Khắc phục tình trạng nôn trớ, táo bón ở trẻ dưới 5 tuổi

,
Chia sẻ

Chiều nay (10/3), bác sỹ Lê Thị Hải - Trưởng phòng Dinh dưỡng - Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có buổi tư vấn trực tiếp về tình trạng nôn trớ, táo bón ở trẻ dưới 5 tuổi.

Việc chăm sóc con cái luôn chiếm hết tâm trí các bà mẹ, làm sao để con được ăn đầy đủ và tiêu hóa tốt có lẽ là điều quan trọng nhất trong những năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên có một vài vấn đề thường gặp ở trẻ luôn làm các bà mẹ lo lắng và không biết nguyên nhân cũng như cách xử lý thế nào, đó là hiện tượng nôn trớ và chứng táo bón.
 
Với hiện tượng nôn trớ, trong những tháng đầu tiên sau sinh, nôn trớ có thể là biểu hiện của một vấn đề nào đó liên quan đến ăn uống chẳng hạn như ăn quá no. Sau thời kỳ này, nguyên nhân có thể là do một loại vi rút dạ dày. Đôi khi, dù rất hiếm, nôn trớ ít khi là biểu hiện của một tình trạng viêm nhiễm nào đó ở hệ hô hấp, tiết niệu hay thậm chí là tai.
 
Trẻ em dưới 6 tuổi rất thường gặp những vấn đề về tiêu hóa do hệ vi sinh đường ruột lúc này chưa hoàn chỉnh. Nhưng bé càng lớn mà tình trạng nôn trớ càng nghiêm trọng thì bạn không thể coi thường được.
 
Ngoài nôn trớ, vấn đề táo bón ở trẻ rất phổ biến, nó thường xảy ra do chế độ ăn của trẻ không chứa đủ chất xơ và nước, hoặc có thể do một nhân tố nào đó trong môi trường trẻ đang sống. Táo bón gây đau khi đi cầu, trẻ sợ đi cầu nên chủ động nín giữ phân, khối phân nằm lâu trong ruột càng trở nên to hơn và cứng hơn, gây cảm giác đau hơn cho lần đi cầu kế tiếp. Vòng lẩn quẩn này làm cho chuyện đi cầu trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cả trẻ và cha mẹ. Cần làm gì để trả lại cảm giác thoải mái cho trẻ khi đi cầu?
 
Nhận được nhiều sự quan tâm của các bà mẹ đối với những vấn đề này, aFamily xin chia sẻ và là người bạn đồng hành giúp các bạn nuôi dạy con khỏe. Mời các bạn hãy gửi câu hỏi tại đây để nhận được sự tư vấn và những lời khuyên trực tiếp từ bác sỹ dinh dưỡng Lê Thị Hải - Trưởng phòng khám dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia Hà Nội vào lúc 2h30 ngày hôm nay, thứ 3 (10/3/2009).

 
Ban biên tập aFamily

nguyễn thị chúc - thuchucvn@gmail.com:Con tôi thường có tình trạng trớ sữa sau khi uống. Nhờ bác sỹ tư vấn giúp cách khắc phục? Xin cảm ơn!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Không biết cháu mấy tháng tuổi, nếu dưới 6 tháng thì nôn trớ là tình trạng sinh lý bình thường ở lứa tuổi này, chị chỉ cần chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, đừng cho trẻ uống quá nhiều trong một bữa, có thể tăng số lần uống lên để đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Khi uống sữa xong không nên đặt trẻ nằm ngay mà bế thẳng đứng rồi vuốt nhẹ sau lưng, khi trẻ ợ hơi xong mới đặt nằm. Trong trường hợp vẫn không hết thì có thể mua loại sữa chống nôn trớ cho trẻ như Frisolaccomfor, Duxmex chống nôn trớ. Cũng cần phải cho trẻ đi khám BS xem cháu có bị còi xương hay không vì còi xương cũng là nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ

HỒ HIẾU HẠNH - hanhphat2111@yahoo.com:Con trai tôi được 26 tháng, khi ăn, cháu cứ ho thì bị ói ra hết. Xin bác sỹ cho biết cách khắc phục tình trạng này của bé. Có hôm 2 ngày cháu mới đi cầu, phân bình thường, không bón. Như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe bé không? Xin bác sỹ chỉ dẫn cách ăn uống như thế nào đễ bé không nôn và đi cầu đúng giờ mỗi ngày. Cám ơn bác sỹ!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cứ bị ho là trẻ nôn thì phải đi khám BS để tìm nguyên nhân gây ho ở cháu, thường do bị viêm họng hoặc amidal. Cháu phải được điều trị khỏi bệnh này mới hết nôn được. Còn nếu 2 ngày mới đi đại tiện 1 lần nhưng phân mềm thì không có vấn đề gì, tuy nhiên chị nên tập cho cháu đi ngoài mỗi ngày 1 lần vào một giờ nhất định. Chế độ ăn của cháu bây giờ ngày 4 bữa cơm nát hoặc cháo mì súp, và 500ml sữa/ngày, chị nên cho cháu ăn thêm sữa chua, ăn nhiều quả chín và rau xanh thì tình trạng tiêu hóa sẽ tốt hơn.

 

Nguyen Khoi Nguyen - nguyenthuhienmeo2003@yahoo.com:Cháu được hơn 3 tháng tuổi, đã bị táo bón hơn 1 tháng nay, cứ 2-3 ngày lại phải thụt một lần. Mẹ cháu đã ăn những thức ăn nhuận tràng như khoai lang, uống nước cam, chuối vv... nhưng tình trạng của cháu vẫn không khá lên. Mong bác sỹ cho lời khuyên!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nguyên nhân táo bón của cháu ở lứa tuổi này chủ yếu là do nhu động ruột hoạt động kém, có thể do bị còi xương nên trương lực cơ thành ruột giảm, ngoài ra còn do mất cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột. Hàng ngày nên xoa bụng quanh rốn cho cháu theo chiều kim đồng hồ từ trái qua phải mỗi ngày 3 – 4 lần, mỗi lần 15 phút vào khảng cách giữa 2 bữa ăn. Nếu vẫn không cải thiện được thì cho cháu uống lactomin plus mỗi ngày 1 – 2 gói trong 1 – 2 tuần, uống thêm ceelin giọt (vitamin C) mỗi ngày 10 giọt sau bữa ăn. Nên cho cháu đi khám BS để phát hiện và điều trị bệnh còi xương.

phạm thị hương giang - huonggiangyc@yahoo.com:Con nhà tôi 19 tháng tuổi nhưng ăn vẫn hay bị nôn trớ. Tôi muốn hỏi con tôi có bị làm sao không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Chị cần xem lại chế độ ăn của trẻ: có bắt trẻ ăn nhiều quá không? Có bắt ép trẻ ăn khi cháu không muốn ăn không? Nếu cháu không có biểu hiện gì bất thường và vẫn lên cân đều đặn thì không làm sao cả, chỉ cần cho ăn bớt đi một chút là được.

