Những tranh cãi đáng tiếc của "Bố ơi Mình đi đâu thế?"

Thủy Linh,
Chia sẻ

Là một trong những chương trình được yêu thích nhất hiện nay, nhưng "Bố ơi mình đi đâu thế?" vẫn không tránh khỏi những "hạt sạn" không đáng có.

Bố ơi mình đi đâu thế? hiện đang là chương trình truyền hình thực tế "hot" nhất hiện nay. Có thể nói, so với nhiều chương trình truyền hình khác, Bố ơi! mang nhiều ý nghĩa nhân văn và ít xảy ra scandal ồn ào. Tuy nhiên, do format mới mẻ cộng thêm tính chất thực tế nên chương trình vẫn tồn tại một số hạt sạn và tranh cãi không đáng có. 
 
Mục tiêu của Bố ơi mình đi đâu thế? Chính là tạo ra một không gian sống mới để các bé học hỏi được nhiều điều qua những thử thách khó khăn. Vì thế, các bé được lựa chọn đều là "con cưng" trong gia đình, và chưa từng phải trải qua cuộc sống thiếu thốn vật chất.

Dù vậy, nhiệm vụ chương trình đôi lúc lại ở mức độ quá khó so với lứa tuổi của các bé. Ví như nhiệm vụ bắt lợn, đây thực sự là thử thách quá tầm tay với các bé bởi trên thực tế, người lớn cũng khó có thể bắt được những chú lợn như vậy.

 
Nhiệm vụ bắt lợn khiến Bi béo khóc thét
 
Hoặc mới đây nhất như nhiệm vụ khám phá Hà Nội cổ. Hầu hết khán giả đều bất ngờ trước câu hỏi: "Phố nào tên gọi có hai chữ A?", song đáp án sau đó của chương trình lại là: Mã Mây. Cách đặt câu hỏi và câu trả lời của chương trình không hề logic. Đối với một câu hỏi lắt léo đến khó hiểu như vậy, người lớn cũng phải "bó tay" huống chi là các bé mới lên 6,7 tuổi.
 
Bố con Xuân Bắc bất lực trước câu đố
 
Hay như cuộc hành trình của các gia đình trên đảo hoang, nhiều khán giả đã bày tỏ bức xúc cho rằng chương trình đang quá "nặng tay" với các cặp bố con khi để họ phải sống trong điều kiện thiếu thốn, dãi nắng dầm mưa như vậy.

Nhờ nội dung hấp dẫn, những thiếu sót về cách tổ chức của Bố ơi mình đi đâu thế? đã được khỏa lấp một cách đáng kể. Thế nhưng, nếu để ý kỹ, người xem sẽ phát hiện ra những trò chơi mà chương trình đặt ra đôi lúc không hợp lý. Ví dụ trong tập ra đảo hoang, nhiều quy tắc trò chơi quá rườm rà và phức tạp đến mức chính các bố cũng không thể giải thích nổi. Sự phức tạp của các quy định trên đảo thậm chí đã khiến nghệ sĩ Xuân Bắc tỏ ra bức xúc và thể hiện tư tưởng có phần "chống đối".
 
Quy luật quá khó hiểu của đảo Kim Cương khiến các ông bố cũng phải chật vật
 
Ngoài ra, lời khẩn cầu Thần linh dành cho các bé cũng rất khó đọc và khó nhớ, trong khi đó có 2 bé không biết đọc, 2 bé thì bập bẹ nhận mặt chữ. Phản ứng của Thần linh cũng không nhất quán, dẫn đến tình trạng các bố con rơi vào tình huống phải "đoán mò" vì không hiểu mình sai ở đâu. 
 
Bố ơi
Các bé "khốn khổ" mỗi lần cầu xin Thần linh
 
Ngay cả phần hình phạt của Bố ơi mình đi đâu thế? cũng gây nên tranh cãi không đáng có. Trong hành trình với trải nghiệm ở đảo Kim Cương, luật chơi được đưa ra là cặp bố con nào thua trong phần thi "Vòng xoay kim cương" sẽ phải xuống một chiếc hố gọi là "Hố Tự Kỷ", và chịu sự trêu chọc của các gia đình khác. Tuy nhiên, điều này lại gây bức xúc cho Hiệp hội người tự kỷ.

Theo Hiệp hội này, chương trình không nên mang hình ảnh "Hố Tự Kỷ" ra như một trò đùa khi hiện nay có hàng vạn phụ huynh có con em tự kỷ. Họ cảm thấy rất đau lòng khi hình ảnh này được đưa ra làm trò chơi, được mang ra sử dụng để làm "hình phạt" cho đội chơi nào chơi kém hơn.
 
Hình phạt "Hố Tự kỷ" gây tranh cãi
 
Là một trong những chương trình được yêu thích nhất hiện nay, Bố ơi mình đi đâu thế? đã mang lại tiếng cười cho rất nhiều khán giả. Mặc dù còn một vài hạn chế, nhưng không thể phủ nhận đây là một trong số ít những chương trình đề cao tính nhân văn, mang lại những bài học giáo dục tốt và là món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả vào trưa thứ Bảy hàng tuần.
Chia sẻ