Tư vấn: Dinh dưỡng cho bà mẹ trước và trong khi mang thai, khi cho con bú

,
Chia sẻ

Để con bạn phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ thì một chế độ dinh dưỡng khoa học trước, trong khi mang thai và khi cho con bú là điều rất quan trọng.

Nhiều chị em không có thói quen chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai mà thường chỉ chú ý đến điều này khi đã có bầu. Nhưng theo bác sĩ Lê Thị Hải – Trưởng phòng khám dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Để việc thụ thai được thành công và sinh ra đứa con khoẻ mạnh thì trước thời điểm thụ thai và khi mang thai, vợ chồng bạn cần phải tuân thủ theo một chế độ ăn uống, sinh hoạt cực kỳ khoa học.

Suy dinh dưỡng hay béo phì đều gây những hậu quả không tốt cho bé (sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, cân nặng lúc sinh quá lớn,...) và cho bạn (tiền sản giật, sản giật, cao huyết áp, sinh khó, hạ đường huyết trong khi sinh,...).

Vậy nên tuân thủ theo một chế độ ăn như thế nào? Nên kiêng khem một số thức ăn để tránh nguy hiểm cho thai nhi? hay nên ăn đa dạng các loại thức ăn để bé yêu có đủ chất?

Rồi đến khi cho con bú, bạn ăn gì, uống gì không chỉ cho riêng bạn nữa mà phải đảm bảo đủ sữa và chất dinh dưỡng cho bé yêu.

Tất cả những thắc mắc dinh dưỡng của bạn sẽ được bác sĩ Lê Thị Hải giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 14/4/2009.

Quý độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
 
Ban biên tập aFamily

Nguyễn Hồng Diệp - diep245@yahoo.com:Chào BS, em 32 tuổi, lập gia đình được 2 năm. Em đã bị xảy khi mang thai lần đầu lúc thai khoảng 7 tuần tuổi đến nay đã hơn một năm. Em muốn mang thai lại nhưng tâm lý em vẫn còn rất sợ, hơn nữa trong đợt kiểm tra phụ khoa vừa rồi em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung 0.5mm. Bác sĩ khám có cho thuốc uống và đặt, hiện nay em vẫn còn đặt thuốc. Xin bác sĩ hướng dẫn cho em cách điều trị và cách chăm sóc sức khoẻ cũng như chế độ dinh dưỡng để em chuẩn bị mang thai lại. Em chỉ cân nặng 44kg, cao 1m58. Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Vấn đề điều trị bệnh lộ tuyến em phải theo chỉ dẫn của BS sản khoa, và nên điều trị khỏi hãy có thai vì bị bệnh lộ tuyến cũng rất khó có thai. Hơn nữa trong thời gian điều trị còn phải kiêng sinh hoạt vợ chồng mới nhanh khỏi. Còn về chế độ dinh dưỡng em cần phải chú ý đên ăn uống hơn để tăng thêm cân vì với cân nặng hiện nay thì gầy quá. Em nên ăn tăng cơm, cháo, mỳ, súp, mỗi ngày ăn 4 – 5 bữa. Nếu ăn quá ít thì cần uống thêm 2 – 3 ly sữa/ngày, nên uống sữa cao năng lượng như: Ensue, Berlamin, Calosue... Lượng thịt cá tôm phải đảm bảo 200 – 300g/ngày, dầu mỡ: 40g (nên ăn các món xào rán nhiều hơn), rau xanh: 400g, quả chín: 400- 500g/ngày.

Nguyễn Huyền Minh - huyenminh@gamil.com:

Em bị thai lưu lúc 6 tuần và phải hút bỏ. Đến nay đã 7 tuần sau khi bỏ mà chưa có kinh lại. Em đi khám thì bác sỹ bảo do buồng trứng chưa hoạt động lại và kê thuốc tránh thai cho uống. Em muốn hỏi bác sỹ là trường hợp như của em có bình thường không? Em muốn sớm có thai lại thì phải chờ bao lâu? Nên uống thuốc gì để bồi bổ sức khoẻ lúc này?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Vấn đề có thai hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động buồng trứng của em, bác sĩ làm sao quyết định được, chỉ khi nào có trứng rụng thì mới có thai được chứ. Tuy nhiên vấn đề này em nên hỏi thêm BS chuyên khoa sản, vì hiện nay người ta cũng có thể tiêm thuốc kích thích trứng rụng. Còn vấn đề ăn uống, nếu sức khoẻ của em tốt thì vẫn ăn uống bình thường, trường hợp thiếu cân thì cần phải tăng cường ăn thêm nhiều bữa, ăn các thực phẩm giàu chất đạm, chất béo: thịt , cá, tôm cua, trứng, sữa... Các thực phẩm này cũng có nhiều các vi chất dinh dưỡng như: sắt, kẽm, canxi, ăn đầy đủ rau xanh và quả chín để cung cấp các vitamin và khoáng chất khác, nếu ăn uống kém có thể bổ sung viên sắt có axit folic hàng ngày.