Nguyễn Đỗ An Nhiên - nhien_an66@yahoo.com:Con tôi nay đuợc 5 tháng rưỡi, nặng 6,7 kg. Xin hỏi bác sĩ có bị suy dinh dưỡng không? Hiện tại cháu bú sữa mẹ, ăn 2 bữa cháo vào buổi sáng và buổi chiều, ăn thêm sữa ngoài khoảng 250 ml nhưng bé không chịu bú bình mà phải đút từng muổng vì vậy bé hay nôn trớ. Da thịt cháu hơi nhão, hay đổ mồ hôi trộm khi ăn nên tôi mua Aquadetrim vitamin D3 cho cháu uông ngày 3 giọt có được không? Sử dụng thường xuyên được không bác sĩ? Hiện tại tôi cũng có một vỉ Vitamin D3 200.000UL nhưng không biết cách sử dụng, nhờ bác sĩ hướng dẫn giùm.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cân nặng hiện tại thì cháu không bị suy dinh dưỡng. Lượng chị cho cháu ăn trong ngày hiện nay như vậy cũng là đủ. Nếu cháu không chịu uống sữa ngoài bằng bú bình chị có thể trộn sữa vào cháo cho cháu cũng được, trộn như vậy trẻ sẽ đỡ bị nôn trớ hơn khi uống sữa không. Ngoài ra, từ 6 tháng có thể cho bé ăn thêm sữa chua. Hay đổ mồ hôi và thịt nhão có khả năng cháu đã bị còi xương. Chị nên tiếp tục cho cháu uống Aquadetrim 4 giọt/ngày trong 3 tuần, sau đó giảm xuống 2 giọt đến hết lọ. Ngoài ra, cho cháu uống thêm canxi và kẽm. Riêng vitamin D3 200.000UL nếu cho cháu uống thì ở lứa tuổi này chỉ uống ½ ống và không cần dùng Aquadetrim nữa.

Huỳnh Thị Mai Khanh - khanhgdtx@yahoo.com.vn:Con trai tôi hiện 28 tháng, nặng 19kg, không hiểu sao thời gian gần đây cháu thường xuyên bị táo bón, mặc dù tôi có cho cháu ăn đu đủ hay thanh long xay với sữa cũng không cải thiện được nhiều.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng hiện tại thì cháu đã bị thừa cân béo phì khá nặng. Tình trạng bị táo bón có thể do cháu ăn ít rau xanh và cho cháu ăn quá nhiều chất đạm. Chị cần phải thay đổi chế độ ăn cho cháu, ăn giảm chất đạm, một ngày chỉ cần 80-100gam thịt nạc hoặc cá tôm, tăng các loại rau xanh: mùng tơi, khoai lang, rau dền, lượng tinh bột cũng cần giảm đi. Mỗi ngày chỉ cần 3 lưng bát cơm hoặc cháo. Nên cho cháu uống khoảng 800 – 1 lít nước/ngày. Tạo điều kiện cho cháu vận động nhiều, vừa là để giảm béo và cũng là chống táo bón.

Nguyễn Thanh Khương - khuongnt@itelecom.vn:Con trai tôi được hơn 3 tuổi, cháu ăn uống đầy đủ dưỡng chất nhưng mỗi lần đi ngoài hay bị chảy máu, mặc dù phân của cháu vẫn bình thường, không có dấu hiệu của táo bón. Vậy nguyên nhân vì sao cháu bị như vậy và cách khắc phục như thế nào?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu cháu không bị táo bón mà đi ngoài bị chảy máu, nhất là máu tươi cuối bãi thì có khả năng cháu bị polip trực tràng. Chị nên cho cháu đi khám BS chuyên khoa ngoại nhi để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Minh - voxuanminh@yahoo.com:Cháu nhà tôi hiện tại 39 tháng tuổi, nặng 15 kg, suy dinh dưỡng thể nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do cháu bị táo bón kinh niêm từ do. Hiện tại cháu đi ngoài khoảng 2-3 ngày một lần, phân rất cứng và khô, thỉnh thoảng có lẫn máu. Xin bác sĩ tư vấn cho chế độ ăn uống và thuốc cho cháu. Xin cảm ơn!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

 
Với cân nặng hiện tại thì cháu cũng chưa bị suy dinh dưỡng, nhưng tình trạng táo bón thì khá nặng. Về chế độ ăn, chị nên cho cháu ăn 4 bữa 1 ngày (cơm, cháo, mỳ, bún, phở), nếu ăn cháo khi nấu chị cho thêm nửa củ khoai lang, cho cháu ăn nhiều các loại rau có tính chất nhuận tràng: mùng tơi, lá khoai lang, rau rền. Chị cho cháu ăn các loại quả chín: đu đủ, chuối tiêu, bưởi, cam, thanh long…

Lượng nước uống một ngày cần khoảng 800 – 1000 ml. Ngoài ra chị có thể cho cháu uống thêm men tiêu hóa vi sinh như: bioacinin 2 gói/ngày trong 2 đến 3 tuần; hoặc cốm biobaby 6 – 8 thìa/ngày cũng với thời gian như trên. Mỗi ngày nên ăn thêm 1 đến 2 cốc sữa chua.

nguyễn Thị Thu Hiền - hiennguyen595@yahoo.com:Hiện tôi đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi , cháu thường bị nôn trớ, xin bác sỹ tư vấn giúp để tôi nuôi cháu được tốt hơn. Mặt khác cháu vẫn ăn uống bình thường nhưng không thấy tăng ký, khi sinh cháu được 3.2kg, hiện nay cháu chỉ được 6.5kg , cho tôi hỏi như vậy là cháu có phát triển bình thường không hay bị thiếu dinh dưỡng?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cháu chỉ hơi bị nhẹ cân một chút chứ chưa bị suy dinh dưỡng, trẻ mới 5 tháng nên nôn trớ sinh lý ở lứa tuổi này vẫn thường hay gặp. Cách tốt nhất là chị nên giảm số lượng ăn trong một bữa và tăng số lần ăn lên, mặt khác chị có thể dùng nước cháo pha sữa cho cháu thì tình trạng nôn trớ cũng sẽ bớt đi, cũng làm cho trẻ tăng cân nhanh hơn. Nếu vẫn bị nôn nhiều chị nên cho cháu đi khám BS để tìm nguyên nhân nôn trớ khác và có hướng điều trị.

