Những hạt sạn "to đùng" của các gameshow truyền hình

Theo VietNamNet,
Chia sẻ

Các chương trình như Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt nhí… gần đây, hầu như vòng liveshow nào cũng có vài lần bị “chết” sân khấu.

“Chết” chương trình

Những hạt sạn

“Chết” chương trình là từ dân trong nghề thường dùng để nói về việc chương trình bị trống trong một khoảng thời gian khi đang lên sóng trực tiếp trên truyền hình. Ở nước ngoài, đây được xem là một việc không được cho phép và khiến khán giả khó chấp nhận. Một chương trình lên sóng trực tiếp trước hàng triệu khán giả phải luôn được lấp đầy nội dung liên tục, việc để trống sân khấu dù chỉ là một vài giây cũng đồng nghĩa với việc không tôn trọng người xem.

Thế nhưng ở Việt Nam, việc để “chết” chương trình thường xuyên diễn ra, không chỉ riêng mảng truyền hình thực tế mà cả những chương trình lớn khác. Các chương trình như Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt nhí… gần đây, hầu như vòng liveshow nào cũng có vài lần bị “chết” sân khấu, mỗi lần khoảng vài giây hoặc lâu hơn nhưng không nhiều khán giả nhận ra hay phàn nàn về vấn đề này.

Chất lượng âm thanh

Những hạt sạn

Câu chuyện về chất lượng âm thanh thực sự là một chuyện cũ nói mãi. Không ít người sau khi đi xem trực tiếp một chương trình mới bổ ngửa trước sự cách biệt quá xa giữa âm thanh “sống” và chất lượng âm thanh trên màn ảnh nhỏ. Nữ ca sĩ Cẩm Ly từng kêu trời trước chất lượng âm thanh “tệ như thời kỳ đồ đá” và “hễ nghe trực tiếp là chắc rằng giảm đi 90/100 chất lượng âm thanh live trong trường quay” của đài đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tiết mục của học trò của cô và các bé khác trong đêm liveshow. Dẫn chứng cho phát ngôn của mình, nữ HLV đã đăng tải một clip fancam (được một khán giả quay lại bằng điện thoại) khiến người xem phải gật gù “nghe khác hẳn” so với phần thi của Thiện Nhân trên truyền hình.

Chưa kể, phần trình diễn của Thiện Nhân lên sóng trực tiếp do gặp trục trặc từ phía kỹ thuật mà “tiếng một đằng, hình một nẻo” khiến cô bé vướng phải nghi án hát nhép. Nếu Cẩm Ly không vội vàng tìm clip fancam minh oan cho trò cưng, nghi án này sẽ ảnh hưởng không ít đến hình tượng và chiến thắng của Thiện Nhân. Trong đêm thi bán kết, một lần nữa, vì micro trục trặc không ra tiếng, Giọng hát Việt nhí suýt dính tiếp nghi án dàn xếp kết quả. Và HLV Cẩm Ly lại phải đăng đàn thanh minh với khán giả cho sự hiểu lầm không đáng có này.

Mic không bắt tiếng, mic không vang, âm không trong, âm quá to, bị rè, nhiễu… là những sự cố âm thanh thường gặp. Khi âm thanh bị trục trặc, nếu không phải là một ca sĩ có thực lực, có kinh nghiệm, bản lĩnh sân khấu nhất định sẽ khó có thể hoàn thành được tiết mục bởi âm thanh là yếu tố cốt lõi của phần trình diễn.

Ngay cả một diva sở hữu giọng hát đẹp như Mỹ Linh cũng chỉ miễn cưỡng hát trọn vẹn ca khúc Lời yêu thương trong đêm chung kết Gương mặt thân quen 2014 với phần âm thanh không mấy lọt tai; và chính hệ thống âm thanh tệ hại đã góp phần đưa tiết mục liền sau của Cao Hữu Thiên vào hàng thảm họa “giết người không cần vũ khí”. Với chất lượng âm thanh tệ hại, cộng với một số ca sĩ trẻ hiện nay không đi lên bằng chính thực lực, khả năng ca hát, nên việc họ chuộng hát nhép, hát đè trong các show diễn là điều dễ hiểu.

Sự cố sụp sân khấu

Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2 tuy đã khép lại nhưng sự cố hy hữu sụp sân khấu sẽ còn là bài học cho chính ban tổ chức lẫn các nhà sản xuất chương trình khác. Sự cố sân khấu làm bằng kính cường lực bị vỡ đột ngột khiến hai bé vũ công và nhân viên quay phim bị sụp xuống và xây xát làm dư luận không khỏi băn khoăn. Một là, BTC đưa ra lời giải thích chưa thỏa đáng. Hai là, khán giả cảm thấy chưa hài lòng về thái độ, phát ngôn và hành động của BTC sau khi sự cố xảy ra.

Những hạt sạn

Tuy không xảy ra thiệt hại đáng kể nhưng vụ việc vẫn khiến nhiều người trăn trở về công tác an toàn cho những thí sinh tham gia thi và biểu diễn, về thái độ cẩu thả, lỏng lẻo trong công tác tổ chức các show thực tế hiện nay theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Đặc biệt, khi các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh… ngày một nhiều nhưng liệu có một phương án “bảo hiểm” nào cho những sự cố như vụ sập sân khấu hay không, câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Chia sẻ