 

Nhâm Thị Duyên - duyennham868@gmail.com:Tôi bị sảy thai hơn 3 tháng, không phải dùng dụng cụ nạo hút hay phá thai gì cả. Hiện tại tôi thấy sức khoẻ bình thường, ngủ tốt, chỉ hơi kém ăn uống (tôi cao 1m64, nặng 48kg). Vợ chồng tôi tính sang tháng này sẽ có em bé. Tôi thấy việc đảm bảo dinh dưỡng trước khi mang bầu cũng rất quan trọng. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng một cách hợp lý nhất. Tôi có phải uống bổ sung sắt và folic từ bây giờ không? Rất mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ. Xin chân thành cám ơn!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng hiện tại bạn bị hơi gầy, nên ăn uống để tăng thêm 4 - 5 kg nữa thì sẽ tốt hơn. Khi chọn thức ăn, nên ăn các thực phẩm giàu sắt và axit folic từ thịt, cá, tôm và rau quả tươi. Nếu ăn ít cơm thì nên ăn thêm cháo, mỳ, súp, uống sữa trong các bữa ăn phụ.

 

Lượng thực phẩm trong ngày:

Gạo: 400g,
Thịt (cá, tôm): 200 – 300g
Dầu (mỡ): 40g
Rau xanh: 400g
Quả chín: 400- 500g
Trứng: 1 quả/ngày
Sữa: 2 cốc (200ml/cốc)
Và nên bổ sung sắt và axit folic ngay từ bây giờ.

 

Đồng Việt Ngà - vietnga@gmail.com:Tôi mang thai khoảng 20 ngày thì bị cảm do làm việc quá nhiều. Tôi bị ho kéo dài trong một tuần, mắt đỏ rồi đổ ghèn và sưng lên trong 2 ngày. Tôi ăn trứng gà thì giảm và bớt hẳn, sau đó tôi có uống thuốc bắc và hết cảm. Hiện giờ được 3 tháng thai bình thường. Vậy sau này con tôi có bị ảnh hưởng gì không.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Dị tật xảy ra đối với thai nhi hay gặp ở 3 tháng đầu tiên, những trường hợp bị cúm nặng, hoặc bạn phải dùng thuốc cấm dùng cho bà mẹ mang thai thì mới gây ảnh hưởng. Nếu đến nay bạn siêu âm mà thai phát triển bình thường thì có lẽ cũng không có vấn đề gì. Nhưng để chắc chắn bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sản.

 

Vũ Huyền - huyenvu099@gmail.com:Em nghe nói nếu muốn sinh con trai thì chồng phải ăn mặn và ăn nhiều đồ hải sản tươi sống, điều này có đúng không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Trước đây cũng có một số sách viết về vấn đề này, nhưng khẳng định chắc chắn thì cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh cả. Trên thực tế, người ta thường thấy người nào ăn mặn thì thường đẻ nhiều con trai hơn người ăn nhạt, không chỉ người chồng mà ngay cả người vợ cũng phải ăn mặn. Còn ăn hải sản tươi sống đẻ con trai thì có lẽ không đúng, vì ở nông thôn nhiều nhà nghèo làm gì có hải sản tươi sống mà ăn, người ta vẫn đẻ được con trai đấy thôi.

Phạm Thu Bình - binhngoc@gmail.com:

Tôi có nghe nói khi mang thai có một số đồ không nên ăn như: dứa, quả đào... mà không biết có đúng không? Xin BS chỉ giúp những món nào nên ăn và nên kiêng trong thời kỳ bầu bí?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Vấn đề kiêng khem khi mang thai mà bạn hỏi thực ra chỉ là những lời truyền miệng từ người này qua người khác chứ không có căn cứ khoa học nào cả. Tất cả các thực phẩm chúng ta ăn vào hàng ngày (thực phẩm tươi sạch) không có gì là độc cả, người bình thường ăn được thì phụ nữ có thai cũng ăn được, chỉ có điều không nên ăn cái gì quá nhiều, và cũng không phải kiêng cái gì cả. Cách ăn tốt nhất là ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong một ngày, ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng thì bạn sẽ khoẻ mạnh và con bạn khi sinh ra cũng sẽ khoẻ mạnh.

 

Hoàng Lê Mai - maile@gmailcom:Em được biết 1 tháng trước khi có ý định có con, người vợ phải bổ sung dưỡng chất để đứa con sau này cứng cáp, thông minh và khoẻ hơn. Vậy các dưỡng chất cụ thể đó là những gì? Còn "Mr chồng" có phải bổ sung gì không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Không phải là trước 1 tháng mà là trước 3 tháng khi có ý định có thai, người mẹ cần phải được ăn uống và bổ sung các dưõng chất quan trọng để đứa con sau này thông minh khoẻ mạnh. Những chất cần bổ sung đó là : sắt, kẽm, iốt, DHA, ARA (các axit béo chưa no) và chất quan trọng nhất đó là axit folic, vì khi thiếu axit này bà mẹ có nhiều nguy cơ sinh ra trẻ có dị tật, nứt đốt sống hoặc thai vô sọ. Tại sao phải bổ sung từ trước khi mang thai vì các dị tật này chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nhất là tháng đầu tiên, cho nên bà mẹ phải được bổ sung từ trước để đến khi bắt đầu thụ thai sẽ không thiếu các vi chất này. Còn các ông chồng chỉ cần khoẻ mạnh và không được uống rượu, hút thuốc trong thời gian có ý định có thai.