Vũ Ngọc Diệp - thehuong3b22004@yahoo.com.au:Xin chào bác sỹ! Tôi có con nhỏ hiện được 4 tháng , sau khi ăn xong cháu rất hay bị trớ, ghê cổ. Bình thường 3 - 4 hôm cháu mới đi đại tiện 1 lần, cháu bú hoàn toàn sữa mẹ, không ăn sữa ngoài. Vậy xin hỏi bác sỹ làm thế nào để con tôi không bị trớ sau khi ăn và cháu có bị táo bón không? Xin cảm ơn bác sỹ!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu cháu bú mẹ hoàn toàn mà 4 ngày mới đi 1 lần thì vẫn được coi là táo bón mặc dù phân không cứng. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn của mẹ thiếu chất xơ. Vì vậy cần phải thay đổi chế độ ăn của mẹ: ăn nhiều rau quả (bưởi, cam, chuối, thanh long) và phải ăn cả múi chứ không vắt nước. Ăn các loại rau có tính chất nhuận tràng như mùng tơi, khoai lang, rau dền,v.v...

Với cháu bé, có thể cho uống thêm men vi sinh: lactominplus mỗi ngày 1-2 gói, trong vòng 1-2 tuần, hoặc cốm bioacimin mỗi ngày 2 gói trong 3 tuần. Có thể uống thêm vitamin C giọt (ceelin) mỗi ngày 10 giọt, chia 2 lần sau bữa ăn.

Để giảm bớt tình trạng nôn trớ ở trẻ thì cho cháu bú mẹ nhiều lần, không nên cho bú no quá. Sau khi bú phải đợi 15 phút sau mới được đặt nằm.

Dương Vân Anh - vananhivhp@yahoo.com.vn:Con trai tôi 9 tháng tuổi, ngày ăn hai bữa bột và 3 bữa sữa + bú mẹ thêm. Gần đây, cháu uống ít nước, mỗi lần ăn xong, cho uống nước cháu khóc ầm lên, không chịu uống hoặc nhổ nước ra. Vì vậy, cháu bị đi ngoài phân to làm rách hậu môn.Xin hỏi có cách nào để cải thiện tình trạng này của cháu không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Như vậy tình trạng táo bón của cháu khá nặng. Trước hết chị cần phải thay đổi chế độ ăn, cho trẻ ăn rau xanh nhiều hơn, nhất là những loại rau có tính chất nhuận tràng: mùng tơi, khoai lang, rau rền, khi nấu bột chị có thể nghiền thêm 3 - 4 thìa cà phê khoai lang vào bát bột của cháu.
 
Không biết hiện tại cháu đang uống loại sữa bột nào nhưng chị có thể thay đổi loại sữa khác, mỗi ngày cho ăn thêm 1 - 2 cốc sữa chua.
 
Cháu không chịu uống nước thì chị có thể cho uống nước cam, nước quýt pha loãng, ăn các loại quả xay như đu đủ, chuối, thanh long. Khi xay chị cho thêm nước để tạo thành dung dịch nước quả cho cháu uống.

Bên cạnh chế độ ăn có thể cho cháu uống thêm một số loại men vi sinh: Biovita, Bioacimin ngày 2 gói hoặc Latomin plus 2 gói/ngày trong vòng 2 -3 tuần.

pham Hieu - hieuph09@yahoo.com.vn:Cháu nhà tôi mỗi khi ăn bột xong, nếu cháu ăn thêm 1 chút là nôn ra ngay, có khi chỉ ho nhẹ là cháu cũng nôn. Có thể giúp tôi khắc phục tình trạng này cho cháu được không? Xin cảm ơn!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cách tốt nhất là không cho ăn thêm một chút nào nữa, thậm chí còn phải ăn giảm đi một chút vì ăn quá no là nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ.

Tong Vu Anh Minh - girlxao@yahoo.com:Con gái tôi hiện đang ở tháng thứ 18. Cháu nặng 10,3 kg, cao 77cm. Ngày cháu bú sữa được khoảng 500ml, 1-2 hũ yaourt, 1 miếng phomai bò cười, ăn 3 bữa cơm nát nhưng rất ít. Như vậy cháu phát triển có bình thường không? Cháu thỉnh thoảng cũng bị táo bón mặc dù uống rất nhiều nước. Xin bác sỹ chỉ cách cho cháu bớt táo bón.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng và chiều cao hiện tại thì cháu chỉ thấp hơn chuẩn 1 chút nhưng cũng chưa bị suy dinh dưỡng. Lượng sữa thì chị cho cháu ăn như vậy là đủ nhưng có 3 bữa cơm nát mà lại ăn ít thì chưa đủ lượng tinh bột trong ngày. Có thể cho cháu ăn thêm cháo, mỳ, bún, phở để đủ 4 bữa. Ngoài việc uống nhiều nước, chị nên cho cháu ăn thêm các loại quả chín: đu đủ, chuối tiêu, thanh long, nước cam, quýt, bưởi (nếu ăn được cả múi thì càng tốt). Nên nấu canh các loại rau mùng tơi, khoai lang, rau dền thái nhỏ để chan cơm cho cháu.

Nguyễn Minh Nguyệt - hnloveforfamily@yahoo.com:Con tôi được hơn 16 tháng, nặng ~11kg, cao ~80cm. Cháu ăn 3 bữa cháo, tổng sữa 1 ngày khoảng hơn 400 ml, ngoài ra cháu ăn bổ sung 1 hộp sữa chua, 1 cốc nước cam. Cháu lên cân chậm, ngày đi tiêu 1 lần có khi 2 ngày 1 lần, phân khô, cứng lúc đầu, lúc sau thì bình thường, phân màu xanh đen. Bữa cháo của cháu đủ 30g thịt, 25-30g rau, 5ml dầu. Không biết như vậy đã được chưa ạ? Trong khi ăn cháu hay bị ọe, có lần thì nôn trớ hết. Nếu có thể bác sỹ cho cháu xin lịch ăn ngủ hợp lý ở độ tuổi này. Cám ơn bác sỹ nhiều!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng chiều cao hiện tại cháu phát triển hoàn toàn bình thường, như vậy chứng tỏ chế độ ăn của cháu đã đủ nhu cầu dinh dưỡng. Nhưng để cải thiện tình trạng táo bón thì khi nấu cháo chị nên cho thêm 1 củ khoai lang/ngày, mỗi bát cháo cho 3 -4 thìa lá rau khoai lang, mùng tơi, rau rền và 10 ml dầu mỡ.

