Giật mình gần 170.000 hộ dân Sài Gòn sử dụng nước giếng chứa chất gây ung thư

Theo Kenh14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM mới công bố thì có gần 170.000 hộ dân sinh sống tại TP.HCM đang phải ngày ngày sử dụng nguồn nước ngầm chứa chất gây ung thư trong sinh hoạt hàng ngày.

Qua ghi nhận của phóng viên, ngoài một số khu vực trên địa bàn thành phố vẫn chưa có nước sạch thì 1 nghịch lý là nhiều nơi nước sạch đã được kéo đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng.

Điển hình là khu vực Q.9, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, Q.Tân Phú,... người dân vẫn giữ thói quen sử dụng nguồn nước giếng và "chê" nước sạch. Theo anh Hoàng (28 tuổi, ngụ P.Tân Nhơn Phú B, Q.9) gia đình anh đã được gắn đồng hồ nước từ khoảng 3 năm nay nhưng rất hạn chế sử dụng vì ngoài việc mỗi tháng phải đóng vài trăm ngàn tiền nước thì nguồn nước sạch thỉnh thoảng bị đục, hôi khá khó chịu. Đồng thời, do đã sử dụng nguồn nước giếng từ hàng chục năm nay và không thấy có vấn đề gì nên gia đình anh Hoàng vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt, ăn uống.

"Gia đình tôi có 5 người nhưng mỗi tháng chỉ tốn vài chục nghìn tiền nước sạch do dùng rất hạn chế. Nước giếng thỉnh thoảng bị ô nhiễm thì tôi mua nước đóng bình về phục vụ việc nấu nướng, ăn uống", anh Hoàng cho biết.

 - Ảnh 1.
Dù đã có nguồn nước máy kéo đến tận nhà nhưng người dân vẫn hạn chế sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Tương tự, chị Hoàng Ngọc Huyền Trang (28 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) cũng cho hay, dù đã được kéo nước sạch đến tận nhà nhưng chị hiếm khi sử dụng do chi phí về mua nước khá cao. Trong gia đình không có nhu cầu sử dụng nguồn nước này.

Chị Trang cho biết, nước giếng ở khu vực này bị nhiễm phèn nên chị chỉ dùng cho tắm rửa, giặt đồ, tưới cây... Còn ăn uống thì mua nước bình đóng chai sử dụng. "Nước đóng bình chỉ khoảng 10.000 đồng/bình 19 lít, mỗi tháng gia đình tôi xài hết hơn 10 bình cho việc ăn uống. Như vậy, mỗi tháng chỉ tốn hơn 100.000 đồng tiền nước nên cũng tương đương hoặc thấp hơn với việc sử dụng nước máy. Do đó, gia đình tôi không sử dụng nước máy".

Tiếp tục ghi nhận tại nhiều khu vực khác, khá nhiều hộ dân cũng cho biết đều sử dụng 3 nguồn nước, trong đó ưu tiên nước giếng, nước đóng bình rồi mới tới nước sạch. Nhiều người cũng lường trước tác hại của nguồn nước giếng bị ô nhiễm nhưng họ cho rằng mình không sử dụng cho việc ăn uống mà chỉ để tắm rửa, giặt đồ nên vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, kết quả giám sát, đánh giá chất lượng nước ngầm mới đây ở một số vùng ven như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và huyện Hóc Môn cho thấy hàm lượng Amoni cao vượt giới hạn cho phép 9,14%.

Theo đó, phân tích nước có hàm lượng Amoni cao cho thấy bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc Nitơ như nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi… Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit.

Hai chất này khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên tình trạng Methemoglobin (thiếu oxy trong máu), kết hợp với các axít amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine gây ung thư. Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết...

Chia sẻ