Nguyễn Xuân Hoà - xuanhoa1601@yahoo.com:

Chào BS, em đã uống sắt và axit folic (Ferrovit 1 viên/ ngày) được 3 tháng nhưng vẫn chưa có thai. Xin được hỏi bác sỹ có nên tiếp tục uống tiếp đến khi có thai hay dừng lại?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Uống viên sắt có thể được thực hiện từ khi mới là thiếu nữ và trong suốt thời kỳ ở lứa tuổi sinh đẻ (từ 15 – 49 tuổi) để phụ nữ không bị thiếu máu do thiếu sắt, nhất là khi ăn uống không được đầy đủ thì vẫn có thể uống viên sắt dù không có thai. Do đó, em vẫn có thể tiếp tục uống viên sắt cho đến khi có thai và trong suốt thời kỳ nuôi con bú.

 

Đàm Thanh Vâm - Vanthanh@yahoo.com:Em đang nuôi con nhỏ, cháu được bốn tháng rưỡi, xin Bác sĩ cho em hỏi: em nên ăn, uống những loại thực phẩm nào để sữa của em có đủ và đảm bảo dinh dưỡng cho cháu, và những loại thực phẩm nào thì nên tránh. Khi sinh được 1 tháng em có uống 1 viên vitamin A liều cao 200.000dv, vậy hàng ngày em có thể uống thêm thuốc OBIMIN (trong đó cũng có vitamin A: 3000đv) không? Em xin cảm ơn Bác sĩ.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Khi đang nuôi con bú em không phải kiêng thức ăn nào cả, trừ rượu bia, thuốc lá, ngoài ra cũng không nên ăn các gia vị như tỏi, ớt hạt tiêu nhiều vì có thể làm thay đổi mùi vị sữa làm trẻ không chịu bú. Còn vấn đề ăn thực phẩm nào để nhiều sữa thì không có đâu, mà chủ yếu là phải cho con bú thường xuyên và đúng cách, nếu cháu bú ít hoặc không chịu bú thì phải vắt sữa mẹ đổ thìa. Mặt khác bà mẹ phải được ngủ đủ giấc và tinh thần thoải mái, sống trong hạnh phúc và tin tưởng mình sẽ đủ sữa nuôi con thì sẽ có nhiều sữa.

 

Các thức ăn chỉ có tác dụng làm tăng chất lượng của sữa chứ không làm tăng số lượng sữa nếu con không bú. Em có thể ăn tất cả các thực phẩm như: tôm, cua, cá, thịt trứng, rau xanh các loại như người bình thường, ăn nhiều hơn càng tốt và chỉ có ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm thì mới đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mẹ và chất lượng sữa của em mới tốt.

Nếu em ăn uống được nhiều, ăn đầy đủ các loại thực phẩm thì cần phải uống thêm thuốc gì nữa cả, còn nếu ăn uống kém thì uống thêm OBIMIN cũng được, vitamin A chỉ không nên dùng quá liều lúc mang thai thôi, chứ trong giai đoạn nuôi con bú thì cũng không có gì đáng ngại cả.

 

Phan Hai Yen - phanyen1709@yahoo.com:Cháu hiện nay đang mang thai được 34 tuần. Tuần thứ 33 cháu đi khám và được bác sĩ thông báo rằng thai nhi hơi nhẹ cân so với tuần thai (được khoảng 2,2kg). Cụ thể là đường kính lưỡng đỉnh được 88mm, chiều dài xương đùi là 64mm, chu vi bụng là 276mm.

Theo bác sĩ khám thì chu vi bụng là bé so với chuẩn của tuần thai. Trong khi đó cháu đã tăng được 16kg rồi. Bác sĩ ơi, giờ cháu phải làm thế nào để cho thai nhi tăng cân nhiều hơn? (Mặc dù ở tuần thai thứ 12, 22, 32 cháu đi kiểm tra ở phòng khám bác sĩ đều có kết quả là bình thường).

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Việc thai nhi tăng cân phụ thuộc vào tuần hoàn rau thai giữa mẹ và con. Nhiều trường hợp do bánh rau của mẹ bị vôi hóa nên tuần hoàn thai nhi không được tốt, các chất dinh dưỡng từ máu mẹ không thể đến để nuôi thai được. Cho nên nhiều khi mẹ tăng cân nhiều nhưng thai nhi vẫn nhẹ hơn so với bình thường. Trường hợp của cháu hiện nay thai đã được 2,2kg mà còn những 4 tuần nữa mới đến ngày sinh thì khả năng thai nhi vẫn có thể được 3kg nên cũng không có gì phải lo lắng cả. Vì những tuần cuối cùng mỗi tuần thai nhi tăng 200gam. Cháu vẫn nên ăn uống bình thường, đừng sợ mẹ tăng cân quá nhiều mà giảm ăn đi.