Ở tuổi này thì cháu cần ngủ khoảng 10 – 12 tiếng/ ngày. 10 tiếng vào buổi tối và 2 tiếng vào buổi trưa, tối nên đi ngủ từ 9 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Ngủ dậy cho cháu ăn cháo, cứ cách 4 tiếng thì ăn cháo 1 lần; còn sữa và hoa quả chín thì ăn xen kẽ vào các bữa cháo.

Nguyễn Mạnh Hà - manhhad32@hotmail.com:Bé nhà mình được hơn 1 tháng tuổi, khi ăn xong hay bị trớ nhẹ, vậy có ảnh hưởng gì không. Ban ngày bé hay khóc, có phải bé bị khó chịu trong người không? Có nên đi khám bác sĩ không? Khi bé khóc rốn của bé bị lồi lên, vậy bé có bị sao không? Liệu lớn lên bé có bị lồi rốn không? Một ngày bé ị mấy lần là vừa, bé nhà mình một ngày chỉ ị có 2 lần vậy có phải bé bị táo bón không? Mình xin chân thành cảm ơn và hi vọng sẽ sớm nhận được lời tư vấn!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

 
Cháu mới 1 tháng tuổi mà ăn xong chỉ bị trớ nhẹ một chút thì không sao cả. Cháu khi khóc bị lồi rốn là do bị thoát vị rốn, có thể sau này lớn lên sẽ hết, nhưng bây giờ bạn nên dùng băng gạc quấn rốn cho trẻ. Ở tuổi này, bé có thể ị từ 1- 3 lần/ngày tùy theo cháu ăn sữa mẹ hay sữa ngoài, ăn sữa mẹ thường ị nhiều hơn, cháu đi 2 lần/ngày là bình thường không bị táo bón.

Trần thị Ngọc Ánh - tranngoc_anh8@yahoo.com:Thưa bác sỹ, con gái tôi đã gần 3 tuổi rưỡi. Cháu ăn ngủ tốt, cân nặng 13kg, chiều cao khá lý tưởng. Cháu bị táo bón thường xuyên, tôi đã khắc phục bằng cách cho cháu ăn hoa quả và sữa chua nhưng tình hình không cải thiện được mấy. Xin hỏi bác sỹ làm cách nào để cháu nhà tôi có thể đi toilet dễ dàng không? Và nếu bị táo bón lâu ngày có để lại nguy hiểm gì không? Xin cảm ơn bác sỹ!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng hiện tại thì cháu bị nhẹ cân (thiếu 2 cân). Ngoài việc cho ăn hoa quả và sữa chua, chị cần cho cháu uống thêm nước, mỗi ngày 600-800ml nước, không kể sữa. Ngoài ra, có thể cho cháu uống thêm men tiêu hóa vi sinh: biovita, bioacmin, lactomin theo chỉ dẫn trên hộp thuốc, uống trong vòng 2-3 tuần. Táo bón lâu ngày dẫn đến trẻ sẽ bị sa trực tràng, làm cho trẻ chậm lớn, còi cọc. Cho nên tốt nhất phải điều trị cho cháu càng sớm càng tốt.

Nguyễn Thu Dung - Dungthuthi.nguyen@gmail.com:Bé nhà tôi từ khi được 2,5 tháng cho tới bây giờ đã được 4,5 tháng nhưng không tự đi ị được, tôi toàn phải nặn mật ong để hỗ trợ bé đi ị, kiểm tra thì phân không bị táo. Tôi cũng đã ăn rất nhiều rau nhưng vẫn không cải thiện được tình hình của bé. Xin hỏi bé có bị sao không?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu cháu vẫn lên cân đều đặn thì không sao, chị vẫn cứ tiếp tục hỗ trợ bằng mật ong cho cháu đi ị cũng được vì cũng không độc hại gì. Tuy nhiên cũng không nên làm mãi vì sẽ làm mất phản xạ đi ngoài tự nhiên của trẻ. Chị có thể xoa bụng quanh rốn cho cháu theo chiều kim đồng hồ từ trái qua phải mỗi ngày 3 – 4 lần, mỗi lần 15 phút vào khảng cách giữa 2 bữa ăn.
 
Nếu vẫn không cải thiện được thì cho cháu uống lactomin plus mỗi ngày 1 – 2 gói trong 1 – 2 tuần, uống thêm ceelin giọt (vitamin C) mỗi ngày 10 giọt sau bữa ăn. Nên cho cháu đi khám BS để xem cháu có bị còi xương hay không.

Nguyễn Hằng - buongbinh_83@yahoo.com:Con gái em hiện đang được gần 5 tháng tuổi, nặng 7,5kg, cao 68cm. Mỗi ngày cháu ăn khoảng 500-600ml sữa (cả bú mẹ và sữa pha công thức), mỗi cữ cháu ăn 120ml nhưng mỗi lần ăn xong cháu rất hay bị trớ, có lúc trớ thành vòi, có lúc trớ nước và cặn sữa. Em rất lo lắng không biết bé ăn thế liệu có nhiều quá không hay do bé thiếu vi chất gì gây nên hiện tượng trớ như vậy? Em cũng đã cho bé uống aquadertrim 2giọt/ngày được 3 tuần rồi. Em rất mong được bác sĩ cho em lời khuyên.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng và chiều cao hiện tại, cháu phát triển bình thường. Tuy rằng lượng sữa cháu ăn như vậy chưa đủ nhưng có lẽ do hấp thu tốt nên cháu phát tốt. Nếu ăn 120ml/bữa mà cháu vẫn nôn thì em có thể giảm xuống 100ml hoặc 80 – 90 ml cũng được, rồi tăng số bữa ăn lên, ngoài ra em cũng nên đi khám BS để xem cháu có bị còi xương hay không, vì còi xương cũng là nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ. Bên cạnh đó, có thể cho cháu uống thêm men tiêu hóa như: neopeptin 12 giọt/ngày chia 2 – 3 lần, có thể pha vào sữa trong vòng 1 – 2 tuần. Khi tròn 5 tháng có thể dùng nước cháo xay pha sữa thì tình trạng nôn trớ cũng sẽ bớt đi.

