Top 10 bộ phim khiến các tín đồ thời trang "điên đảo" (phần 1)

Thu Thủy,
Chia sẻ

Có những bộ phim đã cách đây hàng nửa thế kỷ, nhưng sức nóng của nó vẫn lan tỏa hàng ngày hàng giờ trong cộng đồng các tín đồ của thời trang trên toàn cầu...

1.Breakfast at Tiffany’s (1961)


Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên, kể về cô gái Holly (Audrey Hepburn) xinh đẹp miền quê Texas lên New York với mong muốn kiếm một tấm chồng giàu có và hòa nhập vào xã hội thượng lưu. Một ngày kia nhà văn trẻ và nghèo khó tên là Paul Varjak xuất hiện và Holly dần nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Phong cách thời trang của Audrey Hepburn trong  "Breakfast at Tiffany’s " đã mê hoặc cả thế giới

Phim giành được 5 đề cử Oscar và đoạt 2 giải cho nhạc phim và ca khúc phim hay nhất. Cùng với bộ phim này, hình tượng Audrey Hepburn đã đi vào lịch sử điện ảnh cũng như thời trang thế giới bởi phong cách cổ điển, đơn giản mà tinh tế, nhẹ nhàng mà gợi cảm của bà. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng "Breakfast at Tiffany’s " cùng phong cách thời trang Audrey Hepburn vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều nhà thiết kế cùng với hàng triệu các tín đồ thời trang trên thế giới.

Những ngôi sao khắp các châu lục đều mê mệt phong cách thời trang của Audrey Hepburn trong "Breakfast at Tiffany’s ":

Paris Hilton

Anne Hathaway

Kelly Brook

Huỳnh Dịch

Khánh Thy

2.Bonnie & Clyde (1967)

Bonnie and Clyde là một bộ phim hình sự năm 1967 xoay quanh câu chuyện về Bonnie Parker và Clyde Barrow, một băng cướp huyền thoại thời Đại khủng hoảng. Bộ phim được xem như mốc đánh dấu kỉ nguyên phim Hollywood hiện đại, phá vỡ nhiều chuẩn mực và trở nên thịnh hành trong giới trẻ. Bonnie and Clyde đã thực sự thúc đẩy các nhà làm phim chú tâm khai thác nhiều hơn về tình dục và bạo lực hiện đại. Bên cạnh đó, phim còn tạo một cơn sốt trong giới thời trang đương đại và suốt trong nhiều năm sau nữa. 



Bonnie and Clyde đã khiến các tín đồ thời trang "điên đảo" bởi sự phá cách và sáng tạo trong phong cách của Faye Dunaway

Phong cách thời trang của nhân vật Bonnie (do Faye Dunaway thủ vai) đã khiến những cô gái trẻ của thập niên 60 "chết mê chết mệt", đồng thời gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế trong nhiều thập kỷ. Với Bonnie and Clyde, Faye Dunaway đã trở thành biểu tượng đi tiên phong cho cách mix đồ phá cách, với những phụ kiện đầy quyến rũ. Điểm nhấn đặc biệt trong phong cách của Faye là những chiếc khăn quàng cổ và mũ bêrê làm tôn lên nét rực rỡ của mái tóc vàng óng ả.



Bonnie and Clyde và đã gợi cảm hứng cho nhiều bộ ảnh thời trang của các nhà thiết kế nổi tiếng

3.Annie Hall (1977)

Annie Hall là cuộc hành trình lãng mạn của nhà hài kịch tâm thần Alvy Singer cùng cô bạn gái Annie Hall (cũng tâm thần không kém). Bộ phim lần theo tiến trình phát triển của mối quan hệ từ buổi đầu gặp mặt, và trở thành tư liệu lịch sử thú vị về tình yêu đôi lứa những năm 70. Annie Hall được các nhà phê bình đánh giá rất cao. Bộ phim đứng thứ 31 trong danh sách 100 phim Mỹ hay nhất trong 100 năm, vượt xa các tác phẩm khác như Forrest Gump, Amadeus, Goodfellas, Patton… Phim cũng giành được 4 giải Oscar bao gồm cả giải phim xuất sắc nhất.