 

Trần Thanh Kim Huệ - huettkprime@gmail.com:Chào BS! Cháu năm nay 25 tuổi, mang thai lần đầu. Thai được 3.5 tháng nhưng cháu chỉ tăng 1kg. Như vậy có phải là quá chậm không ạ? Cháu muốn xin bác sĩ tư vấn cho cháu chế độ ăn uống thế nào hợp lý, có phải kiêng thứ gì không ? Cháu có phải làm xét nghiệm gì không? Và siêu âm nhiều có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Trong 3 tháng đầu, do bà mẹ bị nghén, ăn kém, nhiều trường hợp còn không tăng cân, thậm chí có thể sụt cân. Cháu tăng 1 cân là hoàn toàn bình thường. Chế độ ăn uống hiện tại không cần kiêng gì cả. Cháu cần ăn các thực phẩm có nhiều chất đạm, sắt, các loại vitamin: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa... Nên ăn nhiều hơn so với trước khi mang thai, mỗi bữa thêm 1 bát cơm. Lượng thịt cá 1 ngày khoảng 200-300gam. Dầu mỡ 40gam. Rau xanh 400-500 gam để chống táo bón. Ăn nhiều quả chín để tăng cường các vitamin. Chỉ nên làm xét nghiệm công thức máu xem có bị thiếu máu định lượng sắt trong huyết thanh, nếu thiếu thì phải tăng cường uống viên sắt. Ngoài ra, đến khoảng tháng thứ 6-7 cần làm thêm xét nghiệm nước tiểu xem có bị tiểu đường hoặc có protein liệu hay không. Làm siêu âm nhiều lần không ảnh hưởng gì đến thai nhi. Từ giờ đến khi đẻ phải đi khám thai ít nhất 2 lần nữa.

 

nguyen thi ngoc bich - ngocbich531625@yahoo.com.vn:Em đã có chồng được 2 năm rồi, bây giờ vợ chồng em muốn có con, bác sĩ có thể tư vấn cho em chế độ ăn uống để sinh em bé không? Em xin cảm ơn.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Câu hỏi của em chưa rõ lắm, trong 2 năm vừa qua thì vợ chồng em kế hoạch chưa muốn có con hay là chậm có con. Chế độ dinh dưỡng thì chỉ giúp cho mẹ và con được khỏe mạnh chứ không thể chữa vô sinh được.

 

Trường hợp em kế hoạch bây giờ muốn có con thì trước khi định thụ thai khoảng 2 - 3 tháng, em cần phải có một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất như: đạm, sắt, các vitamin và nhất là axit folic. Vì nếu thiếu axit này trong những tháng đầu tiên của thai kỳ thì có nguy cơ cao đứa trẻ sinh ra bị nứt đốt sống hoặc thai vô sọ. Vì vậy em cần ăn đầy đủ các loại thực phẩm thông thường: thịt , cá, trứng, sữa và rau xanh vì axit folic có nhiều trong các loại rau xanh và thịt cá.

Trường hợp không ăn được nhiều thì có thể uống thêm viên sắt có chứa axit folic ngay từ trước khi mang thai khoảng 2 – 3 tháng.

Tống Hoàng Ngân - ngan.tong@skillsgroup.com:

Xin bác sỹ vui lòng cho biết những loại thức ăn nào nên và không nên ăn hàng ngày khi mang thai theo từng giai đoạn, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng? Có nên uống thuốc sắt, canxi... hay chỉ cần bồi dưỡng bằng các loại thức ăn là đủ?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Trong suốt thời kỳ mang thai, em không cần phải kiêng loại thực phẩm nào. Tuy nhiên, trong giai đoạn 3 tháng đầu bà mẹ thường bị nghén, hay nôn, hoặc sợ một loại thức ăn nào đó thì nên ăn lỏng, mềm, nếu sợ thức ăn nào thì không nên ăn thức ăn đấy nữa. Còn những tháng sau thì càng ăn được nhiều càng tốt. Nếu như em ăn uống được đầy đủ các loại thực phẩm thông thường, lên cân tốt, da dẻ hồng hào, xét nghiệm không bị thiếu máu thì cũng không cần uông thêm thuốc mà chỉ ăn là đủ.

 

nguyễn lien - nlien14@yahoo.com:Tôi có thai và bị lưu cách đây hơn một tháng khi thai được 33 tuần. Vậy bao giờ tôi có thể có thai trở lại và tôi cần có chế độ ăn uống như thế nào để đủ chất cho em bé sau này?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Việc có thai trở lại hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe của chị. Nếu chị có sức khỏe tốt thì chỉ sau khi có kinh trở lại là đã có thể có thai được. Nếu sức khỏe không được tốt thì nên ăn uống bồi dưỡng đầy đủ, khi sức khỏe tốt thì hãy nên có thai.