Linh Oanh - lioalina@gmail.com:Chào chị Hải ! Con em được 7 tháng rồi chị a. Cháu đi ngoài bình thường ngày 1 lần, có ngày 2, 3 lần. Mỗi lần đi thành khuôn và cháu có rặn ì ì chị ạ. Như thế có gọi là táo bón ko ạ ? Em cho cháu ăn rau xay cùng với cháo nhưng e thấy phân của cháu vẫn còn lấm chấm như là rau chưa tiêu được, như thế có sao không ạ? Như thế nào là đi sống phân, xin chị cho em biết với. Em cảm ơn chị.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cháu đi ngoài ngày 2- 3 lần thì không gọi là táo bón, còn tình trạng đi ngoài phân lấm tấm rau là có thể do em cho cháu ăn nhiều rau quá. Vì tuổi này cháu chỉ cần mỗi bữa khoảng 1 -2 thìa lá rau xanh xay hoặc băm nhỏ thôi. Còn muốn biết phân cháu có bị sống hay không thì phải làm xét nghiệm cặn dư phân thì mới chẩn đoán được. Nếu cháu nhà em vẫn lên cân đều đặn, không có biểu hiện gì bất thường, vẫn ăn uống ngon miệng thì không có gì phải lo lắng cả.

Nguyễn Thị Tình - thanhmd79@yahoo.com:Cháu mình năm nay tròn 3 tuổi. Lúc 6 tháng bé có bị viêm phổi cấp, sau khi chữa trị thì cháu bị táo bón đến giờ. Bình thường phải 4,5 ngày cháu mới đi ngoài 1 lần. Phân của bé có mùi rất hắc và nặng. Xin chỉ cho mình giải pháp khắc phục, xin cảm ơn!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Sau khi bị viêm phổi do dùng kháng sinh nên cháu bị táo bón là do loạn khuẩn đường ruột. Đến nay 4-5 ngày cháu mới đi ngoài 1 lần là do đại tràng của cháu đã bị giãn to do táo bón lâu ngày. Còn phân có mùi hắc là do chất đạm không tiêu hóa hết, có thể do cháu bị thiếu men tiêu hóa hoặc do ăn quá nhiều chất đạm. Chế độ ăn hàng ngày của cháu nên thay đổi như sau: chất đạm ăn trong ngày chỉ cần khoảng 100-120 gam thịt (cá, tôm), cho cháu ăn tăng rau xanh: mùng tơi, khoai lang, rau dền, ăn các loại quả chín: đu đủ, chuối, thanh long, cam quýt, bưởi ăn cả múi, nước uống trong ngày khoảng 600-700ml, mỗi ngày ăn thêm 2 cốc sữa chua.

nguyen yhi luyen - hai vau10@zing.vn:Cháu nhà tôi 32 tháng nặng 12kg cao 89cm. Hiện cháu đang đi nhà trẻ, buổi sáng cháu dậy 7h ăn một chén cháo rồi đến lớp. Buổi chiều về uống 130ml sữa 18h30' ăn một chén cháo 21h30' uống 130ml sữa và ngủ. Cháu ăn như thế có được không? Cháu rất hay nôn trớ. Có khi ngay từ đầu bữa ăn hoặc ăn hết rồi nôn. Tháng nào cháu cũng bị viêm đường hô hấp và rất hay có đờm. Khi uống thuốc kháng sinh cháu cũng chỉ đỡ 5-10 ngày rồi lại có đờm. Xin hỏi bác sĩ xem có cách nào cho cháu bớt nôn và hết đờm. Xin cảm ơn BS!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

 
Với cân nặng và chiều cao hiện tại thì cháu đang ở tình trạng thiếu cân và thiếu chiều cao. Với chế độ ăn như chị mô tả thì cháu ăn cũng tạm đủ (còn 2 bát cháo chắc là ăn ở lớp), không biết cháu có được uống thêm sữa ở lớp nữa không vì với lượng sữa hiện tại thì mới chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.
 
Tình trạng nôn trớ của cháu có thể do viêm họng (viêm đường hô hấp) nên có đờm gây ho và nôn. Chị cần phải cho cháu đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi để điều trị dứt điểm viêm đường hô hấp thì mới giải quyết được tình trạng nôn cũng như là ho và có nhiều đờm của cháu.

Mặt khác chị cũng cần giữ gìn cho cháu khi thay đổi thời tiết, mặc ấm, không đi chân đất. Cũng có thể cho cháu uống thuốc tăng cường miễn dịch đường hô hấp.

Hoàng Hà - sutramatra@yahoo.com:Bé nhà em được 14 tháng 6 ngày tuổi, bé nặng khoảng 10,5 kg. Hiện tại bé chỉ mới có 4 chiếc răng. Em cho bé đi khám thì được kê 1 ống Vitamin D3 200000UI và 1 lọ thuốc Zedcal cùng 1 lọ Lysinvit. Em muốn hỏi nếu cho bé uống cả Vitamin D3 và Zedcal thì có sợ thừa Vitamin D không vì trong Zedcal cũng có vitamin D. Hiện tại mỗi ngày bé ăn 3 bữa cháo với 30g gạo + 30g đạm + rau cho mỗi bữa và 1 hộp sữa chua vinamilk 100ml cùng với hoa quả và 200ml sữa công thức. Nhưng khoảng 3 tháng gần đây bé bị táo bón và rất lười uống nước. Em đã cho uống Bioacimin nhưng cũng không cải thiện và cứ khoảng 2 - 3 ngày lại phải thụt. Em không biết làm sao để cho bé chịu uống nhiều nước và sữa (em đã thử đổi từ sữa công thức sang sữa tươi nhưng bé cũng không thích). Mong bác sỹ tư vấn giúp.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng hiện tại thì cháu phát triển bình thường, không bị suy dinh dưỡng. Nhưng có thể cháu bị còi xương do mọc ít răng. Đã uống vitamin D3 thì không nên uống Zedcal mà uống canxi cocbie loại 5ml, mỗi ngày 1 ống trong 3 tuần. Em có thể tăng thêm 1 hộp sữa chua nữa cho cháu. Cháu không uống nước lọc thì có thể cho uống nước hoa quả pha loãng hoặc nước rau luộc. Có thể cho uống thêm men vi sinh dạng khác như vio, vita hoặc lactominplus, mỗi ngày 2 gói trong 2-3 tuần. Khi nấu cháo, em nên cho thêm 1 củ khoai lang vào nồi cháo, cho ăn thêm các loại rau xanh như mùng tơi, khoai lang, rau dền. Ăn các quả chín như đu đủ xay, chuối tiêu, thanh long.

