Gò chồng đến lệch khuôn

Me&be,
Chia sẻ

"Sao anh mang đôi giày lấm bùn ấy đi ăn cưới? Mang ra đầu phố bảo họ đánh xi đã" – vợ anh Phong càu nhàu...

Anh nhăn nhó: "Có vài vết đất. Thế cũng phải thắc mắc" rồi phóng xe thật nhanh trước sự khó chịu của vợ. Chứ đứng lại chút nữa, thể nào anh cũng bị vợ ca bài "ở bẩn".

Trước đây, anh Phong “ngoan” lắm. Vợ trách xe máy như “xe trâu”, anh răm rắp dắt xe ra hàng rửa. Thế nhưng có lần, anh Phong hồ hởi dắt chiếc xe bóng loáng về, vợ anh săm soi thấy vệt đất cát còn dính trên yếm, than ông thợ rửa ẩu, mắng anh không kiểm tra kỹ càng và khăng khăng ép anh mang xe đi bắt đền thì anh chịu không thấu. Anh gắt lên: “Cô thích thì mang xe đi, chứ tôi mệt lắm rồi”. Vì chuyện này, vợ chồng anh suýt... ly thân.

Anh Kiên (28 tuổi, Hà Nội) cũng mệt vì thước đo hoàn hảo của vợ. Hôm ấy, anh có hẹn họp lớp cũ. Chuẩn bị trang phục tươm tất, anh toan bước ra khỏi cửa thì bị vợ kéo giật lại: “Úi, đầu đầy gầu. Anh mau gội đi”. Ngó đồng hồ, chỉ còn mười phút là đến hẹn, anh kiên quyết lắc: “Rách việc, tối rồi ai để ý”. Thế mà vợ anh chưa buông tha: “Không gội đầu thì anh thay áo đi. Mặc cái áo màu xám, chứ mặc áo đen thế này thì khác gì quảng cáo... lúc tôi chưa dùng dầu gội trị gàu”.
 



Vợ nói cũng phải nhưng 10 lần ra ngoài thì 9 lần rưỡi anh phải trở lại thay áo nên giờ, anh Kiên cũng ngao ngán. Anh hất tay vợ ra, làu nhàu: “Kệ đi, mấy cái gàu thì có chết ai” rồi xăm xăm bước đi, mặc vợ cằn nhằn phía sau.

Tính anh Kiên vốn xuề xòa. Anh không phủ nhận từ ngày có vợ, mọi người khen anh ăn mặc có thẩm mỹ hơn. Thế nhưng lúc nào cũng xét nét như kiểu của vợ anh thì chịu không thấu.
 
Diệp Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) không ngờ, có ngày bị chồng chìa lá đơn ly hôn đã ký sẵn trước mặt. Anh Thái - chồng Diệp Anh mệt mỏi nói: “Anh thấy tự ti vì không đáp ứng được mong đợi của em. Thôi, chúng ta chia tay thì hơn”. Vợ anh sững sờ: “Anh có biết mình vừa nói gì không?”. Anh Thái được dịp xả nỗi lòng.

Nguyên do là vì nách anh có mùi. Vợ anh kỳ cạch làm theo kinh nghiệm dân gian, tán phèn chua thành bột mịn, bỏ vào hộp, dặn chồng phải thoa vào nách mỗi sáng trước giờ đi làm. Hôm nào, anh lỡ quên thì biết tay vợ. Anh sẽ bị vợ “ca vọng cổ” qua SMS rằng, sao anh lười biếng, hôi hám, có mỗi việc thoa phèn chống hôi nách mà ngày nào cũng quên... Ngán cảnh, anh Thái đòi mua lăn khử mùi cho tiện nhưng vợ không cho. Chưa hết, đến lời ăn tiếng nói hàng ngày, anh Thái cũng bị vợ bắt bẻ khiến anh lúc nào cũng có cảm giác ức chế.

“Đến mẹ tôi còn chưa bắt tôi làm thế này – thế khác. Vậy mà vợ tôi thì y như thanh tra, cứ hở ra là bị bắt lỗi” – anh Thái nói.

Đừng bắt chồng làm "bù nhìn" hoàn hảo

Được “sở hữu” một tấm chồng hoàn hảo là mơ ước của phần lớn phụ nữ. Và để cho ước mong đó thành sự thật, không ít chị em đã “đeo gông” lên cổ chồng. “Gông” càng siết chặt thì “tù nhân” càng muốn chạy thoát là lẽ đương nhiên. Chưa kể, đến lúc “máu” tự ái đàn ông nổi lên thì hết đường cứu vớt. Nhiều xung đột gia đình cũng bắt nguồn từ việc muốn thay đổi chồng mà không nhận được hợp tác.

Đàn ông suy cho cùng thường nhiều lỗi hơn phụ nữ: ăn mặc xuề xòa, có khi còn lười vệ sinh cá nhân, có anh cả tuần không chải đầu hay trốn được đánh răng bữa nào thì vui bữa đó... Và việc muốn chồng chỉn chu, nề nếp hơn của người vợ là hoàn toàn chính đáng. Nhưng cần nhớ rằng, nội dung góp ý không bằng cách góp ý. Một người vợ chống tay hoạnh họe: “Anh không đánh răng à? Bẩn như ma” với một người vợ bật sẵn điện trong nhà tắm và khuyến khích: “Anh đánh răng đi” thì cái nào hiệu
quả hơn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý:

- Không hạch sách, rà soát chồng.

- Không yêu cầu này nọ quá đáng.

- Không lớn tiếng.

- Không tra hỏi: “Tại sao, tại sao”...

Nếu người vợ nghĩ thoáng ra một chút thì không tạo áp lực cho mình vừa không khiến người bạn đời mệt mỏi. Tất nhiên, người chồng cũng cần hợp tác với những điều có thể thay đổi được để đôi bên “cùng có lợi”.
Chia sẻ