Trước khi ý định có thai 2 – 3 tháng chị cần ăn uống các thực phẩm có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như: đạm, sắt, canxi, các loại vitamin nhất là axit folic: có nhiều trong các loại rau quả.
 
Lượng thực phẩm ăn trong một ngày:

Gạo: 300 – 400 gr

Thịt (cá, tôm): 200 - 300 gr

Dầu mỡ: 40 gr

Rau xanh, quả chín: 300 – 400 gr

Trứng: 1 quả/ngày

Sữa: 2 -3 cốc/ngày (200ml/cốc)

 

Lê Thị Hoa - mainhutrinh:Hiện nay tôi 27 tuổi, đang có một cháu trai đầu lòng được 17 tháng tuổi và tôi mới phát hiện mình mới có thai cách đây 3 ngày. Vậy tôi xin hỏi tôi có thể vừa cho con bú vừa có thai được không hay tôi phải cai sữa cháu đầu. Bởi vì 2 vợ chồng tôi cũng chưa có kế hoạch để đón cháu thứ hai nên chúng tôi cũng không quan tâm lắm tới vấn đề dinh dưỡng trước khi mang thai, chồng tôi lại hay hút thuốc, vậy bây giớ tôi cần phải làm gì để khi con mình sinh ra được khoẻ mạnh. Xin chân thành cám ơn bác sỹ, rất mong bác sỹ chỉ bảo.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu vẫn còn nhiều sữa và có sức khỏe tốt thì hoàn toàn có thể vừa có thai vừa nuôi con bú được. Còn nếu không thì có thể cai sữa cho cháu đầu vì 17 tháng có thể cai sữa được rồi. Về chế độ ăn uống, nên ăn nhiều hơn: cơm tăng thêm mỗi bữa 1 bát so với bình thường, lượng thịt cá tôm trong ngày: 200-300 gam, dầu mỡ khoảng 40-50 gam, rau xanh, quả chín: 400-500 gam. Nên uống 2-3 ly sữa mỗi ngày. Trường hợp ăn không được nhiều như vậy, có thể uống thêm sắt hoặc canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa.

 

nguyen thi phuong anh - thuanh9282@yahoo.com:Cháu 28 tuổi, đang mang bầu được 19 tuần. Trước khi mang thai cháu nặng 43 kg, cao 1m59. Khi thai được 17 tuần, cháu tăng được 7 kg (nặng 50 kg). Cháu ăn uống rất đa dạng về thực phẩm, nhưng ngày chỉ uống 1 cốc sữa và uống thêm viên vitamin zentomum. Cháu tăng cân thế có hợp lý không và cần điều chỉnh như thế nào ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Thai mới 17 tuần mà cháu đã tăng 7 kg như vậy là khá nhiều rồi, nếu có thể thì nên uống thêm 1 cốc sữa nữa. Cháu nên đi xét nghiệm máu, nếu có thiếu máu hoặc thiếu sắt thì cần uống thêm viên sắt nữa và vẫn tiếp tục chế độ ăn đa dạng như hiện tại không cần phải kiêng khem gì.

 

tran minh huyen - langquen19812002@yahoo.com:Con cháu bi rụng tóc từng mảng, vậy cháu nên ăn gì để bổ sung?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Có khả năng con cháu bị bệnh còi xương. Nên cho bé đi khám và điều trị, còn vấn đề ăn uống thì mẹ nên ăn nhiều tôm, cua, cá để tăng cường lượng canxi trong sữa.

 

Nguyễn Hương Duyên - huongduyen@yahoo.com:Chào BS, em đang có kế hoạch sinh em bé và đã uống sắt, axit folic được 4 tháng. Trong một lần khám sức khoẻ gần đây, khi xét nghiệm huyết học em thấy số lượng hồng cầu cao hơn giới hạn 6.41x10/l, bạch cầu 5.5x10/l. Thưa BS, liệu số lượng hồng cầu của em cao như trên có nguyên nhân từ việc uống axit folic trên không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Chỉ một lần xét nghiệm máu thì cũng chưa nói được là hồng cầu cao, mặt khác việc uống axit folic cũng không làm tăng số lượng hồng cầu. Em nên đi xét nghiệm máu lại và nên làm ở một cơ sở khác để so sánh, ngoài việc xét nghiệm số lượng hồng cầu thì cần định lượng thêm hemoglobin nữa thì sẽ chính xác hơn.

Nếu có thể thì nên làm thêm xét nghiệm sắt huyết thanh, nếu lượng sắt đã đủ thì cũng có thể không cần phải uống thêm viên sắt và axit folic nữa.