kim anh - kimanh4774@yahoo.com:Con trai cháu được 7 tháng 10 ngày, cân nặng 8,7kg, chiều cao 75cm, chưa mọc răng. Mỗi ngày cháu chỉ ăn được khoảng 250ml sữa, 2 bữa bột mặn, 1 bữa bột ngọt pha cùng sữa. Mỗi ngày ăn 1 cốc sữa chua phomai hoặc váng sữa. Hoa quả có hôm ăn hôm không. Cho cháu được hỏi, chế độ ăn như vậy có ít quá không? Làm thế nào để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé khi mà cháu không chịu ăn sữa. Hàng ngày cháu cho bé ăn bột nấu với rau củ quả, thịt nhưng mà cháu vẫn bị táo (cũng nhẹ thôi). Vậy phải chữa như thế nào? Cháu định cho bé ăn thêm trứng, tôm, cá nhưng không biết tuổi của cháu đã được ăn chưa. Xin bác sỹ tư vấn giúp. Cháu xin chân thành cảm ơn.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng và chiều cao hiện tại thì cháu phát triển khá tốt, đặc biệt là chiều cao. Chế độ ăn của cháu thì chỉ thiếu sữa thôi còn lượng bột như vậy là đủ. Em có thể trộn thêm sữa bột vào hai bữa bột mặn nữa cũng được và phải cho cháu ăn hoa quả thường xuyên, nhất là những loại quả có tính chất nhuận tràng như đu đủ, chuối tiêu, thanh long, nước cam quýt, bưởi.

Ở lứa tuổi này cháu đã có thể ăn tất cả các loại thức ăn như người lớn (cá, thịt, tôm, trứng…)

Tran Ngoc Nam Long - phamasinh@yahoo.com:Con trai em được 5,5 tháng. Cháu đã ăn bột, uống nước hoa quả nhưng 3-4 ngày mới đi ị một lần. Khi đi ị phân mềm. Như vậy có phải cháu bị táo bón không? Xin tư vấn cho em cách khắc phục?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Mới hơn 5 tháng tuổi mà 3-4 ngày mới đi 1 lần thì vẫn coi là bị táo bón dù phân có mềm. Nguyên nhân có thể là do nhu động ruột của cháu kém hoạt động. Em nên cho cháu đi khám xem có bị còi xương không vì còi xương cũng làm cho nhu động ruột giảm. Còn hiện tại nên khắc phục bằng cách xoa bụng cho cháu xung quanh rốn theo chiều kim đồng hồ từ trái qua phải vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Mỗi ngày làm 3-4 lần, mỗi lần 15 phút. Có thể nghiền thêm bột khoai lang để nấu bột cho cháu. Cho cháu ăn thêm đu đủ xay, chuối xay.

Duong Thu Hien - cunmecuncon@yahoo.com.vn:Con gái tôi đến 16/4/2009 cháu được tròn 3 tuổi, cháu cân nặng 17 kg, cao 96 cm, xin hỏi như vậy có bị coi là béo phì và thấp không ạ. Cháu thường xuyên bị táo bón, ngày cháu ăn 2 bữa hoa quả, sáng nước cam, chiều ăn chuối hoặc ăn sữa chua và uống nước rất nhiều. Ngoài ra khi ăn cháo tối cũng có ăn thêm cả rau xanh nhưng cháu vẫn bị táo, thường 2 ngày mới đi một lần và mỗi lần đi cháu đều khóc. Cũng vì đau nên giờ cháu rất sợ đi ngoài. Xin hỏi tôi phải làm gì để cải thiện được cho cháu khỏi bị táo bón. Xin chân thành cảm ơn bác sỹ!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

 
 
Với cân nặng hiện tại thì cháu đang bị thừa cân, còn chiều cao thì bình thường. Để cải thiện tình trạng táo bón của cháu thì chị nên cho cháu ăn quả chín như đu đủ, chuối tiêu, thanh long, ăn cam bưởi cả múi chứ không vắt nước.
 
Nếu cháu vẫn còn ăn cháo thì nên cho thêm khoai lang vào nấu cháo, ăn thêm các loại rau xanh có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, rau rền, mùng tơi.
 
Ngoài ra có thể cho uống thêm các loại men vi sinh: bioacimin, biovita, lactomin plus mỗi ngày 2 – 4 gói trong vòng 2 – 3 tuần.

Nguyen Thanh Huong - huongfdvn@yahoo.com:Con gái tôi 4 tuổi, thường xuyên bị táo bón dẫn đến ăn uống bị hấp thu kém, hay nôn trớ. Xin hỏi bác sỹ có cách nào giúp cháu tiêu hóa tốt hơn? Cháu rất nhẹ, chỉ nặng có 13 kg.

Bác sỹ Lê Thị Hải:Chỉ vì bị táo bón và nôn trớ cháu mới hay bị nhẹ cân. Nôn trớ ở lứa tuổi này thường gặp là do bị ép ăn khi trẻ không muốn ăn. Để khắc phục tình trạng táo bón chị cần cho cháu tăng cường ăn rau, quả có tính chất nhuận tràng: khoai lang, mồng tơi, chuối, đu đủ, cam , bưởi… Ngoài ra có thể cho cháu uống thêm men tiêu hóa vi sinh như: bio acimin, hoặc biovita, lactomin 1 – 2 gói/ngày, uống thêm men pepsin 2v/ngày. Uống nước 700 – 800ml/ngày, mỗi ngày ăn 2 cốc sữa chua.

Pham Thi Lan Huong - lanhuongpham@hotmail.com:Con em được 1 tháng tuổi, bé bú sữa ngoài và sau khi bú bé thường hay ọc sữa ra ngoài, nhìn vào thấy vẫn còn sữa trong họng, không chịu nuốt hết. Xin hỏi bác sỹ làm cách nào để khắc phục?

