Mỹ Uyên: Từng ám ảnh với việc lấy chồng

,
Chia sẻ

Không phải là một ngôi sao rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật nhưng cái tên Mỹ Uyên thường bảo chứng cho những vai khó diễn, phức tạp, đòi hỏi sự thể hiện tinh tế.

Không có nhan sắc thuộc hàng đào đẹp như hoa hậu hoặc người mẫu, song Mỹ Uyên vẫn chứng tỏ được sự quyến rũ đặc biệt qua những vai cao sang quyền quý. Dù trên sân khấu hay phim trường, chị cũng đều cuốn hút người xem vào sự phong phú đa dạng của những vai diễn.
 
 
- Chị có khả năng đóng được nhiều vai, từ nghèo tới giàu, từ hiền đến ác, và từ trẻ tới già, nhưng dường như con đường đưa chị đến vị trí vững vàng như ngày nay rất… dài?
 
- Không những dài mà còn rất chông gai. Tôi lớn lên từ phong trào văn nghệ của tỉnh Tây Ninh. Trước khi đến với điện ảnh, tôi đã từng nằm trong Top 10 người mẫu của chương trình thời trang Người VN dùng hàng VN (1990). Năm sau, tôi đứng thứ 7 cuộc thi Diễn viên triển vọng điện ảnh TP.HCM trước khi thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM bây giờ). Ngay từ năm thứ nhất tôi bắt đầu tham gia kịch truyền hình, đóng quảng cáo…
 
Nhưng trời không đãi ngộ mãi một ai, những năm sau đó, sân khấu xuống dốc, phim đìu hiu như chợ chiều, để có thể bám trụ lại đất Sài Gòn, tôi đã làm đủ thứ việc, nào tấu hài, biểu diễn thời trang, minh họa clip ca nhạc…, trước khi được đạo diễn - NSUT Trần Minh ngọc đưa về sân khấu nhỏ 5B và gắn bó ở đó cho đến nay.

- Đó có phải là lý do khiến sau này chị bỏ tiền đầu tư vài vở diễn cho 5B (Sống thử , 270gr, Nếu như yêu…) hay vì muốn được chọn vai như ý?

- Có lẽ cả hai đều đúng. Cùng góp công sức vào một vở kịch hay cho một sân khấu mà mình đã chia sẻ biết bao thăng trầm trong suốt thời gian dài, được thoải mái nhận vai phù hợp với mình, tôi nghĩ, đó là một hạnh phúc của mỗi nghệ sĩ. Và rất may những vở tôi đầu tư đều ăn khách.
 

- Một “má mì” Ba có hận đàn ông, trả thù đời vì chịu nhiều đắng cay và từng bị tình phụ trong nợ đời, một cô xã đội cứng cỏi trong Sống trong sợ hãi, một bà Xuân xinh đẹp, nhân hậu, giỏi giang nhưng cuộc đời nặng mang uẩn khúc trong Bò cạp tím, và gần đây là chị Phúc có đứa em bị tội tử hình và một tuổi thơ dữ dội trong Câu chuyện Pháp đình… là những vai mà hầu như các đạo diễn đều ưu tiên chọn chị. Có dễ dàng cho chị khi hóa thân vào những nhân vật đầy bi kịch  này không?

- Tôi được đào tạo chính quy, nhưng chủ yếu, chính những sóng gió trong đời tôi đã giúp tôi dễ dàng hòa lẫn vào các vai diễn của mình. Tuổi thơ tôi không ngọt ngào êm ái như nhiều đứa trẻ khác. Mới tí tuổi đầu tôi đã phải chứng kiến sự kiện ly tan của gia đình, khi cha tôi theo người đàn bà khác, bỏ mẹ con tôi… Tôi đã phải ngơ ngác đến đau lòng nhìn mẹ sống âm thầm mòn mỏi cho đến lúc lìa đời.
 
Từ Tây Ninh một mình lên Sài Gòn lập nghiệp, tôi cũng từng dẫm trên gai nhọn mới hái được cành hồng như ngày nay… Ngần ấy những buồn tủi mà tôi chịu đựng từ nhỏ đến giờ là chất xúc tác hữu hiệu nhất cho tôi nhập vai: như với vai Phúc trong phim Câu chuyện Pháp đình, tôi đã khóc rất nhiều.

- Vai diễn này hẳn đã để lại dấu ấn trong lòng chị?

- Được làm việc với một đạo diễn giỏi như anh Tường Phương và được một vai diễn hay đã giúp tôi lột tả được những gì sâu sắc nhất của nhân vật Phúc. Chị em Phúc có một tuổi thơ còn khủng khiếp hơn chị em tôi, đến nỗi cả hai chị em Phúc- Nhân đều bị lạc nhau một thời gian dài, khi gặp lại cũng là lúc em trai Phúc bị đẩy vào vòng tù tội, rồi bị tử hình. Chưa kịp vui sum họp thì người chị đã đành phải bất lực, cắn răng nhìn em mình vĩnh viễn ra đi.
 
Có những đoạn thoại rất dài toàn những từ văn học, rất khó thuộc, mà tôi phải hết sức tập trung vì đạo diễn không cho nhắc tuồng. Những cảnh tại tòa án, Phúc thấy em mình mặt mày bắt đầu lở loét vì bị AIDS, ruột đau như cắt, từ trong, tôi chạy ra cho máy quay cận lấy nước mắt. Quần chúng xem rất đông.
 
Để chuẩn bị cho đoạn này, tôi không dám nhìn quanh hoặc nói chuyện với ai để tập trung cảm xúc cao độ cũng như những cảnh quay trong quán cà phê, nhiều tạp âm và nhiều người kéo lại xem, chỉ cần phâm tâm một chút sẽ bị mất cảm xúc ngay.
 

- Có phải vì mải mê theo đuổi nghệ thuật mà chị chưa chịu lên xe hoa như bao đồng nghiệp cùng lứa?

- Thật tình, trước đây tôi rất sợ lấy chồng, luôn bị ám ảnh bởi những gì ba tôi đã đối xử với mẹ con tôi. Đôi lần tình có như không, càng làm tôi mất niềm tin vào tình yêu. Sau này, nhờ mỗi ngày tập Yoga, mà dần dần, tâm tôi đã “tĩnh” đi rất nhiều. Nhân sinh quan của tôi cũng thay đổi.
 
Rồi qua những chuyến đi thực tế tại Tiền Giang và Nha Trang với chương trình Ngôi nhà mơ ước, tận mắt thấy nhiều người quá khổ, chỉ có tấm bạt rách che mưa nắng, người bị mất sức lao động, bị bệnh… mỗi ngày vất vả mà chỉ kiếm được vài ngàn đồng lo cho cả gia đình; hoặc những bà mẹ liệt sĩ, con cái không còn, tuổi già sức yếu mà ngày nào cũng phải leo cây, hái dừa mướn, gánh bán xa hàng cây số mà vẫn vui vẻ sống, khiến tôi vừa xót xa vừa khâm phục.Và nhờ thế, tôi không còn có cái nhìn u ám về tình yêu nữa. Nhưng việc gì đến sẽ đến, tôi thanh thản đợi chờ.

Theo Điện ảnh

Chia sẻ