 

Hà Linh - linhhathi@gmail.com:Cháu mang thai đến bây giờ là tháng thứ 4 rồi, trước đây thỉnh thoảng cũng có bị táo bón. Giờ có em bé mà tình trạng này càng nặng hơn khiến cháu rất khổ sở mỗi lần đi ngoài. Nếu uống thuốc chống táo bón thì có ảnh hưởng gì đến em bé không thưa bác sỹ?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Tình trạng táo bón ở bà mẹ mang thai rất hay gặp vì do ít vận động, thai càng lớn càng chèn ép vào trực tràng nhiều hơn nên càng gây tình trạng táo bón. Trước hết, hãy dùng chế độ ăn để điều trị, không nên dùng thuốc vội. Nên ăn nhiều rau quả tươi, chọn những loại rau quả có tính chất nhuận tràng như: rau khoai lang, rau dền, rau mùng tơi; ăn các loại quả như đu đủ, chuối tiêu, thanh long, cam, quýt, bưởi; uống 2 lít nước mỗi ngày. Nên giành thời gian đi bộ nhẹ nhàng khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Nếu tình trạng táo bón không được cải thiện thì vẫn có thể uống thuốc chống táo bón được vì thuốc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến em bé.

 

Trịnh Thị Nhung - NhungTrinh1982@yahoo.com.vn:Chào BS, em 27 tuổi, có 1 bé trai được 17 tháng tuổi, em sinh cháu bằng phương pháp mổ đẻ, BS yêu cầu sau 3 năm mới nên tiếp tục sinh em bé. Hiện nay em đi khám và đã có thai được 5 tuần, xin hỏi BS mang thai sớm như vậy có ảnh hưởng gì đến em bé cũng như sức khoẻ của em không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu em vẫn có ý định giữ lại thai thì cần phải đi khám thai thường xuyên, nhất là những tháng cuối để phòng ngừa và xử trí trường hợp bị vỡ tử cung. Nếu em ăn uống đầy đủ thì cũng không ảnh hưởng gì đến em bé cả, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến mẹ vì có thể bị vỡ tử cung ở vết mổ cũ. Em cũng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ sản khoa.

 

Nguyễn Thị Hằng - buongbinh_83@yahoo.com:Thưa chị, em sinh con được 6 tháng và rất mong được chị tư vấn để em có thể cho con bú sữa mẹ được tốt nhất. Con em ăn 2 bữa bột và khoảng 400-500ml sữa pha công thức + bú mẹ trưa và tối (Cháu được 8kg - 72 cm). Em ăn rất nhiều rau, hoa quả và uống nhiều nước nhưng cháu 3 ngày mới đi ngoài chị ạ. Em cho cháu uống aquadetrim ngày 2 giọt nhưng cháu ra rất nhiều mồ hôi đầu khi ăn và ngủ. Rất mong được chị tư vấn cho em.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cháu phát triển như vậy là hoàn toàn bình thường, muốn nhiều sữa nuôi con thì em phải cho cháu bú nhiều hơn nữa. Tốt nhất nên vắt sữa mẹ để nhà cho con bú và giảm sữa bột công thức đi. Vì có thể táo bón ở cháu là do sữa công thức. Trong các bữa bột ăn hàng ngày, em nên cho cháu ăn thêm các loại rau có tính chất nhuận tràng như khoai lang, mùng tơi, v.v... ăn chuối, đu đủ, nước cam, quýt. Cho cháu ăn thêm 1-2 cốc sữa chua mỗi ngày. Và nên cho cháu đi khám bác sỹ xem có bị còi xương hay không vì nếu còi xương thì cần phải uống thêm canxi và kẽm nữa vì chỉ uống vitamin D thì chưa đủ.

 

Phạm Thị Thương - thuongjsc@gmail.com:Khi mang thai mà mẹ lên cân quá nhiều thì có ảnh hưởng gì không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Mức lên cân tốt nhất đối với bà mẹ mang thai là từ 9-12 cân. Tuy nhiên, với những bà mẹ có cân nặng trước khi mang thai quá thấp thì có thể tăng 15-20 kg cũng không có vấn đề gì. Nếu em không muốn tăng cân nhiều nữa thì có thể ăn giảm chất ngọt và chất béo đi một chút. Có thời gian thì nên đi bộ mỗi ngày từ 30-60 phút.

 

Đinh Thị Lệ - le20032004@yahoo.com:Năm nay tôi có ý định sinh em bé. Xin hỏi bác sĩ tôi phải bổ sung Axit folic (vitamin B9) như thế nào? Trong bao lâu? Vitamin B9 có những tác dụng gì? Nó có trong những loại thực phẩm nào?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Trước khi mang thai 3 tháng chị có thể bổ xung axit folic cùng với viên sắt với hàm lượng 400 mg axit folic và 60 mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời kỳ mang thai và 1 tháng sau khi sinh. Vitamin B9 hay còn gọi là axit folic có tác dụng tạo máu, ngoài ra nó còn hoàn thiện các đốt sống thần kinh của thai nhi. Nếu thiếu axit folic trong 3 tháng đầu của thai kỳ nhất là tháng đầu tiên thì dễ gây nguy cơ nứt đốt sống hoặc gây thai vô sọ.

Vitamin này có nhiều trong các loại rau xanh: súp lơ, bắp cải, su hào, các loại quả như: táo, lê, nho và trong các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa.