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Cháu mới được 1 tháng tuổi thì nôn trớ là chuyện bình thường, miễn sao cháu vẫn lên cân đều và không có những biểu hiện bất thường như: sốt cao, co giật, li bì quấy khóc, bỏ bú là được. Bây giờ em nên cho cháu ăn giảm đi một chút, chia nhỏ nhiều bữa hơn. Ăn xong không nên đặt trẻ nằm ngay mà phải bế vác thẳng đứng lên rồi vuốt nhẹ sau lưng, khi trẻ đã ợ hơi mới đặt nằm, mà nên nghiêng về 1 bên để trách bị sặc khi trớ. Đến khoảng 5 – 6 tháng tình trạng nôn trớ này sẽ hết.

trần thị thanh thủy - thuyttt198229@yahoo.com.vn:Cháu trai của em 33 tháng, cao 96cm, nặng 15.5kg. Cháu đã đi học mẫu giáo, những ngày cháu ở nhà thì thấy cháu đi phân cứng có vẻ như là bị táo bón, mỗi ngày ở trường em có gởi cho cháu uống 1 trái cam, ở nhà thì cháu cũng chịu khó uống nước trái cây. Mọi người bảo có thể do cháu uống sữa nhiều chất quá nên gây ra táo bón, như vậy có đúng không thưa bác sĩ? Cháu đang uống sữa Gain Advance IQ.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Về cân nặng và chiều cao như vậy cháu phát triển quá tốt, còn vượt cả tiêu chuẩn bình thường. Ngoài uống nước cam em nên cho cháu ăn thêm nhiều rau xanh: mồng tơi, lá khoai lang, và uống nước đủ khoảng 600 – 800ml/ngày. Đúng là nếu uống nhiều sữa Gain cũng hay gây táo thật, nếu có thể em thử chuyển xang sữa khác hoặc chuyển uống sữa tươi cũng được vì cháu đã gần 3 tuổi và tình trạng dinh dưỡng tốt, nên cho ăn thêm sữa chua 1 – 2 cốc/ngày.

Hoàng Thị Ngọc Hân - Đoàn Hiếu 15/10/2005:Con trai tôi gần 4 tuổi. Cháu thường xuyên bị táo bón, cứ một tuần cháu mới đi được một lần. Mỗi lần đi là cháu khóc và kêu đau bụng. Dần dần cháu sợ đi ị, hay đi ra một góc và không nói gì và trông rất sợ. Xin hỏi bác sỹ có cách nào để cháu đi vệ sinh được dễ dàng hơn không? Tôi rất lo....

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Trước hết, cần thay đổi chế độ ăn cho phù hợp: ăn chất đạm vừa phải (chỉ khoảng 120-150 gam thịt, cá, tôm/ngày), các bữa ăn tăng cường rau xanh cho cháu, nên chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như khoai lang, mùng tơi, rau dền; tăng ăn các loại quả chín như đu đủ, chuối, thanh long, cam quýt bưởi ăn cả múi. Cho cháu uống nhiều nước, mỗi ngày 800-1000ml, có thể uống nước rau luộc hoặc nước quả tươi. Cho cháu ăn thêm khoai lang luộc, hoặc rán. Nếu vẫn chưa cải thiện được có thể ép nước khoai lang sống cho cháu uống, mỗi ngày 100-200ml nước khoai lang nguyên chất. Cho cháu uống thêm thuốc nhuận tràng: duphalac loại 15ml, mỗi ngày 1 gói, chia 2 lần trong vòng 1 tuần. Uống thêm các loại men vi sinh: biovita, bioacimin, lactomin, babyta, v.v... mỗi ngày 2-4 gói.

Đỗ thu Hằng - lamattrang@yahoo.com:Chào bác sĩ. Con nhà cháu được 15,5 tháng, là bé gái. Cháu được 10kg, cao khoảng 80 cm, cháu rất hay bị nôn trớ. Mọi người trong nhà cứ nói là tại vì cho bé ăn nhiều quá. Bé rất lười ăn, các bữa ăn của bé đều phải dỗ dành, có lúc phải cho xem đĩa ca nhạc mới chịu ăn. Hiện tại cháu đang cho bé uống Kiddi để kích thích ăn uống. Mỗi ngày cháu cho bé ăn 3 bát cháo và 2 bữa sữa( mỗi bữa khoảng 210ml). Ngoài ra chau còn ăn thêm hoa quả, sữa chua nữa. Xin hỏi bác sĩ là cháu ăn như thế có phải là nhiều không mà cháu lại hay trớ như vậy. Mà đêm thì cháu ngủ không ngon, một đêm phải dậy 4 hoặc 5 lần để đòi ti mẹ. Sữa mẹ thì gần như là không còn nữa nên cháu đang định cai sữa cho bé.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng và chiều cao hiện tại, cháu phát triển bình thường. Số lượng thức ăn trong ngày như vậy cũng không nhiều nhưng lượng ăn mỗi bữa thì lại nhiều, nhất là sữa. Em nên chia nhỏ bữa ăn (4 bữa cháo, 3 bữa sữa) thì cháu sẽ đỡ bị nôn hơn vì ăn nhiều quá một lúc thì cháu sẽ bị nôn. Em nên cho cháu đi khám bác sĩ xem cháu có bị còi xương không, vì còi xương cũng là nguyên nhân gây nôn trớ và ngủ không ngon giấc.

Khánh Ly - lytk@sib.com.vn:Xin chào bác sỹ. Cháu nhà tôi hiện nay được 3,5 tuổi, 13kg. Từ bé tới giờ bé thường xuyên bị táo bón, thông thường khoảng 2 ngày đi cầu 1 lần và thường xuyên bị chảy máu và đồng thời bị trớ khi dặn ị. Việc ăn uống thì tôi cố gắng đổi các loại sữa bột, và cho cháu uống đều ngày 1 quả cam, sữa chua. Thực sự gia đình rất lo lắng vì 3,5 tuổi mà bé chỉ nặng có 13kg, phải chăng do hệ tiêu hoá của bé kém mà ảnh hưởng tới cân nặng? Về sức khoẻ và trí não thì bé phát triển bình thường như các bé cùng trang lứa. Rất mong bác sỹ tư vấn cách điều trị. Xin cảm ơn bác sỹ.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

 
Đúng là với cân nặng hiện tại thì cháu đạng bị thiếu 2 cân. Nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa của cháu không được tốt. Trước hết, cần điều trị táo bón cho cháu bằng chế độ ăn: ăn nhiều rau, giảm chất đạm, uống nhiều nước. Cho cháu ăn cam, quýt, bưởi cả múi. Tăng lượng sữa chua lên 2-3 cốc/ngày. Cho cháu uống thêm các loại men vi sinh.

Nguyễn Thị Thuận - thuan_acc@yahoo.com:Con em nay được 26 tháng nhưng chỉ nặng 11kg, như vậy có bị suy dinh dưỡng không thưa bác sĩ? Cháu thường hay bị nôn sau khi ăn, làm thế nào để hết nôn nữa? cháu ăn ngày 3 lần, mỗi lần khoảng nửa bát cơm và uống khoảng 500ml sữa mỗi ngày, xin bác sĩ cho biết chế độ ăn như thế là đủ chưa? Rất mong nhận được tư vấn của bác sĩ. Xin cám ơn

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng hiện tại, cháu chỉ bị nhẹ cân chứ chưa bị suy dinh dưỡng. Tình trạng nôn sau khi ăn có thể do cháu bị ép ăn khi không muốn ăn nữa hoặc có thể là do các nguyên nhân khác như viêm họng, amidan…Em cần cho cháu đi khám bác sĩ để xem cháu có bị mắc các bệnh đó không, còn với chế độ ăn hiện tại thì lượng sữa đã đủ nhưng có 3 nửa bát cơm/ngày thì chưa đủ, em nên cho cháu ăn thêm 1 – 2 bát cháo (hoặc súp, mỳ, bún, phở) để thay đổi bữa ăn cho cháu.

