Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp:

Zookeeper: mối quan hệ đầy thú vị giữa người và thú

Bulu,
Chia sẻ

Người và vật nuôi dường như có thể tâm sự, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống vốn dĩ đầy những áp lực.

Những con thú biết nói tiếng người, biết đi đứng hay suy nghĩ như con người đã không còn là những đề tài xa lạ và thu hút khán giả nhiều như khi lần đầu nó xuất hiện trên màn ảnh. Thế nhưng kiểu giả tưởng thế này chưa bao giờ là cũ và nhàm bởi dường như chúng ta chưa bao giờ thôi dành sự quan tâm của mình cho các loài động vật bởi chúng là những người bạn trung thành của con người. Người và vật nuôi dường như có thể tâm sự, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống vốn dĩ đầy những áp lực.

Chuyện phim dí dỏm, không mới nhưng thú vị

Đúng như tựa đề phim, Zookeeper kể về câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của anh chàng trông nom vườn thú Griffin Keyes (Kevin James) khi mải miết chạy theo một hình bóng mình thầm thương trộm nhớ suốt nhiều năm trời. Ngay từ lúc mở đầu, khán giả dường như đã biết trước kết cuộc của phim, bởi mô-tuýp xây dựng câu chuyện và kết cấu tình tiết không có gì lạ của một phim tình cảm hài kiểu Mỹ. Điều thú vị ở đây lại chính là những “chiêu thức” chinh phục người yêu từ lời khuyên của các “quân sư quạt mo” trong… sở thú.


Thường thấy nhất ở những thể loại phim giả tưởng kiểu này là các con thú được nhân cách hóa từ cử chỉ, giọng nói đến cả cách suy nghĩ. Nhưng ở Zookeeper thì những nhân vật được nhân cách hóa này vẫn giữ nguyên cái chất thuần túy của mình trong lối suy nghĩ và những cái “tỏ tình” theo đúng kiểu hoang dã nhất. Đây chính là khía cạnh gây cười độc đáo nhất của phim mà nhà sản xuất đã rất tinh tế để phát hiện và biến hóa thành một câu chuyện hài hước trên màn ảnh vốn dĩ gần đây đã đầy rẫy những anh hùng, quái vật, người ngoài hành tinh hay những màn bạo lực đầy… máu. Đó là tướng đi bệ vệ và tiếng gào thét âm ĩ của gấu để khẳng định mình mạnh mẽ; là kiểu khẳng định “địa bàn” bằng nước thải của sói… Nhưng trên hết vẫn là những chỉ dẫn từ con tim, bởi chỉ có những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim mà thôi.

Những chi tiết gây cười gượng ép

Chọn Kevin James vào vai chính cũng không nằm ngoài mục đích gây cười thú vị cho khán giả. Với thân hình vốn dĩ đã “thừa cân” của mình, có thể nói Kevin đã khá tròn vai khi hóa thân thành một Griffin ục ịch, hậu đậu nhưng giàu tình thương và rất chân thành. Trong những phim hài kiểu Mỹ, người ta luôn thấy xuất hiện một nhân vật béo tròn, có khi là nhân vật chính, có khi chỉ là nhân vật phụ, nhưng họ luôn là người tạo nên những tình tiết gây cười khó đỡ nhất mà đa phần nguyên nhân xuất phát từ thân hình quá khổ ấy.

Có thể điểm sơ qua vài phim như The Nutty Professor, Big Momma House, Hot Fuzz, Get Him To The Greek… đến ngay cả những nhân vật hoạt hình cũng được khai thác triệt để hình tượng này (và dĩ nhiên là cũng thành công) như Kung Fu Panda, Despicipal Me, Chicken Little, Alvin & the Chipmunks, The Smurfs… Quay trở về với Zookeeper, những tình tiết gây cười do Griffin gây ra cũng chẳng có gì là mới mẻ, bay qua một rãnh ngăn cách và lọt thỏm xuống phía dưới, đu dây kiểu những diễn viên xiếc thì té xuống và kéo theo một chuỗi những “hậu quả của sự đổ bể”…


Điểm thú vị của phim là giữ lại chất “hoang dã” trong suy nghĩ của những con thú trong tập quán sinh hoạt, không bị suy nghĩ của con người chi phối tưởng chừng như thú vị nhưng lại gây ra những chi tiết cười-không-nổi hơi thiếu tế nhị. Nhưng nói đi cũng phải nói lại; thứ nhất, đó là những suy nghĩ của các con vật; thứ nhì, đây là phim hài kiểu Mỹ (thường khá là thiếu tế nhị, chỉ nhằm cốt yếu gây cười), có thể sẽ khiến khán giả một số nước có văn hóa kín đáo hơn, như Việt Nam chẳng hạn, thấy ngại. Có lẽ không một ai ngoài Griffin dám áp dụng những “tuyệt chiêu” đó trong thực tế vì không thể mang những suy nghĩ của một con thú mà đặt vào hành động của một con người, thật lố bịch. Nhưng chúng ta đang xét trên phim, và Griffin đã thành công, thành công không phải trong công cuộc chinh phục bạn gái, mà thành công ở mục đích chọc cười cho những khán giả.