 

Đàm Thanh vân - demen129@yahoo.com:Con cháu bị bệnh viêm da cơ địa (chàm thể tạng), hiện tại đang bú mẹ, vậy cháu có phải kiêng ăn những thức ăn gì để con cháu không bị dị ứng không? Và khi con của cháu ăn dặm thì kiêng ăn những thức ăn gì? Xin cảm ơn cô!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Viêm da cơ địa thường hay gặp ở những trẻ cơ địa bị dị ứng, nhất là dị ứng với thời tiết. Nhưng nếu cháu bú mẹ thì mẹ cũng không phải kiêng khem gì, trừ trường hợp mẹ bị dị ứng với các thực phẩm như tôm, cua, cá thì mới phải kiêng. Khi cháu ăn dặm, nếu cháu không bị dị ứng với các thực phẩm trên thì cũng không phải kiêng. Vì chàm thể tạng chỉ thường gặp khi thay đổi thời tiết như trời chuyển từ nóng sang lạnh.

 

Lê Hà - hale2986703@yahoo.com:Để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng khi mang thai cần ăn những gì? Người tôi rất nóng nên không thể bổ sung bằng viên sắt.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Để chống thiếu máu dinh dưỡng bà mẹ cần ăn đầy đủ chất đạm, sắt, vitamin và các yếu tố vi lượng khác như: kẽm, đồng… Các chất dinh dưỡng này có trong các thức ăn thông thường hàng ngày như: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, các loại rau xanh và quả chín. Nếu chị ăn uống được đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm trên trong bữa ăn hàng ngày thì cũng không cần phải bổ sung viên sắt.

 

tran thi yen - tranyen1979@gmail.com:Tôi đã sinh bé được 5 tháng, nuôi con bằng sữa mẹ nhưng gần đây tôi bị đau khớp, thỉnh thoảng lại hơi nhức ở xương, đi khám bác sĩ bảo bị viêm khớp. Bệnh của tôi có phải do chế độ ăn chưa đầy đủ không? Xin bác sỹ tư vấn giúp.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Viêm khớp thì không phải do chế độ ăn, mà đây là hiện tượng viêm do cơ chế miễn dịch. Còn trường hợp đau nhức ở xương thì có thể đã bị loãng xương hoặc thưa xương do thiếu canxi. Trong thời gian nuôi con bú, nên bổ sung thêm canxi và vitamin D nếu như không uống được sữa hoặc không ăn được nhiều tôm, cua, cá.

 

Hà Linh - linhhathi@gmail.com:Trong 4 tháng đầu thai kỳ tôi phải ăn uống và bổ sung những chất gì? Mong bác sĩ tư vấn

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Không những trong 4 tháng đầu mà trong suốt thời kỳ mang thai chị vẫn cần phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng như: đạm, vitamin, sắt, kẽm, canxi, i ốt…Các chất dinh dưỡng này có trong tất cả các loại thực phẩm ăn hàng ngày: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc vừng…các loại rau xanh và quả chín.

Điều quan trọng là chị phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều hơn thời kỳ chưa mang thai vì phải ăn cho 2 người, đảm bảo đến khi sinh con bà mẹ phải tăng được từ 9 – 12 kg.

 

lê thị hòa - philao51216@yahoo.com:Chào bác sĩ. Cháu muốn biết một số loại nhãn hiệu thuốc tốt cho bà mẹ trước, trong khi mang thai để tăng cường dĩnh dưỡng cho bé. Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu em ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm hàng ngày, tăng cân tốt và khỏe mạnh thì cũng không cần phải uống thuốc. Trường hợp ăn được ít, bà mẹ tăng cân ít hoặc không tăng cân thì mới cần phải bổ sung thêm thuốc. Em có thể uống thêm viên sắt có axit folic, canxi và một số các vitamin khác, ví dụ: obimin, extraboncare, protakecare, v.v...

 

Thu Bình - muahoa@yahoo.com:Trong quá trình mang thai người mẹ cần ăn bao nhiêu quả trứng ngỗng và ăn vào những tháng thứ mấy của thai kỳ thì tốt nhất?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Ăn trứng ngỗng cũng không có gì đặc biệt so với các loại trứng khác, nhiều khi ăn nhiều quá còn gây đầy bụng khó tiêu cho bà mẹ. Vì một quả trứng ngỗng có trọng lượng gấp 4 -5 lần quả trứng gà nên mỗi ngày chỉ nên ăn nửa quả hoặc cách 2 -3 ngày mới nên ăn 1 quả và có thể ăn trong suốt thời kỳ mang thai chứ không cần ăn trong cố định một tháng nào bởi vì đây cũng chỉ là một loại trứng thông thường so với các loại trứng khác.

Còn quan niệm ăn trứng ngỗng để cho con thông minh là không đúng.