Pham Hong Phuong - nhphuong2000vn@yahoo.com:Con trai tôi hiện 4 tuổi nhưng chỉ nặng gần 14kg. Cháu rất hay bị nôn trớ vào buổi đêm khi đang nằm ngủ hoặc khi đang ăn. Thỉnh thoảng cháu hay bị đầy bụng khó tiêu, đi ngoài phân chua và nát, ợ hơi và nấc. Hiện cháu mỗi ngày ăn 3 bữa cháo + 400ml sữa + hoa quả + sữa chua. Rất mong bác sỹ chỉ dẫn giúp làm sao để khắc phục tình trạng này.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Với cân nặng hiện tại thì cháu đang thiếu 2kg nhưng cũng chưa bị suy dinh dưỡng. Tình trạng nôn trớ, đầy bụng và ợ hơi có khả năng cháu bị viêm dạ dày. Em nên cho cháu đi khám bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa để soi dạ dày chuẩn đoán xác định. Trước mắt, có thể cho cháu uống thêm các loại men tiêu hóa enzim: neopeptin loại 60ml (dạng siro), mỗi ngày 1 thìa cafe sau khi ăn hoặc men pepsin loại 250mg mỗi ngày 2 viên chia 2 lần trước bữa ăn. Cho cháu uống thêm các loại men vi sinh như biovita, bioacimin, lactomin mỗi ngày 2 gói trong vòng 2-3 tuần.

Trương Ngọc Bích - truongngocbich84:Thưa bác sỹ! Con tôi được gần 16 tháng, khi ăn cháu hay bị oẹ (doạ trớ) tôi phải cho cháu uống nước khi ăn; nhưng tôi có đọc được thông tin là không nên cho trẻ vừa ăn vừa uống nước, tôi xin hỏi làm cách nào để con tôi không bị oẹ khi ăn? Và tôi xin hỏi nhu cầu về nước, chất xơ, sữa của trẻ ở độ tuổi này bao nhiêu là đủ?!

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Khi cho ăn, trẻ vẫn có thể vừa ăn vừa uống được, kể cả uống nước quả. Để cháu ăn ngon miệng không bị ọe thì chị nên thay đổi cách chế biến thức ăn, xay nhỏ, nhuyễn và nấu loãng hơn bình thường một chút. Không ép trẻ khi cháu không muốn ăn.

Nhu cầu về nước ở lứa tuổi này là 300 – 400 ml/ngày không kể sữa. Chất xơ cần ăn khoảng 100 gr rau/ngày. Sữa là 500 ml/ngày nếu không có sữa mẹ.

Thái Hà - thaiha27@yahoo.com:Bé nhà tôi được 19 tháng, từ lúc chuyển sang ăn dặm (5 tháng) tới nay cháu thường xuyên bị táo bón (3-7 ngày mới đi 1 lần). Tôi đã áp dụng các biện pháp ăn uống đồ dễ tiêu (khoai lang, chuối, nước cam, mồng tơi...), uống nhiều nước và xoa bụng theo chiều khung đại tràng vào giờ nhất định, uống cả men tiêu hoá bio acimin... nhưng vẫn không cải thiện tình hình là mấy. Tôi e ngại bé có thể bị phình đại tràng hoặc đại tràng dài nhưng chưa đi khám cho bé được, một phần vì thấy chụp x-quang có hại cho bé, nghe nói bị cái này phải phẫu thuật mà cháu còn quá nhỏ. Mong bác sỹ cho lời khuyên.

Bác sỹ Lê Thị Hải:

Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà cháu vẫn bị táo bón thì khả năng đúng là cháu bị hội chứng ruột dài hoặc phình to đại tràng mắc phải do táo bón lâu ngày. Hiện nay những bệnh này người ta không điều trị bằng phẫu thuật nữa mà chỉ áp dụng chế độ ăn. Nếu trên 3 ngày cháu không đi ngoài thì chị phải thụt, tháo cho cháu chứ không nên để phân tích trữ lâu ngày. Chị có thể cho cháu uống thêm thuốc nhuận tràng: duphalac loại 15ml mỗi ngày 1 gói, chia 2 lần, các loại men vi sinh có thể tăng liều đến 4 gói/ngày, sữa chua có thể ăn từ 2-3 cốc/ngày và nên cho cháu ăn tất cả những loại cả chín và cam, quýt, bưởi thì ăn cả múi. Và tập cho cháu đi ngoài vào 1 giờ nhất định trong ngày để tạo nên phản xạ có điều kiện đi ngoài theo giờ nhất định.

Nguyễn Thị Hồng - hong271076@yahoo.com:Xin chào bác sĩ, con gái tôi lúc sinh 2.9 kg, đến 12 tháng cháu được 9kg, cao 72cm. Cháu ăn thỉnh thoảng hay nôn trớ, có thể tôi đã cho cháu ăn nhiều. Hiện tại thóp cháu còn rộng, thỉnh thoảng lắc đầu, răng đã mọc được 6 cái, đã biết đi được 2 bứôc, và con gái tôi thỉnh thoảng có đi ngoài phân sống. Vậy xin bác sĩ hãy cho tôi biết, con gái tôi phát triển bình thường không? Xin chỉ dẫn chế độ ăn cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Xin trân trọng cám ơn

Bác sỹ Lê Thị Hải:

 
Với số đo về thể lực như vậy thì cân nặng của cháu là bình thường nhưng chiều cao hơi thấp (thiếu 2 cm). Tất cả những dấu hiệu chị kể chứng tỏ cháu đang bị còi xương, và còi xương chính là tình trạng gây nôn trớ ở trẻ, chị nên cho cháu đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Còn chế độ ăn từ 1 tuổi trở lên thì mỗi ngày cháu cần ăn 4 bát cháo (mỗi bữa 25 – 30 gr gạo, 30 gr thịt cá hoặc tôm, 2 thìa dầu mỡ ~ 10ml, 2 đến 3 thìa lá rau xanh). Cháu vẫn cần tiếp tục được bú mẹ, nếu mẹ không có sữa thì cần 500 ml sữa ngoài.

Chia sẻ