Sự xuất hiện của một con vượn người, được biện minh là do một người hóa trang để tập kịch, giữa thành phố nhộn nhịp, trong một quán rượu đầy người không hề làm cho mọi người xung quanh cảm thấy hoảng hốt, sợ hãi và bỏ chạy thì quả thật là… chỉ có trên phim hài. Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ bộ phim King Kong (của đạo diễn Peter Jackson năm 2005) từng rất thành công? Trong phim cũng có một chú vượn người phải lòng một cô gái, rồi thì vì tình yêu đó mà bị con người truy sát. Vậy mà chú vượn người thật trong Zookeeper, được “giới thiệu” là do người hóa trang, lại có thể “giả” đến nỗi khiến người ta không thể nhận ra và cùng hát hò, nhảy múa và uống rượu trong quán… Hay cũng chẳng ai bất ngờ khi chính chú vượn người ấy đùng 1 cái rớt xuống đầu xe taxi ở phân đoạn kẹt xe trên cầu cuối phim, mà trước đó là sự rơi tự do của chàng béo Griffin trước đầu xe cũng chẳng làm cho thiên hạ để ý. Người Mỹ vô tư đến vậy sao?

Những thông điệp nhân văn

Vần đề về thiên nhiên và môi trường gần đây dường như đã trở thành vấn đề toàn cầu. Ngày càng có nhiều hơn những chiến dịch, những thông điệp khuyên con người phải bảo vệ môi trường, bảo vệ những con vật trên trái đất để góp phần cân bằng hệ sinh thái toàn cầu. Và với Zookeeper cũng thế, thông điệp này được lồng ghép nhẹ nhàng qua lời tâm sự của chú vượn người Bernie về cuộc sống, về ước muốn được nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm và tận hưởng thế giới bên ngoài khu bảo tồn, về những đối xử tồi tệ và ác độc của người nuôi thú (Shane/Donnie Wahlberg). Thông điệp của phim muốn nhắc nhở với chúng ta rằng những con thú cũng có suy nghĩ, cũng biết yêu thương, hờn giận và căm ghét với cuộc sống và con người. Vì thế, nếu muốn chúng trở thành những người bạn thật sự, trước hết hãy sống chân thành, đối đãi với chúng bằng sự chân thành và quan tâm như những người bạn dành cho nhau, bạn sẽ nhận lại được sự thương mến như thế.

Công việc của Griffin và những người bạn của anh đang làm trong khu bảo tồn động vật cũng chính là thông điệp cao cả tiếp theo mà phim muốn mang đến cho khán giả, sau những tiếng cười sảng khoái, đó là hãy nâng niu và bảo vệ môi trường sống, bảo tồn những giá trị tuyệt vời mà thiên nhiên mang ban tặng cho con người. Cảnh cuối cùng khi Griffin và Bernie cùng nhìn ngắm thành phố trên một đồi cao cũng chính là hình ảnh mong ước trong tương lai của con người về một thế giới hòa bình, hiện đại và thật trong lành. Con người và thiên nhiên sẽ sống hòa thuận với nhau vì một trái đất xanh.

Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp

Bạn yêu điện ảnh, bạn thích bình luận về phim, hay chỉ đơn giản là bạn chỉ thích ngồi nhà xem phim truyền hình. Hãy chia sẻ với Afamily.vn những cảm xúc của bạn về tất cả các bộ phim mà bạn đã từng xem. Chúng tôi luôn đón nhận tất cả những bài viết đánh giá cũng như bình luận phim của mọi độc giả qua chuyên mục mới "Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp".

Với mỗi bài viết đánh giá, bình luận, chia sẻ cảm xúc được chọn đăng, độc giả sẽ nhận được một cặp vé xem phim 2D hoặc cặp vé xem phim trong suất chiếu đặc biệt ngày ra mắt các phim mới tại Việt Nam.

Lưu ý:

- Mỗi bài viết hợp lệ được chọn đăng có độ dài từ 600 - 1000 chữ. Thư tham gia gửi về mục Phim Ảnh (email: phimanh@afamily.vn, mọi thắc mắc về chương trình các bạn cũng gửi trực tiếp qua email này) các bạn cần đề rõ: Tham gia "Bình Phim Hay - Nhận Vé Đẹp". Trong thư, các bạn vui lòng đề rõ tên họ đầy đủ, số điện thoại liên lạc cũng như địa chỉ liên hệ để chúng tôi gửi vé khi bài viết được đăng.
- Chương trình áp dụng trên phạm vi cả nước. Tại Hà Nội và TP HCM, chúng tôi sẽ tặng vé. Các tỉnh thành khác, chúng tôi sẽ gửi nhuận bút về theo địa chỉ các bạn đã gửi về chúng tôi.


Chia sẻ