Phong cách thời trang đầy cá tính của Dianne Keaton trong "Annie Hall"

Phong cách thời trang của nhân vật Annie Hall do Dianne Keaton thủ vai không chỉ được đánh giá cao ở thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước mà còn được ngưỡng mộ cho đến ngày hôm nay. Trong phim, khán giả nhiều lần bắt gặp Dianne Keaton trong trang phục với phong cách khá nam tính nhưng vẫn không mất đi vẻ quyến rũ. Các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang cho rằng, để ứng dụng phong cách của Dianne trong thời điểm hiện tại, thì ngoài việc biết cách biến tấu những trang phục đậm chất nam tính kết hợp với phụ kiện nữ tính, thì yếu tố tự tin cũng đóng vai trò quyết định diện mạo xinh đẹp của bạn.


Nhiều bộ sưu tập thời trang quốc tế được gợi cảm hứng từ Annie Hall

4.The Talented Mr. Ripley (1999)

Bộ phim kể về Tom Ripley (Matt Damon), một gã vô tích sự đang sống vất vưởng ở New York thì được Herbert, chủ một hãng đóng tàu lớn, thuê tới Italy để thuyết phục cậu con quý tử Dickie của ông trở về Mỹ. Được nuông chiều từ nhỏ, Dickie chẳng thích kinh doanh mà chỉ lo chơi bời hưởng thụ và phiêu du khắp nơi. Herbert muốn con trai về New York để chuẩn bị cho việc điều hành công việc kinh doanh của công ty. Phim kể về cuộc hành trình của Tom Ripley đến Italy để tìm Dickie. Không những tìm thấy, Tom còn sát hại Dickie để mạo danh chàng công tử. 


The Talented Mr. Ripley được chị em "săn lùng" chỉ bởi phong cách thời trang của Gwyneth Paltrow

The Talented Mr. Ripley được đánh giá chỉ bằng một từ "đẹp": Từ diễn viên, phông nền cho tới trang phục. Đặc biệt, hình ảnh của kiều nữ Hollywood Gwyneth Paltrow trong bộ phim này khiến người xem không thể rời mắt. Trang phục của Gwyneth là biểu tượng của sự đơn giản và nữ tính, với hơi hướng cổ điển, và đặc biệt, là nó giúp người xem cảm nhận được sự thoải mái của người khoác lên mình những bộ trang phục ấy trong mọi nơi, mọi lúc.

Các website về thời trang hướng dẫn cách mix đồ theo phong cách Gwyneth Paltrow trong phim

5.Almost Famous (2000)

Ở thời điểm Almost Famous được công chiếu, nhiều nhà phê bình đánh giá rằng, đã lâu lắm rồi kể từ sau The Doors của đạo diễn Oliver Stone, một tác phẩm điện ảnh xoay quanh chủ đề âm nhạc mới được đánh giá cao như Almost Famous. Phim kể về chàng thanh niên William Miller (Patrick Fugit) với niềm đam mê nhạc rock đến cuồng nhiệt. Nhờ sự giúp đỡ của Penny Lane (Kate Hudson), một thành viên của nhóm nhạc Stillwater, William đã thực hiện được niềm đam mê của mình khi bước chân vào thế giới của rock. 




Phong cách tươi mới và đầy phóng khoáng của Kate Hudson trong phim

Ngoài việc nhận được những đánh giá tích cực về phần âm nhạc và diễn xuất, Almost Famous còn trở nên tỏa sáng bởi sự xuất hiện của cô đào Kate Hudson trong vai Penny Lane. Cùng với Almost Famous, Kate đã dựng nên một biểu tượng thời trang đầy phóng khoáng, tươi mới và tự do, giống y như thứ âm nhạc mà cô theo đuổi trong bộ phim này.


Những bức ảnh thời trang gợi cảm hứng từ phong cách của Kate Hudson trong "Almost Famous"

Chia sẻ