 

Nguyen Thanh Hoa - hoasalem157@gmail.com:Chào BS, em năm nay 27 tuổi, em vừa bị sảy thai cách đây 2 tháng. Sau khi chậm kinh em đi siêu âm luôn nhưng vẫn chưa thấy thai trong tử cung. Sau 2 tuần em đi siêu âm lại nhưng vẫn chưa có nên nghi chửa ngoài tử cung, ngay trong ngày siêu âm đó em về và bị ra máu nhiều kèm theo máu cục. Bây giờ em đã có kinh trở lại được 1 tháng và còn mấy ngày nữa là có kinh tháng thứ 2. Sau lần này em muốn có con trở lại luôn. Vậy cho em hỏi như thế em đã có thê có con trở lại chưa? Em thấy mình hoàn toàn khoẻ mạnh và ăn uống điều độ. Em nặng 50kg, cao 1m53, không có tiền sử mắc bệnh gì cả. Hiện nay em uống bổ sung Vitamin E và viên tardyferon B9. Em có cần uống thêm gì không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Việc đã nên có thai hay chưa em nên đi khám và tư vấn bác sĩ sản khoa, nhất là đã bị sảy thai lần trước thì cần phải tìm ra nguyên nhân sảy thai, nếu do nội tiết hoặc do hở eo tử cung thì em cần phải được điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa.
 
Còn về vấn đề dinh dưỡng, cần phải ăn uống đầy đủ các thực phẩm hàng ngày và có thể uống bổ sung thêm vitamin E cũng như vitamin B9 mà em đang dùng hiện tại.

 

tran thi yen - tranyen1979@gmail.com:Tôi đã sinh bé được 5 tháng, nuôi con bằng sữa mẹ nhưng gần đây tôi bị đau khớp, thỉnh thoảng lại hơi nhức ở xương, đi khám bác sĩ bảo bị viêm khớp. Bệnh của tôi có phải do chế độ ăn chưa đầy đủ không? Xin bác sỹ tư vấn giúp.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Viêm khớp thì không phải do chế độ ăn mà đây là hiện tượng viêm do cơ chế miễn dịch. Còn trường hợp đau nhức ở xương thì có thể đã bị loãng xương hoặc thưa xương do thiếu canxi. Trong thời gian nuôi con bú, nên bổ sung thêm canxi và vitamin D nếu như không uống được sữa hoặc không ăn được nhiều tôm, cua, cá.

 

Đàm Thanh vân - demen129@yahoo.com:Con cháu bị bệnh viêm da cơ địa (chàm thể tạng), hiện tại đang bú mẹ, vậy cháu có phải kiêng ăn những thức ăn gì để con cháu không bị dị ứng không? Và khi con của cháu ăn dặm thì kiêng ăn những thức ăn gì? Xin cảm ơn cô!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Viêm da cơ địa thường hay gặp ở những trẻ cơ địa bị dị ứng, nhất là dị ứng với thời tiết. Nhưng nếu cháu bú mẹ thì mẹ cũng không phải kiêng khem gì, trừ trường hợp mẹ bị dị ứng với các thực phẩm như tôm, cua, cá thì mới phải kiêng. Khi cháu ăn dặm, nếu cháu không bị dị ứng với các thực phẩm trên thì cũng không phải kiêng. Vì chàm thể tạng chỉ thường gặp khi thay đổi thời tiết như trời chuyển từ nóng sang lạnh.

 

 

Có một đứa con thông minh, khỏe mạnh là mong muốn của tất cả những bậc làm cha mẹ. Để đạt được điều đó, thì các bà mẹ phải chuẩn bị từ trước khi mang thai, trong mang thai và trong suốt thời gian nuôi con bú.
Từ trước khi có thai khoảng 2-3 tháng, các bà mẹ cần phải ăn uống đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm hàng ngày để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi phát triển sau này: đạm, sắt, kẽm, các vitamin, nhất là axit folic (vitamin B9) rất cần thiết trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Vì nếu thiếu vitamin B9 có thể gây dị tật nứt đốt sống cho thai nhi. Các chất dinh dưỡng trên đảm bảo cho bà mẹ không bị thiếu máu, sẽ tránh được tình trạng sinh ra những đứa trẻ suy dinh dưỡng bào thai, hoặc bà mẹ bị tai biến sản khoa khi sinh đẻ. Để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng trên, các bà mẹ phải ăn đa dạng các loại thức phẩm, không nên kiêng khem quá mức. Tất cả những thực phẩm thông thường mà mọi người ăn được hàng ngày thì các bà mẹ mang thai và nuôi con bú vẫn có thể ăn được.
Trong thời gian mang thai và nuôi con bú, các bà mẹ cần phải ăn nhiều hơn bình thường: tăng thêm 1 bát cơm mỗi bữa, lượng thịt cá trong ngày phải đạt từ 200-300 gam, lượng dầu mỡ: 40gam, 400-500 gam rau xanh và quả chín, 1 quả trứng/ngày. Và tốt nhất nên uống từ 2-3 ly sữa dành cho bà mẹ mang thai và nuôi con bú. Trường hợp không có điều kiện thì có thể uống sữa đậu nành hoặc các loại sữa tươi thông thường cũng được.
Chia sẻ