 giờ đồng hồ bởi trận bão tuyết ngày hôm trước ảnh hưởng đến tất cả các phương tiện di chuyển. Trong lúc chuẩn bị bữa sáng và thức ăn nhẹ, tôi bất ngờ nghe thấy tiếng hét thất thanh của đứa con trai 9 tuổi. Mải ham chơi tận hưởng ngày nghỉ hôm qua, nó đã quên mất nhiệm vụ làm bài tập về nhà được giao.

Tôi chẳng biết phải làm thế nào để dỗ dành sự bất an của con thì nó lại tiếp tục: “Con không muốn đến trường. Con ghét đi học và cứ như thế trong suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Chưa hết bận rộn, tôi lại phải quay sang hối thúc con trai lớn để không bị lỡ chuyến xe buýt đến trường.

Loay hoay với công việc dở dang, tôi không thể hiểu nổi bằng cách nào chúng lại có thể gây gổ với nhau và cuối cùng là tìm đến mẹ làm trọng tài hòa giải dù tôi chẳng hề có tâm trí dịu dàng với các con trong lúc này. Ngày mới chỉ vừa bắt đầu và sớm phải đối mặt với mớ bòng bong thế này thật sự vượt quá giới hạn chịu đựng của tôi. Không giữ được bình tĩnh, tôi lớn tiếng: "Đừng đánh anh con nữa. Ngưng cãi nhau và chuẩn bị đi học đi. Mẹ không thể đưa con đến trường nếu con lỡ xe đâu".

Sau đó, sự chú ý của tôi bắt đầu đổ dồn vào cô con gái khi nó quyết định "chống đối" tiết trời lạnh giá bên ngoài bằng việc đến trường trong bộ đồ bơi. Con bé có vẻ rất tự hào về sáng kiến của mình và chẳng hề hay biết cái nhìn ngao ngán của bà mẹ như tôi nơi góc bếp. Nhưng không sao, tôi còn tận 1 tiếng để đưa con bé trở lại phong cách ăn mặc của người bình thường. Trước mắt vẫn là hai cậu con trai nghịch ngợm.

Gửi bà mẹ không mang tất cho con hôm nay: Tôi cảm ơn bạn - Ảnh 1.

"Con không muốn đến trường. Con ghét đi học" (Ảnh: Internet)

Tạm ngưng cãi nhau với em, con trai lớn của tôi bắt đầu dáo dác đi tìm điện thoại. Thời nay, chẳng có đứa trẻ độ tuổi thiếu niên nào có thể yên tâm ra khỏi nhà nếu không có điện thoại bên mình. Tôi có cảm giác như thể chúng rất quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội và những vấn đề mang tính vĩ mô như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng về kinh tế hay khủng bố chẳng hạn.

Trong khoảng khắc ấy, tôi cảm thấy bản thân không khác một người mẹ hoàn hảo khi hét lên với con rằng nếu không mau rời khỏi nhà và chạy đến trạm xe buýt nó sẽ phải nói lời tạm biệt vĩnh viễn với chiếc điện thoại thân thương. Cuối cùng cũng có một đứa nghe lời. Hành động ngoan ngoãn của nó làm tôi rất đỗi tự hào.

Bên cạnh tôi vẫn còn đứa con trai 9 tuổi với đôi mắt sưng húp nhưng quyết định phó mặc cho số phận và buồn rầu bước lên xe buýt. Cửa xe mở cũng là lúc tôi nhìn thấy một bé gái đang say sưa trò chuyện với bạn và không quên nhìn tôi mỉm cười. Mái tóc đen được chải chuốt gọn gàng và cố định trong chiếc mũ nhỏ, con bé trông đáng yêu không khác mọi ngày. Tất cả đều bình thường cho đến khi tầm nhìn của tôi di chuyển xuống chân con bé. Nó không mang bốt đi tuyết và thay vào đó là đôi giày thể thao không tất.

Trong đầu tôi bắt đầu bị lấp đầy bởi hàng tá những suy nghĩ. Có thể con bé đã rời khỏi nhà trước khi mẹ nó có thời gian kiểm tra trang phục? Hay là mẹ nó có buổi họp quan trọng tại công ty và giao con bé cho một người khác chăm sóc vào sáng nay? Cũng có thể mẹ con bé không thể tìm ra đôi bốt mặc dù đã lục tung hết căn nhà? Hoặc cũng như tôi, người mẹ ấy đã kiệt sức trong lúc chuẩn bị những thứ khác và quyết định cho con bé mang luôn đôi giày thể thao mà chẳng cần tất đến trường?

Bất kể lý do là gì đi chăng nữa, giây phút tôi nhìn thấy con bé mang giày thể thao không tất trong thời tiết mùa đông thế này, tôi cảm thấy lòng mình đỡ cô đơn hơn biết bao. Tâm trạng từ đó cũng tốt lên và thành công giải quyết bộ đồ bơi của cô con gái ở nhà thay vì một trong hai phải khóc thét lên vì những lý do của riêng mình.

Chúng ta, những bà mẹ đôi khi rất mệt mỏi, khó khăn đối với bản thân và kể cả những người xung quanh. Dần dần, tôi nhận ra rằng những lúc thỉnh thoảng “lên cơn” ấy, điều tốt nhất chúng ta có thể làm chính là cởi bỏ vẻ ngoài cứng rắn, mạnh mẽ của một người mẹ, cứ để mọi thứ trôi qua một cách tự nhiên. Rồi ngày hôm sau đâu sẽ lại vào đấy, đứa con ngày hôm trước một mực mặc áo bơi sẽ đồng ý ăn mặc như bình thường. Đôi lúc cũng nên cho con được "xả láng", tự do đấy các bà mẹ nhé.

Trân trọng,

Kathy.

(Nguồn: huffingtonpost)

Chia sẻ