Giáo viên bất ngờ vì NXB Giáo dục Việt Nam “ngấm ngầm sửa sai” sách giáo khoa

HUYÊN NGUYỄN,
Chia sẻ

Bị học sinh phản bác dạy sai, một giáo viên tiểu học bất ngờ khi sách giáo khoa bị sửa lúc nào không hay.

Mới đây, một giáo viên dạy lớp 4 chia sẻ: "Hôm nay, tôi dạy đến bài Ông trạng thả diều (Tiếng Việt 4, tập một, trang 104), sau khi học sinh đọc bài “Vào đời vua Trần Thái Tông, có một gia đình nghèo…”, tôi đã phê bình học sinh rằng em đọc sai từ vua Trần Nhân Tông thành vua Trần Thái Tông. Sau đó, cả lớp đã phản bác lại cô dạy sai. Giật mình nhìn lại mới thấy sách của mình khác sách của học sinh".

Theo đó, trong bài Ông trạng thả diều (Tiếng Việt 4, tập một, trang 104), ngay trong câu mở đầu, có bản sách in là đời vua Trần Nhân Tông, có bản in là đời vua Trần Thái Tông.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho hay: Sách Tiếng Việt 4, tập một bản in lần đầu tiên năm 2005 trong đó có văn bản Ông trạng thả diều được lấy trung thành với bản gốc của nhà văn Trinh Đường, viết rằng: “Vào đời vua Trần Nhân Tông, có một gia đình nghèo…”.

Tuy nhiên, ngay sau khi xuất bản lần đầu, biên tập viên NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hiện Nguyễn Hiền sống ở thời vua Trần Thái Tông chứ không phải Trần Nhân Tông.

“Sau khi kiểm tra lại chúng tôi thấy sự phát hiện này là đúng. Và ngay sau đó, khi tái bản lần thứ nhất, văn bản đã được sửa lại là: “Vào đời vua Trần Thái Tông, có một gia đình nghèo…”. Chúng tôi đã kiểm tra một số bản sách tái bản các lần sau nữa đều thấy đã ghi đúng là Trần Thái Tông”, ông Tùng nói.

Sau khi nhận được lời giải thích của NXB Giáo dục Việt Nam, giáo viên này bức xúc chia sẻ: Sau khi phát hiện sai sót, NXB Giáo dục Việt Nam không hề có văn bản đính chính công khai dẫn đến những người dùng sách cũ sẽ không thể phát hiện sai sót. Điều này gây khó khăn trong công tác học tập và giảng dạy, đặc biệt là giải thích cho học sinh nhỏ tuổi hiểu.

“Đáng lẽ, NXB nên có văn bản thông báo rộng rãi, công khai về toàn bộ các lỗi sai, lỗi đã chỉnh sửa trong sách giáo khoa theo từng năm học chứ không phải kiểu ngấm ngầm sửa như trên. Việc công khai sửa chữa theo từng năm học sẽ giúp giáo viên kịp thời theo dõi để điều chỉnh kiến thức cho đúng, tránh sai sót đáng tiếc”, giáo viên này chia sẻ.

Chia sẻ